Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 15/05/2006 13:46 (GMT+7)

Thiên Thành Công chúa phu nhân Hưng Đạo Đại Vương là con ai?

Gần đây khi đọc lại tập sách Trần Hưng Đạo nhà quân sự thiên tàicủa một nhóm tác giả thuộc Viện Lịch sử quân sự Việt Nam biên soạn (NXB CTQG, Hà Nội, 2000), phần “Gia đình” ở trang 128 các tác giả viết: “Thiên Thành Công chúa là con gái út của Trần Thừa… Bà kết hôn với Trần Quốc Tuấn”. Và ở trang 132 (cũng sách trên) các tác giả viết: “Trần Quốc Tuấn là con rể của Thượng hoàng Trần Thừa, là em rể đồng thời là cháu gọi bằng chú với vua Trần Thái Tông”.Rồi các tác giả kết luận: “ Trần Quốc Tuấn là cháu nội, con rể Trần Thừa”!?

Viết như trên liệu đã chính xác chưa? Tuyệt nhiên không thấy các tác giả dẫn chứng những cứ liệu lịch sử!

Lần giở những trang trong hai bộ chính sử mà tiền nhân để lại, tôi không thấy chỗ nào ghi: “Thiên Thành Công chúa là con gái út của Thượng hoàng Trần Thừa”.

Trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, tập II (NXB KHXH, Hà Nội 1998) phần viết về Thái Tông Hoàng đế (1218-1277), tại trang 23 có ghi:

“Năm Tân Hợi (1251) gả Trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai Yên Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn.

Trong Đại Việt sử ký tiền biên (NXB KHXH, Hà Nội, 1997), đây là bộ chính sử thứ hai được khắc in từ năm Canh Thân (1800), phần viết về “Thái Tông Hoàng đế” ở trang 338 có ghi: “Đem Trưởng Công chúa Thiên Thành gả cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai của Yên Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy công chúa về với Trần Quốc Tuấn”. Như vậy là cả hai bộ chính sử đều ghi Thiên Thành là “Trưởng công chúa” chứ không phải là “út công chúa”. Còn Thiên Thành là con ai thì không ghi rõ!

Trong “Phả ký đức Đại Vương Trần Hưng Đạo - Triều Trần” hiện còn lưu giữ tại đền thờ Trần Hưng Đạo tại Nam Định cũng không thấy tiền nhân ghi Thiên Thành công chúa là con gái út của cụ Trần Thừa.

Vậy từ những cứ liệu lịch sử nào mà các tác giả cuốn sách viết từ “Trưởng công chúa” thành “con gái út…” hay “út công chúa”?

Các tác giả còn khẳng định “Thiên Thành là con của Thượng hoàng Trần Thừa”. Và đưa ra bảng thống kê phả hệ về gia đình Trần Quốc Tuấn như sau: (xin trích một phần in ở trang 129).

Công chúa Lý Thuận Thiên trước là vợ Trần Liễu, sau là vợ Trần Cảnh. Tức là con dâu cụ Trần Thừa. Sắp xếp như trên của các tác giả dễ làm cho người đọc hiểu lầm Thuận Thiên là con gái cụ Trần Thừa! Hơn nữa cụ Trần Thừa đâu chỉ có mình công chúa Thuận Thiên là con dâu? Còn ở ô trước cuối bảng phả hệ rõ ràng các tác giả khẳng định công chúa Thiên Thành là “con gái út” cụ Trần Thừa.

Người viết bài này rất mong các tác giả chỉ giáo, đưa ra những cứ liệu lịch sử chứng minh những nhận định của mình về hai vấn đề: Thiên Thành là Trưởng Công chúa hay Út Công chúa và sách nào nói Thiên Thành là con gái cụ Trần Thừa?

Trong cuốn Nhà Trần và con người thời Trầncủa Viện Sử học - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (Hà Nội, 2004) xuất bản, tôi lại thấy có sự nhận định tương tự trong bài “Trần Hưng Đạo” của tác giả Nguyễn Thành Long (công tác ở Bộ Công an), tác giả viết:

“Trần Quốc Tuấn là cháu gọi Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của triều Trần) bằng chú ruột. Năm 1251 lấy Thiên Thành Công chúa, trở thành con rể của Thái tổ Trần Thừa, em rể của vua Trần Thái Tông” (trang 494 sách đã dẫn). Người đọc không thấy tác giả Nguyễn Thành Long dẫn chứng những cứ liệu lịch sử!

Trong khi chờ ý kiến của qúy vị và ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà sử học đương đại, tôi xin được nêu những nhận thức của mình:

Trưởng Công chúa Thiên Thành không phải là con Thượng hoàng Trần Thừa mà là con gái Thượng hoàng Trần Thái Tông (Trần Cảnh) và Trần Quốc Tuấn lấy em con ông chú ruột làm vợ (phu nhân) chứ không phải lấy cô ruột làm vợ.

