Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 23/03/2021 23:10 (GMT+7)

Phú Yên: Nuôi tôm hùm trên bờ - Mô hình tái cơ cấu Nông nghiệp

“Rà soát, điều chỉnh đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” là Hội nghị phản biện do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Phú Yên được UBND tỉnh giao phản biện độc lập. Trong đó, một số ý kiến cho rằng cần bổ sung việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, dịch vụ cũng như khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với lĩnh vực thủy sản, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để phát triển lĩnh vực thủy sản, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững hơn.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm nghiên cứu một số mô hình phù hợp để tuyên truyền đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp của Phú Yên. Dự án nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc là một trong những mô hình điển hình, không chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn mang lại giá trị kinh tế cao.

Mô hình nuôi tôm hùm trên bờ đảm bảo vệ sinh môi trường

Nói về mô hình này, ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty Đắc Lộc, cho biết: Tháng 6/2018, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Công ty Đắc Lộc) triển khai dự án nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa, đây là mô hình được triển khai đầu tiên trong cả nước. Dự án này là đề tài khoa học công nghệ quy mô cấp Nhà nước thuộc chương trình đổi mới công nghệ của quốc gia do Bộ KH-CN là cơ quan chủ quản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III là đơn vị chuyển giao công nghệ. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 6/2018-12/2020, đến nay dự án đã kết thúc và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Bà Trần Thị Lưu, Công ty Đắc Lộc (chủ nhiệm đề tài), cho biết: Công ty triển khai 2 mô hình gồm nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh với quy mô khoảng 5 tấn tôm thương phẩm cho mỗi mô hình, nuôi tại khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao của công ty ở xã Xuân Hải (TX Sông Cầu). Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay dự án đã kết thúc và kết quả đối với tôm hùm bông, trung bình tôm đạt cỡ 0,73kg/con, tỉ lệ sống khoảng 76,4%, tổng sản lượng của mô hình đạt 6,1 tấn/vụ (kế hoạch 5 tấn/vụ). Còn tôm hùm xanh, trung bình tôm đạt cỡ 0,4kg/con, tỉ lệ sống khoảng 78,2%, tổng sản lượng của mô hình đạt 6,4 tấn/vụ (kế hoạch 5 tấn/vụ). Tôm thương phẩm được đưa đến Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 2 để xét nghiệm và các mẫu đều đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

 Bà Trần Thị Lưu cho biết thêm, mô hình nuôi tôm hùm trong bể trên bờ này được áp dụng công nghệ RAS (hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn) với các trang thiết bị phụ trợ hiện đại. Quy trình xử lý của RAS là nước từ bể nuôi đi qua trống lọc, chất bẩn được tách ra còn nước được đẩy sang bể lọc sinh học. Tại đây, các vi sinh vật giúp chuyển hóa chất độc hại có thể gây bệnh cho tôm thành các chất không có hại, ví dụ như chuyển hóa amoniac sang NO2, NO3, skimmer (thiết bị loại bỏ các hợp chất hữu cơ bị phân giải và các chất độc hại khác) có tác dụng tách các protein lơ lửng còn lại.

Ở bước cuối cùng, nước sạch được đẩy sang hệ thống làm mát và tia UV (đèn khử trùng nước trong nuôi trồng thủy sản) để diệt khuẩn, đảm bảo các yếu tố về nhiệt độ và các chỉ tiêu lý hóa trước khi quay trở lại bể nuôi. Với mô hình xử lý tuần hoàn như vậy, nước trong bể nuôi luôn đảm bảo chất lượng, thuận lợi cho tôm hùm nuôi phát triển. Bên cạnh thức ăn tươi, công ty đã áp dụng loại thức ăn công nghiệp, thức ăn viên cho tôm ăn ngày hai lần với tỉ lệ khoảng 2% trọng lượng thân.

Dự án Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa tại bãi ngang tỉnh Phú Yên triển khai tại công ty đã được nghiệm thu và được đánh giá cao và là mô hình mới có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thời gian tới Công ty Đắc Lộc tiếp tục triển khai nhân rộng cho người nuôi tôm hùm trong và ngoài tỉnh nhằm phát triển kinh tế tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Phú Yên cho rằng: “Rà soát, điều chỉnh đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” là một dự án lớn của tỉnh, nếu được quan tâm sẽ rà soát, ưu tiên cơ chế, chính sách tạo môi trường, động lực, nhất là hỗ trợ phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra để thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tạo ra sản phẩm mũi nhọn, sản phẩm tốt, thời gian tới nên triển khai nhân rộng cho người nuôi tôm hùm trong và ngoài tỉnh thực hiện để tăng thu nhập.

Tác giả: Thùy Trang

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới