Liên kết ‘bốn nhà’: Để nhà nông không phải… đứng một mình
Hướng đi đúng, nhưng còn lắm nỗi băn khoăn
Kể từ khi triển khai thực hiện mô hình liên kết "bốn nhà" (Nhà nước, nhà kinh doanh, nhà khoa học và nhà nông), mấy năm qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông, lâm sản giữa nông dân với các doanh nghiệp đã có những kết quả cụ thể. Theo một con số thống kê thì năm 2004 đã sản xuất theo hợp đồng với lúa: 150 nghìn ha, mía: 150 nghìn ha, chiếm khoảng 2/3 diện tích trong vùng nguyên liệu của các nhà máy… Chương trình liên kết này đã mở hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp, người sản xuất; từng bước làm thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp và hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Tuy vậy, qua thực tế thì tỷ lệ nông sản hàng hoá được tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa người sản xuất và doanh nghiệp còn rất thấp. Mục tiêu mở rộng phương thức ký hợp đồng tiêu thụ nông sản để đến năm 2005 ít nhất 30% số lượng nông sản hàng hoá được tiêu thụ thông qua hợp đồng mới chỉ đạt được với một số ít nông sản như mía, bông, sữa, thuốc lá, chè, cao su. Một số hợp đồng có tính chất hình thức, không được thực hiện đầy đủ. Việc tham gia của các nhà khoa học, quản lý còn thụ động.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp là đầu mối liên kết nhưng phần lớn năng lực tài chính còn hạn chế; không có mạng lưới thu gom nông sản hàng hoá đến tận người nông dân; khá nhiều nông dân vẫn coi trọng những cái trước mắt mà không tính toán đến lâu dài. Bên cạnh đó là nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật, nên rất dễ vi phạm hợp đồng trong quá trình liên kết. Thế nên thời gian qua mới xảy ra tình trạng phổ biến là nhiều hộ nông dân dù đã ký kết hợp đồng nhận đầu tư ứng trước của doanh nghiệp này, nhưng khi giá thị trường biến động, lại sẵn sàng bán nông sản cho doanh nghiệp khác hoặc tư thương với giá cao hơn. Chính thực tế đó đã khiến các nhà doanh nghiệp cảm thấy không yên tâm và thêm vào đó là sợ sự rủi ro do thiên tai hay các nguyên nhân bất khả kháng khác…
Ruộng đất sản xuất của các hộ nông dân ở nước ta hiện còn nhỏ, manh mún, phân tán nên khó khăn trong việc hình thành các vùng hàng hoá nông sản tập trung, trong khi đó nhiều nơi chưa có hợp tác xã hoặc hợp tác xã chưa phát huy vai trò làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Quy định hiện hành về sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở chưa được thực hiện tốt ở nhiều nơi, các phương thức xử lý khi có tranh chấp hợp đồng chưa có hiệu lực cao đối với cả doanh nghiệp và người nông dân.
Đã có những mô hình liên kết hiệu quả
Còn khá nhiều vấn đề đặt ra trong mối liên kết giữa bốn nhà, thế nhưng, qua thực tế cho thấy thì ở một số địa phương đã làm khá tốt chương trình này. Ở Lai Châu, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện chương trình liên kết bốn nhà hiệu quả nên đã góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo từ gần 32% trong cuối năm 2004 xuống còn 27% trong tháng 6-2005.
