PGS.TS Hồ Uy Liêm: “Chúng ta đang làm khoa học nửa vời!”
PGS.TS Hồ Uy Liêm:Về phía nhà khoa học, tôi có cảm nghĩ là đi chậm hơn các doanh nghiệp, tức là họ vẫn cứ thích được bao cấp trong nghiên cứu khoa học, chưa thực sự bước vào nền kinh tế thị trường. Vì bước vào thị trường thì tổ chức khoa học ở một khía cạnh nào đó cũng phải là một doanh nghiệp. Phóng viên (PV): Nghĩa là, các nhà khoa học ở một khía cạnh nào đấy còn lạc hậu hơn cả đời sống thực tiễn? PGS.TS Hồ Uy Liêm:Lạc hậu hơn nhiều. Tôi biết, có rất nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu, kể cả cấp Nhà nước, không thể ứng dụng vào sản xuất. Tất nhiên, phát triển công nghệ có hai cách. Một cách là chúng ta nghiên cứu từ A đến Z ở trong nước, tất nhiên là có tìm hiểu số liệu, kinh nghiệm, thậm chí một vài công trình ở nước ngoài. Cách thứ hai là xuất phát từ công nghệ hiện đại của các nước để tiến lên, đặc biệt là xuất phát từ các công nghệ hiện đại mà các doanh nghiệp của ta và nước ngoài đang sử dụng tại Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta nên làm theo kiểu thứ hai bởi nếu chúng ta cứ đuổi theo họ như cách làm thứ nhất thì không bao giờ chúng ta kịp được. Nhưng nếu trên nền công nghệ cao có nguồn gốc từ nước ngoài chúng ta cải tiến thì hoàn toàn có thể làm được. Muốn như vậy thì lại phải có tương đối nhiều tiền và phải rất tập trung lực lượng. Lâu nay, trong nhiều cơ quan Nhà nước tồn tại một ý nghĩ là khoa học thì rẻ. Đâu phải thế. Những gì dễ thì người ta phát minh rồi, cái gì đơn giản người ta tìm hết rồi. Muốn có tri thức mới thì phải dùng những công cụ cực kỳ hiện đại, cực kỳ tinh vi mà chúng ta lại không có. Vì vậy, cái gọi là nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và công nghệ của chúng ta hiện nay không còn là những cái cơ bản, không đúng với cái nghĩa cơ bản nữa. PV: Nó là gì, thưa ông? PGS.TS Hồ Uy Liêm:Chúng ta đang làm theo, chạy theo các hướng nghiên cứu của nước ngoài mà không tập trung sức lực, không tập trung nhân tài, vật lực nên cuối cùng kết quả nói chung là không cao, không áp dụng được. PV: Hầu hết các nhà khoa học của chúng ta chưa sống được bằng nghề. Phải chăng đây là rào cản cho khoa học? PGS.TS Hồ Uy Liêm:Các nhà khoa học ở ta xưa nay chưa thực sự sống được bằng nghề. Đáng ra họ phải sống bằng các công trình khoa học, các công nghệ do họ sáng tạo ra các thành quả, hiệu quả từ các công trình của mình chứ không phải sống bằng mấy chục triệu mà Nhà nước bao cấp. Đây là một rào cản rất lớn. Trong mấy chục năm đổi mới, các doanh nghiệp ngày càng bị đặt trong điều kiện cạnh tranh của thị trường, buộc phải thay đổi công nghệ, cải tiến quản lý buộc phải cạnh tranh, không cạnh tranh thì không tồn tại được. Trong khi đó, các nhà khoa học chưa bao giờ bị đặt vào tình trạng đó. Thậm chí có các nhà khoa học có học hàm học vị cao nhưng cả mấy chục năm chẳng có công trình nghiên cứu khoa học nào tương xứng với danh vị ấy. Anh em chúng ta đi học ở nước ngoài thì được lắp ngay thành cái đinh vít của nền khoa học tiên tiến và tự nó vận hành. Trong môi trường đó, anh ta có thể phát triển tốt nhưng về nước thì cái ốc vít nguyên vẹn là… ốc vít. Một cái rất tệ nữa là anh làm luận văn ở nước ngoài theo hướng gì thì về nhà lại cũng làm y như vậy. Một trăm người thì có một trăm hướng khác nhau. ở đây rất thiếu vai trò điều tiết của nhà quản lý giỏi và của quốc gia. Nhà nước và doanh nghiệp cần phải đặt hàng. PV: Khi doanh nghiệp không đặt hàng thì có thể có hai vấn đề, hoặc là họ không muốn hoặc các nhà khoa học không tạo được lòng tin để họ đặt hàng. Ông nghĩ sao về điều này? PGS.TS Hồ Uy Liêm:Cái đó cũng có. Các nhà khoa học của chúng ta chưa quen với hoạt động cạnh tranh. Họ cần phải cảm thấy không yên ổn khi làm ăn kém. Anh làm ăn kém, anh phải bị sa thải cũng như công nhân làm ăn kém đã bị sa thải. Vậy thì không có cớ gì các quan chức, các nhà khoa học làm ăn kém lại yên vị. Tôi biết ở nước ngoài, các nhà khoa học chỉ làm công việc nghiên cứu khoa học và Nhà nước tạo điều kiện cho họ cống hiến cho nền khoa học. Còn ở ta, các nhà khoa học muốn hoạt động được là phải có quyền. Anh không có quyền thì không thể có điều kiện thực thi những ý tưởng của mình. Vì thế, anh nào cũng muốn ngoi lên để có một vị trí nào đấy. Cứ một anh làm khoa học nổi danh một chút, khá một chút là được chuyển sang làm quản lý. Vì thế dễ xảy ra tình trạng vừa mất nhà khoa học giỏi mà lại chỉ được nhà quản lý tồi. PV: Trở lại với câu hỏi về các đề tài khoa học, có ý kiến cho rằng trên thực tế, không ít đề tài khoa học được nghĩ ra với một mục đích duy nhất là nhận tiền đầu tư của Nhà nước, còn nó sống chết như thế nào không quan trọng. Ông nghĩ sao về điều này? PGS.TS Hồ Uy Liêm:Nói thế thì nặng quá. Nhưng có một thực tế là do cơ chế bắt buộc. Với đồng lương như hiện nay thì việc nuôi anh em làm khoa học và nuôi một phòng thí nghiệm, dù chỉ là phòng thí nghiệm bộ môn thì phải có các đề tài, có danh mục nghiên cứu. Còn nghiên cứu ra đến đâu thì không ai dám nói mạnh, kể cả những người có liêm sỉ. Các tập thể nghiên cứu của chúng ta hiện nay đều có quy mô rất nhỏ và với quy mô này thì rất khó có thể cho ra những sản phẩm lớn. Từ chính sách, cơ chế đến định hướng và các điều kiện… đều có cảm giác chúng ta làm không đến nơi đến chốn, có phần hời hợt. Mặt khác, lực lượng trẻ là lực lượng cống hiến được nhiều nhất thì với cơ chế trả lương hiện nay đã không thu hút được họ. Vì vậy, họ phải bỏ năng lực của mình ra làm nhiều việc khác để sống nên cũng thành nửa vời. PV: Xin cám ơn ông! |