Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 23/02/2021 18:23 (GMT+7)

Người luôn khát vọng đưa nền y học nước nhà lên tầm cao mới

Nhắc đến GS.Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức có lẽ đội ngũ y, bác sỹ đang công tác trên mọi miền Tổ quốc đều biết tới và dành một tình cảm nể trọng, kính phục với ông. Và đặc biệt, với những cống hiến to lớn của mình, năm 2020, GS.TS Trần Bình Giang vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Được biết tới không chỉ là người tiên phong đưa phẫu thuật nội soi từ nước ngoài về Việt Nam, hay “bàn tay vàng” trong ngành ngoại khoa, “cha đẻ” của nhiều kỹ thuật khó, giáo sư của biết bao thế hệ học trò, người đã nối tiếp truyền thống vinh quang, đưa BV Hữu nghị Việt Đức lên một tầm cao mới, GS. Trần Bình Giang còn là người “nghiện” công việc.

GS.BS.Trần Bình Giang

Ám ảnh những nỗi đau

Trong căn phòng làm việc khá khiêm tốn, được sắp xếp khoa học, ngăn nắp nơi cuối hành lang tầng 2 của toà nhà hành chính, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức chầm chậm hồi tưởng lại quá trình làm việc hơn 30 năm từ khi còn là sinh viên trẻ mới ra trường, bước chân vào cánh cổng BV Hữu nghị Việt Đức làm bác sỹ nội trú, tại số 40 Tràng Thi, tới nay giữ cương vị Giám đốc BV.

Theo lời kể của GS. Trần Bình Giang, tuổi thơ của ông trôi qua vừa êm đềm nhưng cũng nhiều lo lắng bên dòng sông Luộc, tỉnh Thái Bình. Khi ấy, khác với những bạn bè cùng trang lứa vô tư chơi đùa, suốt quãng thời gian niên thiếu của mình, Trần Bình Giang luôn ám ảnh với nỗi đau mất người thân. Bản thân ông từ bé cũng là người hay ốm đau và sợ hãi mỗi lần phải đến tiêm tại trạm xá quê nhà.

Cảm nhận rõ ràng sự khắc nghiệt của cuộc sống, sự bất lực của con người trước bệnh tật, vậy nên, dù vốn là chàng trai có năng khiếu văn chương, đã từng tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, nhưng cậu thanh niên miền quê nghèo ấy lại quyết tâm thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội với suy nghĩ giản đơn đây là một nghề có thể cứu người, giúp họ giảm bớt nỗi đau thể xác và sinh ly tử biệt.

Vốn học giỏi lại say mê nghiên cứu nên những năm học Đại học Y Hà Nội, Trần Bình Giang đều lọt vào top đầu và là một trong số ít sinh viên được nhận học bổng. Ông cũng là một trong 3 sinh viên của trường được dự Đại hội sinh viên xuất sắc các trường đại học toàn quốc lần đầu tiên năm 1983.

Hai người Thầy lớn

Tôn sư trọng đạo” là nét đẹp văn hoá ngàn đời nay của dân tộc ta và trong câu chuyện với GS.Trần Bình Giang phóng viên càng cảm nhận rõ hơn điều này.

GS. Trần Bình Giang kể, từ khi bước chân vào nghề y, ông đã gặp được rất nhiều người thầy nổi tiếng- những người đã đào tạo, bồi dưỡng cậu sinh viên nghèo ngày nào trở thành một GS lớn trong ngành Y thời điểm hiện tại.

Song có lẽ người GS. Giang đặc biệt biết ơn- người đã giúp ông phát triển kỹ thuật phẫu thuật nội soi tại Việt Nam- người ông luôn nhắc tới với lòng biết sơn, sự kính trọng bội phần là GS. Nguyễn Dương Quang, Giám đốc BV và GS. Vũ Mạnh, Phó phòng Y vụ, BV Hữu nghị Việt Đức thời điểm ấy.

Thời điểm bác sĩ Trần Bình Giang học xong ở Pháp, trở lại BV Hữu nghị Việt Đức làm việc, ông có một khát khao cháy bỏng là triển khai kỹ phẫu thuật nội soi để điều trị cho bệnh nhân bởi thực tế đã minh chứng những lợi ích mà kỹ thuật này mang tới cho người bệnh.

