Chi bộ Đảng ở Côn Đảo (Thêm một tư liệu về lịch sử nhà tù Côn Đảo thời chống Mỹ cứu nước)
Tiếp nối truyền thống đấu tranh của các thời kỳ trước, tù chính trị Côn Đảo thời kháng chiến chống Mỹ không chỉ đấu tranh chống chế độ nhà tù dã man, tàn bạo của kẻ thù để bảo vệ sinh mạng, xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức của người tù; đòi hỏi cải thiện chế độ lao tù; vượt ngục, chống vô hiệu hoá người cách mạng... mà còn hướng vào nhiệm vụ chủ yếu là đấu tranh chống chính sách chống cực đoan, tàn bạo của Mỹ - Nguỵ, bảo vệ khí tiết, bảo vệ lý tưởng cộng sản, bảo vệ nhân cách và đạo lý con người Việt Nam.Hiện thực đấu tranh diễn ra từng phút, từng giờ, hết sức quyết liệt trong suốt hơn 20 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai ở nhà tù Côn Đảo với nhiều quan điểm, nhiều phương thức đấu tranh trong từng giai đoạn, từng nhà lao, từng trại tù, từng trường hợp cụ thể đã làm nảy sinh nhiều vấn đề lịch sử được phản ánh, nhìn nhận, đánh giá khác nhau trong giới nghiên cứu và trong nội bộ các nhân chứng lịch sử từng bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo, trong đó có “ vấn đề Trại 1 - Trại 2”.
![]() |
Một dãy phòng giam trong trại 1 Côn Đảo. |
Tuy nhiên đến nay, việc nhìn nhận, đánh giá về nhận thức tư tưởng, quan điểm và phương pháp đấu tranh của những người tù chính trị ở Trại 1 và Trại 2 vẫn còn nhiều khác biệt.
Đối với Trại 1:Phần lớn ý kiến cho rằng chọn con đường cương quyết đấu tranh chống ly khai như những tù chính trị ở Trại 1 là đúng, thể hiện được khí phách và phẩm chất của người cộng sản, trong hoàn cảnh bị tù đày mất khí tiết là mất tất cả; không vì sự hy sinh nhiều hoặc số đông phải bỏ cuộc vì sự đàn áp quá khốc liệt và nham hiểm của địch mà phủ nhận thắng lợi của Trại 1.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng trong tương quan lực lượng khi đó, việc chọn con đường đấu tranh như Trại 1 là “chưa phù hợp”, “tổn thất quá lớn”, vào cuộc có đến hơn 2000 người nhưng cuối cùng chỉ còn sống và trụ lại được có 5 người; dù ở Trại 1 hay Trại 2 nhưng ký giấy chấp nhận ly khai đều là sai lầm...
Đối với Trại 2:Nhiều ý kiến cho rằng bất luận vì lý do gì và về sau có vươn lên, nhưng đã là người chiến sĩ đấu tranh giành độc lập tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng hoặc là đảng viên cộng sản, khi đã biết kẻ thù đang thực hiện chính sách phân hoá, khi đã biết chúng lập Trại 1 và Trại 2 để giam giữ những người ly khai mà vẫn chấp nhận ở lại Trại 2 là “ hoàn toàn sai”, “ thể hiện tư tưởng cầu an, không thể biện minh”. Một số ý kiến không nhìn nhận tổ chức Đảng ở Trại 2 được thành lập khoảng cuối năm 1957...
Không ít ý kiến khác cho rằng, không thể đồng nhất việc ở lại Trại 2 với việc chấp nhận ly khai; không thể cho rằng “ Trại 2 là đất địch, ai đến đó là địch”. Người tù không có quyền lựa chọn nơi giam giữ, địch giam ở đâu ta ở đó miễn là khi địch đặt vấn đề ly khai Đảng, xé ảnh Bác, xé cờ Đảng... thì ta kiên quyết chống, “ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lý tưởng Cộng sản, trung thành với Tổ quốc”. Chủ trương ở lại Lao 2 là “ phù hợp với tình hình thực tế của Côn Đảo (...) phù hợp với đường lối chung của miền Nam trong thời điểm 1955 - 1957” là “ tuyệt đối bí mật không bộc lộ lực lượng. Ở lại Trại 2, không nhận là cộng sản, chỉ nhận là “người kháng chiến cũ” còn có khả năng “ tập hợp quần chúng rộng rãi, đẩy mạnh cuộc đấu tranh hỗ trợ Trại 1 và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”....
