Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 17/02/2006 15:33 (GMT+7)

Bác Hồ với nước Mỹ (phần II)

Ngay trước khi tham chiến đánh Nhật, Mỹ đã xác định ý đồ đối với Đông Dương. Ngày 19 - 7 - 1941, đô đốc W. Leahy, đại sứ Mỹ tại Pháp thông báo cho Chính phủ Pétain quan điểm của Tổng thống Roosevelt rằng nếu Nhật thắng thì chúng sẽ chiếm Đông Dương, còn nếu Đồng Minh thắng thì Mỹ sẽ chiếm thuộc địa cũ này của Pháp.

Ngày 8 - 12 - 1941, Nhật tấn công Trân Châu Cảng, chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Đồng Minh và Nhật giành giật Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Nhật chiếm được Đông Dương, còn Mỹ đặt căn cứ ở miền Nam Trung Quốc, nơi đó có bản doanh của cơ quan tình báo chiến lược (OSS), một số đơn vị của AGAS chuyên trách cứu phi công bị Nhật bắn rơi trong khu vực. Nhu cầu chiến trường đang buộc Mỹ phải tìm kiếm những lực lượng bên trong Đông Dương có thể hợp tác cùng đánh Nhật và nhất là những hoạt động tình báo và cứu phi công.

Bác Hồ thấy được nhu cầu của cách mạng Việt Nam lúc này cần có một vị thế tối ưu trên bàn cờ thế chiến, đó là chỗ đứng cùng chiến tuyến với Đồng Minh chống chủ nghĩa phát xít. Vả lại, cách mạng cũng cần có sự hỗ trợ về vật chất và nhất là về… thông tin.

Ngày 13 - 8 - 1942, với tên gọi mới, cái tên sẽ trở thành đỉnh cao trọn vẹn của sự nghiệp một vĩ nhân - Hồ Chí Minh - Bác rời Cao Bằng, với danh nghĩa đại biểu Việt Nam Độc lập Đồng minh và Phân bộ Quốc tế phản xâm lược của Việt Nam, qua Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế. Ngày 29 - 8, Bác  bị các thế lực quân phiệt địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt và cầm tù suốt 13 tháng ròng. Đó cũng là thời kỳ Bác sáng tác những bài thơ được tập hợp lại trong Ngục trung nhật ký.

Trong tập thơ này có một bài thơ Bác viết trong nhà tù Thiên Bảo (khoảng tháng 10 - 1942) có nhắc đến một đại biểu của Mỹ là Wendell Willkie lúc đó đang đến thăm và được đón tiếp nồng nhiệt ở Đệ tứ Chiến khu Quảng Tây. Bài thơ nói đến tâm sự của Bác cũng là người cùng tìm đường chống phát xít mà lại rơi vào cảnh tù tội khác với vị khách Mỹ kia:

Cũng là bạn của Trung Hoa

Cũng phải đi Trùng Khánh

Anh là khách ngồi trên

Tôi là tù dưới thềm

Cũng là đại biểu cả…

Cho đến ngày 13 - 9 - 1943, Bác được trả tự do và lập tức dấn thân vào cơn lốc cách mạng lúc này đang diễn ra khẩn trương như một cuộc chạy đua thực sự với thời gian. Báo cáo trước Đại hội quốc tế chống xâm lược tại Liễu Châu (16 - 3 - 1944), Bác đã xác định bước thứ nhất là liên lạc cho được với các đoàn thể anh em trong đó phân hội Trung Quốc và phân hội nước Mỹ. Cần nhắc thêm rằng từ 15 - 5 - 1943, Quốc tế Cộng sản đã tự giải tán.

Đầu năm 1945, một cơ hội xuất hiện: trung uý phi công Mỹ có tên là Shaw bị Nhật bắn rơi, nhảy dù xuống Việt Bắc và được du kích Việt Minh cứu thoát.

