Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 26/02/2024 10:59 (GMT+7)

Giới thiệu về Đăng bạ Kỹ sư APEC

Giới thiệu chung

Trình độ của một cá nhân hoạt động trong ngành kỹ thuật về cơ bản trên thế giới được chia thành ba cấp độ bao gồm kỹ sư (engineer), kỹ thuật viên (technologist) và nhân viên kỹ thuật (technician), dựa trên cấp độ và quá trình đào tạo mà cá nhân đó đã đạt được. Trong khi đó để xác định năng lực, mức độ chuyên nghiệp, tiêu chuẩn và cấp bậc hành nghề kỹ thuật của người kỹ sư thì cần một tổ chức nghề nghiệp có chức năng và năng lực đánh giá dựa trên những tiêu chí cụ thể. Thông lệ quốc tế hiện nay cũng chia ra 3 mức độ chuyên nghiệp nghề nghiệp, ví dụ ở trình độ kỹ sư: sinh viên tốt nghiệp (3-5 năm sau khi kết thúc chương trình đào tạo đại học), kỹ sư được phép hành nghề độc lập (5-7 năm sau tốt nghiệp) và kỹ sư chuyên nghiệp (ít nhất từ 7 năm kinh nghiệm hành nghề trong đó có 2 năm đóng vai trò là chủ trì nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng).

Quá trình toàn cầu hóa, thúc đẩy hội nhập về thương mại, đầu tư đã đặt ra nhu cầu dịch chuyển lao động ở phạm vi toàn cầu. Để tạo điều kiện cho việc dịch chuyển lao động kỹ thuật trong khu vực và quốc tế, từ những thập niên 70-90 của thế kỷ trước nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, của các chính phủ và tổ chức liên chính phủ (Liên hợp quốc) đã đặt ra việc cần có khung khổ chung để các quốc gia thừa nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ kỹ thuật, trong đó bao gồm việc chuẩn hóa các chương trình đào tạo kỹ thuật (công nhận bằng cấp) và công nhận trình độ lao động kỹ thuật (công nhận năng lực của thể nhân). Hiện nay, Liên minh Kỹ thuật Quốc tế (IEA) là tổ chức quốc tế lớn nhất thiết lập và thực hiện các tiêu chuẩn về chương trình đào tạo và công nhận về cấp bậc chuyên nghiệp thông qua việc xây dựng các thỏa thuận quốc tế, ví dụ như, thỏa thuận công nhận về bằng cấp gồm có thỏa thuận Washington, Thỏa thuận Dublin, Thỏa thuận Sydney, thỏa thuận công nhận về cấp bậc chuyên nghiệp hành nghề gồm có: thỏa thuận kỹ sư quốc tế (IPEA), thỏa thuận kỹ sư APEC.  

Việc được xác định cấp bậc hành nghề chuyên nghiệp của một cá nhân cho phép họ được công nhận trình độ tiêu chuẩn đó có quyền hành nghề trong một khu vực hoặc một phạm vi địa lý theo các thỏa thuận chuyên biệt của một tổ chức hợp pháp mang tính đa quốc gia. Sự công nhận cấp bậc chuyên nghiệp cho phép người lao động được phép dịch chuyển hợp pháp phạm vi làm việc từ một quốc gia này sang một quốc gia khác. Trên thực tế, các kỹ sư, kỹ thuật viên chuyên nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực và sức cạnh tranh nhằm hướng tới việc dịch chuyển trong khu vực để cung cấp các dịch vụ kỹ thuật trên phạm vi ASEAN, APEC và toàn cầu.

tm-img-alt

Đăng bạ danh hiệu Kỹ sư APEC

Kỹ sư APEC là danh hiệu nghề nghiệp trao cho cá nhân được công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp, được thừa nhận và được phép hành nghề trong phạm vi 21 nền kinh tế của khu vực APEC, được một tổ chức có thẩm quyền xác nhận và được Ủy ban Điều phối Kỹ sư APEC phê duyệt.

