Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 20/09/2019 09:19 (GMT+7)

Hải Dương tích cực thu hẹp khoảng cách số, chỉ số ICT INDEX tăng vượt bậc

Năm 2019, Theo đánh giá xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) (Chỉ số ICT index) Hải Dương xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2018, tăng 25 bậc so với năm 2017… Đây cũng là động lực để tỉnh Hải Dương phát triển, hội nhập và chuyển đổi thành công sang nền kinh tế số, sớm là một tỉnh nằm trong top các tỉnh mạnh về CNTT&TT.


Toàn cảnh Hội thảo

Đó là thông tin được đưa ra trong Hội thảo: “Các sáng kiến thu hẹp khoảng cách số” do Hội Tin học – điện tử phối hợp với Hội Địa chất và Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Hải Dương tổ chức ngày 18/9/2019.

Thế giới đã đi qua ba cuộc cách mạng công nghiệp, đó là cơ giới hoá, điện khí hoá và tự động hoá, và nay là cuộc cách mạng về số hoá. Công nghệ số đang thâm nhập thế giới với tốc độ rất cao, nhất là khi một số công nghệ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi căn bản kinh tế, văn hoá và xã hội. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Công nghệ thông tin và truyền thông đang là lĩnh vực có tốc độ phát triển mạnh mẽ, từng bước xâm nhập và lan tỏa sâu rộng đến mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, tạo giá trị gia tăng mới cho từng ngành cũng như cho toàn bộ nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin; CNTT kết nối không giới hạn không gian và thời gian, tạo phương thức phát triển mới, đem lại cơ hội cho mọi cá nhân, mọi doanh nghiệp, mọi quốc gia. Đồng thời sự phát triển mạnh mẽ của CNTT gắn với sự xuất hiện và gia tăng của các ứng dụng và dịch vụ số hóa.

Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) trao tặng 100 điện thoại thông minh hỗ trợ người khiếm thị cho Hội người mù tỉnh

Công nghệ thông tin và truyền thông đã đóng vai trò then chốt của tiến trình số hoá và góp phần giảm khoảng cách tri thức trên toàn cầu, tạo cơ hội phát triển tri thức cá nhân và cộng đồng. Nhưng thực tế không phải ai cũng có điều kiện và kiến thức tiếp cận công nghệ số để nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều này khoa học thư viện gọi là khoảng cách số, là “sự chênh lệch giữa những cá nhân/ cộng đồng - những người có thể sử dụng thông tin điện tử và những công cụ truyền thông như Internet để nâng cao chất lượng cuộc sống với những người nào không thể, hay không có điều kiện. Luật Công nghệ Thông tin năm 2006 định nghĩa “khoảng cách số là sự chênh lệch về điều kiện, khả năng sử dụng máy tính và cơ sở hạ tầng thông tin để truy cập các nguồn thông tin, tri thức”. Có thể nói Khoảng cách số hay phân chia kỹ thuật số (digital divide) chính là tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội do sự ảnh hưởng từ khả năng truy cập và sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông. Đây cũng chính là tình trạng chung trên toàn thế giới giữa các nước phát triển và chưa phát triển.

Công nghệ thông tin sẽ ngày càng phổ biến hơn và sẽ cho phép thông tin điện tử có thể chuyến đến các thiết bị trong gia đình như ti-vi, điện thoại, với chi phí thấp, không cần phải có kiến thức chuyên ngành để hiểu. Tuy nhiên, các Nhà nước vẫn phải chủ động tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển các kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là trong cộng đồng những người bị thiệt thòi nhất nếu như muốn xóa bỏ “khoảng cách số” trong xã hội. Tăng việc sử dụng CNTT trong cung cấp thông tin chính là tăng cơ hội tham vấn, tăng sự tham gia tích cực của công dân vào quá trình hoạch định chính sách.

Đại diện KOICA phát biểu tại Hội thảo

Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng số. Hiện nay, với khoảng 80% dân số sử dụng Internet và trên 100% sở hữu thuê bao điện thoại di động, người dân gần như đã sẵn sàng để tham gia nền kinh tế số mới. Đối với chính quyền các địa phương, rõ ràng đều có sự quan tâm tới phát triển kinh tế số. Cụ thể như xây dựng các chính sách tập trung vào việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ số hóa các hoạt động của họ, nỗ lực giảm bớt rào cản và đơn giản hóa quy định, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mua bán hàng trực tuyến, xây dựng chiến lược để phát triển năng lực số trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, xây dựng Chính quyền điện tử, độ thị thông minh…

Dù vậy, hiện nay Việt Nam vẫn đang phải đứng trước những thách thức lớn về thu hẹp khoảng cách số trong từng địa phương, từng ngành nghề, lĩnh vực, từng đối tượng xã hội. Điều này có thể được thấy rõ qua các xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và Truyền thông (chỉ số ICT index) của các địa phương, trong đó chỉ số về hạ tầng Internet và trong việc áp dụng các công nghệ số cũng là một yếu tố dẫn đến khoảng cách số.

