Chứng hàn đàm ngăn trở phế trong Đông y
1. Nguyên nhân bệnh
Chứng hàn đàm ngăn trở phế là do hàn tà cấu kết với đàm làm tắc nghẽn khí đạo, làm cho phế mất đi sự tuyên thông, hàn đàm quấy rối phế, phần nhiều do ngoại cảm phong hàn, điều trị không kịp thời và không đúng bệnh, hoặc do người cơ thể quá béo mập, đàm thịnh ở trong lại cảm nhiễm hàn tà, hoặc do trung dương của cơ thể bất túc, khí không hóa được tân dịch, hàn đàm từ trong sinh ra gây nên bệnh, chứng hàn đàm ngăn trở phế thường gặp trong các bệnh như: Hung thống, háo chứng, suyễn chứng, cảm mạo, ho (khái thấu).
2. Triệu chứng lâm sàng
Người bệnh thường ho, suyễn thở, khạc ra đờm trong, trắng loãng, khi gặp lạnh thì bệnh tăng, họng có tiếng đờm khò khè, hung bách bĩ đầy, sợ lạnh, tay chân lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch trầm trì, cần phân biệt với chứng thủy hàn sạ phế, chứng phong hàn phạm phế, chứng phế dương hư.
3. Biện chứng
Chứng hàn đàm ngăn trở phế, thường do phong hàn vào phế. Hoặc người có bệnh về đàm lại nhiễm thêm phong hàn. Nhưng đa số là do phong hàn phạm phế mà dẫn đến cảm mạo, bệnh nhân thường ho, thở khò khè, đờm trắng mà loãng, ngực đầu tức, rêu lưỡi trắng trơn. Trong điều trị thường ôn phế hóa đàm, chứng hàn đàm ngăn trở phế bệnh diễn biến thường liên lụy đến tỳ (bệnh con liên lụy đến mẹ) dẫn đến tỳ sinh ra chứng thấp khốn, tỳ vị mất chức năng vận hóa, ăn uống kém, hay buồn nôn, đại tiện phân lỏng, bụng trướng đầy. Bệnh còn liên lụy đến thận (bệnh mẹ liên lụy đến con) dẫn đến thận dương hư, xuất hiện chứng lưng đùi đau mỏi, đi tiểu về đêm nhiều lần, đoản hơi, suyễn, trong đàm có vết đen, lượng nhiều nhưng đàm loãng, chân tay lạnh, khi bệnh diễn biến nặng thì phù thũng, đi tả vào tẩng sáng (ngũ canh tả).
4. Phân biệt chẩn đoán
Cần phân biệt giữa hai chứng thủy hàn sạ phế với chứng hàn đàm ngăn trở phế.
Hai chứng này về nguyên nhân cơ chế bệnh và triệu chứng lâm sàng có thể giống nhau nên dễ lẫn lộn, cần phải được phân biệt rõ ràng. Chứng hàn thủy sạ phế phần nhiều do thủy ẩm đình trệ ở trong lại bị ngoại cảm hàn tà, làm cho phế mất đi sự tuyên thông, thủy ẩm nghịch lên àm sinh bệnh, còn chứng hàn đàm ngăn trở phế phần nhiều do bị phong hàn, điều trị không kịp thời, hàn tà xâm nhập vào phế mà gây bệnh. Nếu do ốm đau lâu ngày làm cho trung tiêu hư hàn, dẫn đến dương hư, hàn đàm khởi phát lên trên cũng dễ chẩn đoán nhầm với chứng thủy hàn sạ phế là phần ngọn của bệnh. Nhưng phần gốc lại ở tạng tỳ và tạng thận. Như vậy chứng hàn đàm ngăn trở phế là do hàn trực tiếp vào phế mà sinh ra bệnh, đó là lý do để phân biệt chẩn đoán giữa hai chứng.
- Phân biệt chứng phong hàn phạm phế với chứng hàn dàm ngăn trở phế.
Chứng phong hàn phạm phế thường do phong hàn ở ngoài xâm nhập vào bì mao rồi ẩn náu ở phế, làm cho phế mất đi sự tuyên thông của phế vệ mà sinh ra bệnh, còn chứng hàn đàm ngăn trở phế là do trung tiêu hư lạnh, hàn đàm bế tắc ở phần trên hoặc do dương hư âm thịnh, hàn đàm tích trệ ở phế, hàn tà bám vào phế du, đàm ngăn trở đường lạc mà sinh ra bệnh. Chứng phong hàn phạm phế có thể phát bệnh riêng lẻ, cũng có thể là tiền đề của chứng hàn đàm ngăn trở phế, hoặc là nhân tố để dụ phát, đó là những nguyên nhân để phân biệt giữa hai chứng.