Cũng có ý kiến lại cho rằng chủ trương và phương pháp đấu tranh ở cả Trại 1, Trại 2 thời gian 4/1957 - 4/1960 “ vừa có đúng vừa có sai”.
![]() |
Chuồng cọp ở Côn Đảo. |
Để góp phần luận giải xác đáng những ý kiến trên, xin giới thiệu một tài liệu chưa được công bố, hàm chứa một số thông tin liên quan tới vấn đề còn tồn đọng trên đây.
Nguyên tài liệu này được lưu lại tại Ban Thống nhất Trun ương, được Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương sưu tầm và sao lại vào ngày 17/3/1971.
Đó là thông báo số 36 - XU, ngày 1 - 6 - 1959, của Xứ uỷ Nam Bộ gửi Trung ương Đảng. Tài liệu này được Phòng sáu - Văn phòng Trung ương Đảng thừa lệnh Văn phòng chuyển đến Anh Hùng (tức đồng chí Phạm Hùng - Tg), Anh Ba (tức đồng chí Lê Duẩn - Tg), Anh Trinh (tức đồng chí Nguyễn Duy trinh - Tg) vào ngày 15 - 6 - 1959.
Báo cáo của Xứ uỷ Nam bộ có 2 phần; trong đó phần 1 liên quan đến nhà tù Côn Đảo, có nội dung như sau:
“ 1. Hiện nay ở Côn Đảo địch giam giữ độ 3.900 tù nhân chính trị, thường phạm, chia làm 3 trại như sau:
Trại I giam 1.500 người mà chúng gọi là tù chính trị nguy hiểm nhất. Tất cả đều bị nhốt vào xà lim, không cho ra ngoài, ngày và đêm không thấy mặt trời, mặt trăng, vì tất cả đều chống tố cộng. Những anh em này mỗi ngày chỉ được ăn 1 bát cơm với muối trắng, bị hành hạ đủ cách, không thuốc men, không chỗ nằm, bị ghẻ lở hết 1/3. Hàng ngày đều có người chết trong tù. Từ tháng 6 – 1958, trên 250 người tù nhân bị chết đói và bệnh tật. Địch ngăn cấm anh em tù nhân trại này liên lạc với trại hai và ba, tuyệt đối cấm viết thư về nhà.
Trại II nhốt 1.900 người, số này chịu học tố cộng nên địch đối xử có phần ít khắc nghiệt hơn trại I. Hàng ngày anh em chi bộ trong trại II có lén lút đưa cơm nước, thuốc men qua trại I. Tháng 7 - 1958, Trại II định cướp chiếc tàu CL để vượt ngục, nhưng bị trở ngại nên phải đình lại. Sau vụ thảm sát Phú Lợi, địch có thả 300 tù mà chúng đã rún ép được và đưa 1.000 tù khác (cùng ở trại này) về Thủ Đức, rồi sau đó còn đưa đi đâu nữa.
Trại III, giam giữ 500 thường phạm, số này được đối xử dễ dãi hơn trại II.
Nói chung chúng triệt để ngăn cấm tù nhân 3 trại tiếp xúc, nói chuyện với nhau. Đời sống tù nhân chính trị ở bất cứ trại giam nào ở miền Nam cũng đều cơ cực, nhưng khắc nghiệt hơn hết là ở Côn Đảo.
Những dòng ngắn ngủi trên hé lộ cho chúng ta những thông tin hết sức quý báu: chí ít là đến tháng 6 - 1959, Xứ uỷ Nam bộ vẫn có liên lạc và nắm được tình hình nhà tù Côn Đảo; sự nhìn nhận của Xứ uỷ đối với Trại I và Trại II cho đến thời điểm trên; đây cũng là tài liệu chính thức của Đảng cho biết đã có một chi bộ Đảng ởTrại II nhà tù Côn Đảo. Điều hay hơn nữa là tình hình ở Côn Đảo cũng như sự nhìn nhận của Xứ uỷ Nam bộ đã được báo cáo ra Trung ương ngoài Bắc.
Hy vọng rằng những thông tin trên sẽ góp phần bổ sung nguồn sử liệu chính thống ít ỏi về nhà tù Côn Đảo; góp phần làm sáng rõ thêm một số vấn đề còn tồn đọng trong lịch sử nhà tù; góp phần giúp những người quan tâm đến lịch sử nhà tù Côn Đảo hiểu thêm đôi chút về cuộc đấu tranh ở nhà tù này thời chống Mỹ xâm lược.
Nguồn: Xưa & Nay, số 303, 3 - 2008, tr 23.