Bắc Giang: Nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một nhiệm vụ quan trọng, là thế mạnh của Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh;
Thông qua hoạt động tư vấn, phản biện, đã tập hợp được đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực tham gia tư vấn, đóng góp trí tuệ vào các hoạt động quản lý nhà nước, hoạch định chính sách, nâng cao hiệu quả, tính khả thi của các chương trình, đề án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Chủ động tham mưu banhànhcác cơ chế,chínhsách
Trong những năm qua Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang (Liên hiệp hội) đã tích cực tham mưu chính sách, xây dựng cơ chế, tạo điều kiện để trí thức tham gia góp ý kiến khách quan, thẳng thắn và có chất lượng cao về hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh. Đặc biệt, từ khi có Quyết định 14/QĐ-TTg ngày 14/2/2014 về hoạt động tư vấn, phản biện giám định xã hội, Quyết định 501/TTg ngày 15/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2021, Liên hiệp hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2021/QĐ-UBND quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang (thay thế Quyết định số 75/2011/QĐ-UBND ngày 09/3/2011). Về nội dung tư vấn, phản biện được mở rộng, bổ sung như: Nghị quyết, đề án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội; Đề án do các cơ quan, đơn vị của tỉnh đặt hàng Liên hiệp hội thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Các chương trình, đề án, dự án, báo cáo khác thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị, tổ chức thấy cần thiết phải tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Quy định cụ thể về cơ chế tài chính thực hiện; trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện. Đồng thời, quy định chặt chẽ hơn sự chủ động phối hợp của cơ quan đề nghị tư vấn, phản biện; quy định rõ trách nhiệm sau phản biện, cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo đề án, quy hoạch phải gửi báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Hội đồng phản biện về Liên hiệp hội để theo dõi, tổng hợp, cần thiết có sự trao đổi làm rõ các ý kiến phản biện. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để Liên hiệp hội tỉnh Bắc Giang thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần nâng cao chất lượng chương trình, đề án và những chính sách do UBND tỉnh ban hành.
Để động viên đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, Liên hiệp hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 16/3/2021 quy định về tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu “Trí thức Bắc Giang tiêu biểu”; Kế hoạch số 2422/KH-UBND ngày 25/5/2021 của UBND tỉnh về tổ chức xét, tôn vinh “Trí thức Bắc giang tiêu biểu” lần thứ nhất, năm 2021. Tổ chức xét chọn, tôn vinh 27 Trí thức Bắc Giang tiêu biểu có nhiều đóng góp trên lĩnh vực khoa học và công nghệ, tư vấn, phản biện và trong phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bắc Giang.
Mộtsố kếtquả nổibật
Từ năm 2010 đến nay, Liên hiệp hội tỉnh Bắc Giang đã thực hiện gần 100 hội thảo tư vấn, phản biện thuộc nhiều lĩnh vực. Một số nội dung lớn đã tư vấn, phản biện như: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang đến năm 2030... Liên hiệp hội đã mời được nhiều chuyên gia đầu ngành của Trung ương và của tỉnh tham gia Hội đồng tư vấn, phản biện, như: PGS. TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ThS. Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS.KTS; Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam…, do vậy, chất lượng tư vấn, phản biện được nâng lên, cơ bản các ý kiến của các chuyên gia đã được tiếp thu, góp phần nâng cao chất lượng và tính khả thi của các chương trình, đề án, quy hoạch; nâng cao chất lượng báo cáo chính trị Đại hội và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vị thế, vai trò trong công tác tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội Bắc Giang được nâng lên, thể hiện ngày càng nhiều sở, ngành, địa phương chủ động đặt hàng và xin ý kiến của Liên hiệp hội vào các văn bản do sở, ngành, địa phương chủ trì soạn thảo và mời tham dự các hội thảo khoa học khác do sở, ngành, địa phương chủ trì. Đồng thời, Liên hiệp hội được tham gia thành viên Hội đồng thẩm định của UBND tỉnh thẩm định các quy hoạch trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành. Các ý kiến tham gia của được Liên hiệp hội chuẩn bị công phu, sâu sắc để tiếp tục khẳng định uy tín của Liên hiệp hội.