Nền kinh tế số toàn cầu đang tạo ra những thay đổi to lớn và nhanh chóng. Do đó, cần có những chính sách và hành động hơn nữa để xóa bỏ khoảng cách số, đồng thời nâng cao vị thế của mình trên thị trường quốc tế nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Để phát huy được những lợi thế cũng như vượt qua được những thách thức trong thu hẹp khoảng cách số, trong thời gian tới, cần tập trung vào 3 nội dung cụ thể sau: Đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo. Các doanh nghiệp, tổ chức cũng đề xuất, Việt Nam nên tập trung vào một số ngành nước ta có lợi thế trong CMCN 4.0, bao gồm: CNTT, du lịch, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng và logistic… Cụ thể:

Một là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ cao và các công nghệ số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tăng cường ứng dụng CNTT trong đổi mới thể chế pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy nhanh cấp độ ứng dụng CNTT xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tạo tiện lợi, văn minh cho người dân trong giao dịch với cơ quan nhà nước và tiếp cận dịch vụ công; xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và Doanh nghiệp.

Hai là, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội; đầu tư nâng cao năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ nhất là các công nghệ mới theo xu hướng của cuộc cách mạng số và cuộc CMCN 4.0. Phát triển ngành công nghiệp CNTT Việt Nam thành trung tâm công nghiệp phần mềm, ứng dụng di động và trung tâm dịch vụ an toàn bảo mật thông tin của thế giới.

Ba là, thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng DN, đặc biệt là Doanh nghiệp công nghệ cao và tạo những nhân tố phát triển đột phá trong nền kinh tế số. Xóa bỏ mọi rào cản, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mạnh Doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng bậc nhất của nền kinh tế.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế “dân số vàng” thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, tăng nhanh về số lượng và chất lượng đạt chuẩn quốc tế, bắt kịp với các xu hướng công nghệ.

Năm là, các cấp, các ngành, các địa phương, Doanh nghiệp và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng số, đồng thời, quyết liệt đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị hoạt động của mình. Đây phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu trong các cơ quan tổ chức của Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương.   

Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông, Chủ tịch Hội Tin học điện tử tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội thảo

Về phía tỉnh Hải Dương trong những năm qua đã từng bước nỗ lực thu hẹp khoảng cách số, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng và phát triển Chính quyền điện để nâng cao hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và mang đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Một số kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất , hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh từng bước được đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh, cụ thể:

100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã đã xây dựng mạng nội bộ (LAN) kết nối các phòng ban, đơn vị; Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã hình thành, kết nối cáp quang đến tất cả các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố bước đầu phục vụ cho Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến huyện và kết nối với Trung ương.

Trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện có 111 máy chủ, tập trung tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh và phân bố đều tại các cơ quan, trung bình mỗi đơn vị có từ 1 đến 2 máy chủ và khoảng 3000 máy trạm; tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức đạt 100%.

Dịch vụ viễn thông di động: tổng số thuê bao điện thoại di động toàn tỉnh đạt khoảng 2,3 triệu thuê bao, bình quân mật độ điện thoại khoảng 128 thuê bao/100 dân. Tổng số trạm thu phát sóng BTS đạt gần 3000 trạm cơ bản phủ sóng đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng mạng thông tin di động đã được xây dựng nâng cấp công nghệ tiên tiến hiện đại (3G, 4G).

Dịch vụ điện thoại cố định: 129 tổng đài, dịch vụ viễn thông cố định được phổ cập trên địa bàn tỉnh với 100% xã, phường có máy điện thoại. Tổng số thuê bao điện thoại cố định khoảng 42.000 thuê bao, đạt 2,3 thuê bao/100 dân.

Dịch vụ Internet: với hạ tầng cáp quang đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và hệ thống mạng di động 3G, 4G phủ sóng 100% các khu dân cư, các doanh nghiệp Internet đảm bảo cung cấp các dịch vụ Internet băng rộng chất lượng tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Tổng số thuê bao internet băng rộng cố định là 243.621 thuê bao, đạt 13,4 thuê bao/100 dân, Thuê bao Internet băng rộng di động là 626.379 thuê bao, đạt 35 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt gần 65% dân số.

Thứ hai,  CNTT được ứng dụng rộng tãi trong nội bộ cơ quan nhà nước.    Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành đã được triển khai đồng bộ đến cấp xã, đảm bảo kết nối gửi nhận liên thông văn bản điện tử giữa các đơn vị trên địa bàn tỉnh và đã được kết nối với Trục liên thông văn bản Quốc gia.

Hệ thống thư điện tử công vụ đã được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin, gửi nhận văn bản trong các cơ quan nhà nước.

Toàn tỉnh đã thực hiện cấp được khoảng 1.154 chữ ký số cho cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo.

Thứ ba,  về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

Hiện nay Cổng thông tin điện tử của tỉnh và 52 trang thông tin điện tử thành phần của các Sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố được tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh nhằm đảm bảo cung cấp, khai thác và tìm kiếm thông tin.

Xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hải Dương và Hệ thống một cửa điện tử liên thông cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn. Hiện nay, trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp 1.703 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 129 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để phục vụ tổ chức và công dân tham gia giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Thứ tư, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đã được quan tâm và đẩy mạnh triển khai các giải pháp như: giải pháp chống vi rút và thư rác cho hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; ban hành các văn bản hướng dẫn gửi các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để cảnh báo về các nguy cơ tấn công gây mất an toàn thông tin để đưa ra các biện pháp khắc phục; tổ chức diễn tập về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng để có kỹ năng sẵn sàng ứng phó sự cố cho các hệ thống thông tin...

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Công ty REMANn đã trao tặng 1 bộ máy tính cho Hội người mù tỉnh và 3 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện Kim Thành, Thanh Miện, Cẩm Giang; Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) trao tặng 100 điện thoại thông minh hỗ trợ người khiếm thị cho Hội người mù tỉnh.

Tác giả bài viết: Thủy Trần

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.