Các giải pháp quản lý bảo tồn bền vững đa dạng sinh học
Tiếp đó ngày 31/5/2007, Kế hoạch hành động Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, nhằm thực hiện Công ước đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với các mục tiêu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Gần đây nhất, ngày 31/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1250 về “Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với nhiều chương trình, đề án ưu tiên nhằm bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.
Tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý đa dạng sinh học
Đây là giải pháp quản lý tổng hợp các hợp phần trong hệ sinh thái bao gồm đất, nước và các tài nguyên sinh học, cũng như các mối quan hệ qua lại giữa chúng với nhau nhằm thúc đẩy bảo tồn, sử dụng bền vững, chia sẻ công bằng lợi ích có được từ các nguồn tài nguyên đó và dịch vụ có được từ hệ sinh thái.
Đối với Việt Nam khái niệm “tiếp cận hệ sinh thái” là khá mới mẻ, nhưng đã được nghiên cứu và nhanh chóng áp dụng trong các ngành lâm nghiệp, thủy sản, các địa phương và một số Khu bảo tồn như Vườn quốc gia U Minh Hạ, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, phá Tam Giang, Cầu Hai... Trong đó, các hoạt động ở Cần Giờ và vùng đất ngập nước trồng tràm ở Đồng bằng sông Cửu Long, là những thí dụ điển hình về sử dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái, như giải quyết đồng bộ vấn đề bảo tồn, sự chia sẻ công bằng các lợi ích và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên; các loại hàng hóa, dịch vụ đã được xác định; người dân địa phương được giao đất, giao rừng để trồng rừng và quản lý các sản phẩm.
Việt Nam đã coi bảo tồn cảnh quan là một trong những giải pháp mới để quản lý hệ thống khu bảo tồn. Chính vì thế, ngày càng có nhiều khu bảo tồn được quy hoạch và quản lý trên quy mô cảnh quan hoặc vùng sinh học, phản ánh cách tiếp cận hệ sinh thái của Công ước đa dạng sinh học mà Việt Nam là một thành viên.
Cách tiếp cận này mở rộng quy mô bảo tồn ra khỏi các vùng lõi phải bảo vệ nghiêm ngặt. Điều đó dẫn tới là phải xây dựng các hành lang xanh/hành lang đa dạng sinh học nối giữa các khu bảo tồn thiên nhiên.
Một trong các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học, đã đề cập đến áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong bảo vệ đa dạng sinh học và xây dựng hành lang đa dạng sinh học nối giữa các khu bảo tồn.
Một số dự án đã sử dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái như xây dựng hành lang xanh nối giữa các khu bảo tồn ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Gia Lai ...; quản lý tổng hợp dải ven biển ở các tỉnh Nam Định, Thừa Thiên-Huế và Bà Rịa-Vũng Tàu; quản lý tiếp cận vùng sinh thái khu vực trong Sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học ở Trung Trường Sơn; quản lý lưu vực sông theo cách tiếp cận sinh thái cảnh quan sông Cả (Nghệ An), sông A Vương (Quảng Nam) và sông Đồng Nai...
Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, việc áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam thường gặp những trở ngại chính. Đó là sự tham gia của các bên đối tác trong việc lập kế hoạch và quản lý còn chưa đạt hiệu quả cao. Các thuật ngữ và định nghĩa được sử dụng còn chưa nhất quán, kể cả trong cách sử dụng thuật ngữ “Phương pháp tiếp cận hệ sinh thái.”
Việc phân cấp và phối hợp giữa các ngành và các bên liên quan thường kém do năng lực thực tế thiếu; thiếu hụt nhận thức, hiểu biết về chức năng của hệ sinh thái và chưa có cơ quan chuyên ngành có khả năng truyền đạt một cách đầy đủ về phương pháp tiếp cận; thiếu hướng dẫn về cách thức sử dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái như một công cụ để thực hiện lồng ghép quản lý đa dạng sinh học vào các hoạt động phát triển; còn nhiếu bất cập trong việc xử lý mâu thuẫn, bất đồng giữa các ưu tiên, yêu cầu hoặc giải pháp liên quan đến bảo tồn.
Thực tiễn của thế giới cũng như của Việt Nam cho thấy trở ngại phổ biến nhất trong quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học là thiếu sự đồng thuận trong việc thiết lập một cơ quan đầu mối có đủ thẩm quyền điều hành thống nhất.
