Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 11/09/2007 16:43 (GMT+7)

Pièrre Darriulat: Việt Nam cần các trường đại học và viện nghiên cứu tốt hơn

Sự cần thiết của các đường lối chung

Có một số câu hỏi cơ bản cần được trả lời nhằm định ra một cơ cấu cho đại học và nghiên cứu có thể phát triển. Những câu hỏi đó là: “Vì sao Việt Namcần trường đại học?”“Vì sao Việt Nam cần nghiên cứu khoa học?”Đó không phải là những câu hỏi tầm thường; các nước khác nhau có những câu trả lời khác nhau, thậm chí một nước cũng có những câu trả lời khác nhau tuỳ theo các giai đoạn lịch sử. Chỉ khi nào trả lời được những câu hỏi đó mới có hy vọng trả lời được các hệ quả: “Việt Namcần những trường đại học kiểu gì?”“Việt Nam cần nghiên cứu khoa học kiểu gì?”Những câu trả lời phản ánh hình thái xã hội mà người ta muốn đất nước sẽ có, chúng là những lựa chọn chủ yếu mà nhà nước cần làm cho nhân dân mình. Hiển nhiên tôi không thể là người đề nghị những câu trả lời khả thi cho những câu hỏi đó. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam không nên sao chép mù quáng những gì đã làm hoặc đang được làm ở ngoại quốc, một điều có vẻ đang rất dễ xảy ra. Điều kiện biên và mục tiêu đều rất khác nhau: cái tốt ở chỗ khác không có lý do để cũng sẽ tốt như thế ở đây, chưa kể đến rất nhiều lỗi lầm và lỗi vận hành mà nhiều đại học ngoại quốc đã gặp phải. Tất nhiên, phải biết những kinh nghiệm đó và phải rút ra các bài học càng nhiều càng tốt; nhưng, thay vì cố lặp lại những gì đang được làm ở ngoại quốc, chúng ta cần có những câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi cơ bản mà tôi vừa nêu trên, phổ biến chúng thật rộng rãi và dùng chúng như một khuôn khổ chính để tiến bộ và từ đó mà xác định các phương hướng chủ đạo. Trong thời buổi mà đất nước, với chính sách đổi mới, đang lèo lái giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism), các định hướng nói trên là vô cùng cần thiết.

Ở Việt Nam người ta hay viện dẫn các “tiêu chuẩn quốc tế” như thể không còn cách giải quyết nào khác cho các vấn đề của Việt Nam ngoài cách sao chép ngoại quốc hoặc cầu cứu những người ngoại quốc được gọi là chuyên gia để cứu vãn tình trạng Việt Nam. Phần lớn các vấn đề đều có thể được giải quyết từ bên trong; chúng đòi hỏi trước hết tính trung thực, lý trí thường thức, lòng dũng cảm, và quyết tâm. Cái điệp khúc cũ rằng Việt Nam còn nghèolà một sự bao biện tồi: thực sự các gia đình Việt Nam đã chi nhiều, rất nhiều tiền để gửi con cái họ ra ngoại quốc học; số tiền đó lẽ ra có thể được sử dụng ở nhà để cải thiện hệ thống giáo dục đại học và đấu tranh chống lại tai hoạ chảy máu xám hiện chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Tôi nhớ tới một bộ phim [3] về chuyện một cô bé Hà Nội được gửi sang Hoa Kỳ học, tới một vùng hẻo lánh tại miền nam nước Mỹ, trong một môi trường hoàn toàn thiếu văn hoá: Thật là phí tiền tới chừng nào! Tôi cũng biết những trường hợp các thực tập sinh sau tiến sĩ (postdoc) rất xuất sắc trở về Việt Nam , thường là vì lý do gia đình, sau khi bảo vệ tiến sĩ ở ngoại quốc. Họ được bố trí những công việc kém tương xứng trong hệ thống đại học hiện hành: Thật là phung phí tài năng và tiền bạc mà Việt Nam đã đầu tư để đào tạo họ! Chúng ta không cần phải thường xuyên viện dẫn các tiêu chuẩn quốc tế, mà chỉ cần chữa trị những căn bệnh trầm kha của hệ thống hiện hành và chặn đứng, hoặc ít nhất là làm chậm lại, hiện trạng chảy máu xám. Khi đó lập tức sẽ có những so sánh với tiêu chuẩn quốc tế có lợi cho Việt Nam .

