Ảnh: Internet
Năm 1937, ông bảo vệ xuất sắc luận án bác sĩ y khoa “Phương pháp tạo hình tự thân tai – áp dụng sau nạo vét xương chũm” và được giữ lại làm trợ lý cho giáo sư Le Mée, chuyên gia Tai Mũi Họng danh tiếng thời đó. Trần Hữu Tước sớm trở thành một thầy thuốc giỏi về chuyên khoa tai mũi họng tại Paris. Ông đã tích cực tham gia đều đặn cho việc chuẩn bị kỳ thi Thạc sĩ chuyên ngành Tai Mũi Họng" và được nhận chứng nhận của BS. Jacques Marie Lemée, Chủ nhiệm Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Necker và Bệnh viện Hoa Kỳ tại Paris.
Nhớ về BS Trần Hữu Tước, GS. Yves Cachin viết như sau: "Kỷ niệm đầu tiên của tôi là người phụ giáo trẻ Trần Hữu Tước ở Khoa Tai Mũi Họng của Jacques Marie Lemée tại Bệnh viện Nhi khoa ở Paris cao lớn, khôi ngô, tươi cười niềm nở, trình độ tinh thông và có khả năng sư phạm, mổ xẻ khéo tay, ông là một thầy giáo lý tưởng cho một nội trú như tôi. Mười tám tháng cộng sự, hàng ngày giúp tôi nhận thấy lòng nhân đạo, thái độ đôn hậu đối với bệnh nhân cũng như trình độ học vấn của ông.
Năm 1939, Đại chiến thế giới lần thứ II bùng nổ, ông tham gia vào hàng ngũ những người kháng chiến yêu nước Pháp, chống lại phát xít Đức. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời.
Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, hưởng ứng lời kêu gọi của Người, từ bỏ cuộc sống nơi phồn hoa của nước Pháp, ông là một trong những trí thức Việt kiều theo Hồ Chủ tịch về nước tham gia cuộc kháng chiến chồng Pháp (cùng với Vũ Đình Huỳnh, Võ Quý Huân và Trần Đại Nghĩa).
Tháng 11/năm 1946, ông được Bộ Đại học nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức bổ nhiệm phụ trách Bộ môn Tai Mũi Họng Trường Đại học Y Dược Hà Nội (nay là Trường Đại học Y Hà Nội) và từng bước đặt nền móng xây dựng ngành này tại Việt Nam bằng việc đề ra một chương trình xây dựng ngành chuyên khoa Tai Mũi Họng Việt Nam. Ông đã đến các vùng nông thôn để tuyên truyền phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân và bộ đội. Trong hoàn cảnh của cuộc kháng chiến còn gặp nhiều khó khăn, nhưng GS Trần Hữu Tước luôn coi trọng việc đào tạo, bổ túc và xây dựng đội ngũ cán bộ và mạng lưới tai mũi họng hoàn chỉnh, qua đó từng bước xây dựng ngành tai mũi họng của Việt Nam đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, phục vụ kháng chiến. Nhớ lại thời kỳ này, BS Trần Hữu Tước viết: “Khi chúng tôi ở Việt Bắc, xây dựng một bệnh viện Tai Mũi Họng giữa rừng, biết bao khó khăn! Làm chuyên khoa Tai Mũi Họng mà không có điện thường xuyên thì sao mà khám, chữa được. Trong không khí ẩm ướt dưới cây, các pin dều hỏng, và hết điện nay; phải lấy đinamô xe đạp và làm hẳn một máy quay đạp để luôn luôn có điện. Nhưng có đèn, lại phải có máy hút, ấy thực là khó khăn. Phải mổ một aspxe trong não, mà không có máy hút thì thật không sao đảm bảo được, vì luôn luôn phải hút máu, hút mủ, không thể lấy gì thấm hết được”. [1]
Tuy vậy, trong thời gian này ông vẫn vừa khám chữa bệnh vừa tiến hành một số công trình nghiên cứu như “Áp dụng Filator rau chữa điếc xốp xơ tai, chữa trị mũi”, “Nghiên cứu các loại biến chứng do viêm tai của hài nhi ở Việt Nam”. Dù trong hoàn cảnh nào ông cũng luôn thể hiện nhân cách của một bác sĩ tài năng và là tấm gương sáng về y đức.
Hồ Chủ tịch trò chuyện cùng GS. Trần Hữu Tước. Ảnh: Internet
Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, hoà bình lập lại, ông nhận quyết định phân công về Bệnh viện Bạch Mai xây dựng Khoa Tai Mũi Họng ở miền Bắc.
Năm 1955, cùng với 9 bác sĩ khác gồm Hồ Đắc Di, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Vũ Hỉ, Đặng Văn Ngữ, Trương Công Quyền, Hoàng Tích Trí, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước được Chính phủ phong hàm Giáo sư. Đây là sự ghi nhận đóng góp của Trần Hữu Tước đối với công tác đào tạo đội ngũ bác sĩ, y sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Những học trò của ông sau này đều trưởng thành và trở thành những chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện trong toàn quốc.
Năm 1956, GS Trần Hữu Tước được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và giữ chức vụ này cho tới năm 1969.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với các trí thức tại Hội nghị chính trị hiệp thương năm 1964.
GS.Trần Hữu Tước ngồi bên trái, cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet
Tháng 12 năm 1966, tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 4, Giáo sư Trần Hữu Tước được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Anh hùng Lao động Trần Hữu Tước (phải) và Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Huê tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc (12/1966). Ảnh: Internet
Năm 1969, ông nhận quyết định làm Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng trung ương và là Viện trưởng đầu tiên của Viện này. Khi đảm nhận vị trí này, ông đã đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo cán bộ, xây dựng mạng lưới cơ sở. Ông đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu những căn biện liên quan đến tai mũi họng. Nhờ những công trình này mà các thế hệ học trò của ông đã chữa trị thành công các căn bệnh trẻ em mắc phải về tai mũi họng và ứng dụng các thiết bị hỗ trợ đối với trẻ em tật nguyền, điếc bẩm sinh [2].
Từ lúc mới thành lập cho đến lúc cuối đời, ông đã đóng góp toàn bộ sức lực để xây dựng ngành Tai Mũi Họng Việt Nam hoàn chỉnh, đồng thời có nhiều công trình nghiên cứu, chuyên sâu vàp các lĩnh vực: ung thư tai - mũi - họng (ung thư vòm, hạ họng, thanh quản), viêm tai - xương chũm hài nhi; apxe não và tiểu não do tai, điếc trẻ em, dị ứng trong tai - mũi - họng, nội soi...
Với những đóng góp của mình, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý:
Ông mất ngày 23 tháng 10 năm 1983, hưởng thọ 70 tuổi.
------------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Viện Tai Mũi Họng – Hội Tai Mũi Họng Việt Nam: Trần Hữu Tước – Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Y học, Hà Nội, 2001
2. Trường Đại học Y Hà Nội: Trần Hữu Tước – Tấm gương sáng về tài năng và y đức, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014
đại học, gia đình, đào tạo, hà nội, bác sĩ, học sinh, xuất sắc, y khoa, sau này, trung lưu, bạch mai