Viên phi công đã được chăm sóc tử tế và được Bác trực tiếp dẫn sang Côn Minh. Các cụ Việt Minh kể lại rằng, từ Chiến khu sang Trung Quốc không phải là xa lắm, nhưng theo chỉ thị của Bác, ta bố trí cho vị “khách quý” này đi một chặng đường dài vòng vèo qua nhiều vùng, nhưng chỉ vào ban đêm, và đi qua khu vực nào cũng cho thấy lực lượng Việt Minh thật đông, rậm rịch luyện tập và rất khẩn trương… để khi trở về căn cứ của mình, viên phi công có thể giúp cho chỉ huy của mình hình dung sức mạnh và căn cứ rộng lớn của Việt Minh. Do vậy đến đầu tháng 3 - 1945, tức là vào thời điểm đang có những biến chuyển mạnh mẽ ở nước ta với việc Nhật bắt đầu thanh toán Pháp tạo ra những tình thế mới, viên trung uý Shaw mới đặt chân tới bản doanh của quân Mỹ ở Côn Minh, Trung Quốc, và được Bác trao cho AGAS tức “cơ quan yểm trợ không quân và trên mặt đất”. Người chứng kiến những sự kiện này là ông Charles Fenn, một trung uý OSS, cũng là một nhà báo chiến trường. Sau khi Bác Hồ qua đời, ông đã viết một cuốn tiểu sử (Hochiminh - a biographical introduction) xuất bản ở London năm 1973. Cũng vì những quan điểm cảm tình với Hồ Chí Minh và “Việt Cộng” mà ông bị chính quyền Mỹ trừng phạt phải sống lưu vong, nhưng vẫn không thôi sáng tác những tác phẩm tiếp tục bày tỏ cảm tình với người Việt Nam mà ông đã gặp ở Côn Minh và giúp nối kết quan hệ. Năm 1995, trong đoàn cựu OSS, ông là người lần đầu đặt chân tới Việt Nam, mảnh đất mà ông đã gắn bó qua Hồ Chí Minh. Năm 1997 ở Long Island, ngoại vi của New York, Charles Fenn đã 94 tuổi vẫn cùng người bạn gái đến dự cuộc tiếp xúc với các cụ Việt Minh. Sau những cuộc thảo luận như các nhân chứng lịch sử để các nhà khoa học khai thác như nguồn sử liệu theo lời kể (oral history) thì cụ Fenn còn khẽ nhắc chúng tôi rằng: Mỹ không có bạn bè mà chỉ có đồng minh, có nghĩa là quan hệ kiểu gì thì cũng phải có lợi… Vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác, cụ Charles đã ngót trăm tuổi này lại phóng tác phần dẫn văn học cho một cuốn sách đồ hoạ rất công phu của một cựu chiến bình từng có mặt trên chiến trường Việt Nam về Hồ Chí Minh, in rất cầu kỳ cả trên giấy dó. Bộ tranh này vừa đóng thành sách, vừa mang đi triển lãm khắp nơi. Có nơi được công chúng Mỹ hoan nghênh, nhưng cũng có nơi bị những người Việt còn nuôi hận thù đến chống phá dữ dội…