Trong số 21 nền kinh tế thành viên APEC, hiện chỉ có 13 thành viên có tư cách đầy đủ của Thỏa thuận kỹ thuật APEC (gồm có Úc, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Công (Trung Quốc), Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Nga, Hoa Kỳ, Peru) và 3 thành viên dự bị gồm Singapore, Thái Lan, và Papua New Guinea.

Tiêu chuẩn để được xem xét đăng bạ kỹ sư APEC:

  • Hoàn thành một chương trình đào tạo kỹ thuật được kiểm định hoặc được đánh giá và công nhận tương đương theo quy định của Thỏa thuận Washington
  • Được đánh giá, công nhận bởi hệ thống giáo dục của nước sở tại và được cấp chứng chỉ đủ điều kiện để hành nghề độc lập
  • Có tối thiểu bảy năm kinh nghiệm thực tế kể từ khi tốt nghiệp
  • Dành ít nhất hai năm chịu trách nhiệm về công việc kỹ thuật quan trọng tương đương với lãnh đạo một hoạt động độc lập toàn vẹn
  • Duy trì sự phát triển nghề nghiệp liên tục của họ ở mức độ thỏa đáng.

Ngoài ra, tất cả những người hành nghề muốn đăng ký làm Kỹ sư APEC cũng phải đồng ý thỏa thuận các yêu cầu của tổ chức bao gồm:

  • Người được công nhận Kỹ sư APEC bị ràng buộc bởi các quy tắc ứng xử nghề nghiệp do hệ thống thiết lập và thực thi quyền tài phán và bởi bất kỳ quyền tài phán nào khác trong lĩnh vực đăng ký và hành nghề
  • Người được công nhận Kỹ sư APEC chịu trách nhiệm cá nhân về hành động của mình, thông qua các yêu cầu do cơ quan quản lý đặt ra, cơ quan cấp phép hoặc đăng ký tại khu vực pháp lý nơi họ làm việc và phù hợp với pháp luật sở tại.

Ủy ban Điều phối Kỹ sư APEC

Để đảm bảo tính nhất quán trong việc áp dụng các tiêu chí đã thống nhất, thẩm quyền cuối cùng trong việc phong tặng danh hiệu Kỹ sư APEC là Ủy ban Điều phối Kỹ sư APEC, bao gồm một đại diện biểu quyết từ mỗi Ủy ban Giám sát của mỗi nền kinh tế thành viên. Ủy ban Điều phối Kỹ sư APEC có thể ủy quyền cho Ủy ban Giám sát của mỗi nền kinh tế thành viên APEC trong việc đảm bảo duy trì tiêu chuẩn, điều kiện của kỹ sư APEC theo các tiêu chí đã thống nhất.

Vai trò chính của Ủy ban điều phối là tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì và phát triển các Sổ đăng bạ phi tập trung có thẩm quyền và đáng tin cậy của Kỹ sư APEC, và để thúc đẩy sự chấp nhận của các Kỹ sư APEC ở mỗi quốc gia thành viên tham gia đều có trình độ chuyên môn và kỹ thuật chung năng lực tương đương đáng kể với năng lực của kỹ sư chuyên nghiệp đã đăng ký hoặc được cấp phép tại chính quốc gia đó.

Ủy ban cũng sẽ thực hiện các nhiệm vụ chính sau:

  • Phát triển, giám sát, duy trì và thúc đẩy các tiêu chuẩn và tiêu chí được hai bên chấp nhận để tạo điều kiện cho các Kỹ sư APEC thực hành trên khắp các nền kinh tế thuộc khối APEC tham gia
  • Thực hiện các phương pháp tiếp cận nhằm đạt được sự hiểu biết sâu sắc hơn về những rào cản hiện tại đối với hoạt động ở mỗi quốc gia thành viên, phát triển và thúc đẩy các chiến lược giúp chính phủ và cơ quan cấp phép giảm bớt những rào cản và quản lý các quy trình của họ một cách hiệu quả và không phân biệt đối xử
  • Thông qua các cơ chế sẵn có trong APEC, khuyến khích các chính phủ liên quan và cơ quan cấp phép áp dụng và thực hiện các thủ tục hợp lý để cấp quyền thực tập cho Kỹ sư APEC
  • Xác định và khuyến khích việc thực hiện các biện pháp thực hành tốt nhất cho việc chuẩn bị và đánh giá kỹ sư có ý định hành nghề ở trình độ chuyên môn
  • Tiếp tục giám sát lẫn nhau và trao đổi thông tin bằng bất kỳ phương tiện nào được xem xét phù hợp nhất, bao gồm:
    • Thường xuyên liên lạc và chia sẻ thông tin liên quan đến việc đánh giá thủ tục, tiêu chí, hệ thống, sổ tay, ấn phẩm và danh sách các cơ sở được công nhận người hành nghề
    • Lời mời xác minh việc thực hiện các thủ tục của những người tham gia khác
    • Lời mời tham dự các cuộc họp mở của bất kỳ hội đồng và/hoặc ủy ban nào chịu trách nhiệm để thực hiện các khía cạnh chính của các thủ tục này và các cuộc họp mở có liên quan của cơ quan quản lý của những người tham gia
    • Báo cáo về việc các kỹ sư sử dụng để theo dõi hiệu suất của Sổ đăng bạ.

Ủy ban giám sát thực hiện Đăng bạ kỹ sư APEC

Mỗi nền kinh tế thành viên APEC tham gia thỏa thuận kỹ thuật APEC đều cần chỉ định một cơ quan duy nhất có chức năng phù hợp thực hiện vai trò của Ủy ban Giám sát.  Mục tiêu chính của Ủy ban Giám sát là phát triển và duy trì công tác đăng bạ Kỹ sư APEC – Sổ đăng bạ Kỹ sư APEC, dành cho những người hành nghề trong nước. Ở hầu hết các quốc gia/nền kinh tế thì Ủy ban Giám sát này do hội/ hiệp hội kỹ sư của các nước đảm trách, ví dụ ở Úc là Hội Kỹ sư Úc (Engineers Australia), Malaysia là Viện Kỹ sư Malaysia (Institution of Engineer Malaysia - IEM).

Ủy ban Giám sát được ủy quyền vận hành Sổ đăng bạ có trách nhiệm công bố các tiêu chí và thủ tục đăng bạ theo hướng dẫn và tiêu chuẩn do Ủy ban Điều phối đã công bố, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về tình trạng của bất kỳ người hành nghề nào đã được đăng bạ cho bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào có nhu cầu chính đáng về quyền truy cập vào thông tin đó, để trao đổi dữ liệu liên quan.

Ủy ban Giám sát được ủy quyền phải tiếp tục cam kết:

  • Chấp nhận và thúc đẩy sự tương đương đáng kể về năng lực của Kỹ sư APEC được đăng ký bởi Ủy ban giám sát được ủy quyền khác
  • Thực hiện mọi nỗ lực hợp lý để đảm bảo rằng các cơ quan chịu trách nhiệm đăng ký hoặc cấp phép cho các kỹ sư chuyên nghiệp hành nghề trong nền kinh tế của họ thừa nhận rằng kỹ sư được đăng bạ kỹ sư APEC là các kỹ sư có năng lực chuyên môn và kỹ thuật tổng quát tương đương với các kỹ sư đã đăng ký hoặc được cấp phép ở nền kinh tế đó.
  • Đảm bảo rằng tất cả những người hành nghề được họ đăng ký làm Kỹ sư APEC đều tuân thủ đầy đủ các yêu cầu được quy định trong Khung Kỹ sư APEC, và phần lớn trong số những người hành nghề này đã chứng tỏ sự tuân thủ của họ thông qua các thủ tục cơ bản và các tiêu chí nêu trong Tuyên bố đánh giá đối với nền kinh tế đó.
  • Đảm bảo rằng những người hành nghề đăng ký làm Kỹ sư APEC phải cung cấp bằng chứng cho thấy họ đã tham gia ở mức độ phù hợp trong hoạt động đào tạo, phát triển chuyên môn nghề nghiệp.
  • Đảm bảo rằng những người hành nghề đã được đăng bạ Kỹ sư APEC định kỳ gia hạn đăng ký và cập nhật hồ sơ chứng minh về việc đã duy trì và phát triển nghề nghiệp liên tục.

