Lò sấy 7 ngăn ZMSC-400
Theo anh Hải, viên gốm áp điện (viên trụ gốm cho ngòi đạn B40, B41, VP-9, VP-7… và viên gốm hình thang cho ngòi đạn Tan đen, cho ngòi nổ của tên lửa chống tăng B72…) thường được sấy khô bằng bếp điện nên trong quá trình sản xuất gặp phải một số hạn chế như không biết rõ được nhiệt độ tác dụng trực tiếp lên sản phẩm, tốn điện do nhiệt thoát ra môi trường xung quanh nên thanh đốt phải hoạt động liên tục, viên gốm không được sấy đều, khí độc bốc lên ảnh hưởng đến sức khỏe và không an toàn.
Lò sấy 7 ngăn ZMSC-400 gồm các bộ phận: hệ thống buồng lò (7 buồng lò), hệ thống thanh đốt (ở buồng 2-5), hệ thống điều khiển (sensor nhiệt và đồng hồ hiển thị, rơle…), hệ thống mô tơ và dây cáp kéo, thanh ray và hệ thống khay.
Để vận hành lò sấy, căn cứ theo quy trình công nghệ chu trình nhiệt, người phụ trách hướng dẫn và lập trình sẵn thời gian và nhiệt độ tại từng buồng lò, người vận hành chỉ cần bật công tắc điện. Sau khi bật công tắc điện khoảng 10 phút, các thanh đốt đã gia nhiệt đến nhiệt độ đặt tại từng buồng, lúc này người vận hành nối dây cáp kéo với khay và đặc trên thanh ray. Theo chế độ lập trình, khay sấy chứa sản phẩm sẽ được đưa vào từng buồng và sản phẩm sẽ được sấy cho đến khi đạt yêu cầu thì hệ thống mô tơ kéo tự động kéo khay ra khỏi lò và chuyển sang bước tiếp theo. Anh Hải cho biết buồng 1, 6 và 7 anh không lắp thanh đốt vì qua tính toán và thực nghiệm, anh thấy nhiệt ở buồng 1 được nhiệt ở buồng 2 bù sang cỡ một nửa nhiệt độ buồng 2, tương tự như vậy với buồng 6,7.
Cửa đưa sản phẩm vào lò
Ưu điểm của lò sấy là được gắn sensor và đồng hồ để điều khiển và hiển thị nhiệt độ ở từng vùng, để người làm có thể theo dõi và thực hiện đúng quy trình. Việc thất thoát nhiệt từ bếp điện ra môi trường xung quanh cũng được hạn chế bằng những vật liệu cách nhiệt được chế tạo thành các buồng giữ nhiệt, giúp nhiệt độ được duy trì lâu hơn. Khi đạt đến nhiệt độ yêu cầu, hệ thống sẽ tự động ngắt không cung cấp điện cho thanh đốt, do đó sẽ ít tốn điện hơn so với sử dụng bếp điện để sấy. Nhiệt được giam trong buồng hẹp nên tác động đến sản phẩm đồng đều hơn. Khay sấy không bị nung đến nóng đỏ, cùng với thiết kế có ống hút hơi nóng và khí độc nên không khí mát sẽ đi vào trong lò, tạo ra dòng khí lưu thông liên tục có tác dụng làm nguội sản phẩm, giảm thời gian chờ và chuyển nhanh sản phẩm sang bước tiếp theo, đồng thời đảm bảo an toàn cho người thực hiện thao tác mạ. Còn với hệ bếp điện thì hơi độc, nhiệt độ tỏa ra khắp phòng làm việc, hệ thống dây điện, ổ cắm nhiều và dùng liên tục nên nguy cơ mất an toàn cao hơn.
Lò sấy có thiết kế nhỏ gọn nên tạo không gian làm việc rộng hơn cho khâu mạ điện cực, hơn nữa so với bếp điện lại cho năng suất sấy cao hơn (1000 sản phẩm thay vì 300 sản phẩm/mẻ như trước đây), rút ngắn thời gian sấy (0,016h thay vì 0,054h), tiết kiệm điện năng (12,65kWh/1 mẻ 1000 sản phẩm thay vì 31,68 kWh/ 1 mẻ 300 sản phẩm).
Theo tính toán của anh Hải, với chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng, lò sấy 7 ngăn ZMSC-400 đã giúp cho đơn vị tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm viên trụ gốm, tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng chi phí sản xuất (nhân công, điện năng tiêu thụ, diện tích mặt bằng nhà xưởng), tạo môi trường cho an toàn lao động.
Cửa lấy sản phẩm
nâng cao, sáng chế, phương pháp, quốc phòng, sản xuất, công nghiệp, tổng cục, nhà máy, năng suất, hạn chế, tạo thành, kỹ sư, thời khắc, thanh hải