Hiệu quả nghiên cứu khoa học trong tổ chức Liên hiệp Hội
Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ trong tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ những đề tài, dự án do Liên hiệp Hội và các hội thành viên chủ trì thực hiện đã góp phần xây dựng thành công nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế, có tác động xã hội cao.
Phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao năng lực cộng đồng LHH Thanh Hóa luôn được chú trọng( ảnh st)
Ông Nguyễn Văn Phát, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Thanh Hóa cho biết: Từ khi thành lập đến nay hoạt động KH&CN của Liên hiệp hội và các hội thành viên đạt được nhiều kết quả tốt, từ nghiên cứu ứng dụng đến chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển cộng đồng. Đặc biệt từ năm 2008 đến nay, các hội thành viên và cơ quan thường trực Liên hiệp hội đã thực hiện trên 400 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 17 dự án của các tổ chức quốc tế, một số đề tài cấp bộ và cấp tỉnh, còn lại là đề tài cấp ngành và cơ sở. Các đề tài, dự án KH&CN đều bám sát yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Kết quả nhiều đề tài, dự án có giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao năng lực cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều đề tài, dự án đã tập hợp được đông đảo hội viên thuộc đa ngành, đa lĩnh vực tham gia.
Cơ quan thường trực Liên hiệp hội và các trung tâm KH&CN trực thuộc, thời gian qua đã thực hiện thành công hàng chục đề tài, dự án khoa học được nghiên cứu, triển khai tại những vùng miền núi đặc biệt khó khăn, tiêu biểu như: Dự án “Bảo tồn và phát triển bền vững rừng luồng bản địa Thanh Hóa”; Dự án “Khôi phục nghề nuôi thả cánh kiến đỏ cho đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Mường Lát” do Quỹ môi trường toàn cầu của Liên hợp quốc tài trợ; Dự án “Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đồng tại huyện Bá Thước” và Dự án Nâng cao hiệu quả hợp tác và học hỏi của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam - ENABLE”, do Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tài trợ; Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước: “Xây dựng mô hình nuôi thả cánh kiến đỏ trên cây cọ khiết cho các tỉnh miền núi phía Bắc”; cùng với một số dự án phát triển khác của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức phi chính phủ tài trợ. Thông qua thực hiện những đề tài, dự án KH&CN nêu trên, Liên hiệp hội đã xây dựng được nhiều mô hình về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho cộng đồng có hiệu quả và đang được phát huy tác dụng. Nhiều mô hình có ý nghĩa sâu sắc về mặt kinh tế - xã hội được các cấp chính quyền và cộng đồng đánh giá cao.
Liên hiệp Hội Cà Mau luôn chú trọng tới hoạt động KHCN( ảnh st)
Ông Mai Hữu Chinh, Chủ tịch Liên hiệp Hội Cà Mau cho biết:Trong những năm qua, Liên hiệp Hội Cà Mau đã chủ trì và phối hợp với một số ngành, địa phương trong tỉnh, Liên hiệp Hội Việt Nam và Liên hiệp Hội các tỉnh khu vực ĐBSCL tổ chức thành công 13 cuộc hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp khu vực; tham dự các diễn đàn khoa học ứng phó với biến đổi khí hậu - phát triển bền vững. Chủ đề các cuộc hội thảo được liên hiệp hội tỉnh và các đơn vị phối hợp đề xuất, lựa chọn tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống, sản xuất, xã hội..., được các cấp, các ngành, dư luận xã hội quan tâm.
Hội thảo khoa học do Liên hiệp Hội chủ trì kịp thời đánh giá, phân tích nhiều nội dung mang tính khoa học và thực tiễn, cung cấp nhiều cơ sở khoa học, đề xuất các giải pháp thiết thực tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo, điều chỉnh, xử lý kịp thời những vấn đề cấp bách đặt ra đối với sự phát triển kinh tế - xã hội... Hoạt động hội thảo khoa học còn là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, người dân chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn đời sống, sản xuất.
Ngoài ra, Liên hiệp Hội đã tổ chức thành công 3 kỳ hội thi sáng tạo kỹ thuật, thu hút được 271 giải pháp sáng tạo kỹ thuật dự thi của tác giả và nhóm tác giả, 2 kỳ cuộc thi sáng tạo thanh - thiếu niên - nhi đồng, có 281 mô hình, giải pháp sáng tạo của lứa tuổi thanh - thiếu niên - nhi đồng tham gia. Từ đó cho thấy, hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh ngày càng tiến bộ. Số lượng và chất lượng giải pháp dự thi không ngừng phát triển.
Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ ba, khóa II, nhiệm kỳ 2019-2024 Liên hiệp Hội Bắc Kạn( ảnh st)
Ông Hoàng Ngọc Đường - Chủ tịch Liên hiệp Hội Bắc Kạn cho biết:Từ khi thành lập tới nay, Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên đã làm tốt công tác truyền thông, quảng bá và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ với hàng chục lớp tập huấn, truyền thông tư vấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức 3.226 buổi phổ biến kiến thức về pháp luật cho 182.068 lượt người tham gia. Tổ chức Hội thi, cuộc thi lần thứ 3, thứ 4 đã thu hút hơn 60 tác giả với 57 giải pháp dự thi và tiếp nhận 167 mô hình, sản phẩm dự thi. Trong đó, có những giải pháp sáng tạo kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao phục vụ cho sản xuất và đời sống. Hiện nay, Liên hiệp Hội đang tổ chức hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh, cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng, góp phần thúc đẩy các phong trào quần chúng sáng tạo, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống.
Với tính chất là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho lực lượng trí thức khoa học và công nghệ của địa phương, trong những năm qua, Liên hiệp Hội đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí và uy tín trong xã hội của mình. Những kết quả nổi bật đó là: Tích cực củng cố tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Từng bước nâng cao chất lượng công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bảo vệ môi trường; giáo dục và đào tạo; thông tin và phổ biến kiến thức; phát triển cộng đồng và xoá đói giảm nghèo; động viên phong trào quần chúng tham gia hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ; tôn vinh trí thức…Đặc biệt, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng có vai trò quan trọng, phản ánh trung thực, khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, đã có những đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối đổi mới của Đảng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời, chú trọng tư vấn, phản biện những vấn đề khó, phức tạp trong xây dựng cơ chế chính sách, khoa học chính trị, xã hội và nhân văn.
Bài: HT