350 và 500 USD
Sau mấy năm, vừa qua một cuộc hội thảo về chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) ở Việt Nam lại được tổ chức tại Hà Nội.
Đọc các bài báo về hội thảo, tôi nhận ra các ý kiến "tố khổ" tiếp tục được trình bày, đại loại: lương GS, PGS ở Việt Nam quá thấp, không bằng các nước trong khu vực; GS, PGS không có phòng làm việc riêng, thiếu phương tiện thông tin, sách báo, máy tính, ít được đi nước ngoài tham quan; phải đi làm bằng xe máy, xe ôm, xe đạp, xe buýt...
Tóm lại là xem chừng, cuộc sống của GS, PGS ở Việt Nam khá bần hàn, nên phải có thang lương riêng, như với GS thì 500 USD/tháng , với PGS thì 350 USD/tháng (tức là khoảng 5,6 triệu đồng đến 8 triệu đồng/tháng - tương đương với niềm khao khát của ít nhất cũng là vài chục triệu người Việt Nam hiện tại).
Điều này làm tôi liên tưởng tới hàng dãy các ngôi nhà ba bốn tầng, trát sơn quét vôi sáng loáng trong khu tập thể của một số trường đại học, viện nghiên cứu, và thấy thương cảm thay cho mấy nghìn con người từng được chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam tối 15-7-2005 khẳng định là: "Nguồn tài nguyên vô tận của đất nước"!
Cũng tại Hội thảo, lại có những vấn đề khiến người ta không thể không băn khoăn. Nếu ngày nọ, GS Hoàng Tụy nói: "Khi một GS, PGS tỏ ra không xứng đáng... thì cũng nên bãi nhiệm. Có điều là nếu thực hiện đúng biện pháp này thì phải thu hồi cả chức danh của những vị không xứng đáng, như thế có thể đến 1/3 số GS, PGS của ta bị thu hồi chức danh", thì lần này, GS Đỗ Trần Cát nhận xét: "Phải công nhận nhiều GS, PGS họ làm việc không nghiêm chỉnh".
Và theo kết quả một cuộc điều tra thì có quãng 30% GS, PGS không dùng vi tính, gần một nửa không sử dụng Internet. Với các GS, PGS tuổi tác đã cao khó tiếp cận với công nghệ thông tin đã ra một nhẽ, nhưng với các vị còn trẻ thì biết nói sao đây. Hơn nữa, liệu tuổi tác có phải là yếu tố quyết định khi chính mắt tôi từng thấy một PGS tuổi đã 80 mà vẫn ngồi "gõ" vi tính nhoay nhoáy!?
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tri thức đã và đang thực sự được khẳng định là bộ phận quan trọng trong lực lượng sản xuất của xã hội. Nhưng khi bàn tới sự đãi ngộ trí thức, lại thấy một số vị quá quan tâm tới quyền lợi, ít chú ý chứng minh họ có thật sự là những con chim đầu đàn của một ngành khoa học nào đó hay chưa.
Thời bao cấp đã qua từ lâu rồi, hiển nhiên vấn đề phải được đặt trên cơ sở của nguyên tắc "hưởng theo lao động" chứ không thể bị chi phối bởi lô-gíc: GS, PGS là "lực lượng tiêu biểu đồng thời là đội ngũ chủ chốt, quan trọng trong đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao của đất nước" thì phải được Nhà nước quan tâm.
Mặt khác, "tiêu biểu" hay không, "tiêu biểu" đến "mức độ" nào là do hiệu quả công việc, do sự thừa nhận của đồng nghiệp, của xã hội..., đâu phải cứ tự huyễn hoặc là "tiêu biểu" thì Nhà nước mặc nhiên phải đãi ngộ!
Do công việc chuyên môn, và một phần cũng do tò mò, tôi đã đọc kha khá công trình nghiên cứu cùng tiểu luận khoa học thuộc các ngành Văn hóa học, Văn học, Dân tộc học..., trong đó có công trình, tiểu luận của một vài vị GS, PGS chủ yếu là "đạo văn", chủ yếu là "mông má", "thâm canh", có những công trình theo tôi là hoàn toàn không có giá trị.
Trong một số trường hợp, đọc xong tôi tự hỏi, nếu trình độ, năng lực chỉ đến mức đó thì có nên nhận một chức danh? Chẳng thế mà gần đây, tại hội nghị tổng kết của Trường Đại học X tổ chức tại Cửa Lò, đánh giá các yếu kém của công tác nghiên cứu, người ta đã phải đưa ra một nhận xét khá tế nhị và lịch lãm rằng có "tình trạng tái xuất công trình trong các đề tài khoa học"!
Thấy các bậc đàn anh trong nghề đã "xào xáo" một cách tài hoa, một ông cũng nhanh nhảu học theo. Năm trước, ông nhận công trình nghiên cứu Truyện ngắn Việt Nam từ năm 1975đến nay, tác phẩm khảo sát gần nhất là năm 2004. Hoàn thành công trình, lĩnh 20 triệu đồng, mới đây, ông tiếp tục đăng ký đề tài có tên gọi Truyện ngắn Việt Nam từ 1975 đến 2005quãng 60 triệu đồng. Rồi khi giảng bài mới ghê, ai đời một GS, TS giảng về Ki-tô giáo lại đưa ra tín điều "tam vị nhất thê" và giải thích: "tam vị" gồm Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Thánh thần, "nhất thê" nghĩa là một vợ; "tam vị nhất thê" nghĩa là ba ông lấy chung một vợ!
Nhớ hơn chục năm trước, tôi đã kiên quyết rút phần biên soạn của mình trong một giáo trình Đạo đức học chỉ bởi vị PGS, TS chủ biên kiên quyết định nghĩa: "Đạo đức học (hay Đạo đức học Quân sự) là khoa học...", tức là ông đánh đồng Đạo đức học nói chung với Đạo đức học Quân sự nói riêng.
Rồi cũng do công việc, tôi từng phê bình, chỉ ra các hạn chế cốt tử trong công trình nghiên cứu của một số vị GS, PGS. Rất tiếc là các vị giữ thái độ im lặng, chưa thấy vị nào lên tiếng bảo vệ "đứa con tinh thần" của họ, làm cho tôi phải nghi ngờ cả chính mình: Phải chăng tôi đã phê bình "sai"!
Theo tôi, nếu các sản phẩm nghiên cứu của các GS, PGS thật sự hữu ích đối với sự phát triển thì 350 USD/tháng, 500 USD/tháng hoặc hơn thế nữa cũng không có gì phải bàn, đất nước tuy nghèo nhưng có lẽ không ai "xót ruột" khi phải chi phí cho nghiên cứu khoa học.
Trí tuệ đích thực là vô giá, một phát minh khoa học được áp dụng hiệu quả trong thực tế thì không thể quy ra tiền. Song sự đãi ngộ cần thiết phải đi cùng với các biện pháp chế tài, thậm chí tước bỏ chức danh nếu nó "hữu danh vô thực".
Muốn vậy, Nhà nước thử tiến hành thẩm định các văn bằng chứng chỉ, các công trìnhnghiên cứu trong hồ sơ phong chức danh xem sao, nếu đó là một công việc quá lớn thì tạm thời thẩm định về ngoại ngữ chẳng hạn. Tôi tin nếu việc này được tiến hành nghiêm túc, giám sát chặt chẽ, có sựchứng kiến của báo chí... sẽ có không ít GS, PGS tự giác trả lại chức danh. Vấn đề là các cơ quan hữu quan có đủ can đảm và bản lĩnh để tiến hành hay không?Nguồn: nhandan.com.vn 23/7/2005