Tuy nhiên, BV khi ấy cơ sở vật chất, điều kiện phòng mổ, dụng cụ kỹ thuật hầu như không đáp ứng được. Lực bất tòng tâm, khi đó chàng bác sỹ trẻ đã giãi bày tâm sự bản thân với GS. Vũ Mạnh, Phó phòng Y vụ của BV.

Nghe ý tưởng của bác sỹ Giang khi ấy, GS. Vũ Mạnh đã suy nghĩ một hồi và chợt lóe lên một chút hi vọng khi ông được biết BV đang có một khoản tiền lớn do Nhà nước cấp để mua sắm xe công phục vụ cho công việc của GS. Nguyễn Dương Quang, Giám đốc BV, bởi chiếc xe mà vị GS. Quang đang sử dụng là từ thời GS. Tôn Thất Tùng (cố Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức thời kỳ trước) đã quá cũ.

Mang chút hi vọng mong manh hai thầy trò cũng tới gặp GS. Nguyễn Dương Quang trình bày. Người thầy lớn của y học Việt Nam lập tức đồng ý với câu nói giản dị: Tôi thì cần gì xe ô tô. Các anh cứ lấy số tiền đó, rồi BV bù thêm nữa vào mà mua máy phẫu thuật nội soi.

“Niềm vui khi đó như vỡ oà. Mọi thứ tưởng chừng như bế tắc, phút chốc lại trở nên tươi sáng. Nếu không có sự sẵn lòng hy sinh quyền lợi của người thầy khi đó, không biết bao giờ kỹ thuật phẫu thuật nội soi mới được phát triển, mang lại lợi ích cho người bệnh hiện nay”, GS. Giang xúc động cho hay.

Dù thành công bước đầu trong việc thuyết phục các thầy tại BV triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi song khó khăn lớn mà bác sỹ trẻ Trần Bình Giang gặp phải khi đó là sự chưa tin tưởng của phần đông giới chuyên gia và người bệnh.

Rất nhiều ý kiến khi đó cho rằng việc mổ mở đã khó, việc mổ nội soi tầm nhìn bị hạn chế, nguy hiểm càng bội phần. Tuy nhiên, với ca mổ đầu tiên thành công, GS. Giang đã minh chứng ông đã đúng và yên tâm với con đường đã lựa chọn dù còn nhiều chông gai.

Bản thân GS. Tôn Thất Bách đã 2 lần giao cho bác sỹ trẻ Trần Bình Giang mổ nội soi cho bố vợ và cậu ruột của mình như một cách để khẳng định người thầy lớn của ngành Y ủng hộ phẫu thuật nội soi.

GS Trần Bình Giang tham gia một ca mổ tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)

Ba ca mổ không thể nào quên

Trong suốt quãng thời gian hơn 30 năm làm việc trong ngành phẫu thuật ngoại khoa, GS. Giang đã gặp phải hàng nghìn ca mổ khó, phức tạp, căng thẳng song có lẽ 3 ca mổ mà cả đời ông nhớ mãi và không thể quên được đó là 3 trường hợp tưởng sẽ trở thành “người thiên cổ” song đến thời điểm hiện tại vẫn sống rất mạnh khoẻ.

Trường hợp đầu tiên là một nữ bệnh nhân ở Hải Dương, phát hiện mắc ung thư đại trực tràng khi vừa mới sinh con. Chứng kiến cảnh bà mẹ trẻ đau đớn bội phần sắp phải chia lìa con thơ vì bạo bệnh, GS. Giang đã không cầm được nước mắt và quyết tâm bằng mọi giá phải cứu được tính mạng của người mẹ trẻ.

Trong y khoa, phẫu thuật ung thư đại trực tràng là kỹ thuật khó, đòi hỏi người bác sỹ phải nghiên cứu kỹ về ca bệnh, đồng thời tiến hành các thao tác thật chuẩn xác để tế bào ung thư không di căn sang vị trí khác.

