Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 31/07/2006 15:06 (GMT+7)

GS. Ngô Thị Thuận - Nữ tiến sĩ hoá học đầu tiên của Việt Nam

Hơn 40 năm giảng dạy và nghiên cứu, bà đã có nhiều đóng góp quan trọng cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, truyền thụ nhiều kiến thức khoa học cho biết bao thế hệ học trò.

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp bà là hình ảnh của một bà má miền Nam kiên trung và nhân hậu. Vẻ giản dị, khiêm nhường với vầng trán và đôi mắt thông minh cùng giọng nói ấm áp khiến bà thêm gần gũi...

Cách đây đúng nửa thế kỷ, cô sinh viên Ngô Thị Thuận đặt bước chân đầu tiên vào Khoa Hoá học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bắt đầu một chặng đường có thể gọi là " tương đối hanh thông"trên những miền khám phá chân trời khoa học. "Hanh thông"trong khoa học, đó chỉ là tưởng tượng của tôi, vì chặng đường khoa học của bà cứ tiếp diễn theo mũi tên tiến lên mà không có đường ngang. Còn để đạt được điều đó, quả là một sự phấn đấu kiên trì, bền bỉ và không thể nói là không mệt mỏi.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Hóa học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bà được cử sang Liên Xô, học tiếp tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, chỉ sau gần 3 năm miệt mài đèn sách - năm 1962, bà đã tốt nghiệp với kết quả xuất sắc và được chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Vì có sự chậm trễ về giấy tờ, bà trở về nước với hành lý chỉ toàn sách vở, bà được nhận vào làm cán bộ giảng dạy của Khoa Hoá học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và ngay lập tức tham gia giảng dạy cho sinh viên. Cuốn " Xúc tác trong Hóa học hữu cơ"do bà viết vào thời gian này được nhà trường in rônêô năm 1963, là cuốn sách tốt cho các sinh viên ngành Hoá hữu cơ. Khao khát khám phá những chân trời khoa học mới, mong mỏi nâng cao tri thức của mình để có thể truyền thụ kiến thức nhiều hơn cho các em sinh viên, năm 1963, bà sang Liên Xô làm tiếp nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Với lòng say mê khoa học, bà lao vào học tập, nghiên cứu, tìm tòi dưới sự hướng dẫn của nữ Giáo sư Turôva Pôliắc. Bà giáo người Nga đã để lại trong lòng GS. Ngô Thị Thuận nhiều ấn tượng rất sâu sắc, tấm gương sáng về sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học, về sự chân thành và tận tuỵ với học sinh mà Giáo sư Thuận luôn ghi nhớ khi hướng dẫn các sinh viên và nghiên cứu sinh của mình sau này. Bà kể lại: "Hồi đó, chúng tôi học ngày học đêm, chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện làm thêm hay kiếm tiền, vì chỉ riêng học thôi, đã thấy thiếu thì giờ và vất vả quá rồi". Nỗ lực của bản thân bà phải tăng lên nhiều lần khi Giáo sư hướng dẫn đột ngột qua đời. Lãnh đạo Khoa và Bộ môn đã đưa ra hai sự lựa chọn: hoặc tiếp tục theo hướng cũ thì hoàn toàn phải tự lực cánh sinh, hoặc chọn một đề tài mới và làm lại từ đầu. Bà đã quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn là tiếp tục đề tài nghiên cứu về xúc tác. Cô gái Việt Nam bé nhỏ đã khiến các thầy cô giáo Nga và các bạn sinh viên nước ngoài hết sức khâm phục khi vẫn bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ (thời đó gọi là Phó tiến sĩ) đúng thời hạn chỉ với sự giúp đỡ của một cộng tác viên khoa học là một cô giáo trẻ người Nga. Không thể nói hết những khó khăn phải trải qua thời gian đó: tìm tòi nghiên cứu, tiến hành thí nghiệm, viết và sửa chữa luận án bằng tiếng Nga... Những nỗ lực rồi cũng được đền đáp xứng đáng khi bà được nhận tấm bằng tiến sĩ Hoá học và trở thành nữ tiến sĩ Hoá học đầu tiên của Việt Nam . Vui hơn nữa là bà được trở về Tổ quốc Việt Nam, về với mái trường thân yêu, nơi đã dìu dắt bà những bước đi đầu tiên trên con đường khoa học, về với người mẹ hiền đêm ngày dõi theo từng bước chân con...

