Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 22/03/2006 22:54 (GMT+7)

Cấu trúc “X như CVB” là thành ngữ hay tục ngữ?

Dưới đây, tạm theo các biểu hiện của C để trích dẫn một số:

+ C là con vật:

- “Lèo nhèo như mèo vật đống rơm”;

- “Lôi thôi như cá trôi sổ ruột”;

- “Lù rù như chuột chù phải khói”;

- “Te tái như gà mái nhảy ổ”;

+ C là người:

- “Lua khua như thầy chùa mất sớ điệp”;

- “Lầm rầm như thầy bói nhẩm quẻ”;

- “Lượt thượt như ông đồ chết vợ”;

+ C là đồ vật:

- “Lật đật như xa vật ống vải”;

- “Léo nhéo như mõ réo quan viên”;

- “Lủng lẳng như bị cói đứt quai”;

- “Lênh đênh như bè nứa trôi sông”;…

Một số tác giả cho các tổ hợp này là tục ngữ và chọn vào các bộ sưu tập tục ngữ của mình; như Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, bản in lần thứ 11, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998 (thí dụ, “léo nhéo như mõ réo quan viên” được chép ở trang 473); Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ phong dao, tập I, NXB Minh Đức, Hà Nội, 1957 (thí dụ “lèo nhèo như mèo vật đống rơm” được chép ở trang 170) (1); Vương Trung Hiếu, Tục ngữ Việt Namchọn lọc, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1996 (thí dụ, “khư khư như ông từ giữ oản” được chép ở trang 551); Nguyễn Quốc Tuý, Trần Gia Linh, Tục ngữ ca dao dân ca chọn lọc, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1993 (thí dụ, “lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” được chép ở trang 13) (2);… Một số tác giả khác lại cho các tổ hợp này là thành ngữ và chọn vào các bộ sưu tập thành ngữ của mình; chẳng hạn, Nguyễn Lực, Lương Văn Đang, Thành ngữ tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1993 (thí dụ, khoảng 70% số tổ hợp vừa dẫn có chép ở tập sách này) (NL); Hoàng Văn Hành (chủ biên), Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988 (thí dụ, “lật đật như xa vật ống vải” được chép ở trang 64, kèm sự xác định đây là thành ngữ);…

Vậy X như CVBlà tục ngữ hay thành ngữ?

2. Để trả lời câu hỏi X như CVBlà tục ngữ hay thành ngữ, có lẽ cần xem xét hai vấn đề: quan hệ nội tại của cấu trúc, ý nghĩa và chức năng của cấu trúc.

2.1 Quan hệ nội tại của cấu trúc

X như CVBlà cấu trúc so sánh, trong đó, CVBcó vai trò miêu tả, làm cho Xlà một khái niệm trừu tượng trở nên cụ thể, sinh động. Vai trò ngữ pháp của các bộ phận trong cấu trúc này như sau: (Bảng 1)

Trên lí thuyết, Xcó nhiều dạng thức biểu hiện, miêu tả nó, nên một Xcó thể gồm nhiều CVB. Ngược lại, một CVB(một sự miêu tả cụ thể) chỉ nhằm minh hoạ cho một X(nếu có nhiều hơn một X thì chúng đồng nghĩa hay gần nghĩa). Điều này được chứng minh trong thực tế sử dụng cấu trúc:

1) Trường hợp một X, nhiều CVB:

+ X= “tiu nghỉu”:

- “Tiu nghỉu như chó cụp đuôi”;

- “Tiu nghỉu như mèo bị cắt tai”;

- “Tiu nghỉu như thầy bói ôm cò”;…

+ X= “lúng túng”:

- “Lúng túng như gà mắc tóc”;

- “Lúng túng như chó ăn vụng bột”;

- “Lúng túng như thợ vụng mất kim”;…

2) Trường hợp một CVBcó hơn 1 Xđồng nghĩa hay gần nghĩa:

+ CVB= “quạ vào chuồng lợn”; X = “lấc láo”, “chấp chới”:

- “Lấc láo như quạ vào chuồng lợn”;…

- “Chấp chới như quạ vào chuồng lợn”;…

+ CVB= “ông từ vào đền”; X = “lừ đừ”, “lừ lừ”:

- “Lừ đừ như ông từ vào đền”;

- “Lừ lừ như ông từ vào đền”;…

Và cũng có trường hợp Xthuộc dạng láy; như “tất ta tất tưởi” (láy của “tất tưởi”); “Tất ta tất tưởi như nợ đuổi sau lưng”; “Ngất nga ngất ngưởng như xã trưởng ra đình”…

Điều này khẳng định CVBđóng vai trò miêu tả, một sự miêu tả nhằm giải thích.