Sau nhiều đêm trăn trở, lo lắng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, cuộc mổ cũng diễn ra với nhiều hồi hộp, âu lo. Bên ngoài phòng mổ là ánh mắt lo lắng, sợ hãi của người thân bệnh nhân, bên trong phòng mổ là những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán của GS. Giang và đồng nghiệp.

Với ca phẫu thuật có độ khó cao, chỉ cần có một sai sót nhỏ, tính mạng của bệnh nhân sẽ khó giữ, do vậy ông cùng đồng nghiệp đã thận trọng hết sức trong từng đường mổ. Cuối cùng sau nhiều giờ cân não, cuộc mổ đã thành công, đưa người mẹ trẻ tránh xa lưỡi hái tử thần.

Đến nay sau nhiều năm, người phụ nữ từng khóc ngất đi vì đau đớn vẫn sống mạnh khoẻ, em bé ngày nào phải đối diện với nỗi đau mất mẹ giờ đã đi du học bên trời Tây, hứa hẹn một tương lai tươi sáng.

Nhắc tới ca mổ đặc biệt thứ hai của mình, GS. Giang xúc động cho hay, đây thực sự là cuộc đại phẫu lớn mà trong cuộc đời làm nghề của mình ông đã trải qua.

Theo đó, khi tới BV tính mạng bệnh nhân “ngàn cân treo sợi tóc”, yêu cầu các bác sỹ phải thực hiện ngay việc cắt khối tá tuỵ.

Nói tới việc cắt khối tá tụy có lẽ nhiều người ngoài ngành Y sẽ có cảm nghĩ ban đầu đây là một kỹ thuật bình thường song những người trong ngành Y thì hiểu rõ đây là một phẫu thuật đòi hỏi kỹ năng và tính chuyên nghiệp rất cao do phức tạp và khó thực hiện.

Ngay lập tức ê -kip phẫu thuật do GS. Trần Bình Giang chỉ huy đã tiến hành hàng loạt các kỹ thuật khó một cách nhịp nhàng và cẩn trọng. Đầu tiên là phẫu thuật cắt bỏ đầu tụy, một đoạn thấp của ống mật chủ, túi mật, tá tràng và cắt bỏ một phần của dạ dày. Sau khi thực hiện cắt bỏ, các cấu trúc nối giữa ruột với tụy và ống mật được phục hồi để dịch tiêu hóa được tiết trở lại vào ruột.

“Đến nay, sau hơn 20 năm, cứ đến ngày Thầy thuốc Việt Nam, 27/2, tôi lại được gặp người bệnh nhân năm nào với nụ cười rạng rỡ cùng một bó hoa tươi trên tay”, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức kể lại với niềm hạnh phúc.

Kể về ca mổ thứ ba- ca mổ khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ phẫu thuật nội soi thế giới, GS. Giang cho hay đó là ca mổ nội soi thực hiện ở bệnh nhân u tuyến thượng thận.

Tình trạng của bệnh nhân khi đó khá nguy kịch khi huyết áp tăng lên tới 200-300, thuốc hạ huyết áp hầu như không có tác dụng. Cuộc mổ diễn ra khá căng thẳng, song với việc áp dụng thành thạo các kỹ thuật nội soi được đào tạo bài bản từ nước ngoài, vị bác sỹ trẻ Trần Bình Giang đã khép lại ca mổ với thành công ngoài mong đợi.

Chuyện sẽ khép lại tốt đẹp nếu như trong một lần đi khám ở cơ sở y tế khác bệnh nhân không nhận được câu phán “xanh rờn” là trong người có dị vật do bác sỹ mổ “để quên”.

Hoảng loạn, bệnh nhân tức tốc gọi ngay cho GS. Trần Bình Giang để thắc mắc. Nghe câu chuyện ông đã bật cười, đồng thời giải thích tỉ mỉ cho bệnh nhân về kỹ thuật mổ nội soi tuyến thượng thận.

“Kỹ thuật này còn rất mới ở Việt Nam- đây là bệnh nhân đầu tiên thực hiện do vậy các bác sỹ tuyến khác hiểu nhầm cũng là điều dễ hiểu”, GS. Giang hồi tưởng lại.

