Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 30/10/2020 18:30 (GMT+7)

Giải bài toán biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng cho phát triển bền vững

Việt Nam được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo khá dồi dào và đa dạng bao gồm thủy điện, năng lượng mặt trời (NLMT), năng lượng gió (NLG), năng lượng sinh khối, địa nhiệt và năng lượng đại dương, trong đó các nguồn quan trọng nhất được xác định là thủy điện, NLMT và NLG.

Chia sẻ với vusta.vn, PGS. TS. Đặng Đình Thống - Hội KHCN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA) cho biết, về thủy điện ,do có lãnh thổ nằm trong vùng nhiệt đới, nên nước ta có lượng mưa trung bình hàng năm cao,  khoảng 1.800 - 2.000mm. Với địa hình miền Bắc và biên giới miền Tây đồi núi cao, phía Đông là bờ biển dài trên 3.400km nên chúng ta có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, hơn 3.450 hệ thống. Điều kiện tự nhiên thuận lợi này đã tạo ra một tiềm năng thuỷ năng và thủy điện tương đối lớn.

PGS. TS. Đặng Đình Thống - Hội KHCN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA) trình bày tại một hội thảo do LHHVN tổ chức

Theo tính toán, tổng tiềm năng kỹ thuật vào khoảng 26.000MW, hàng năm có thể sản xuất khoảng 100 tỷ kWh. Nói riêng, thuỷ điện nhỏ (công suất ≤ 30 MW) có tới 800 dự án, với tổng sản lượng có thể đạt tới (15 – 20) tỷ kWh/năm.

Tuy nhiên, cho đến nay các dự án thủy điện lớn có công suất trên 100MW và có vị trí thuận lợi, chi phí đầu tư thấp, hầu như đã được khai thác hết. Vì vậy, theo QHĐ 7 ĐC, thì công suất thủy điện chỉ có thể tăng nhẹ trong giai đoạn 2020-2030, từ 21.600 MW năm 2020 lên 25.400 MW vào năm 2030. Như vậy, giới hạn trên của thủy điện vào khoảng 26.000 MW.

Về NLMT, Việt Nam có tiềm năng tốt về NLMT. Các số liệu khảo sát về bức xạ mặt trời cho thấy, trừ khu vực Đông Bắc, các địa phương còn lại ở nước ta có cường độ bức xạ trung bình trong khoảng (4,3 ¸ 4,8) kWh/m2.ngày và có số giờ nắng trong khoảng (1.900 ¸ 2.400) giờ/năm. Đặc biệt, khu vực Miền Nam (từ Đà Nẵng trở vào) NLMT cao hơn hẳn, cường độ bức xạ trung bình trong khoảng (4,6 ¸ 5,2) kWh/m2.ngày và có số giờ nắng trong khoảng (2100 ¸ 2.500) giờ/năm.

Theo đánh giá từ Bản dự thảo Qui hoạch Điện VIII, tổng tiềm năng điện mặt trời (ĐMT) ở Việt Nam khoảng 435 GW, trong đó ĐMT mặt đất là 310 GW, ĐMT nổi (dàn pin mặt trời lắp trên mặt nước) là 77 GW và ĐMT áp mái khoảng 44 GW.

Về NLG, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong khu vực, với hơn 39% tổng diện tích lãnh thổ có tốc độ gió trung bình hàng năm ở độ cao 65m lớn hơn 6m/s, tương đương với tổng công suất 512 GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m 7 - 8 m/giây), có thể tạo ra hơn 110 GW.

Vùng ven biển phía Nam nước ta có diện tích rộng khoảng 112.000 km2; còn khu vực có độ sâu từ 30m đến 60m, với diện tích rộng khoảng 142.000 km2 là khu vực có tiềm năng phát triển điện gió biển rất tốt. Theo số liệu của Chương trình hỗ trợ quản lý năng lượng của Ngân hàng thế giới (WB-ESMAP), tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi của Việt Nam lên tới 261GW.

Ngoài các nguồn NLTT chính nói trên, Việt Nam còn các nguồn NLTT khác như sinh khối, địa nhiệt và đại dương.

Là một nước sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, lại nằm trong khu vực nhiệt đới, Việt Nam có tiềm năng khá lớn về nguồn năng lượng sinh khối. Khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam ước tính khoảng 150 triệu tấn mỗi năm và có thể sản xuất điện với công suất khoảng 300 MW.

Tiềm năng các nguồn năng lượng địa nhiệt và năng lượng đại dương rất lớn. Tuy nhiên, cho đến nay do chưa có điều kiện nghiên cứu đánh giá tiềm năng một cách đầy đủ.

Như đã thấy, các nguồn NLTT quan trọng nhất đối với nước ta là thủy điện, NLMT và NLG, trong đó thủy điện gần như đã được khai thác hết tiềm năng. Vì vậy, việc phát triển NLTT trong thời gian tới chủ yếu tập trung vào các nguồn Điện mặt trời và điện gió .

PGS Thống cho hay, như đã biết, mới đây, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó NLTT đã được xác định như là một trong các nguồn năng lượng chính, có vai trò rất quan trọng đối với an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái. Nghị Quyết đã đặt ra mục tiêu cụ thể là tăng “Tỷ lệ các nguồn NLTT  trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045”; “Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045”.

Để đạt các mục tiêu đặt ra, Nghị Quyết cũng đã đưa ra giải pháp là “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; v.v...”. 