Đăng bạ kỹ sư APEC ở Việt Nam

Hiện tại ở Việt Nam chưa có cơ quan nào tham gia Thỏa thuận kỹ thuật APEC để triển khai công tác đăng bạ kỹ sư APEC cho các kỹ sư của Việt Nam. Vì vậy một kỹ sư người Việt Nam muốn đăng bạ kỹ sư APEC tại thời điểm hiện nay chỉ có thể thông qua việc nộp đơn qua các cơ quan đăng bạ của các quốc gia/nền kinh tế thành viên khác đã tham gia thỏa thuận kỹ thuật APEC. Trong phụ lục của báo cáo này xin được chia sẻ hướng dẫn và mẫu đăng ký do Viện Kỹ sư Malaysia thực hiện để quý hội và các kỹ sư quan tâm nghiên cứu. Theo đó, nếu kỹ sư Việt Nam đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện của IEM đưa ra thì có thể được công nhận là kỹ sư APEC.

tm-img-alt

Lễ vinh danh và trao chứng chỉ kĩ sư ASEAN năm 2023 tại trụ sở VUSTA

Năm 2023, Liên hiệp Hội Việt Nam có chủ trương nghiên cứu, tham gia các cơ chế hội nghề nghiệp ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) nhằm kết nối và tạo điều kiện để kỹ sư Việt Nam tiếp cận với tiêu chuẩn nghề nghiệp ở cấp độ của khu vực APEC. Ngày 19/12/2023 Liên hiệp hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế về “Tiến trình gia nhập kỹ sư APEC: Chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn công tác đào tạo các ngành kỹ thuật khu vực ASEAN và APEC”. Hội thảo đã chỉ ra rằng công tác thúc đẩy việc thừa nhận lẫn nhau về trình độ của lao động kỹ thuật nói chung và của đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp ở Việt Nam nói riêng còn rất hạn chế.

Thứ nhất, ở cấp độ ASEAN, mặc dù chính phủ đã tham gia “Thoả thuận công nhận lẫn nhau về các dịch vụ kỹ thuật các nước ASEAN” (MRA) từ năm 2005, đến nay đã gần 20 năm nhưng hoạt động này chưa được biết đến rộng rãi. Việc đăng bạ kỹ sư tiêu chuẩn ASEAN (gọi tắt là CPE) theo thỏa thuận MRA nói trên đã được triển khai nhưng chỉ trong phạm vi các ngành kỹ thuật xây dựng (theo Luật Xây dựng), không áp dụng cho các ngành kỹ thuật khác và không thu hút được sự quan tâm của đội ngũ kỹ sư của Việt Nam. Trong khi đó, công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN (gọi tắt là PE) theo thỏa thuận của Liên đoàn các tổ chức kỹ thuật ASEAN (AFEO) do Liên hiệp Hội Việt Nam đảm nhiệm từ năm 2006. Cho đến nay hai hệ thống công nhận song song (một của chính phủ các nước ASEAN thừa nhận và một của các hội nghề nghiệp các nước ASEAN công nhận) nói trên vẫn còn tồn tại ở hầu hết các nước ASEAN, trừ Campuchia.

Đối với các cơ chế của khu vực APEC, Việt Nam hiện tại chưa tham gia Thỏa thuận Kỹ thuật APEC do Liên đoàn Kỹ thuật Quốc tế, vì vậy cơ hội để được công nhận là kỹ sư APEC của các kỹ sư Việt Nam là không khả thi ở trong nước và khó khăn nếu thực hiện đăng bạ ở nước ngoài. Đại biểu cũng thống nhất rằng Việt Nam cần tích cực tham gia các diễn đàn, cơ chế của APEC trong đó có Liên đoàn các tổ chức kỹ thuật APEC (FEIAP). Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức phù hợp để đại diện cho các hội nghề nghiệp thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia FEIAP, tạo ra một kênh hợp tác và cầu nối tới các hội kỹ thuật của các nước thành viên APEC. Liên hiệp Hội Việt Nam hiện đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để xin gia nhập FEIAP và thông qua FEIAP hỗ trợ để triển khai đăng bạ kỹ sư APEC.

