Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 17/06/2021 23:17 (GMT+7)

Điện gió ngoài khơi – Nguồn điện thế hệ mới cho phát triển kinh tế

Trong vòng 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng trung bình của sản lượng điện năng đạt mức 12-13%/năm, gấp hai lần tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế. 
Đứng trước nguy cơ các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang khai thác ngày càng cạn kiệt, thâm hụt, Chính phủ Việt Nam đã quyết định sử dụng và thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn nữa, trong đó, phải kể đến năng lượng gió. 

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năm gió lớn nhất trong bốn nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất 512 GW.
Cũng theo nghiên cứu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về “Đánh giá tài nguyên gió cho sản xuất điện (2007)”, đã xác định được các điểm thích hợp cho sản xuất điện gió tương đương, với công suất 1.785 MW. Trong đó, miền trung có tiềm năng gió lớn nhất với 880 MW, tập trung chủ yếu tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định, tiếp đến là miền nam, với hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Đến nay, điện gió ngoài khơi vẫn được coi là công nghệ mới ở Việt Nam, do vậy, khi triển khai sẽ có nhiều thách thức như: Về mặt công nghệ, việc giảm chi phí sản xuất điện từ điện gió ngoài khơi ở Việt Nam phụ thuộc vào sự phát triển và hỗ trợ từ công nghệ mới, cụ thể là: tuabin gió ngoài khơi hiện đang được thiết kế cho khu vực có tốc độ gió cao hơn so với tốc độ gió trung bình ở khu vực biển Việt Nam. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả kinh tế cần nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm roto phù hợp với tốc độ gió trung bình tại Việt Nam. Bên cạnh đó, để phát triển điện gió ngoài khơi thì cần có giải pháp kỹ thuật để giải quyết các điều kiện khí hậu cực đoan đặc thù như bão nhiệt đới, hoặc không có gió. Ngoài ra, nếu triển khai điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần phải đổi mới công nghệ trong  sản xuất, lắp đặt và vận hành cho phù hợp với điều kiện đặc thù, nhằm gia tăng độ tin cậy cũng như giảm giá thành sản xuất.
Về chi phí phát triển, các cụm dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên sẽ có giá thành cao hơn, vì đây là giai đoạn vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Giai đoạn đầu chưa hình thành chuỗi cung ứng nội địa, nên thời gian xây dựng và chi phí có thể cao hơn so với các thị trường đã có kinh nghiệm. Sau khi triển khai 2-3 cụm dự án(1-1,2 GW), thì sẽ có thể hạ được suất đầu tư.

Theo đánh giá của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), tài nguyên điện gió ngoài khơi toàn cầu có tiềm năng đạt 420.000 TWh hàng năm (cao gấp 18 lần nhu cầu hiện tại của toàn thế giới). Năm 1991, dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Vindeby (Đan Mạch) đã được xây dựng với 11 tuabin 450 kW, tổng công suất 5 MW tại độ sâu 4 m gần bờ và đã được tháo dỡ năm 2017 sau hơn 25 năm vận hành. Gần đây, các dự án điện gió ngoài khơi đã lớn hơn rất nhiều, lên đến vài GW với tuabin lớn hơn đến 12 MW và tại các độ sâu lớn gần 200 m và xa bờ hơn 100 km. Trước năm 2016, chi phí sản xuất một MWh điện gió lên đến 200 USD, gần đây đã giảm còn khoảng 100 USD/MWh. Cá biệt, một dự án đấu thầu tại Vương quốc Anh năm 2019 có chi phí chỉ khoảng 50 USD/MWh.
Hiện nay, châu Âu đã lắp đặt được 20 GW điện gió ngoài khơi và đã có chính sách hỗ trợ để gia tăng gấp 4 lần (lên 80 GW) vào năm 2030. IAE dự báo đến năm 2040, điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ có số vốn đầu tư phát triển khoảng 1 ngàn tỷ USD với tốc độ tăng trưởng công suất lắp đặt hàng năm là 13%. Các quốc gia/vùng lãnh thổ sẽ trở thành các trung tâm phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2040 là Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Ai Len, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam. Hiệu suất công suất lắp đặt của các trang trại điện gió ngoài khơi đạt 50%, cao hơn gần 20% so với điện mặt trời và 30% so với điện gió trên đất liền.
Vì vậy, để có thể đột phá phát triển với điện gió ngoài khơi, cần phải: Sớm xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi; Phải sớm có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam đi kèm với Chiến lược quốc gia về Phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các năng lượng biển khác; Xây dựng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về; Chính sách giá mua điện, đấu nối lưới điện quốc gia, chính sách thuê mặt biển, chính sách thuế cacbon của quốc gia.
Cần có Chương trình nghiên cứu khoa học về điện gió ngoài khơi, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ; Đề án tích hợp phát triển kinh tế biển dựa vào điện gió ngoài khơi; Đề án chuỗi cung ứng dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ và nhân lực phục vụ năng lượng gió biển; Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án điện gió có công suất lớn (3,4GW) như Thanglong wind ngoài khơi biển tỉnh Bình Thuận.
Tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, thử nghiệm công nghệ điện tái tạo biển mới, đồng thời, tích hợp các ngành kinh tế biển và năng lượng tái tạo biển, tham gia thành viên các Tổ chức quốc tế về điện gió ngoài khơi, năng lượng đại dương.
HT

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.