Lai Châu là tỉnh hiện có khoảng 90% dân số canh tác nông nghiệp, chiếm 83% lực lượng lao động tại địa phương. Vì vậy, ở hầu hết các xã, phường và thị trấn cùng nhiều thôn bản của tỉnh đều thành lập tổ chức Hội Nông dân. Thông qua việc ký kết hợp đồng, phối hợp với các công ty sản xuất phân bón, sản xuất thiết bị nông nghiệp, các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm..., Hội Nông dân tỉnh đã thực hịên có hiệu quả chương trình liên kết bốn nhà. Hội đã ký hợp đồng với Công ty Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao triển khai chương trình mua hơn 3.000 tấn phân bón NPK với phương thức trả chậm, giúp 7.000 hộ có điều kiện đầu tư thâm canh, chăm sóc cây trồng. Nhờ vậy, hàng nghìn héc-ta chè, lúa và hoa màu vụ chiêm xuân năm 2005 được đầu tư kịp thời, nâng sản lượng chè búp tươi lên 20- 30%, năng suất lúa và hoa màu tăng từ 10 đến 30%. Hội cũng phối hợp với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn bà con đưa máy kéo nhỏ đa chức năng vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ mở rộng các hoạt động phối hợp với nhiều doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, năm 2004 các hộ nông dân trong vùng đã tiêu thụ được hơn 16.000 tấn chè búp tươi, gần 200 tấn thảo quả và hàng trăm tấn nông sản khác.
Một trong những liên kết khá hiệu quả nữa giữa bốn nhà cũng được nhiều người nhắc đến, đó là liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây an toàn khu vực sông Tiền, gọi tắt là "Liên kết GAP sông Tiền". Đây là một mô hình mới, được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các nhà vườn, đối tượng chính được hưởng lợi từ hoạt động của liên kết này. Liên kết này đã khắc phục được tình trạng "trúng mùa rớt giá" mà từ lâu đã trở nên quen thuộc như một quy luật đối với thị trường trái cây Việt Nam .
Mục tiêu của liên kết GAP sông Tiền là hình thành những vùng chuyên canh nâng cao chất lượng trái cây, không phải chỉ nhằm đến thị trường ngoài nước, mà chủ yếu tìm chỗ đứng vững ở thị trường trong nước, làm sao không để trái cây ngoại chiếm lĩnh.
Cần có một sự liên kết chặt chẽ và bền vững
Qua thực tế trên cho thấy, năng lực cạnh tranh không hẳn là ở nguồn tài nguyên dồi dào và cũng không phải là nguồn nhân công rẻ, hay những ưu đãi của Chính phủ; mà là sự tăng năng suất một cách bền vững và được xây dựng bằng mối liên kết chặt chẽ. Nhà nông không thể đứng riêng một mình tự sản xuất, tự bảo quản, tự chế biến, tự giải quyết đầu ra cho sản phẩm trái cây của mình. Sự liên kết giữa bốn nhà là rất cần thiết và chỉ có thể giải quyết được khi có một tổ chức liên kết đồng bộ các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Nhà nông cần phải đứng chung với nhà khoa học, nhà doanh nghiệp với tác động hỗ trợ các chính sách của Nhà nước.
Một số chuyên gia kinh tế đã khẳng định rằng, trong mô hình liên kết bốn nhà, Nhà nước cần đóng vai trò chỉ đạo điều hành, tích cực đẩy mạnh các thành viên khác cùng thực hiện tốt. Nhà nước cần phải tạo ra được một hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông. Đối với những trường hợp thiệt hại do các nguyên nhân bất khả kháng, Nhà nước cũng cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ thiệt hại cho các bên tham gia liên kết. Hơn nữa, các lãnh đạo địa phương cần phải hiểu rõ, hiểu đầy đủ về chính sách liên kết bốn nhà để có sự hỗ trợ một cách hợp lý.
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ được nội dung, mục đích của chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng. Các địa phương cần tiến hành rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, quy hoạch và đầu tư hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu tập trung…
Bên cạnh đó, nêu cao vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ đứng trung gian để ký hợp đồng, làm tốt chức năng cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong thực hiện hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền địa phương cũng cần tăng cường hỗ trợ giám sát việc ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân. Từ đó mà phát hiện và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các bên tham gia. Cần bảo đảm sự liên kết chặt chẽ và bền vững, có như vậy mới giúp nhà nông hay nhà doanh nghiệp không phải cô độc bươn chải với thương trường.
Nguồn: quandoinhandan 28/7/2005