GS. Trần Bình Giang nhận giải Nhân tài Đất Việt năm 2019

Vượt qua những ca mổ đầy khó khăn

Hơn 30 năm làm việc không có ngày nghỉ phép hay việc 9-10 giờ đêm mới từ BV về nhà là chuyện thường ngày như là minh chứng cho những thành công trong nghiên cứu khoa học của GS. Trần Bình Giang.

Theo đó, ngoài việc đưa phẫu thuật nội soi về Việt Nam, đưa phẫu thuật nội soi tuyến thượng thận lên một tầm cao mới, một đóng góp mang ý nghĩa đặc biệt trong y học Việt Nam của GS. Trần Bình Giang là điều trị bảo tồn vỡ các tạng. Trước đây, cứ vỡ gan, vỡ lá lách, vỡ thận là phải mổ. Với lá lách, chỉ hơi vỡ cũng phải cắt vì sợ không cầm máu được sẽ nguy hiểm tính mạng người bệnh.

Không cam tâm với thực tế ấy, GS. Giang đã ngày đêm đào sâu nghiên cứu, tìm tòi, đọc các tài liệu trên thế giới và phát hiện ra gan, lá lách, thận đều có thể liền được, không cần phải mổ, do đó có thể điều trị bảo tồn.

Phát hiện này rất quan trọng, bởi việc giữ được các tạng rất quan trọng với sức khỏe, nhất là lá lách sản sinh ra các kháng thể chống lại bệnh tật. Vì thế, GS. Giang quyết định làm luận án tiến sĩ về vấn đề này.

3 năm làm luận án, ông phải tiến hành hàng loạt nghiên cứu rất kỳ công. Theo đó, cứ sau các cuộc mổ căng thẳng, có được chút ít thời gian là ông lại tìm đến bộ môn giải phẫu, ĐH Y Hà Nội nghiên cứu kỹ các tiêu bản, để biết chỗ nào cắt được chỗ nào khâu được.

Ông thực hành bằng việc bơm nhựa bóng bàn vào lá lách của các ca tử vong không ai thừa nhận, ngâm vào dịch để có những mẫu tiêu bản phân tích cấu trúc giải phẫu của lá lách.

Đặc biệt, ông còn xét nghiệm, phân tích máu của những người cắt lá lách và máu của những người đã bảo tồn lá lách, chứng minh được rằng những người đã cắt lá lách bị rối loạn miễn dịch trong khi những người được bảo tồn lá lách thì không.

Kết luận khoa học này rất có giá trị để đưa đến quyết định bảo tồn điều trị lá lách cho người bệnh. Luận án Tiến sỹ của bác sỹ Trần Bình Giang về đề này đã được xếp loại xuất sắc.

Trên cơ sở các nghiên cứu này, ông tiếp tục triển khai, hệ thống hoá và đưa việc điều trị bảo tồn không mổ vỡ tạng thành quy trình khoa học trong sách chuyên khảo do ông là tác giả. Vì thế, nhiều năm qua, BV Việt Đức đã điều trị bảo tồn vỡ các tạng cho hàng nghìn người bệnh, thay vì mổ như trước. Tiếp đó, kỹ thuật này đã được triển khai ở các BV vệ tinh của BV Việt Đức và ngày nay, hầu hết các BV trong cả nước đã áp dụng có hiệu quả phương pháp điều trị bảo tồn không mổ vỡ tạng đặc.

“Trước đây 100% ca chấn thương vỡ gan, lá lách, thận đều phải mổ, thì nay 95% ca chỉ điều trị bảo tồn. Việc này giúp người bệnh không bị đau nhiều như mổ, ít mất máu, ít biến chứng, thời gian hồi phục nhanh, và khả năng miễn dịch của bệnh nhân vỡ lá lách không bị ảnh hưởng”, GS. Giang chia sẻ với niềm tự hào.

Dù đạt được khá nhiều thành công song với GS.Giang ông chưa một ngày cho phép bản thân “ngủ quên trên chiến thắng”, đứng mãi trên đỉnh vinh quang mà ông luôn có một tâm thế chinh phục các kỹ thuật y khoa đỉnh cao, mang lại những lợi ích tốt nhất cho người bệnh.