- Chứng phế dương hư là do ho lâu ngày tổn hại phế, do ốm đau lâu ngày tổn thương phần khí dẫn đến phế hư, hàn tà ấp ủ trong mà thành bệnh dẫn đến phế dương hư, khí không hóa được tân dịch, sự thông điều của phế kém, tân dịch biến thành bọt dãi, vì thế mà khạc ra bọt dãi lượng nhiều, trong, loãng, bệnh nhân không có triệu chứng ho, không khát nước. Do phế khí bất túc mà sinh ra chứng đoản hơi, thủy cố không biến thành tinh chất, tinh thần mệt mỏi ăn kém, do thanh dương không thăng mà đầu choáng váng, do vệ dương bất túc mà cơ thể lạnh, phần trên bị tổn thương không khống chế được phần dưới, bàng quang mất đi chức năng co thắt cho nên luôn đi tiểu tiện, hoặc xuất hiện chứng di niệu, do khí hư, trong cố hàn tích nên chất lưỡi nhạt, mạch hư yếu, đó là những chứng trạng hàn đàm ngăn trở phế. Còn chứng phế dương hư là do hàn đàm điều trị không dứt điểm, trung tiêu bị hư hàn, ốm lâu ngày dương hư, hàn từ trong sinh ra tích tụ ở tạng phế, tân dịch bị ngưng đọng thành đàm, khác với chứng hàn đàm ngăn trở phế.
5. Phương pháp điều trị
5.1 Do hàn đàm ngăn trở phế xuất hiện bệnh háo
Nguyên nhân: Do hàn đàm tích tụ trong phế, phế khí bị vít nghẹn mà sinh bệnh.
Triệu chứng: Bệnh nhân thở hổn hển, trong họng khò khè, đờm khạc ra có màu trắng, hoặc loãng mà nhiều bọt, hung cách đầy nghẽn, co thắt, sắc mặt xanh, rêu lưỡi trắng trơn…
Điều trị: Ôn phế, tán hàn, khu đàm lợi khiếu.
Bài thuốc thường dùng: Xạ can ma hoàng thang
Xạ can 12g, Ma hoàng 16g, Sinh khương 16g, Ngũ vị tử 10g, Đại táo 7 quả, Tế tân 8g, Tử uyển 12g, Khoản đông hòa 12g, Bán hạ 8g.
Cách dùng: ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, trước khi ăn, uống khi thuốc còn ấm. Tùy chứng gia giảm cho thích hợp.
5.2 Do hàn đàm ngăn trở phế xuất hiện chứng hung thống.
Nguyên nhân: Do hàn đàm tích tụ ở phế, phế khí bị trở ngại, hung dương hư yếu mà sinh ra bệnh.
Triệu chứng: Bệnh nhân luôn thấy ngực đầy, đau xiên ra sau, đoản hơi, suyễn gấp, ho khạc ra đờm.
Bài thuốc thường dùng: Qua lâu giới bạch bán hạ thang.
Qua lâu 12g, Giới bạch 12g, Bán hạ 10g, Bạch tửu vừa đủ.
Cách dùng: Ngày uống 1 thang sắc uống 3 lần, trước lúc ăn, uống khi thuốc còn ấm, tùy chứng mà gia vị cho thích hợp.
5.3 Do hàn đàm ngăn trở phế sinh ra bệnh suyễn
Nguyên nhân: Do tỳ dương bất túc, hàn từ trong sinh ra thấp tụ lại sinh ra đàm, làm tổn thương đến phế mà sinh ra bệnh. Sách Nhân trai trực chỉ phương viết “Chỉ có tà khí ẩn náu, đàm dãi vọt lên, thở không ra, hít không vào vì thế mà thở suyễn thượng khí”.
Triệu chứng: Bệnh nhân hô hấp suyễn gấp,, khạc ra đờm trắng loãng, hay ngủ, ngực đầy ẩu nghịch, ăn kém, miệng nhạt, sợ lạnh, tay chân lạnh.
Điều trị: Ôn hóa hàn đàm, giáng khí trừ ho.
Bài thuốc: Linh cam ngũ vị khương tân thang
Phục linh 16g, Cam thảo 12g, Can khương 12g, Ngũ vị tử 8g, Tế tân 12g.
Cách dùng: Ngày uống một thang sắc 3 lần, uống 3 lần trước khi ăn, uống khi thuốc còn ấm. Tùy chứng mà dùng liều lượng và gia giảm cho thích hợp.