Xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao: Vẫn thiếu một sự bứt phá về cơ chế!
Chính vì chủ trương XHH đi được vào lòng dân mà “khó vạn lần dân liệu cũng xong”, trên 150.000m2 đất đã được người dân hiến tặng để xây dựng trường học, bệnh viện… Và trên 5.000 tỷ đồng đã được dân đóng góp cho việc đầu tư xây dựng đời sống văn hóa, trùng tu, phục hồi, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa. Song, bên cạnh sự phát triển một cách đa dạng của các mặt hoạt động thuộc lĩnh vực khoa giáo trong xã hội, hầu như các nhà nghiên cứu vẫn tỏ ra băn khoăn rất nhiều về phương thức triển khai của chủ trương này. GS.TS Trần Ngọc Hiên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam, đưa ra nhận xét: “Đã có sự phát triển về bề rộng, nhưng lại kém về chất lượng và hiệu quả!”. Vì sao vậy?
Người nghèo vẫn bị…đóng góp cao: Một nghịch lý !
Trong một hội thảo về XHH giáo dục (GD) gần đây, GS.TS Hồ Sĩ Thoảng đã phê phán: XHH giáo dục tràn lan như hiện nay, làm không ít người nghèo đáng ra được Nhà nước hỗ trợ, lại ở trong diện XHH, thành ra không thể tiếp tục học… TS Dương Thiệu Tống cũng cảnh báo: Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) không xác định rõ lại phương thức XHH, hậu quả tất yếu là sẽ không đảm bảo được cơ hội GD đồng đều cho mọi người. Ông cũng đưa ra một nghiên cứu gần đây cho thấy một nghịch lý: càng giàu thì gánh nặng chi phí cho GD càng nhẹ, càng nghèo thì gánh nặng này càng lớn! GS Phạm Phụ lại cho rằng tình hình bất công bằng xã hội trong hưởng thụ GD đã tương đối nghiêm trọng: Nếu chỉ số phân hóa giàu nghèo ở nước ta khoảng 7-8 lần, thì bất bình đẳng trong GD đại học đã lên đến con số 20 lần.
Một khi thiếu cơ chế “huy động vốn” khoa học, người nghèo lại trở thành “nạn nhân” của việc XHH, ngược hẳn lại ý nghĩa tốt đẹp của XHH là: Mang lại công bằng xã hội, tăng cơ hội hưởng thụ cho người nghèo.
Chất lượng cơ sở ngoài công lập yếu kém!
Nhiều năm qua, các cơ sở ngoài công lập ở lĩnh vực khoa giáo đã cải thiện phần nào được cơ sở vật chất. Song, nhìn trên bình diện chung, các cơ sở này còn nhỏ bé, thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cao, chủ yếu “ăn theo” nhân lực của khu vực công lập. Chính sự thiếu đầu tư sâu , mà các cơ sở ngoài công lập đang “khoét” dần đội ngũ nhân lực của khu vực công lập, gây suy yếu cho cả đôi bên.
“Chất lượng hoạt động một số lĩnh vực, chất lượng dịch vụ của các cơ sở ngoài công lập chưa cao. Hiệu quả hoạt động của nhiều cơ sở còn hạn chế. Một số cơ sở chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, còn biểu hiện vụ lợi và nảy sinh nhiều tiêu cực vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong quá trình thực hiện XHH, làm cho dư luận xã hội bất bình”. Nhận định này của các nhà quản lý cách đây 2 năm, hiện nay có được cải thiện tình hình? Hay những người dân có tiền lỡ tham gia vào các dịch vụ không –nghiêm – chỉnh này phải ta thán “người giàu cũng… khóc”, vì không được đáp ứng đúng nhu cầu và đồng tiền họ bỏ ra? Ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho dân?
Bài học muôn thuở: Cơ chế quản lý!
Rõ ràng, đến nay, công tác quản lý Nhà nước vẫn còn nhiều lúng túng trong việc thực thi chủ trương XHH. Nghị định 73 đã quy định rõ 5 nội dung quản lý Nhà nước trong XHH: xây dựng định hướng XHH ngành; ban hành các chính sách, chế độ; cấp và thu hồi giấy phép; quản lý thống nhất về nội dung, chất lượng và dịch vụ; thanh tra, kiểm tra. Nếu soi rọi Nghị định 73 vào thực tế quản lý của các ngành, người ta tự hỏi, ngành GD-ĐT quản lý thế nào mà hàng loạt ĐH ngoài công lập đều phát sinh những tiêu cực, chưa kể các cơ sở văn hóa ngoài giờ như ngoại ngữ, du học liên tiếp hoạt động “lừa” học sinh, kém chất lượng? Rồi một số cơ sở tư nhân hoạt động ở lĩnh vực văn hóa làm tha hóa một bộ phận thanh niên, các nhà quản lý ở đâu?
Mặt khác, trong khi chúng ta triển khai mạnh mẽ công tác XHH các mặt hoạt động liên quan đến đời sống người dân, thì lại tỏ ra khá dè dặt và thiếu những quy định rành mạch về bản chất sở hữu của các cơ sở dân lập, bán công, tư nhân; chưa làm rõ sự khác biệt giữa bản chất phi lợi nhuận của một số hình thức hoạt động XHH (ví dụ như trong GD) và tính chất kinh doanh của các cơ sở ngoài công lập. Chính vì vậy, mà các quy định để vừa khuyến khích XHH, vừa bảo đảm định hướng phát triển đã không được triển khai kịp thời. Đưa đến tình trạng, nhiều cơ sở ngoài công lập còn coi nhẹ trách nhiệm xã hội, chưa chú trọng đến chất lượng, chỉ chú trọng lợi ích kinh tế.
Cuối cùng, chúng tôi xin ghi lại đề nghị của GS.TS Trần Ngọc Hiên: Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do kéo dài phương thức hoạt động XHH theo kiểu cũ, thiếu cơ sở lý luận. Và nếu không có một cuộc bứt phá vượt khỏi vòng luẩn quẩn lâu nay thì không thể làm tốt XHH!
Theo Sài Gòn Giải Phóng 22/08/2005.