Lồng ghép vào các chính sách ngành, liên ngành
Việc lồng ghép các nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào các chính sách phát triển ngành, liên ngành bước đầu đã có những kết quả nhất định, đặc biệt các ngành kinh tế đã coi bảo tồn đa dạng sinh học như một chiến lược phát triển.
Điển hình là Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (Chương trình 661), được thực hiện từ 1998-2010, nhờ đó mà tổng diện tích rừng đã tăng nhanh, đến 2006, tỷ lệ rừng che phủ tới 38,2%, tăng 11% so với mức năm 1990.
Cơ cấu rừng đã hợp lý hơn trước (2 triệu ha rừng đặc dụng, 5 triệu ha rừng phòng hộ và 8 triệu ha rừng sản xuất). Tạo thêm nhiều việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở miền núi.
Các chương trình phát triển, nuôi trồng nguồn lợi sinh vật, trồng rừng cây bản địa, gây nuôi động vật hoang dã đảm bảo phát triển bền vững đã đạt được những thành quả nhất định.
Trên cả nước, đến cuối năm 2006, có khoảng 50 loài động vật và hàng chục loài thực vật hoang dã được gây nuôi sinh sản, gieo trồng trong 316 trại và 1.658 hộ gia đình, hầu hết đều nhằm mục đích thương mại.
Tuy vậy, do Việt Nam đã tham gia Công ước CITES, nên việc nuôi nhốt các loài động vật hoang dã hiện đang được quản lý và hướng dẫn chặt chẽ.
Chương trình Đánh bắt hải sản xa bờ với mục tiêu giảm bớt cường độ khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng nước ven bờ vốn đã bị suy kiệt từ nhiều năm nay.
Các chương trình, dự án phát triển nuôi trồng thủy sản và bảo tồn các loài thủy sinh vật quý hiếm đã có những kết quả khích lệ, sản lượng thủy sản nuôi ngày càng tăng, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế được nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm.
Đặc biệt năm 2007, Cục Bảo vệ Môi trường đã soạn thảo Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020; Xây dựng Chỉ thị Quan trắc đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước và hệ sinh thái biển và Hướng dẫn kỹ thuật và Định mức kinh tế và kỹ thuật quan trắc đa dạng sinh học.
Một số hệ thống quan trắc tại chỗ đã được thiết lập trong các Khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia, chẳng hạn như:Viện Địa lý đã đặt hệ thống quan trắc tài nguyên đất và nước tại khu vực núi đá vôi Tây Bắc (1998-2003); Viện Hải dương học Hải Phòng đã thực hiện quan trắc sự phân bố và thay đổi các vùng đất ngập nước ven biển của Việt Nam (1996-1999); Theo dõi hiện tượng cháy rừng và Chương trình gắn chíp điện tử vào các cá thể gấu nuôi nhốt của Cục Kiểm lâm; Theo dõi tê giác tại Vườn Quốc gia Cát Tiên; Linh trưởng ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Na Hang, Cúc Phương, Cát Bà; Rùa biển tại Vườn Quốc gia Côn Đảo; Chương trình Voi của WWF và Hệ thống quan trắc và đánh giá rừng khộp dãy Trường Sơn.
Mạng lưới giáo dục và đào tạo cán bộ làm công tác quản lý và kỹ thuật bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam phát triển tương đối mạnh, bao gồm các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu và các trung tâm chuyên ngành.
Có khoảng 20 trường đại học có chức năng đào tạo bậc cử nhân hoặc kỹ sư thuộc các chuyên ngành có liên quan đến đa dạng sinh học như sinh học, sinh thái học, quản lý môi trường, lâm nghiệp, nông nghiệp và thủy sản.
Hàng năm có khoảng 200 cử nhân sinh học, 200 cử nhân công nghệ sinh học, 400 cử nhân sư phạm ngành sinh học, và 5.000-8.000 kỹ sư các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tốt nghiệp.
Số lượng cán bộ sau đại học được đào tạo trong nước hàng năm theo ngành động vật, thực vật, sinh thái, quản lý đa dạng sinh học và tài nguyên ước tính khoảng 50 thạc sỹ và 10 tiến sỹ, một số ít được đào tạo ở nước ngoài theo các chương trình học bổng song phương và dự án hợp tác.