Để tham gia Thỏa thuận kỹ thuật APEC, Liên hiệp Hội Việt Nam cần tiến hành thủ tục xin phép theo quy định của pháp luật về ký kết thỏa thuận quốc tế, chuẩn bị nguồn lực và bộ máy đạt tiêu chuẩn do thỏa thuận đặt ra để đủ điều kiện thực hiện vai trò là cơ quan đầu mối đảm trách việc đăng bạ kỹ sư APEC tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có cơ sở pháp lý cụ thể hơn quy định về hoạt động hành nghề kỹ thuật ở Việt Nam tương thích với thông lệ quốc tế thì mới có thể phát huy được những lợi thế khi tham gia các thỏa thuận quốc tế về kỹ thuật như thỏa thuận APEC nói trên.

Đồng thời, cần có luật về hoạt động của các hội nghề nghiệp, cụ thể hóa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và đào tạo liên tục các ngành nghề kỹ thuật. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để các hội nghề nghiệp chủ động, tích cực thực hiện chức năng quan trọng này.

Thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy các hội nghề nghiệp có vai trò rất lớn trong việc mở rộng hợp tác quốc tế, nghiên cứu về chuẩn chương trình đào tạo, tiêu chuẩn điều kiện hành nghề mỗi nước, qua đó tư vấn cho các cơ sở đào tạo trong nước đáp ứng được tiêu chuẩn của quốc tế; là đầu mối xúc tiến thừa nhận lẫn nhau giữa các hội nghề nghiệp giữa các quốc gia và chủ thể tiến hành công tác đăng bạ kỹ sư, kỹ thuật cho lực lượng lao động kỹ thuật ở Việt Nam. Kinh nghiệm của các nước phát triển có tiềm lực lớn về khoa học và công nghệ trên thế giới và khu vực cho thấy các hội nghề nghiệp của các nước này đã làm rất tốt vai trò nêu trên và được chính phủ các nước công nhận, tạo điều kiện hoạt động bằng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể.

Xem Thêm

VAA triển khai đào tạo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế
Ngày 16/10 tại Hà Nội, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Công ty TNHH PwC Việt Nam (PwC Việt Nam) và Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) tại Việt Nam đã trao thỏa thuận hợp tác triển khai Chương trình đào tạo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế - IFRS.
Khởi động hai dự án về bảo vệ động vật hoang dã
Vừa qua Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife - SVW) và Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã tổ chức thành công lễ khởi động hai dự án về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD).
Bình Thuận: Tìm giải pháp vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong quan hệ đối ngoại
Sáng 19/9, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế thời kỳ đổi mới 1986 - 2023”.

Tin mới

Hà Nội xuất sắc đoạt giải Đặc biệt Cuộc thi lần thứ 20
“Mô hình Địa đạo Củ Chi” của nhóm học sinh trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội sử dụng Pin năng lượng mặt trời, đây là sản phẩm STEM điển hình trong việc tích hợp kiến thức lịch sử, địa lý trên nền tảng toán học, vật lý, công nghệ, kỹ thuật, tự động hóa dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại tạo ra trải nghiệm tốt nhất giúp học sinh trải nghiệm hoàn toàn mới khi học lịch sử… đã xuất sắc đoạt giải Đặc biệt.
Đề xuất giải pháp quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới
Nước là nguồn tài nguyên quý giá quyết định sự tồn tại của con người cũng như sự sống của sinh vật trên trái đất. Nước không chỉ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người mà còn có ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống người dân, sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Trong xây dựng nông thôn mới, việc bảo đảm cung cấp nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng.
Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Nâng cao nhận thức cho người lao động về an toàn vệ sinh lao động
An toàn vệ sinh lao động là công việc không của riêng ai, giải pháp cải thiện điều kiện lao động là yếu tố then chốt giảm dần độc hại của môi trường làm việc cho người lao động. Việc đánh giá, phân loại nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm được thực hiện một cách chính xác, công bằng, hợp lý, hài hòa, sẽ giúp cải thiện điều kiện lao động…