Ông quan niệm, nghiên cứu khoa học, sự học không bao giờ có điểm dừng, con người sẽ bị lạc hậu với chính bản thân và thời cuộc khi ngủ quên trên chiến thắng. Do vậy những năm gần đây, GS.Trần Bình Giang đi sâu nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong các bệnh lý chuyên sâu, phức tạp.

GS. Trần Bình Giang cũng là người đã lần đầu tiên thực hiên phẫu thuật nội soi thay đoạn động mạch chủ bụng, cắt khối tá tuỵ là những kỹ thuật chỉ một số ít trung tâm lớn trên thế giới có thể thực hiện được.

Ông cũng là người đầu tiên thực hiện và xây dựng đội ngũ chuyên sâu của Trung tâm phẫu thuật nội soi BV Việt đức thực hiên phẫu thuật nội soi điều trị bệnh béo phì, góp phần vào công bố quốc tế về béo phì của châu Á trên tạp chí khoa học chuyên ngành OBESITY.

Hiện nay, ông cùng đồng nghiệp đang tập trung vào nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để phẫu thuật cắt bỏ thành công nhiều ca u đại tràng nằm ở vị trí thấp, rất phức tạp mà nhiều BV lớn đã trả về, mà vẫn bảo toàn được cơ thắt đại tràng cho bệnh nhân.

Trăn trở vì giới hạn của y học

Với một bác sỹ ngoại khoa, người trực tiếp tiến hành các cuộc mổ quan trọng liên quan tới tính mạng của bệnh nhân, điều quan trọng nhất theo GS. Trần Bình Giang là phải có kiến thức chuyên sâu, nhạy cảm với các biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán chính xác, đưa ra các phương án điều trị hợp lý.

Tuy nhiên, lãnh đạo của BV Hữu nghị Việt Đức cũng cho hay, do đặc trưng công việc nên bác sỹ ngoại khoa không chỉ làm việc một mình mà cần sự đồng lòng, nhất trí của cả ê kíp.

“Chỉ huy cuộc mổ cũng như điều khiển một trận đánh, kẻ thù là bệnh tật, do vậy người chỉ huy cần phải quyết liệt, đưa ra quyết định chuẩn xác, chỉ huy cuộc mổ với chiến lược rõ ràng. Đồng thời các khâu phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp, nếu không chỉ chậm một khoảnh khắc tính mạng người bệnh cũng khó giữ”, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức chia sẻ.

Dù đã có hàng nghìn ca mổ thành công, cứu sống rất nhiều người không may mắc bệnh nặng, song GS. Giang vẫn luôn trăn trở bởi y học không phải không có giới hạn, bác sỹ cũng không phải là Chúa. Bác sỹ cũng là con người, cũng có những giới hạn bản thân khó vượt qua, cũng như y học là phạm trù rộng lớn, con người dù cố gắng nỗ lực ra sao vẫn có những giới hạn chưa thể chạm tới.

Theo GS. Giang, trong cuộc đời làm nghề y của mình ông từng chứng kiến những ca mổ ung thư, khi vừa mở ổ bụng bệnh nhân, bác sỹ đành bất lực đóng lại vì biết rằng không còn hi vọng.

Hay tại BV Hữu nghị Việt Đức nơi mỗi năm có rất nhiều ca cấp cứu do tai nạn giao thông với các chấn thương nặng, nội tạng dập nát, các bác sỹ dù đau xót song cũng phải thông báo với người nhà những tin không mong muốn.

Chưa kể, tai biến y khoa cũng là thực tế mà các y, bác sỹ trên toàn thế giới đang đối diện, không chỉ của các y, bác sỹ trong nước. Mỗi bác sỹ, nhân viên y tế cũng không nên có tâm lý bản thân đang làm một công việc cao quý, bác sỹ cũng là nghề như bất kỳ ngành nghề nào khác trong xã hội.