Cụ Fenn kể lại rằng, sau khi nhận viên phi công của mình, phía Mỹ rất ngạc nhiên thấy Hồ Chí Minh không đòi hỏi gì về vật chất, chỉ nhận một ít thuốc nhưng lại luôn nhấn mạnh cái ý nghĩa: Việt Minh là lực lượng đứng bên cạnh Đồng Minh chống phát xít và đủ lực để làm được điều đó. Thái độ đàng hoàng ấy làm các sĩ quan Mỹ, trong đó có Ch.Fenn, rất có cảm tình. Ngày 17 - 3 - 1945 Ch. Fenn gặp riêng Bác Hồ và cùng trò chuyện bằng tiếng Pháp. Viên trung uý OSS dò hỏi Việt Minh có phải là cộng sản không, Bác trả lời: “Người Pháp coi mọi người Việt Nam muốn độc lập đều là cộng sản” và ngỏ ý Việt Minh rất cần một máy vô tuyến điện kèm theo các báo vụ viên. Là một tình báo, Fenn theo dõi Bác rất kỹ và cho biết trong thời gian lưu lại ở Côn Minh, Hồ Chí Minh thường đến cơ quan thông tin chiến tranh của Mỹ (AOWI) để đọc tài liệu, khai thác thông tin và đọc cả tờ Times, (Thời báo) và Bộ Bách khoa toàn thư của Mỹ. Bác còn tiếp xúc với cả cơ quan tình báo và thông tin của Anh… Sau này ta sẽ thấy, một trong những nhân tố mang lại thành công cho Cách mạng tháng Tám là có được những quyển sách kịp đúng thời cơ, mà thông tin là yếu tố đầu tiên.

Ngày 20 - 3 - 1945, hai người gặp nhau lần nữa tại một quán cà phê có biển hiệu “Đông Dương”, cùng uống cà phê phin, một kiểu pha rất “Pháp” để bàn về phương thức hợp tác giữa Việt Minh - OSS. Trước lúc chia tay, Bác ngỏ ý muốn gặp nhân vật cao cấp nhất của Mỹ tại đây. Đó là Claire L.Chennault, là viên tướng tư lệnh sư đoàn không quân số 14 đặt bản doanh ở Hoa Nam, cũng là người có quyền lực nhất ở khu vực này, trong đó có cả chiến trường Đông Dương mà những đơn vị không quân mang biệt danh “Cọp bay” hoạt động. Cũng vì Fenn là nhà báo đã viết nhiều bài tuyên truyền các chiến tích của “Cọp bay” nên được viên tướng danh tiếng này trọng thị. Trước khi Bác gặp Chennault, Fenn còn gặp Bác một lần nữa, đi cùng còn có một nhân viên điện báo của OSS gốc người Hoa, đó là Frank Tan.

11 giờ trưa ngày 29 - 3, thủ lĩnh Việt Minh gặp Tư lệnh quân Mỹ ở Hoa Nam, cùng dự, ngoài Ch.Fenn còn có một nhân viên tình báo nữa là Bernard. Vẫn là những xã giao của bên này cảm ơn bên kia đã cứu phi công của mình và bên kia tỏ rõ sự sẵn sàng hợp tác. Thiện chí của cả hai bên đã kết thúc một cách ấn tượng với một tấm ảnh của Chennault kèm theo lời đề tặng cho Hồ Chí Minh “Yours Sincerely”.

Trong cuộc gặp mặt ở New York, cụ Ch.Fenn hồi ức rằng cụ là một tình báo nhà nghề nhưng rất khâm phục sự tinh đời, khôn ngoan nhưng lại rất chân thành của Hồ Chí Minh. Tấm ảnh với những lời lẽ trọng thị của người hùng và đầy quyền uy Chennault, đã trở thành một tấm giấy thông hành vạn năng giúp Bác hoạt động trong thời gian ở Trung Quốc. Người của Tưởng và các lực lượng chính trị khác trong cộng đồng người Việt đều nể sợ.

Chiều tối một ngày cuối tháng 4 - 1945, cũng tại một quán trà nhỏ cách Tĩnh Tây 10km, Bác gặp một nhân vật chủ chốt của OSS. Cùng dự còn có Lê Tùng Sơn, một nhà hoạt động cách mạng đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng các lực lượng cách mạng ở hải ngoại và thực hiện sự chỉ đạo của Bác để phá hỏng ý đồ “Hoa quân nhập Việt”, của Quốc dân đảng Trung Hoa.