Tính chất giải thích dễ nhận ra hơn, nếu như X là vị từ một âm tiết; thí dụ:

- “Giãy như cá lóc bị đập đầu”;

- “Run như thằn lằn đứt đuôi”;

- “Rình như mèo rình chuột”;…

hoặc CVBđược thay bằng một cụm từ (danh ngữ, động ngữ…) thí dụ:

- “Lì lì như tiền chì hai mặt”;

- “Khinh khỉnh như chĩnh mắm thối”;

- “Lúng búng như ngậm hột thị”…

Thử hình dung sự thu hẹp, rút gọn cấu trúc qua các tổ hợp sau: “Run như chó phải bả” → “Run như cầy sấy” → “Run như dẽ”.

Qua đó, có thể thấy X như CVB mang tính chất của một ngữ, là ngữ so sánh.

2.2 Ý nghĩa và chức năng của cấu trúc

Ở đây, chúng tôi theo NL để dẫn một số trích đoạn trong tác phẩm văn học có sử dụng cấu trúc đang bàn:

- “Những lúc cô ngồi bán hàng ở chợ Kim Bảng, thường có hàng lũ học trò đi qua, phần nhiều họ đều ăn nói ỡm ờ, hoặc là con mắt nhìn ngược nhìn xuôi, chấp chới như quạ đậu chuồng lợn, riêng cô Vân Hạc lúc nào cũng giữ vẻ mặt tự nhiên”. (Ngô Tất Tố - Liều chõng);

- “Còn con nó, cái thằng oắt con, mặt mũi xỏ lá, mắt đeo kính trắng, lấc láo như quạ vào chuồng lợnấy, thì phải trị” (Chu Văn - Bão biển);

- “Nhìn bọn Tây đầm thuộc địa ngày thường ồn ào hống hách, bây giờ cứ mặt cắm xuống tiu nghỉu như mèo bị cắt tai,Toàn hả ngầm trong dạ” (Nguyễn Đình Thi - Vỡ bờ);

- “Chưa đâu vào đâu cả chị ạ. Lúng túng như thợ vụng mất kimsuốt cả buổi sáng.” (Trần Vượng - Bức tranh mùa gặt);

- “Sao, gì mà te tái như gà mái ghẹ nhảy ổthế?” (Nguyễn Thị Cẩm Thạnh - Những người bạn gái).

Ba trường hợp đầu X như CVBđược dùng để miêu tả, làm cho rõ hơn, cho có hình ảnh hơn một đối tượng được nói trước đó, có vai trò như một vế của dạng đồng nghĩa kép. Hai trường hợp sau, X như CVBđược dùng thay một thành phần của câu, có thể là phần đề hay phần thuyết. Cả năm trường hợp này, đều có thể cắt bỏ như CVBmà không ảnh hưởng đến kết cấu ngữ pháp của câu văn dùng nó “thí dụ: “Nhìn bọn Tây đầm thuộc địa ngày thường ồn ào hống hách, bây giờ cứ mặt cắm xuống tiu nghỉu, Toàn hả ngầm trong dạ”).

Qua đó, có thể thấy rằng, cấu trúc X như CVBcó chức năng định danh, không mang chức năng thông báo như tục ngữ.

Người ta có thể nêu nghĩa của X như CVBnhư nêu nghĩa của từ, của cụm từ cố định. Chẳng hạn, “Tiu nghỉu như mèo bị cắt tai” là “ỉu xìu, buồn bã, thất vọng” [NL: 319]; “Te tái như gà mái nhảy ổ” là “vội vã, lật đật” [NL: 298]; “Lúng túng như thợ vụng mất kim” là “bối rối, vụng về, không biết cách tháo gỡ cho ra” [NL: 196];…

Điều cần nói thêm là với cấu trúc X như CVB, X có số lượng khá lớn những từ dùng với hàm nghĩa xấu, đặc biệt khi C của cấu trúc là người. Ở đây, chúng ta bắt gặp lớp người quen thuộc mà ca dao, truyện cười,… thường trêu đùa, phê phán. Đó là những ông thầy chùa, thầy bói, thầy phù thuỷ, ông từ, ông đồ, ông quan huyện…, và những người kém cỏi, bất thường hoặc bất hảo, như thợ vụng, kẻ trộm, Cao Biền,… Bổ sung vào danh sách này còn có bố vợ và mẹ chồng (“Lợ ngợ như bố vợ phải đấm”, “Lồng bồng như mẹ chồng chia xôi”) là dưới con mắt của chàng rể, nàng dâu.

3. Đến đây, đã có thể kết luận, vì X như CVB(X: vị từ chỉ tính chất, trạng thái, loại hai âm tiết, dạng láy; CVB: chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ kết hợp sóng kèm) có cấu trúc là một ngữ, có ý nghĩa của một khái niệm, mang chức năng định danh (chứ không nhằm thông báo), nên nó là kiểu cấu trúc của thành ngữ chứ không phải tục ngữ.