GS. Ngô Thị Thuận sinh ngày 14.1.1939 tại Quảng Ngãi, miền đất khắc nghiệt và nắng gió đã rèn luyện con người bền bỉ chịu đựng như những cây xương rồng trên cát. Hình ảnh người mẹ tần tảo nuôi ba chị em ăn học lúc nào cũng in đậm trong tâm trí bà. Những thành công của bà luôn có hình ảnh người mẹ động viên, nâng đỡ. Những ngày học phổ thông ở Hà Nội, bà được sống giữa tình yêu thương đùm bọc của đồng bào miền Bắc nhưng không lúc nào nguôi nỗi nhớ miền Nam, nơi đồng bào và bà con ruột thịt vẫn sống trong bom đạn của quân thù. Có lẽ bà được thừa hưởng giọng nói nhẹ nhàng và ầm áp của người Huế. Sau sự ra đi của người chồng yêu quý, mẹ bà - một nữ hộ sinh - đã một mình nuôi ba con khôn lớn, thành đạt, có nhiều cống hiến cho đất nước. Có lẽ niềm vui về sự thành đạt của các con đã giúp cụ có sức khoẻ sống đến ngày hôm nay, ở tuổi 98.

GS. Ngô Thị Thuận nhớ mãi năm 1972, thời gian có thể coi là khó khăn nhất với bà. Năm đó, Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc, cả trường phải sơ tán tại Hiệp Hòa, Bắc Giang, bà vừa sinh con thứ hai thì mẹ bị ngã gãy chân phải nằm yên không dậy được tới gần 2 năm. Bà vừa chăm mẹ già, vừa nuôi hai con nhỏ, vừa phải đảm bảo giảng dạy cho các lớp sinh viên. Gian khổ không làm bà chùn bước, bà tìm mọi điều kiện có thể để hướng dẫn thí nghiệm cho sinh viên, giúp các em có kiến thức về thực tế. Cô trò thường xuyên phải đi bộ nhiều cây số tìm các đoàn địa chất để nhờ địa điểm, bản thân bà lặn lội đi từng cơ sở tìm kiếm sự giúp đỡ cho sinh viên. Năm 1967, bà vừa sinh con đầu lòng được vài tuần đã phải nhờ sinh viên chở bằng xe đạp đi mượn dụng cụ thí nghiệm. Những khó khăn gian khổ thời đó có lẽ bây giờ khó có thể hình dung nổi, nhưng mọi người vẫn bình tĩnh và tự tin vượt qua. Khó khăn về vật chất là khó khăn chung của cả đất nước lúc bấy giờ, nhưng bà lại may mắn có được người bạn đời, cũng là người thầy giáo, người đồng nghiệp đáng tin cậy luôn ở bên, động viên, chia sẻ với bà những lúc gian nan nhất - đó là GS.TSKH.NGND Đặng Như Tại. Niềm say mê khoa học của 2 giáo sư là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ sinh viên sau này noi theo.

Từ năm 1979 đến năm 1981, GS. Ngô Thị Thuận được cử đi làm thực tập sinh cao cấp tại Liên Xô. Năm 1987, một lần nữa bà lại bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ khoa học với đề tài "Động lực học của các quá trình đa phân tử không ổn định với sự tích tụ sản phẩm ngưng kết trên các chất xúc tác dị thể"tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Nhà khoa học không ngừng học tập này đã tiếp tục có những nghiên cứu ứng dụng vào thực tế ở Việt Nam như: nghiên cứu xúc tác chuyển hoá các sản phẩm dầu mỏ, xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường... Trước thực trạng sử dụng các chất màu không được dùng cho thực phẩm, bà đề xuất và làm chủ nhiệm đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước: "Xây dựng quy trình công nghệ tách chiết và tổng hợp các chất màu dùng cho thực phẩm"nhằm phục vụ thiết thực cho đời sống của nhân dân. Chính đề tài khoa học này đã mang lại giải thưởng Kôvalepxkaia năm 1994 cho tập thể nữ Bộ môn Hoá học Hữu cơ mà bà làm Chủ nhiệm. Bà cũng tự hào vì đây là Bộ môn đầu tiên của Trường mà tất cả anh chị em đều có trình độ tiến sĩ trở lên.