Vì theo Đại Việt sử ký toàn thưthì lên ngôi vua được gần một năm, từ tháng 12 năm Mậu Dần (1225) đến tháng 10 năm Bính Tuất (1226) Trần Thái Tông tôn cha là Thừa làm Thượng hoàng. Thượng hoàng Trần Thừa (ông nội của Trần Quốc Tuấn) sống tới ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1234) thì mất, thọ 51 tuổi. Khi Trần Quốc Tuấn lấy Trưởng Công chúa Thiên Thành (1251) ông nội của người đã mất 17 năm.

Phải chăng từ chi tiết này mà các tác giả tập sách Trần Hưng Đạo - Nhà Quân sự thiên tàicho rằng Thiên Thành là con gái út của Thượng hoàng Trần Thừa. Nhiều trường hợp cha mất, rồi con mới sinh, nhưng ở trường hợp này theo tôi không phải vậy.

Cứ liệu thứ hai dẫn tới sự nhận định của tôi như đã nêu ở trên là: Tại trang 23 tập II bộ Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ:

“Công chúa Thụy Bà (chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn) nuôi Quốc Tuấn làm con”.

Như vậy Thụy Bà là chị của Trần Cảnh và em của Trần Liễu. Mà Thiên Thành - Trưởng Công chúa - nếu là con cụ Trần Thừa, thì còn là chị của Công chúa Thụy Bà và chị Hoàng đế Trần Cảnh. Lễ nào anh trai Quốc Tuấn ngoài 20 tuổi đầu làm con nuôi bà em lại đi lấy bà chị của mẹ nuôi làm vợ và lại là cô ruột của mình?

Cứ liệu thứ ba: Theo sách Trần Gia thế tộc ký sự(gia phả ghi chép các dòng họ Trần - bản chữ Hán, lưu giữ tại Viện Hán Nôm) có ghi:

“Trần Thừa lấy Lê Thị sinh ra 3 người con trai. Con trưởng là Trần Liễu làm thái uý, được phong là An Sinh Vương. Con thứ là Trần Cảnh sau lấy Lý Chiêu Hoàng, được lập làm Trần Thái Tông. Con thứ 3 là Trần Nguyệt Cải (còn gọi là Trần Nhật Hiệu) làm thái uý. Và người con gái là Thụy Bà Công chúa có công nuôi cháu là Trần Quốc Tuấn làm con nuôi trong 8 năm”. Công chúa Thụy Bảo (Thụy Bà) con gái Thượng hoàng Trần Thừa; Chồng Công chúa là Uy Văn Vương Toại (tự Sầm Lâu) là người ham học, có kiến thức rộng, hay thơ, đã để lại cho đời “Sầm Lâu tập”. Không may ông bị chết sớm. Có lẽ vì sự mất mát đó mà Thụy Bà nuôi Trần Quốc Tuấn để khoả lấp nỗi trống vắng.

Ngoài 4 người con như gia phả ghi, Thượng hoàng Trần Thừa còn có một người con trai tên là Bà Liệt, được phong là Hoài Đức Vương ( Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, trang 13) đã ghi rõ về sự nhận con của Thượng hoàng Trần Thừa.

Qua trên cho thấy sách Trần gia thế tộc ký sựviết về cụ Trần Thừa không mâu thuẫn với những gì đã viết trong hai bộ chính sử (ĐVSKTT và ĐVSKTB).

Việc hôn nhân trong “nội Hoàng tộc” của nhà Trần còn những quan điểm khác nhau. Bài viết này tôi không đi sâu vào lĩnh vực đó, mà chỉ muốn làm rõ để cùng quý vị trả lời câu hỏi “Trưởng Công chúa Thiên Thành - Phu nhân Hưng Đạo Đại Vương - con ai?”.

Từ quy định “Hôn nhân nội tộc” của nhà Trần mà Trần Quốc Tuấn và Trưởng công chúa Thiên Thành con vua Trần Cảnh đã yêu nhau, đến với nhau. Mặc dù vua cha đã hứa gả Trưởng Công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương. Họ thừa biết trái lệnh vua thì phải xử tội thế nào? Nhưng do tiếng gọi của trái tim và lại được Công chúa Thụy Bà - cô ruột của cả hai người đang đêm đến gõ cửa điện cáo cấp với vua Trần Cảnh - em ruột - Nhờ vậy mà được vua tha thứ, chấp nhận tình yêu của đôi trẻ, họ nên vợ nên chồng. Về việc này sử thần Ngô Sĩ Liên nói:

“Con gái vua lấy kẻ bề dưới tất phải sai chư hầu cùng họ đứng ra làm chủ hôn, theo lễ phải thế. Thái Tông đem Thiên Thành Công chúa gả xuống cho Trung Thành Vương, nhưng Công chúa lại về với Hưng Đạo Vương” (tập II, trang 23 ĐVSKTT- Sách đã dẫn).