Người Mỹ Bác gặp tối hôm đó là Thiếu ta Archimèdes Patti, vừa được Tổng hành dinh của OSS điều động từ Italia về phụ trách “phòng Đông Dương”. Bác đã thông báo với Patti về nạn đói đang hoành hành ở Bắc Kỳ, về ý đồ của Pháp, Trung Hoa đối với vấn đề Việt Nam và như thuật lại của Patti: Con người mảnh khảnh, nhỏ bé kỳ lạ ấy gặp tôi với nụ cười niềm nở. Ông Hồ không yêu cầu gì cả, chỉ có trình bày cho tôi thấy giá trị tiềm tàng của tổ chức quân sự và chính trị của mình”.

Sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, A.Patti đã phóng máy bay tới sân bay Gia Lâm và chứng kiến những diễn biến sôi động nhất của những ngày đầu cách mạng thành công và có nhiều lần tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, và có mặt trong ngày Lễ độc lập 2 - 9 - 1945. Năm 1980, giữa lúc nước Mỹ đang khắc khoải với “hội chứng Việt Nam”, ông cho xuất bản một cuốn sách dày lấy tựa đề “Tại sao Việt Nam” (Why Vietnam?) trả lời câu hỏi vì sao nước Mỹ đã mắc sai lầm và thua ở Việt Nam. Patti chứng minh rằng giống như một người thuỷ thủ già đã lỡ tay bắn chết con chim báo bão nên con tàu bị đắm, nước Mỹ vì đánh mất trong ký ức của mình những kinh nghiệm quan hệ tốt đẹp với Hồ Chí Minh nên đã đối đầu với dân tộc Việt Nam và hứng chịu những bài học cay đắng.

Năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh, cụ A.Patti lặn lội sang Việt Nam dự Hội thảo quốc tế và cho biết sẽ viết tiếp một cuốn sách về Hồ Chí Minh mà cụ báo trước là sẽ có “nhiều điều hấp dẫn”. Năm 1997, tôi sang Mỹ hy vọng được gặp A.Patti nhưng vì sức khoẻ cụ yếu, lại ở xa địa điểm gặp mặt nên chỉ nghe được lời chúc của cụ qua Ban tổ chức.

Sau cuộc gặp A.Patti, phía OSS cử vài nhân viên cùng thiết bị đến để giúp Bác tổ chức bộ máy liên lạc. Bác gửi thư cho Ch.Fenn phàn nàn rằng những người được cử đến đều là những người thân phái Vichy, tức là những người còn nặng óc thực dân. Trong thư Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: Vậy chính sách thực sự của Mỹ là gì?Và yêu cầu gửi những nhân viên gốc người Hoa Nam đến cho Bác. Nhưng vào thời điểm đó có một sự kiện hệ trọng: Tổng thống Mỹ Roosevelt, người duy nhất có ba nhiệm kỳ tổng thống và vào thời điểm Chiến tranh thế giới, ông là người chống phát xít nhiệt huyết nên ít nhiều có những ý tưởng tiến bộ mà một số nước thuộc địa đang trông đợi.

Trên tờ báo Việt Nam Độc Lập, cơ quan tuyên truyền của Việt Minh Cao Bắc Lạng, tờ báo do Bác sáng lập và chỉ đạo trực tiếp, số 212 ra ngày 12 - 4 - 1945 có đăng một tin đóng khung đen: Tin tức thế giới: Tổng thống Ru - Xơ - Vên tạ thế. Tổng thống Mỹ tạ thế. Các nước Đồng minh mất một vị lãnh tụ yêu quý. Thế giởi phản xâm lược mất một người bạn tốt. Cùng với mọi người, chúng ta tỏ lời chia buồn nhân sự tang đau đớn này.

Cuối cùng Bác Hồ lên đường về nước mang theo 2 nhân viên OSS đều gốc Hoa là Frank Tan và Mac Shin. Nhưng câu hỏi Vậy chính sách thực sự của Mỹ là gì? vẫn là một ám ảnh… Có thể đến nay vẫn còn là một câu hỏi quan trọng và hứng thú đối với các nhà sử học…

Nguồn: Xưa và Nay, số 82, tháng 12 năm 2000

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...