GS. Ngô Thị Thuận vẫn thường nhớ lại những ngày còn ở số nhà 20 Phan Huy Chú, gia đình bà với gia đình GS. Hà Văn Tấn chỉ ngăn với nhau bằng những giá sách. Một tấm ván được kê trên hai chiếc thùng gánh nước đặt giữa phòng trở thành bàn làm việc. Chính từ chiếc bàn làm việc đặc biệt đó, những cuốn sách, những công trình khoa học nối tiếp nhau ra đời. Mãi đến năm 1997, nhờ sự quan tâm của nhà nước cộng thêm sự giúp đỡ của con cái, gia đình bà mới có được căn nhà hiện nay ở 51 Cảm Hội.

Tròn 40 năm công tác, GS. Ngô Thị Thuận nhận quyết định nghỉ hưu năm 2002. Nghỉ hưu nhưng công việc còn bộn bề, bà tiếp tục tham gia giảng dạy cho các lớp sinh viên, hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh, tiếp tục cho ra đời nhiều công trình khoa học thiết thực và bổ ích. Hơn 40 năm nghiên cứu và giảng dạy, bà đã hướng dẫn thành công 17 luận án tiến sĩ; 27 luận văn thạc sĩ, trên 120 khóa luận tốt nghiệp; Chủ trì 14 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; Công bố 172 bài báo và báo cáo khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước. Chủ biên 2 cuốn sách, dịch 4 cuốn sách chuyên ngành. Hiện bà vẫn đang tiếp tục hướng dẫn 4 nghiên cứu sinh và 3 học viên cao học. Nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của bà nay đã trở thành các phó giáo sư, tiến sĩ, đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau trên mọi miền của đất nước. Dưới sự hướng dẫn nghiên cứu khoa học của bà, nhiều sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bà còn tham gia bồi dưỡng cho đội tuyển học sinh giỏi đi thi Olympic Hoá học quốc tế, trực tiếp giảng dạy cho lớp cử nhân khoa học tài năng của Khoa.

Ngoài nghiên cứu khoa học và giảng dạy cho sinh viên, GS. Ngô Thị Thuận còn tham gia công tác đoàn thể, bà đã từng đảm nhiệm các trọng trách như: Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Uỷ viên Thường vụ Công đoàn ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam, Uỷ viên chấp hành Thành hội Phụ nữ Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Bí thư chi bộ, Phó bí thư Đảng uỷ Lưu học sinh Việt Nam tại Matxcơva. Hiện nay, bà vẫn đảm nhiệm một số công việc như: Phó chủ tịch Trung ương Hội Hoá học Việt Nam; Phó chủ tịch Phân hội Giảng dạy Hóa học; Phó chủ tịch Phân hội Xúc tác và Hấp phụ; Ủy viên Hội đồng biên tập "Tạp chí Hoá học" và tạp chí "Hóa học và ứng dụng". Uỷ viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Liên ngành Hoá - Công nghệ Thực phẩm.

Hai tấm bằng Lao động sáng tạo, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ, Huy chương Vì tổ chức công đoàn, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, danh hiệu Nhà giáo ưu tú (1994), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (1995), Huân chương Lao động hạng Nhì (1998), danh hiệu Chiến sĩ thi đua Toàn quốc (2000), Huân chương Lao động hạng Nhất (2002),… là những minh chứng cho những đóng góp to lớn của bà với nền giáo dục nước nhà.

Hoạt động khoa học nhiều như vậy nhưng bà không hề sao nhãng công việc gia đình và dạy dỗ con cái. Gánh nặng chăm sóc gia đình tuy được người bạn đời đỡ đần những vẫn đè nặng lên đôi vai mảnh mai của người phụ nữ. Hai con trai của bà đều đã có bằng tiến sĩ.

Bằng tài năng và đức độ của mình, GS. Ngô Thị Thuận đã để lại trong lòng đồng nghiệp và học trò sự kính trọng về một nhân cách làm thầy, một nhân cách nghiên cứu khoa học.

Nguồn: http://100years.vnu.edu.vn

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.