Cụ Trần Thừa mặc dù được con trai thứ - vua Trần Thái Tông - tôn lên làm “Thượng hoàng” nhưng thực tế thì cụ chưa một ngày làm vua. Chỉ có 8 năm ở ngôi vị Thượng hoàng (từ tháng 10 năm Bính Tuất (1226) đến tháng giêng năm Giáp Ngọ (1234) thì mất. Bởi vậy mà câu nói “Con gái vua” của Sử thần Ngô Sĩ Liên theo tôi chỉ Công chúa Thiên Thành con gái vua Trần Cảnh.

Về phu nhân và Hoàng hậu của vua Trần Cảnh - Trần Thái Tông:

Tháng 12 năm Mậu Dần (1225) được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi và tới tháng giêng năm Bính Tuất (1226) sách phong Chiêu Hoàng làm Hoàng hậu.

Năm Đinh Dậu (1237) lập Công chúa Lý Thuận Thiên, chị ruột của Lý Chiêu Hoàng, đương là vợ của Trần Liễu làm Hoàng hậu; giáng Chiêu Thành làm Công chúa. Hoàng hậu Thuận Thiên bằng tháng 6 năm Mậu Thân (1248). Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1257) Trần Cảnh nhận con gái Hoàng Bính vào cung, sách phong làm Huệ Túc phu nhân.

Đó là 3 vị mà sử sách có ghi, còn các cung tần, mỹ nữ trong cung chắc nhiều, nên sử không ghi cụ thể.

Về các con của Hoàng đế Trần Cảnh qua 2 bộ chính sử ( ĐVSKTT và ĐVSKTB) cho ta biết:

Năm Quý Tỵ (1233) Hoàng Thái tử Trịnh mất. Sách sử không ghi rõ ngày sinh, có lẽ dây là trường hợp vừa sinh đã mất (?). Và có thể do Hoàng hậu Chiêu Thánh sinh (?). Chiêu Thánh không phải là không sinh nở được. Ngoài lần sinh nở này, 12 năm làm Hoàng hậu của vua Trần Cảnh, Chiêu Thánh chậm sinh nở nên mới có chuyện bị giáng xuống làm Công chúa, sau đem gả cho Lê Phụ Trần. Hơn 20 năm làm vợ Phụ Trần bà đã sinh được một người con trai là Thượng Vị Hầu Tông và một người con gái là Ứng Thuỵ Công chúa Khuê. Chiêu Thánh mất năm Mậu Dần (1278) thọ 61 tuổi.

Đầu năm Đinh Dậu (1237) Công chúa Thuận Thiên (vợ Trần Liễu) bị mẹ đẻ và ông chú bên chồng bắt về làm vợ vua Trần Cảnh, thì cuối năm bà sinh ra Trần Quốc Khang (thực chất đây là con Trần Liễu).

Ngày 25 tháng 9 năm Canh Tý (1240) Hoàng đích Trưởng tử Trần Hoảng sinh, được vua Trần Cảnh lập làm Đông Cung Thái tử.

Tháng 10 năm Tân Sửu (1241) Hoàng tử Trần Quang Khải sinh (là em cùng mẹ với Thái tử Trần Hoảng).

Thứ đến là các Hoàng tử. Trần Nhật Vĩnh, Trần Ích Tắc (Chiêu Quốc Vương), Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Vũ Uy Vương Duy.

Căn cứ vào bộ sách Đại Việt sử ký toàn thưtại trang 23 có ghi rõ: “Gả Trưởng Công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai Yên Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn”. Bằng quan điểm lễ giáo phong kiến sử gia Ngô Sĩ Liên và các nhà chép sử thế kỷ thứ XV-XVII dùng chữ “cướp”.

Quốc Tuấn không đến cướp Thiên Thành đem về nhà mình, mà đang đêm đến tận phòng của Công chúa Thiên Thành rồi ở lại đấy… Nếu không mến, không cảm, không yêu Quốc Tuấn thì làm sao Quốc Tuấn có thể vào được phòng Công chúa và còn được ở lại đó?

Sự việc xảy ra vào năm 1251, khi mà Quốc Tuấn tuy được cha tìm thầy giỏi dạy văn, dạy võ… khá song toàn nhưng Trần Quốc Tuấn chưa được giao trọng trách gì nên cũng chưa lập được công trạng với nhà nước Đại Việt. Nếu Hoàng đế Trần Cảnh không anh minh, nhân nghĩa thì Quốc Tuấn dù là yêu Thiên Thành chân chính cũng không sao tránh khỏi tội chết? Dòng cả họ Trần sẽ mất đi một người con tuấn tú, đất nước Đại Việt sẽ mất đi một vị anh hùng văn võ toàn tài được thể hiện ở những năm sau đó.

Nguồn: Xưa và Nay, số 245, 10/2005, tr 10-12

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.