Bên cạnh Văn kiện có tính định hướng và bao quát về chiến lược và chính sách phát triển Ngành năng lượng của nước ta đến năm 2045, Chính phủ và các Bộ, Ngành cũng đã ban hành nhiều Quyết Định, Thông Tư, v.v… nhằm khuyên khích, thúc đẩy phát triển và ứng dụng NLTT thông qua các cơ chế hỗ trợ về kinh tế (như miễn giảm các loại thuế) cũng như các cơ chế, chính sách về hỗ trợ cơ sở hạ tầng (như ưu tiên về đất đai, mặt bằng,…), trong các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến giá năng lượng có ý nghĩa quyết định đối với việc thúc đẩy phát triển NLTT trong thời gian qua.

Với tiềm năng dồi dào và đa dạng về năng lượng tái tạo, và đặc biệt nhờ có chiến lược và chính sách đúng đắn nên chỉ trong một thời gian ngắn, năng lượng tái tạo ở nước ta đã có bước phát triển vượt bậc và trở thành một trong các nguồn điện có vị trí rất quan trọng trong hệ thống điện Việt Nam.

Điểm sáng nhất về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là ĐMT. Báo cáo tại Quốc hội ngày 15-6-2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết,  đến nay, tổng công suất ĐMT đã được quy hoạch khoảng 10.300 MW, trong đó đã đưa vào vận hành hơn 90 dự án với tổng công suất khoảng 5.000 MW, chiếm khoảng 8,5% công suất lắp đặt của hệ thống điện. Trong khi đó, QHĐ 7 ĐC chỉ đặt ra mục tiêu là 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW năm 2025 và khoảng 12.000 MW năm 2030. Như vậy, con số công suất ĐMT đang vận hành đã vượt chỉ tiêu của QHĐ 7 gần 6 lần đối với năm 2020 và vượt 1,25 lần chỉ tiêu năm 2025. Theo EVN, 6 tháng đầu năm 2020, ĐMT đã phát lên lưới 4,71 tỷ kWh, tăng 5,35 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Nói riêng về ĐMT áp mái, đến cuối tháng 4 năm 2020, trên cả nước có  27.845 hệ thống, với tổng công suất lắp đặt là 573.24 MWp. Trong đó, các tỉnh Miền Nam có 13.469 hệ với tổng công suất 295,21MW;  Miền Trung có 5186 hệ, 159,48 MW; Miền Bắc có 1914 hệ, 27,5 MW; Hà Nội có 614 hệ, 7,27 MW và Thành phố Hồ Chí Minh có 6662 hệ, 83,8 MW.

Về điện gió ,cũng theo Báo cáo của Bộ Công thương tháng 3-2020 cho biết, tổng công suất các dự án điện gió đã được phê duyệt vào quy hoạch mới là khoảng 4.800 MW. Hịên nay, đã có 16 dự án đang vận hành với tổng công suất là 642,6 MW, hàng năm phát lên lưới trung bình khoảng 1624 triệu kWh;  13 dự án đang xây dựng và dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2021 với tổng công suất là 901 MW. Đáng chú ý là Quảng Trị có 5 dự án đã đi vào vận hành với tổng công suất là 170 MW, PGS Thống hay.

Tuy nhiên, theo PGS Thống vẫn còn một số bất cập như: Sự phát triển còn mang tính “thời vụ”, “tự phát”, không có qui hoạch, dẫn đến những bất cập về truyền tải điện, lãng phí tiền của nhà đầu tư và tài nguyên của đất nước.

Thời gian có hiệu lực của một số Chính sách còn quá ngắn (ví dụ, Quyết định số 11 về ĐMT chỉ có hiệu lực từ tháng 4/2017 đến 30/6/2019; Quyết định số 13 về ĐMT chỉ có hiệu lực từ tháng 4/2020 đến tháng 12/2020; Quyết định số 39 về điện gió chỉ có hiệu lực từ tháng 9/2018 đến tháng 12/2021) không phù hợp với quá trình phát triển và xây dựng dự án NLTT, dẫn đến hiện tượng “chụp dật” trong việc triển khai thực hiện nhiều  dự án ĐMT và điện gió.

Thiếu các Tiêu chuẩn quốc gia về các nguồn điện NLTT, dẫn đến những sai lệch về mặt kỹ thuật trong lắp đặt các nguồn điện, nói riêng là các nguồn ĐMT áp mái. Điều này làm giảm hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của các nhà đầu tư cũng như ảnh hưởng đến hệ thống điện nói chung.

Việc vận hành hệ thống điện tích hợp, trong đó có các nguồn ĐMT và điện gió luôn bị thay đổi theo thời gian, thời tiết, v.v.. còn gặp rất nhiều khó khăn do cán bộ vận hành thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

Thiếu nhân lực chuyên môn về quản lý, xây lắp và vận hành các nguồn NLTT.

Bài, ảnh: HT

Xem Thêm

Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.
Hà Tĩnh: Hội thảo khoa học về Hoàng giáp Lê Tuấn
Sáng 16/3, Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh (Thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh) và UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với dòng họ Lê ở Kỳ Anh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Hơn 100 nhà khoa học cùng giải bài toán ô nhiễm tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau tìm ra lời giải đáp phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và triển khai cam kết “Giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050”.

Tin mới

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.