Hà Giang: Phản biện dự án điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo
Dự Hội nghị tư vấn phản biện có các nhà khoa học quản lý, chuyên gia tư vấn, phản biện ở các cơ quan, hội ngành Trung ương và ở tỉnh Hà Giang; Lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang (Đơn vị chủ đầu tư) và đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu Đào tạo nhân lực - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến năm 2020 đến nay cần phải điều chỉnh cho sát với thực tiễn và phù hợp với Chiến lược phát triển ngành giáo dục đào tạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tại Hội nghị, các thành viên của Hội đồng phản biện đã nhận định: Báo cáo tổng hợp điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được cơ quan chủ đầu tư và đơn vị tư vấn xây dựng khá đầy đủ, chi tiết theo nội dung của bản đề cương Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đơn vị tư vấn đã sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu như: hồi cứu tài liệu, điều tra khảo sát thực địa, phân tích số liệu thống kê, lấy ý kiến chuyên gia, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch giai đoạn 2011-2015; phân tích dự báo các điều kiện đảm bảo phát triển ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh; phân tích bối cảnh phát triển trong giai đoạn 2016-2020. Từ đó đã chỉ ra thời cơ, thách thức đối với ngành giáo dục đào tạo của tỉnh; đã đưa ra được quan điểm, mục tiêu, nội dung điều chỉnh cụ thể và các giải pháp tổ chức thực hiện phương án quy hoạch phát triển ngành giáo dục đào tạo tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Xong, do có hạn chế của phương pháp trình bày; chủ yếu dùng lời văn để phân tích, đánh giá các chỉ tiêu thực hiện quy hoạch mà không sử dụng công cụ kỹ thuật thống kê như bảng biểu, biểu đồ, đồ thị để hỗ trợ cho việc phân tích, đánh giá, so sánh kết quả thực hiện quy hoạch, dẫn đến bản Báo cáo dự thảo điều chỉnh quy hoạch trở nên dài dòng, không trọng tâm; làm cho người đọc khó hiểu, khó theo dõi và khó nắm bắt nội dung cốt lõi của Phương án quy hoạch đề ra. Mặt khác, số liệu trong các bảng biểu và trong phần phụ lục của Báo cáo tản mạn, thiếu tính logic khoa học và lại mâu thuẫn với lời giải thích trong báo cáo. Các giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện quy hoạch; các dự án đầu tư để thực hiện Phương án quy hoạch đặt ra còn chung chung, dàn trải, thiếu tính đột phá mang tính đặc thù riêng cho tỉnh Hà Giang để phân biệt không lẫn với các địa phương khác. Bên cạnh đó, bộ bản đồ hiện trạng và điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp, cấp học, ngành học trên địa bàn tỉnh dùng để thuyết minh cho Báo cáo quy hoạch được làm trên nền bản đồ quá cũ, cùng với việc trình bày nội dung, ký hiệu trên bản đồ không tuân theo quy phạm thành lập bản đồ chuyên đề đã làm cho chất lượng của bản Báo cáo điều chỉnh quy hoạch kém đi.
Kết thúc Hội nghị phản biện, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập quy hoạch đã tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của Hội đồng phản biện để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện Dự án trước khi trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.