Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 20/03/2007 16:42 (GMT+7)

Lễ giải lời nguyền của dân tộc Tày vùng sông Chảy

Trong cuộc sống thường ngày, con cái có nhỡ đánh rơi vỡ bát hay chén, người lớn không dám đánh chửi con mà chỉ nhẹ nhàng: "Nào, thế là mình được bát chén mới rồi!" vì đánh chửi con sợ phạm vào giờ "xích khẩu". Trong cuộc sống vợ chồng rất ít cãi nhau, hoặc đánh chửi, do vậy tình trạng ly hôn rất hiếm. Cũng có trường hợp, vợ chồng, con cái do nhiều yếu tố dẫn đến xích mích cao độ dám chửi thề sẽ dẫn tới gia đình lục đục, làm ăn mùa màng thất bát, ốm đau triền miên, hao tài tốn của. Lẽ đương nhiên, nếu gia đình không hòa thuận thì sẽ ông chằng bà chuộc, chẳng ai nghe ai, ốm đau tự đến, vật nuôi, của cải chẳng ai cất giữ, trông coi, con cái hư hỏng. Đó là nguyên nhân dẫn đến gia đình tan vỡ.

Người Tày rất kiêng nói to, va đập mạnh, chửi nhau nơi khuôn bếp để đun nấu. Vì họ coi khuôn bếp là nơi có Vua bếp, Táo quân, là ngưỡng cửa dẫn đến Ngọc Hoàng. Vì sợ bị "xích khẩu" (Pác vàm) nên từ già chí trẻ luôn khuyên nhau nói năng nhẹ nhàng, từ tốn trên dưới, bớt giận làm lành. Từ xưa đã lưu truyền câu: "Mười nước dồn thành nước hẵng trôi", "Mười lần dồn một lần hẵng giận" (Sếp nặm sỏn hắt nặm Coòi luây, Sếp pày sỏn hắt pày Coòi náu). Trong bản, một người gặp ốm đau, hoạn nạn thì cả bản Mường cùng biết, cùng lo giúp đỡ. Đó là đạo nghĩa xóm giềng đã có từ ngàn xưa. Còn những người hay chửi bới, hễ chửi là thề nguyền luôn bị mọi người xa lánh.

Nếu chẳng may lúc cả giận đã chửi thề nguyền thì khi ốm đau hoạn nạn, những loại thuốc thông thường chữa không khỏi được là phải nhờ thầy tạo đến giải lời nguyền. Bị nhẹ thì làm lễ cởi nút (kẻ khót). Từ gác dựa trên bếp, ông thầy cho treo một sợi vải được thắt làm ba nút, cùng treo có con gà sống. Trước mâm gạo, rượu, gà luộc, hương đèn, ông thầy khấn; "đương sự" gây ra chửi nguyền nhau cùng ngồi biện lễ và nói thật lòng mình là đã trót dại, quá miệng nói lời độc nay xin tạ tội làm lành, từ nay không bao giờ để xảy ra nữa và tự cởi một nút đầu tiên trên sợi vải đỏ. Một người cao tuổi có thể là già làng, trưởng bản khác họ chứng kiến cởi tiếp nút thứ hai. Còn nút thứ ba trước khi cởi, ông thầy khấn có tổ tiên về đây cùng với Táo quân, Vua bếp chứng giám, con cháu trót dại từ nay mãi mãi về sau không giận, chửi nhau nữa. Cùng nhau ăn nên làm ra, trâu bò đầy chuồng, gà vịt đầy bãi sàn, thóc chảy về đầy bịch; người người khỏe mạnh, ra đồng chẳng mỏi chân, đi ruộng không chồn gối, người già xuống bãi chẳng vịn thang, đi xa chẳng mang gậy… mọi khúc mắc, uất ức, giận dữ từ nay trút bỏ. Toàn gia gắn bó, thương yêu nhau, làm ăn tấn tới.

Nếu như mọi khúc mắc trên không được tháo gỡ kịp thời, mọi giận dữ, thề nguyền bằng những lời độc tiếp tục gia tăng, lúc đó hậu quả làm ăn lụi bại, ốm đau triền miên, có nguy cơ tiệt nọc (Siệt choọc). Theo quan niệm tâm linh, nhà đó sẽ chết dần, chết mòn cho đến hết. Lúc này lại phải nhờ ông thầy "tạo" cao tay đến giải. Lễ giải lần này gọi là "Kẻ vin", "Kẻ men cha", phải mổ lợn, gà, vịt, lập đàn tế ở ngoài trời. Nếu lần cởi nút trước chỉ khấn đến Táo quân, Vua bếp thì lần này qua Táo quân mời Ngọc Hoàng xuống đây chứng giám. "Đương sự" phải qua cửu ngục (chín ngục) mới hòng thoát được vòng tội lỗi.

Thầy cho quây giấy làm ngục, nếu là Ngục lương - giấy vàng, là Ngục khao - giấy trắng. "Đương sự" phải phủ phục để ông thầy mời Ngọc Hoàng về đây chứng giám: người có họ tên, tuổi, ở chỗ như thế đã nhỡ từ miệng xấu nguyền lời độc, khiến thần linh, thổ địa, động đến Táo quân, Vua bếp, tổ tiên giận dữ bán cho quỷ dữ. Nay xin qua cửu ngục trở lại làm người, miệng nói điều hay, tay làm việc tốt. Kính mong Ngọc Hoàng chứng giám đại xá cho, tội con đã biết, nay xin qua cửu ngục tắm rửa sạch sẽ trở lại làm người.

Có trường hợp, ông thầy cầm dao chặt cổ gà sống, vứt đầu dứt đoạn sang một bên, làm phép. Lời nguyền đã được hóa giải. Gánh nặng uất ức, cay độc, phiền muộn, lo lắng trong con người được trút bỏ.

Đã có một chặng đường dài của người xưa với cách "hòa giải" mọi bất đồng rất linh nghiệm, nay vẫn duy trì ở một số vùng. Xin nêu lại để mọi người cùng tham khảo. Còn ngày nay, trong cuộc sống cộng đồng, mọi xích mích đã có tổ hòa giải, ban tư pháp, MTTQ, mọi cấp cùng các đoàn thể giúp đỡ, giải quyết.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...