Dưới đây tôi minh hoạ cho lập luận của mình bằng vài thí dụ.

Năm mươi năm trước, các nước phương Tây đã quyết định dân chủ hoá các trường đại học của họ, bằng cách nhận nhiều sinh viên hơn trước [4] . Về nguyên tắc, đó là một ý tưởng hào phóng, và tôi tin rằng đó là một thành công tổng thể. Tuy nhiên, về chi tiết, đã gặp phải nhiều thất bại khiến người ta cần xét lại ý tưởng đầu tiên. Có rất nhiều sinh viên vào đại học nhưng hoặc là không có khả năng, hoặc lười nhác. Người ta phải nghĩ ra các chương trình đào tạo ngắn hạn, một hoặc hai năm, để chuyển các sinh viên này sang các trường dạy nghề khi vẫn còn thời gian (Tiện đây, điều này cho thấy, ta không thể nghĩ về đại học một cách cô lập mà phải trong một nội dung rộng hơn của giáo dục nâng cao). Những sinh viên yếu, không thể nhận bằng tốt nghiệp, buộc phải đương đầu với vấn đề lớn là tìm việc làm sau khi đã “mất” vài năm tại đại học. Những câu hỏi được đặt ra ở đây là những lựa chọn rất cơ bản của xã hội, như dân chủ và công lý (mỗi người phải có quyền được học nhưng các sinh viên giỏi hơn cũng phải có quyền tiến bộ với tốc độ nhanh hơn mà không bị các bạn đồng niên kém tài hơn níu chân).

Theo kinh nghiệm Việt Nam của tôi, tôi thấy có nhiều việc cần làm trong lĩnh vực này. Có quá nhiều sinh viên thực sự không có khả năng hoàn thành chương trình đại học lại vẫn cứ cố học hết 4 năm. Chẳng những họ làm học vị tốt nghiệp mất giá thậm tệ, mà họ còn cản trở những sinh viên khá hơn họ được hưởng thụ sự đào tạo xứng đáng ở mức cao hơn. Những lớp cử nhân tài năng không giúp gì cho việc này, vì việc tuyển chọn được làm quá sớm. Tôi thấy cần phải xem xét nghiêm túc việc loại bỏ hệ thống chia lớp như hiện nay, một hệ thống quá ư cứng nhắc, ngăn cản, nếu không nói là vô hiệu hoá, bất kỳ một thay đổi và tiến hoá nào. Chúng ta cần xem xét việc thay nó bằng hệ thống hiện đang được áp dụng tại hầu hết các trường đại học trên thế giới, nơi các sinh viên có thể chọn môn học nào họ phải theo trong khuôn khổ một số quy định chung, tuỳ theo khả năng và tham vọng của họ. Hệ thống mềm dẻo hơn này sẽ giảm nhẹ gánh nặng phải tạo ra các khoá ngắn hạn cho các sinh viên không ở mức hoàn thành được cả chương trình đại học và tránh được việc phải chuyển họ sang các kênh phù hợp hơn, như các trường dạy nghề, khi vẫn còn thời gian. Một sự thay thế như thế sẽ giúp cho việc đưa những môn học mới vào chương trình trở nên dễ dàng hơn, như môn vật lý thiên văn hiện chưa được dạy tại đại học Việt Nam . Người ta phải có khả năng ngừng học ở các mức khác nhau với nhiều loại chứng chỉ tương ứng khác nhau phù hợp với nhu cầu của đất nước. Và, quan trọng nhất là, việc kiểm tra theo dõi sự tiến bộ của sinh viên và cấp chứng chỉ cần được thực hiện ở mức khắt khe hơn hiện nay.

