Bổ sung những người cô đơn không nơi nương tựa vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Đây là ý kiến của nguyên PCT Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Văn Tân tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vừa được tổ chức chiều 09/02, hội thảo do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) phối hợp tổ chức. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và chỉ đạo tại hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và các lãnh đạo, thành viên của Ủy ban; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) Phan Xuân Dũng và một số chuyên gia đến từ các tổ chức, hội ngành trong hệ thống LHHVN ...
Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, trong gần 12 năm thực thi, các quy định của Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được sửa đổi, bổ sung ; để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thích ứng với hoạt động của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh mới; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong các nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều luật liên quan đến lĩnh vực này như: Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Cạnh tranh... Các quy định này nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; Thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Để đóng góp cho dự thảo Luật trình Quốc hội, LHHVN, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiếp tục phối hợp với Đoàn Chủ tịch LHHVN tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Luật đã được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định "bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" là một chủ trương quan trọng được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng nhằm hoàn thiện thể chế, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng yêu cầu của công tác hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và giải trình, tiếp thu, chỉnh lý những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Sau 12 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đã có bước phát triển rõ rệt. Hệ thống văn bản pháp luật, từ cấp cao nhất là Luật đến các văn bản dưới luật, như Nghị định, Chỉ thị, Thông tư đã được Nhà nước ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được các cấp, ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, cơ quan thông tấn báo chí thực hiện thường xuyên, bằng những hình thức phong phú, đa dạng, đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương đã được hình thành và phát huy vai trò của mình.
Cùng với đó, các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát triển, tích cực hoạt động, phát huy chức năng, nhiệm vụ, dần khẳng định vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Từ nhận thức được nâng lên, nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp đã có những chuyển biến cụ thể trong việc thực hiện các trách nhiệm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Công tác hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đẩy mạnh hơn.
Có thể nói, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, nhưng quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân chủ quan trong công tác thực thi pháp luật là chủ yếu, việc thi hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng phát sinh những vướng mắc, khó khăn, bất cập như công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả; hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thiết thực; nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều hạn chế...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu
Thông tin về quá trình cho ý kiến, hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan đã tiến hành nhiều hoạt động xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức 02 hội thảo để lấy ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan chịu tác động của Luật, VUSTA đã chủ trì tổ chức 01 hội thảo ở Quảng Ninh để lấy ý kiến của các hội thành viên, các chuyên gia và nhà khoa học, phục vụ quá trình hoàn thiện dự án Luật.
Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có 148 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở Tổ và 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 45 Điều; bổ sung 02 Điều; chuyển nội dung 02 Điều sang điều khác; bãi bỏ 02 Điều và sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cần có quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiều dùng
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc LHHVN và Ban soạn thảo tập chung thảo luận về những vấn đề còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào các nhóm vấn đề chính: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng, của dự thảo Luật; Quyền lợi và trách nhiệm của người tiêu dùng; Quản lý nhà nước trong hoạt động Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; Các quy định nhằm nâng cao hoạt động của các tổ chức xã hội, đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng; Những nội dung khác có liên quan tới Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi...
Nguyên Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Văn Tân phát biểu
Nguyên Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Văn Tân nhất trí sự cần thiết bổ sung, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được Quốc hội thông qua năm 2010 vì có nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng mà nội dung Luật ban hành năm 2010 chưa đề cập tới. Tại khoản 2, Điều 48 quy định: “Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, để thấy rõ sự khác biệt giữa một tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dung và tổ chức được lập ra có tôn chỉ, mục đích để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần viết lại quy định này theo hướng: “Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích chuyên về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Quy định như vậy để thấy rõ sự khác biệt giữa tổ chức xã hội chuyên về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức xã hội khác có tham gia hoạt động này.
Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh phát biểu
Đề cập về Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh cho biết, nên quy định hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội nghề nghiệp, không chỉ tổ chức xã hội. Có quy định riêng về Quyền, nghĩa vụ của Tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi những hàng hóa, dịch vụ liên quan nghề nghiệp của tổ chức xã hội nghề nghiệp, ngoài các tổ chức xã hội nghề nghiệp có tôn chỉ mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ông Đặng Văn Thanh cho rằng, cần có một điều quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới phát biểu
Kiến nghị về chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới nêu quan điểm: Trong chương V của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ điều 73 đến điều 77 đã quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trách nhiệm của Bộ Công thương; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp... Tuy nhiên, do bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương ở nước ta hiện đang triển khai rất nhiều việc nên khi Luật này được ban hành đi vào cuộc sống sẽ cần nhiều sự nỗ lực, chung tay của các cơ quan trung ương và các cấp chính quyền ở địa phương. Trong đó, có việc đẩy mạnh công tác truyền thông; nâng cao nhận thức cho nhân dân và các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân trong việc sản xuất-kinh doanh hàng hóa - sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng và người tiêu dùng “thông thái”.
Ông Nguyễn Hữu Giới đề nghị Nhà nước cần có chế tài và quyết liệt hơn trong việc xử lý vấn nạn hàng giả/hàng nhái; đặc biệt xử lý nghiêm minh vấn nạn quảng bá thông tin hàng hóa và sản phẩm không đúng với chất lượng, quy cách, mẫu mã để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tiêu dùng trong xã hội.
Bổ sung những người cô đơn không nơi nương tựa vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Bày tỏ về sự quan tâm đến việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, nguyên Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Văn Tân cho biết, tại Điều 8 quy định về “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương” có xác định các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm các nhóm người như: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em... Với quy định này, ông Tân đề nghị bổ sung thêm một nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương vào Khoản 1, Điều 3, cụ thể là: “nhóm hoặc tổ chức của những người yếu thế”. Ví dụ như những người cô đơn không nơi nương tựa, những người khuyết tật không phải một cá nhân mà là những người trong một nhóm hoặc trong một tổ chức.
Phó Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam Nguyễn Văn Cảm phát biểu
Đồng thuận với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam Nguyễn Văn Cảm cho rằng, tại Điều 8 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cần đưa Khoản 1 giải thích người dễ bị tổn thương vào giải thích từ ngữ, trong đó cần rà soát lại mục d về câu chữ, đã quy định “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn” lại còn quy định “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” theo quy định của pháp luật về công tác dân tộc là hơi thừa. Trong Mục 2, Khoản b ghi “tổ chức thực hiện quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này. Nhưng trong Điều này không có khoản 4, vì vậy nên bỏ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đối với dự án Luật. Những ý kiến, đề xuất của dự án Luật sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa, làm rõ hơn để trình Quốc hội cho ý kiến, đóng góp tại Kỳ họp thứ 5 tới nhằm đảm bảo tốt hơn lợi ích, quyền lợi của người tiêu dùng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy ghi nhận các ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc LHHVN tại Hội thảo
Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao các ý kiến thảo luận sôi nổi từ các đại biểu tham dự hội thảo, trong đó, đa số các ý kiến phát biểu đều ủng hộ và nhất trí với nội dung của dự thảo Luật. Một số vấn đề cụ thể cũng đã được các đại biểu trao đổi, phân tích như: khái niệm người tiêu dùng, quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao hoạt động của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các vấn đề trong việc giải quyết tranh chấp…
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy ghi nhận các ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học của LHHVN tại Hội thảo này. Các ý kiến góp ý thực sự có ý nghĩa trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật; đồng thời nhấn mạnh, Pháp luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xây dựng với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là bên yếu thế trong giao dịch. Để phát huy hiệu quả của việc bảo vệ người tiêu dùng thì cần sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức xã hội.
Ý kiến của các đại biểu tham dự đã được Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ đạo Tiểu ban Xây dựng, Giao thông, Công thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội thảo để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Về một số kiến nghị cụ thể khác, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo tổng hợp, nghiên cứu xử lý theo thẩm quyền./.