Cần khẳng định Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức xã hội rộng, lớn
Ngày 16/4/2010, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ thị số 42-CT/TW khẳng định: “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam trong và ngoài nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội thành viên và hội viên của các hội thành viên, góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng
Chỉ thị số 42-CT/TW là văn bản thể hiện đầy đủ nhất, toàn diện nhất về quan điểm, định hướng của Đảng ta về phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam. Nhà nước bảo đảm kinh phí và các điều kiện hoạt động như các tổ chức chính trị - xã hội khác. PV vusta.vn đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam về vấn đề này.
PV: Thưa GS, sau khi thực hiệnChỉ thị số 42-CT/TW, Liên hiệp Hội Việt Nam đã phát triển mạnh như thế nào?
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Chỉ thị số 42-CT/TW được đội ngũ trí thức hoan nghênh, đánh giá đúng mức vai trò, trách nhiệm của Liên hiệp Hội Việt Nam; khẳng định tính chất chính trị - xã hội, tập hợp, đoàn kết, phát huy tự do tư tưởng, sáng tạo của trí thức trong xây dựng đất nước của tổ chức này. Đó là một văn bản có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và phát triển LHH. Thực chất cho việc củng cố, định hướng phát triển của Chỉ thị số 42-CT/TW là do có chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị.
Sau khi thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định là tổ chức xã hội rộng, lớn: 63/63 tỉnh thành có LHH địa phương; 87 hội ngành trung ương; 492 tổ chức KHCN; 112 cơ quan báo chí. 10 năm qua phát triển đã tập hợp 3,7 triệu hội viên, trong đó có 2,2 triệu trí thức (chiếm 33% trí thức cả nước). Liên hiệp Hội Việt Nam đang bước vào thế ổn định, đi vào chiều sâu, tìm cách phát huy thế mạnh của đội ngũ trí thức.
Hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng thể hiện rõ tính chất chính trị - xã hội của tổ chức: chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; Thành lập đảng đoàn ở cấp Trung ương và tỉnh, thành;Thành lập các tổ chức đảng; ở trung ương có đảng bộ lớn, quy tụ nhiều đảng viên kinh qua lãnh đạo, trí thức đầu ngành. Vai trò của tổ chức đản trong hoạt động hội ngày càng rõ nét, nhất là trong 10 năm qua và đặc biệt gắn kết hoạt động với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
PV: GS có thể cho biết những hoạt động nổi bật từ khi thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW đến nay?
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Đó là hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội; Phổ biến kiến thức; Nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường; Tôn vinh trí thức. Ngoài ra, Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên còn tham gia rất nhiều hoạt động nữa như xóa đói giảm nghèo, truyền thông,…
P.V: Một số văn bản của Nhà nước ban hành, có những nội dung còn chưa phù hợp, chưa nhất quán với quan điểm của Đảng về vị trí chính trị - xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và ảnh hưởng đến việc thể chế hóa mục tiêu phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam đến năm 2020, tạo ra khoảng trống pháp lý lớn giữa căn cứ pháp lý và căn cứ chính trị về Liên hiệp Hội Việt Nam. Vậy theo GS, đó là nguyên nhân hay bất cập nào?
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do còn tồn tại sự nhận thức khác nhau về vị trí chính trị - xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có các cán bộ chủ chốt và cán bộ tham mưu của một số bộ, ngành ở Trung ương; thiếu sự kiểm tra, giám sát kịp thời việc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; sự chủ động đề xuất, phối hợp tham mưu từ phía Liên hiệp Hội Việt Nam với các ban, bộ, ngành Trung ương chưa cao.
Do đó quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Liên hiệp Hội Việt Nam, nhất là về tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính, chế độ, chính sách đối với cán bộ làm việc tại cơ quan tham mưu, giúp việc của Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương còn chậm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đạt mục tiêu của Bộ Chính trị đặt ra: “Đến năm 2020, xây dựng Liên hiệp Hội Việt Nam trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; góp phần quyết định đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Một trong những hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của LHHVN
Và theo tôi, đội ngũ trí thức hiện đang rất ủng hộ Ban Bí thư ban hành kết luận tiếp tục thực hiện chỉ thị số 42-CT/TW.
Ngoài ra, cần khẳng định vai trò tổ chức chính trị xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam trong tình hình mới, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, theo tôi, Liên hiệp Hội Việt Nam cần phấn đấu thể hiện là một tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức, đóng góp có hiệu quả như tham mưu cho Đảng, nhà nước các quyết sách quan trọng; Huy động lực lượng trí thức tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Phát huy và tham gia bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước.
Bài, ảnh: HT