Chính sách xuôi, thực hiện ngược!
Không nước nào lương giáo sư thấp như ở Việt Nam
Hiện nay, nhiều địa phương thực hiện chính sách chiêu hiền đãi sĩ nhưng các chính sách này vẫn chưa đúng tầm. Thí dụ việc tôn vinh các thủ khoa là chủ trương tốt. Sau đó sẽ lấy các thủ khoa cho vào biên chế ngay, điều này cũng hợp lý nhưng đã rất lỗi thời, vì hiện nay không mấy người giỏi muốn vào biên chế để nhận lương ba bốn trăm ngàn một tháng nữa. Chính sách đối với khoa học ngoài tôn vinh về tinh thần còn phải tính đến yếu tố vật chất. Làm sao đáp ứng được các vấn đề: lương cho họ là bao nhiêu, đủ sống không, đủ chăm sóc gia đình không? Nếu lương cho nhà khoa học không đáp ứng hết được các điều trên, ít ra cũng đủ tạo cho người ta sự say mê, thiết tha lao vào tìm tòi khai thác chất xám. Hiện tại không có nước nào lương cho giáo sư lại thấp như ở Việt Nam. Số lương đó không những không đủ sống mà không đủ bù đắp cho gia đình họ và các yêu cầu về sách vở nghiên cứu. Ngoài ra, phải đáp ứng cho nhà khoa học đủ điều kiện làm việc. Nếu so với các nước tiên tiến, khoa học chúng ta tụt hậu 100 năm và so với các nước trong khu vực như Thái Lan, ta cũng đã tụt hậu đến 30 năm.
“Móc ngoặc” trong đấu thầu nghiên cứu khoa học
Ở nước ta, chỉ người có quyền mới có điều kiện xin được đề tài nhưng những người này lại không có thời gian để làm. Ngược lại những người có tri thức lại không được nhận đề tài. Chính sách này quá ngược, không những không khuyến khích khoa học mà còn hạn chế. Thậm chí trong đấu thầu khoa học còn “ăn rơ”, “móc ngoặc”. Vì thế bao nhiêu công trình, đề tài đều phải bỏ xó. Tôi nghĩ nhà khoa học rất tâm huyết và thiết tha được cống hiến. Thế nhưng cấp trên có nghe họ không? Có chính sách ưu đãi, tạo điều kiện làm việc không? Có tiêu chí đề bạt rõ ràng không? Có cơ chế sử dụng người giỏi đúng cách không? Nếu cứ theo cơ chế quan liêu bao cấp, xin-cho như thế, tất yếu sẽ chảy máu chất xám. Và nhiều nhà khoa học trẻ đã ở lại nước ngoài vì họ cứ thấy chỗ nào tốt, được ưu đãi thì cống hiến.
Thừa chức danh, thiếu thực tài
Cơ chế hiện nay không thể chọn được người giỏi. Mà có chọn được người giỏi thì cũng không dùng. Chúng ta có tới 15.000 tiến sỹ, nhưng không giải quyết được vấn đề gì bởi thừa chức danh nhưng thiếu người tài. Theo tôi, giáo sư đầu ngành là rất quan trọng. Thay vì phong chức danh tràn lan, chúng ta nên chọn những người thực sự có tài, đào tạo họ thành các giáo sư đầu ngành để sau này dạy lại cho lớp trẻ. Thứ hai, mỗi năm chúng ta mất mấy nghìn tỷ chi cho nghiên cứu khoa học nhưng rất ít đề tài được đưa vào ứng dụng. Như vậy là thừa đề tài nhưng thiếu cái được ứng dụng.
Theo Gia đình & Xã hội 28/8/2005