Bình Thuận: Chất lượng tư vấn, phản biện, giám định xã hội ngày càng được phát triển
Từ ngày thành lập đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận (Liên hiệp Hội) luôn thực hiện tốt chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ tham gia đóng góp nguồn lực, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Trong nhiều năm qua, Liên hiệp Hội luôn phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ trí thức trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Một trong những hoạt động được Liên hiệp Hội đặc biệt chú trọng đó là hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội.
Thời gian qua, Liên hiệp Hội đã tập hợp được các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết sâu về chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Từ đó số lượng các dự án, đề án, chương trình, chính sách, kế hoạch, quy hoạch được Liên hiệp hội thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội ngày càng nhiều, chất lượng tư vấn, phản biện, giám định xã hội ngày càng được nâng lên. Các ý kiến tư vấn, phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp Hội nêu ra đều được chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tiếp thu để điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh đề án; đồng thời, cũng đã cung cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ đầu tư và các ngành hữu quan có thêm thông tin, luận cứ khoa học và thực tiễn có tính độc lập, khách quan để xem xét trong quá trình thẩm định hoặc quyết định phê duyệt các đề án.
Theo chia sẻ của ông Lương Thanh Sơn – Chủ tịch Liên hiệp Hội Bình Thuận cho biết, để đạt được kết quả về hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội như hiện nay, Liên hiệp Hội đã thực hiện một số quy trình sau: thứ nhất là hàng năm, căn cứ vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh và của các Sở, Ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh; Liên hiệp Hội tỉnh nghiên cứu, xem xét chọn lựa các đề án thỏa mãn điều kiện, tiêu chí phải thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội đã được tỉnh ban hành; sau đó phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và chủ đầu tư thống nhất danh mục các đề án cần thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội trong năm để tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội trong năm của Liên hiệp Hội.
Thứ hai, căn cứ kế hoạch tư vấn, phản biện, giám định xã hội đã được UBND tỉnh phê duyệt, Liên hiệp Hội chủ động phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn để xây dựng đề cương và dự toán kinh phí tư vấn, phản biện, giám định xã hội đề án, thực hiện các thủ tục cần thiết để triển khai thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội đề án.
Thứ ba là Liên hiệp Hội họp Hội đồng Tư vấn để xem xét chọn lựa các thành viên tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội có liên quan đến các đề án. Sau khi chọn lựa được chuyên gia.
Thứ thư là họp Hội đồng Phản biện của đề án để triển khai công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội bao gồm các nội dung: thống nhất đề cương và dự toán kinh phí; tiến độ thực hiện; cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung đề án cho các thành viên của Hội đồng; thời gian thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội đề án phục thuộc vào mức độ, thông thường thời gian thực hiện khoảng 3 đến 04 tuần.
Thứ năm là các thành viên Hội đồng Phản biện tự nghiên cứu tài liệu đã được cung cấp kết hợp tài liệu sẵn có hoặc tra cứu từ các nguồn khác để xác định nội dung tư vấn, phản biện, giám định xã hội và xây dựng báo cáo tư vấn, phản biện, giám định xã hội của cá nhân.
Thứ sáu là Thư ký Hội đồng Phản biện có nhiệm vụ căn cứ các báo cáo tư vấn, phản biện, giám định xã hội của từng cá nhân để chọn lọc và xây dựng dự thảo báo cáo tổng hợp tư vấn, phản biện, giám định xã hội của Hội đồng Phản biện đề án.
Tiếp đến, sau khi xây dựng xong dự thảo báo cáo tổng hợp đề án, Thư ký Hội đồng trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp tư vấn, phản biện, giám định xã hội tại cuộc họp gồm các thành viên Hội đồng phản biện, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, các phòng ban chuyên môn để có ý kiến trao đổi, thảo luận và đi đến thống nhất đối với các nội dung của báo cáo tổng hợp tư vấn, phản biện, giám định xã hội đề án.
Rồi trên cơ sở ý kiến trao đổi thảo luận đã được thống nhất, Thư ký Hội đồng tiếp tục hoàn chỉnh lại bản báo cáo tổng hợp của Hội đồng Phản biện để bàn giao kết quả cho chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và gửi đến các cơ quan chức năng có liên quan.
Căn cứ kế hoạch tư vấn, phản biện, giám định xã hội giữa Liên hiệp Hội và chủ đầu tư, Liên hiệp Hội bàn giao bản báo cáo tổng hợp chính thức cho chủ đề án để tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung và hoàn chỉnh đề án.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp Hội còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Việc xây dựng kế hoạch thực hiện tư vấn, phản biện hàng năm đôi khi còn bị động, đòi hỏi Liên hiệp Hội phải rất cố gắng, chủ động tích cực đôn đốc, phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc thống nhất danh mục các đề án cần thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội trong năm để đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Phần lớn các chuyên gia trong tỉnh do bận nhiều công việc chuyên môn, nên thời gian dành để tham gia công tác này còn hạn chế; số lượng các nhà khoa học đầu ngành trong tỉnh, các trường, trung tâm nghiên cứu đóng trên địa bàn tỉnh tham gia chưa nhiều.
Kinh phí thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội mới chỉ đủ chi phí tối thiểu nên còn khó khăn; kinh phí chi trả cho các chuyên gia tư vấn, phản biện hiện nay còn thấp, chưa tương xứng nên không kích thích, thu hút được những chuyên gia giỏi, tâm huyết tham gia vào hoạt động này; nhất là việc mời các chuyên gia có trình độ cao ngoài tỉnh Bình Thuận.
Sau một thời gian thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội, theo ông Sơn cho hay, Liên hiệp Hội đã rút ra một số kinh nghiệm như nghiên cứu xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó cần quy định thật chi tiết về phạm vi, đối tượng, quy trình, phương thức thực hiện, cơ chế tài chính… để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Chủ động trong việc xem xét, chọn lựa các đề án cần thiết phải thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội; tiến hành trao đổi, thống nhất với các cơ quan có liên quan để đề xuất các tổ chức, cá nhân và cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội các đề án nói trên.
Tăng cường vận động đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong tỉnh; nhất là đối với những chuyên gia giỏi, có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn và giàu nhiệt huyết tích cực tham gia vào hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp hội.
Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong việc xem xét, đề xuất thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án quan trọng có tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoặc có liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và sản xuất, sinh hoạt của đông đảo nhân dân trên địa bàn; kể cả các đề án, dự án không sử dụng vốn ngân sách.
Xây dựng và sử dụng tốt dữ liệu chuyên gia có đủ năng lực và điều kiện tham gia thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội; nghiên cứu sử dụng tốt đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia chuyên ngành có trình độ cao trong Ngân hàng dữ liệu chuyên gia của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Phát huy tính tích cực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong các hội thành viên, hội viên tập thể và Câu lạc bộ trí thức thuộc Liên hiệp Hội trong việc tham gia hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp Hội.
Với vai trò, vị trí của mình, cùng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong thời gian tới, Liên hiệp Hội đặt mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, đồng thời phải đề xuất cho được các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, ông Sơn cho biết thêm.