Ví dụ thứ hai: Hiện nay ở Việt Nam người ta nghe nhiều cuộc tranh cãi về nguyện vọng muốn lập các đại học tư thục. Tất nhiên đây là một vấn đề lớn tương tự như phải xác định xem sinh viên phải chịu bao nhiêu và nhà nước chịu bao nhiêu chi phí đào tạo. Những câu hỏi cơ bản đó một lần nữa lại tương ứng với sự lựa chọn của xã hội; câu trả lời phải đến từ cấp cao nhất. Nhưng cần phải chấm dứt lối tư duy rằng Harvard là một trường đại học tốt vì đó là trường tư và rằng tất cả các trường đại học tư là tốt còn tất cả các đại học công lập là tồi (Thỉnh thoảng tôi có được nghe những lý lẽ kiểu như vậy, cho dù dưới dạng ít châm biếm hơn).

Ví dụ thứ ba: vai trò của nghiên cứu trong các trường đại học. Tại các nước phát triển nhất, một điều được công nhận là: các trường đại học không có đủ cơ sở nghiên cứu là các trường đại học hạng thấp. Việt Nam cần có một chính sách rõ ràng trong lĩnh vực này. Hiện có các viện nghiên cứu mà quan hệ của chúng với các trường đại học cần được xác định rõ ràng (và theo quan điểm của tôi, cần được củng cố và khuyến khích). Đó là một việc không dễ dàng hay đơn giản. Ví dụ ở Pháp việc bình thường hoá quan hệ giữa các trường đại học với CNRS (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia, N.D.) từng là một vấn đề nổi cộm trong nhiều năm (và vẫn tồn tại trong một chừng mực nào đó). Ở Việt Nam cũng vậy, các đối tác cần hợp tác chặt chẽ để làm sáng tỏ tình hình và xác định rõ ràng vai trò tương ứng của mình [5] .

Ví dụ cuối cùng: khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Trong khi rõ ràng Việt Namcần đặt ưu tiên cao cho các nghiên cứu ứng dụng trong giai đoạn phát triển nhanh hiện nay, hầu như tất cả đều đồng ý rằng, ít nhất tôi hy vọng như vậy, Việt Nam cần giải phóng một mặt bằng nào đó cho nghiên cứu cơ bản đua nở. Kinh nghiệm đã cho thấy rằng không thể có nghiên cứu ứng dụng tốt mà lại thiếu nghiên cứu cơ bản chất lượng cao. Người ta thường chấp nhận rằng các tiêu chuẩn chủ yếu để lựa chọn đề tài nghiên cứu cơ bản chỉ dựa trên sự xuất sắc. Nhưng các chỉ đạo về chính sách khoa học là rất cần thiết để xác định các phương hướng mà theo đó đất nước muốn hỗ trợ nghiên cứu cơ bản. Lại một lần nữa đây là những quyết định mà chỉ có cấp nhà nước mới làm được.

Tôi không nghi ngờ rằng giới lãnh đạo đã có các câu trả lời cho các vấn đề lớn như vậy, nhưng có vẻ như ở cấp dưới, chẳng hạn cấp mà tôi có dịp trao đổi với các đồng nghiệp và sinh viên của tôi, chúng không hề được biết đến. Để đảm bảo tính chặt chẽ của tiến bộ và để tránh mỗi cá nhân có thể rẽ dây cương theo bất kỳ lối nào có lợi nhất cho mình, những câu trả lời này cần được đưa ra một cách mạch lạc và phổ biến rộng rãi để mọi người có thể hiểu rõ nội dung của chúng.

Xem Thêm

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.

Tin mới

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...