Thanh Hóa đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của Liên hiệp Hội
Nhiều năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa đã có chuyển biến về chất, một số lĩnh vực hoạt động đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, ông Nguyễn Văn Phát – Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Ông Nguyễn Văn Phát – Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Thanh Hóa
Ông Phát cho biết thêm, trong nhiều năm qua, Liên hiệp hội đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ trong tỉnh, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với đội ngũ trí thức. Chủ động triển khai, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, hội viên; tổ chức các hội thảo, diễn đàn khoa học, tạo điều kiện để trí thức phát huy tiềm năng, sức sáng tạo; thẳng thắn phát biểu, góp ý kiến những vấn đề hệ trọng.
Chủ động tham mưu kịp thời cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 07-KH/TU, ngày 8-3-2021 về thực hiện Kết luận số 93-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16-4-2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 6 kế hoạch, 15 quyết định và nhiều loại văn bản khác để triển khai, tổ chức, thực hiện đồng bộ các chủ trương của Trung ương Đảng, cấp ủy và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Nghiên cứu đề xuất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 857-QĐ/TU ngày 20-12-2021 về Quy chế tiếp xúc, gặp gỡ, tham vấn và đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì tập hợp chuyên gia, nhà khoa học trong tỉnh để tham vấn “các ý tưởng, chủ trương, định hướng lớn” phục vụ xây dựng một số đề án thuộc Chương trình hành động của UBND tỉnh, phối hợp các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND ngày 22-9-2021 về Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu trí thức KH&CN tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa; giao cho Liên hiệp hội là cơ quan thường trực tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, bắt đầu thực hiện từ năm 2022.
Bằng nhiều hình thức đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, Liên hiệp hội đã tập hợp ngày càng đông đảo, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh nhà. Đây là nguồn lực trí tuệ rất lớn, trong đó nhiều trí thức nguyên là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn chủ chốt công tác trong các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; là lực lượng lao động đã được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ bài bản, có nhiều kinh nghiệm trong công tác và đã được tích lũy, chọn lọc, có khả năng tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn, phản biện đối với các vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điển hình như các đề tài, đề án mà Liên hiệp Hội đang thực hiện như Phản biện “Quy định quản lý Chương trình hỗ trợ tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa”; phản biện “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2030”; phản biện “Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ”; phản biện Đề án “Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Thanh Hóa” …
Bên cạnh đó, Liên hiệp hội đã chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở KH&CN, Tỉnh đoàn và nhiều sở, ngành có liên quan tổ chức phát động phong trào nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sáng tạo kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống. Chỉ tính năm 2022, Thanh Hóa là một trong những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thành tích cao, như: Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc giành được 3 giải (1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải khuyến khích); Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam giành 4 giải (2 giải nhì và 2 giải khuyến khích); Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng giành 2 giải nhất (đứng đầu toàn quốc). Nhiều giải pháp công trình đã được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp, được áp dụng phục vụ sản xuất và đời sống.
Trong 5 năm qua, Liên hiệp hội đã chủ trì thực hiện hoàn thành 45 nhiệm vụ; các ý kiến phản biện có ý nghĩa quan trọng giúp cho các cơ quan chủ trì biên soạn hoàn chỉnh đề án đạt chất lượng; đồng thời là kênh thông tin thứ hai từ xã hội để lãnh đạo tỉnh xem xét quyết định. Trong 10 năm qua, các hội thành viên và cơ quan Thường trực Liên hiệp hội đã thực hiện trên 400 nhiệm vụ KH&CN các cấp, trong đó có 18 dự án của các tổ chức quốc tế, một số đề tài cấp bộ và cấp tỉnh. Kết quả nhiều đề tài, dự án có giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao năng lực cộng đồng, xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Trong 3 năm gần đây, Liên hiệp hội đã chủ động nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội tham gia nhiều dự án của các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam và đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức KH&CN cũng được Liên hiệp hội chú trọng, thông qua việc duy trì và nâng cao chất lượng ấn phẩm Tập san Khoa học Thanh Hóa và Trang thông tin điện tử tusta.org.vn; tổ chức hàng chục hội thảo khoa học phục vụ công tác phản biện; phối hợp tổ chức một số hội thảo chuyên đề lớn như: Hội thảo khoa học về “An toàn hồ, đập trên địa bàn miền núi Thanh Hóa”, "Giải pháp về chống suy thoái hệ thống thủy lợi sông Mã”; Hội thảo về Quy hoạch TP Thanh Hóa đến 2030, tầm nhìn 2045... Từ kết quả của các cuộc hội thảo, Liên hiệp hội đã cùng với các hội chuyên ngành thành viên đề xuất, kiến nghị và được lãnh đạo tỉnh chấp nhận và chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn đưa một số nội dung đề xuất, kiến nghị vào chương trình, kế hoạch báo cáo bộ, ngành Trung ương; một số nội dung đã được tổ chức thực hiện trong thực tế.
Để đạt được những kết quả trên, theo ông Phát, để những năm tới, phát triển hơn nữa, Liên hiệp hội tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động để làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh, ở mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực cống hiến cho sự nghiệp KH&CN.
Phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN, các sở, ngành có liên quan tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh về các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chú trọng tham gia chuyển giao khoa học - kỹ thuật và sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng cơ cấu cây trồng hợp lý ở vùng nông thôn, miền núi; tổng kết để kiến nghị các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn...
Nghiên cứu tham mưu cơ chế tôn vinh trí thức là con em Thanh Hóa đang công tác, học tập tại tỉnh ngoài, nước ngoài và những trí thức ở tỉnh ngoài, nước ngoài đang làm việc tại Thanh Hóa có đóng góp, cống hiến to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên các lĩnh vực. Tham mưu cho tỉnh tổ chức các hội thi, cuộc thi, giải thưởng sáng tạo KH&CN; qua đó tôn vinh sáng chế, sáng tạo của các nhà khoa học, nhà quản lý và đông đảo quần chúng Nhân dân.
Nghiên cứu đề xuất cơ chế phối hợp giữa Liên hiệp hội với Liên đoàn Lao động tỉnh và Hội Nông dân tỉnh trong việc tập hợp, phát huy sáng tạo kỹ thuật, tôn vinh trí thức trong đoàn viên, hội viên góp phần xây dựng khối liên minh công - nông - trí ngày càng chặt chẽ và vững mạnh... Tin tưởng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với đội ngũ trí thức KH&CN tỉnh Thanh Hóa, ông Phát chia sẻ.