"Anh Cự ơi, đã bắt đầu đâu mà đòi tổng kết"
Tôi học Đại học cùng khóa với GSTSKH.Vũ Đình Cự. Ngay từ hồi ấy anh đã biểu hiện một tài năng đầy triển vọng cùng với các bạn học khác, như các anh Phan Đình Diệu, Nguyễn Văn Hiệu, Đàm Trung Đồn, Phan Văn Thích…
Tôi kém anh hai tuổi nhưng anh vẫn giữ tình thân bằng hữu cho mãi đến về sau , khi anh đã có nhiều công lao hiển hách trong việc chống phá bom từ trường của Mỹ tại Vịnh Bắc Bộ hoặc nhận các trách nhiệm nặng nề như Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Cộng nghệ của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Viện trưởng Viện Công nghệ Quốc gia (về sau đổi là Viện Ứng dụng Công nghệ), rồi còn đảm nhiệm cho đến nay chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hòa Bình của nước ta. Anh là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa VII và VIII.
Anh thường vui vẻ gặp tôi trong ba khóa Quốc hội với tư cách Khách mời. Lần nào tôi cũng đùa vui với anh về chuyện không chịu lấy vợ. Có lần cách đây đã lâu tôi thử làm mối cho anh với một nữ tiến sĩ, một người tài hoa, lại còn rất trẻ và rất mến mộ tài năng của anh.
Anh ở trong một căn hộ nhỏ tại Khu tập thể Đại học Bách khoa nhưng các tối thứ bảy vào gặp anh đều phải tìm trên Phòng thí nghiệm ,vì anh lên đấy để một mình… đọc sách (!). Anh tiếp đón nhiệt tình và rất vui. Sau ba lần như vậy. Tôi hỏi vui anh “Comment?” (Thế nào?), anh hào hứng trả lời “Parfait” (Hết ý!). Thế là tôi yên chí là mình đã làm được một việc mà chưa ai làm được.
Bẵng đi mấy tuần tôi gặp lại nữ tiến sĩ ấy và được trả lời là “Không thấy anh Cự đến em!”. Tôi vội gặp nhà bác học đãng trí để hỏi, không ngờ câu trả lời là: “Ông ơi, lại phải đến nữa kia à?”. Thật không biết nói gì thêm nữa. Thật đáng tiếc, nữ TS ấy hiện công tác tại TP Hồ Chí Minh và vẫn không kết hôn với ai (!).
Anh là người như thế đấy. Rất dí dỏm, duyên dáng, nhưng chuyện ấy thì thật khó giải thích. Gần đây tôi còn cố một lần nữa bằng câu hỏi: “Ông ơi, đến giờ tôi vẫn có khả năng giới thiệu cho ông”. Vẫn một nụ cười tươi với đôi mắt nheo lại sau cặp kính trắng: "Cảm ơn ông, mình đến giai đoạn tổng kết rồi!”. Tôi không chịu thua: "Ông đã bắt đầu đâu mà đòi tổng kết?”. Anh đúng là người rất dễ gần gũi, rất cởi mở, nhưng chỉ riêng về chuyện này thì có lẽ ít ai dám động đến như tôi.
GS Vũ Đình Cự sinh ngày 15/2/1936, được đào tạo khá sâu tại Nga để có học vị Tiến sĩ Khoa học và do những cống hiến xuất sắc mà anh đã được nhận cùng tập thể Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác.
GS.Vũ Đình Cự để lại không ít công trình khoa học và những cuốn sách phổ biến khoa học có giá trị cao. Vì là người ngoại đạo Vật lý cho nên trong tay tôi chỉ có cuốn Khoa học Công nghệ Thông tin và Điện tử - Triển vọng phát triển và ứng dụng trong hai thập niên tới do NXB Khoa học và Kỹ thuật phát hành năm 2007.
Sự ra đi đột ngột của GS Vũ Đình Cự là một tổn thất lớn lao cho nền khoa học nước nhà khi đang cần những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đầu đàn như anh trong sự nghiệp chấn hưng nền Khoa học và Công nghệ trong quá trình Đổi Mới của đất nước. Chúng tôi mất đi một người bạn tài hoa và hiền hậu. Gia đình, dòng họ mất đi một người con trung hiếu vẹn toàn. Sao anh ra đi đột ngột thế, anh Cự ơi?
GS. TSKH Vật lý Vũ Đình Cự, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã qua đời vào ngày 7/9/2011 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một cơn bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 75 tuổi. GS. TSKH Vật lý Vũ Đình Cự sinh ngày 15/02/1936, quê ở xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông đã từng đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh (tập thể); Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ông nguyên là Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, VIII. |