Có chăng, nếu có khác nhau chỉ là nghề y là nghề liên quan trực tiếp tới mạng sống con người, sự yếu đuối nhất của con người. Vì vậy, người bác sỹ phải thật sự trách nhiệm, tận tâm, không thể hời hợt, thiếu tình thương vì khi ấy sẽ khiến dư luận xã hội chĩa mụi nhọn chỉ trích vào người thầy thuốc khiến đôi lúc, đôi chỗ hình ảnh người thầy thuốc trở nên méo mó, lệch lạc.

Áp luc tuyến đầu

Ở cương vị Giám đốc BV, GS. Trần Bình Giang luôn yêu cầu các bác sỹ của mình không được phép lạm dụng các loại chụp chiếu công nghệ cao nếu không thực sự cần thiết để tránh tốn kém cho người bệnh.

“Rất nhiều bệnh nhân khi tới BV phải bán cả tấn thóc, con trâu, đàn lợn, chúng ta không được phép khiến người nông dân vốn đã khốn khổ lại rơi vào cảnh khốn cùng vì khám chữa bệnh”, GS. Trần Bình Giang nói.

BV Hữu nghị Việt Đức có lịch sử hàng trăm năm với truyền thống vẻ vang do vậy trên cương vị Giám đốc BV, GS. Trần Bình Giang luôn nỗ lực hết sức nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng cách yêu cầu các bác sỹ, nhân viên y tế không ngừng học tập, nâng cao trình độ cả ở trong và ngoài nước, vừa là để không có lỗi với tiền nhân, đồng thời đưa BV lên một tầm cao mới.

Theo đó, dù ngân sách còn hạn chế song thời gian qua BV luôn chú trọng đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân.

Bằng cách đưa vào sử dụng khu nhà lưu trú cho người nhà, bệnh nhân khi tới khám, điều trị tại BV Hữu nghị Việt Đức được yên tâm phần nào vì người thân của mình sẽ có được giấc ngủ ngon không phải nằm vạ vật nơi hành lang, gầm cầu thang như một số BV tuyến trung ương.

Ngoài ra, với GS. Giang, người thầy thuốc dù không được tự vỗ ngực coi mình là nghề cao quý song cái đức của người thầy thuốc luôn phải đặt lên hàng đầu. Vậy nên việc rèn luyện y đức cho nhân viên y tế là việc làm mà lãnh đạo BV Hữu nghị Việt Đức không một phút lơi là.

Dù bận rộn, đối diện với trăm nghìn áp lực là vậy song bản thân Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức chưa khi nào cảm thấy như vậy là nhọc nhằn, vất vả bởi ông luôn tự hào vì mình đã sống những năm tháng tuổi trẻ và ngay cả hiện tại với khát khao, đam mê cháy bỏng chữa lành những đau đớn về thể xác, nỗi đau do bệnh tật gây ra mà nhiều người không may mắc phải.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng  danh hiệu Anh hùng Lao động cho GS Trân Bình Giang năm 2020

Với những cống hiến to lớn cho sự phát triển của nền y học nước nhà, GS. Trần Bình Giang đã được phong tặng Thầy thuốc ưu tú năm 2005, Thầy thuốc Nhân dân năm 2012, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2015,Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 2016.

Năm 2019, ông được tặng giải thưởng Vinh quang Việt Nam và giải nhất giải thưởng Nhân tài đất Việt với công trình nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phẫu thuật nội soi, điều trị một số bệnh ở bụng”

Và đặc biệt,năm 2020, với những cống hiến to lớn của mình, GS.TS  Trần Bình Giangđược Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

PV.

Xem Thêm

Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.
Người đam mê những sáng kiến kỹ thuật môi trường từ rác thải
Tại vòng chung khảo Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 10 (2022-2023) tổ chức ngày 3/8 vừa qua, tôi đặc biệt chú ý tới giải pháp “Thiết bị ủ rác thải hữu cơ dễ phân hủy sinh học cụm dân cư” là 1/41 giải pháp được chọn vào Chung khảo và đã đạt giải Ba, thuộc lĩnh vực: Nông-Lâm-Ngư nghiệp,Tài nguyên và Môi trường của TS Võ Anh Khuê và cộng sự.

Tin mới

Góp ý dự thảo các đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Chiều ngày 28/3 tại Hà Nội, Đảng đoàn phối hợp với Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025), Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.