Do X là lớp từ có sức gợi hình cao, sức miêu tả mạnh (“lừ đừ”, “lù đù”, “léo nhéo”, “tiu nghỉu”, “lổm ngổm”, “te tái”,…), được người Việt thích dùng, nhưng lại là những miêu tả ở mức chung chung nên chúng đòi hỏi một sự tường giải, sự minh hoạ cụ thể, và bây giờ như CVBxuất hiện nhằm đáp ứng. Mặt khác, lối nói so sánh, nói có vần vè (3) cũng là một đặc điểm trong cách nói năng của người xưa. Cấu trúc X như CVBthoả mãn các đặc điểm, yêu cầu ấy. Đó là lí do vì sao nó xuất hiện đậm đặc trong thành ngữ tiếng Việt (4).

Cuối cùng, cũng nên lưu ý một số tổ hợp có thể nhầm lẫn với cấu trúc đang bàn:

- “Trai có vợ như dợ buộc chân” (“dợ”: dây);

- “Gái có chồng như gông đeo cổ”;

- “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”;

- “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”;…

Chúng có phần như CVBy hệt, nhưng khác biệt ở phần đầu. Phần đầu này cũng là một CVB tương ứng với phần sau, chúng được phần sau minh hoạ, nhấn mạnh một đặc điểm, tính chất cốt lõi. Chúng thuộc vào số các cấu trúc so sánh ở cấp độ câu của tiếng Việt. Riêng cấu trúc này, CVB không đóng vai trò bổ ngữ như ở X như CVBmà sắm vai thành phần câu (là phần thuyết). Phần thuyết ấy, đến lượt mình, lại mang nghĩa biểu trưng do cấu trúc đòi hỏi. Chẳng hạn, “dợ buộc chân”, “gông đeo cổ” tương đương với “bị trói buộc, mất tự do”; “kiến thấy mỡ” tương đương với “ham thích, thèm muốn”;… Khi thay nghĩa biểu trưng vào, chúng ta được những nhận xét, những kết luận về cuộc sống (như “Trai có vợ thì bị trói buộc, không còn tự do (như khi độc thân) nữa”). Đó là những câu tục ngữ(5).

Sự phân định giữa tục ngữ và thành ngữ trên lí thuyết có vẻ hanh thông, nhưng khi vào thực tế thì có không ít tác giả lẫn lộn, lắm khi đứng trước các tổ hợp cùng một mô hình cấu trúc ngữ nghĩa, mà một tổ hợp thì xếp vào tục ngữ, tổ hợp khác lại xếp vào thành ngữ. Có thể xem cấu trúc X như CVB mà bài viết nhỏ này đề cập là một trường hợp tiêu biểu.

__________

Chú thích:

(1) Tuy tên sách là Tục ngữ phong daonhưng người biên soạn đã đưa rất nhiều thành ngữ vào. Trong lời tựa năm 1928, có nói “không phân biệt thế nào là thành ngữ, tục ngữ”.

(2) Mặt khác, ở câu chuyện “Thừa một con thì có” (câu chuyện được kể bằng 101 thành ngữ, tục ngữ), do Nguyễn Phương Thuý kể trong “Ngày hội tiếng Việt” do Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây tổ chức, đăng trên Thông tin Văn hoá văn nghệ dân gian (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản, số 1 - 1995, số 7 - 1995), kèm cuộc thi với yêu cầu chính là “tìm cụ thể đó là những thành ngữ và tục ngữ nào” trong toàn Hội, một hội viên có bài tốt nhất được trao giải thưởng và chọn đăng ở Thông tin Văn hoá văn nghệ dân gian, số 2 – 1996 (tr 79 – 87), sau đó một năm, đã xếp hai tổ hợp “lúng túng như thợ vụng mất kim” và “lừ đừ như ông từ vào đền” thuộc tục ngữ, tổ hợp “khư khư như từ giữ oản” thuộc thành ngữ ( X như CVB, theo đó, vừa là tục ngữ, vừa là thành ngữ).

(3) Khoảng 70% số tổ hợp theo cấu trúc X như CVBcó vần; thường tiếng thứ hai của X vần với tiếng cuối của C.

(4) Sự xuất hiện tập trung của X như CVB, trong trường hợp X được mở đầu bằng L-, do khả năng kết hợp theo dạng láy của phụ âm này với các phụ âm đầu khác trong tiếng Việt rất mạnh.

(5) Nguyễn Thái Hoà trong Tục ngữ Việt Nam, cấu trúc và thi pháp(NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997), tr 108, xếp các tổ hợp này vào kiểu câu N như B(N: phần nêu, B: phần báo). Cấu trúc X như CVBkhông có trong hệ thống “các khuôn hình cơ bản và phức hợp của tục ngữ” ở tài liệu này (tức tác giả không xếp nó vào tục ngữ).

Nguồn: T/c Ngôn ngữ và đời sống, số 9 (119), 2005

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.