Những kết quả tư vấn, phản biện và nhiều kiến nghị của Hội đồng tư vấn, phản biện được Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao và các cơ quan chủ trì soạn thảo chương trình, đề án, quy hoạch, chiến lược ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò tư vấn, phản biện để nâng cao chất lượng, tính khả thi của các chiến lược, đề án, quy hoạch khi ban hành. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, quy hoạch, những chính sách của tỉnh làm cơ sở phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Bàihọc kinhnghiệm
Qua hoạt động thực tiễn về tổ chức tư vấn, phản biện, Liên hiệp hội tỉnh Bắc Giang rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Cần tham mưu UBND tỉnh ban hành được quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội; (đối với một số tỉnh chưa ban hành được thì khó có điều kiện để làm tốt được công tác tư vấn, phản biện). Là văn bản pháp lý quan trọng để Liên hiệp hội tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo đề án, quy hoạch.
Chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giao nhiệm vụ phản biện ngay từ đầu năm, nhằm bảo đảm tính pháp lý và hiệu lực thực hiện nhiệm vụ phản biện, cũng như sự phối hợp của các sở, ngành. Hằng năm, sau khi có Chương trình công tác năm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Liên hiệp hội chủ động lựa chọn và trực tiếp đề xuất những nội dung tư vấn, phản biện; chú ý lựa chọn nội dung lớn, để tổ chức tư vấn, phản biện có trọng tâm, không dàn trải.
Chuẩn bị tốt về kinh phí thực hiện phản biện: Trên cơ sở Quyết định số 05/2021/QĐ-UBND ngày 15/3/2021 quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội, là căn cứ để bảo vệ ngân sách hoạt động tư vấn, phản biện với Sở Tài chính; năm 2021, Liên hiệp hội được phân bổ riêng cho hoạt động tư vấn, phản biện là 720 triệu đồng, đáp ứng yêu cầu cho hoạt động tư vấn, phản biện.
Quan tâm công tác tập hợp chuyên gia tham gia phản biện: chất lượng của mỗi cuộc phản biện phụ thuộc vào chất lượng của các chuyên gia. Trong mỗi cuộc phản biện, Liên hiệp hội Bắc Giang đều mời được các chuyên gia có uy tín cả trong và ngoài tỉnh, đúng chuyên ngành và lĩnh vực, có ý kiến chuyên sâu đối với nội dung phản biện; do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo và đơn vị tư vấn khi được dự trực tiếp hội nghị phản biện, đã thấy rõ hiệu quả của công tác tư vấn, phản biện, thậm chí thay đổi nhận thức về phản biện.
Chuẩn bị tốt các khâu trước phản biện như: thành lập tổ chuyên gia đề xuất những vấn đề cần tập trung phản biện, đồng thời, tổng hợp thành gợi ý phản biện và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo gửi đề án, quy hoạch và các tài liệu liên quan đến thành viên hội đồng phản biện trước 10 ngày để có thời gian nghiên cứu thỏa đáng. Mỗi đề án, quy hoạch được phản biện đã phân công chuyên gia xây dựng 3-4 chuyên đề nghiên cứu khoa học sâu về nội dung phản biện, để nâng cao chất lượng góp ý, phản biện của các chuyên gia và phản biện chuyên sâu đối với từng chuyên đề, lĩnh vực của nội dung Quy hoạch, Đề án.
Chuẩn bị có chất lượng báo cáo kết quả phản biện: Quan tâm đến chất lượng báo cáo phản biện; nếu chuẩn bị báo cáo không tốt, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phản biện và vai trò của phản biện. Báo cáo tổng hợp những ý kiến lớn, thực sự xác đáng; những tư vấn, khuyến nghị, đều có sự lý giải bảo đảm cơ sở khoa học, lôgic và thuyết phục, gửi báo cáo UBND tỉnh và cơ quan chủ trì xây dựng Quy hoạch. Vấn đề này, Liên hiệp hội Bắc Giang đã làm tốt, lãnh đạo UBND tỉnh đều xem báo cáo phản biện của Liên hiệp hội trước khi thảo luận, quyết định thông qua quy hoạch, đề án.
Có thể nhận thấy rằng, để có được những kết quả trên là do Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm, tạo điều kiện đối với hoạt động của Liên hiệp hội. Với chức năng tập hợp trí thức khoa học và công nghệ, Liên hiệp hội đã đẩy mạnh công tác tập hợp, phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đặc biệt là tham gia công tác tư vấn, phản biện nhằm cung cấp cơ sở khoa học để tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét trước khi ban hành các chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh như các chương trình, đề án, quy hoạch; tổ chức các diễn đàn, hội thảo khoa học, nhằm tư vấn, đề xuất giải pháp giải quyết những vấn đề đặt ra của địa phương..... là cơ sở quan trọng để Liên hiệp hội tỉnh Bắc Giang triển khai tốt hoạt động tư vấn, phản biện góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Liên hiệp hội./.