Đến nay, các nội dung về đa dạng sinh học đã được thiết kế trong chương trình giảng dạy hiện hành của cả cấp tiểu học và trung học cơ sở. Các nội dung về sinh học và đời sống thực vật, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, môi trường đất và nước đã được lồng ghép vào các môn học tự nhiên và xã hội (lớp 2, 3 và 5), khoa học-kỹ thuật (lớp 4 và 5) và đạo đức (lớp 4). Các nội dung về sinh học và đời sống động vật, các thành phần hệ sinh thái, kỹ thuật nông nghiệp, con người và môi trường được lồng ghép trong các môn sinh học, địa lý (lớp 6, 7 và 9) và công nghệ (lớp 9).
Nhiều trường đại học đã có các chương trình đào tạo cũng như các môn học về quản lý và sử dụng bền vững đất ngập nước (Chương trình đào tạo đất ngập nước phối hợp giữa các trường Đại học Cần Thơ; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Maihidol). Đã có nhiều hội thảo và các khóa học ngắn hạn về đất ngập nước cũng đã được tổ chức cho các cán bộ quản lý môi trường Trung ương và địa phương.
Xây dựng các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các công trình phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian đã đi vào nền nếp, trong đó các nội dung liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện một cách nghiêm túc theo quy trình soạn thảo đánh giá tác động môi trường. Tuy vậy, công tác hậu kiểm (thanh tra, giám sát) còn chưa được thực hiện nghiêm chỉnh, cho nên có những sự cố môi trường đáng tiếc đã xảy ra.
Tại các vùng miền núi, cộng đồng quản lý tài nguyên rừng đã được hình thành có truyền thống từ lâu đời (hay còn gọi là quản lý rừng truyền thống), với nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của từng địa phương. Rừng cộng đồng truyền thống phổ biến nhất là các loại rừng thiêng, rừng mưa, rừng đầu nguồn nước, rừng của thôn bản hay rừng của dòng họ.
Mô hình sử dụng bền vững rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng, áp dụng thử nghiệm đối với khu rừng ngập mặn Đồng Rui (Quảng Ninh); mô hình ao tôm sinh thái Tiền Hải (Thái Bình); mô hình bảo tồn và khai thác bền vững đất ngập nước, triển khai áp dụng thí điểm tại khu đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình); các mô hình nuôi cá trên ruộng lúa nước được thực hiện tại xã Gia Thanh, Gia Tân, Liên Sơn, huyện Gia Viễn (Ninh Bình).
Ghép tôm sú cùng cá rô phi tại khu vực Cồn Chim, đầm Thị Nại (Bình Định) được thực hiện nhằm đem lại lợi nhuận tối đa trong việc sử dụng đất ngập nước áp dụng cho ngành thủy sản.
Mô hình “du lịch sinh thái cộng đồng tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy, Nam Định;” mô hình khu du lịch sinh thái U Minh Thượng; mô hình “Phát triển sinh kế và sử dụng bền vững tài nguyên có sự tham gia của cộng đồng” được thực hiện tại ấp K9, xã Phú Đức và ấp Phú Lâm, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, Tỉnh Đồng Tháp, thử nghiệm mô hình cộng đồng cùng tham gia quản lý và sử dụng tài nguyên đất ngập nước.
Mô hình “Sinh kế bền vững và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đất ngập nước dựa vào cộng đồng” được thực hiện tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen đã góp phần cải thiện sinh kế người dân vùng đệm, nâng cao nhận thức về đất ngập nước và thử nghiệm cơ chế đồng quản lý; mô hình “Nuôi cấy, bảo tồn rạn san hô” được thực hiện tại Khu vực 1, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn và mô hình “Bảo tồn và khai thác đồng cỏ Bàng” được thực hiện tại xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương, Kiên Giang nhằm khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thực vật trong khu vực đất ngập nước.
Đặc biệt, Quyết định số 218 của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2/2014 về Phê duyệt Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.
Theo Chiến lược, đến năm 2020, các khu này sẽ được tiếp cận các phương thức quản lý mới như đồng quản lý, chia sẻ lợi ích, đồng thời kiểm soát được các loài động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trong khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa; bảo tồn và phát triển số lượng các loài quý, hiếm đang suy giảm và bị đe dọa tuyệt chủng. Chắc chắn sẽ thực hiện hiệu quả hơn các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học thông qua các chương trình, dự án, nâng cao năng lực quản lý rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa... của Việt Nam.