Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 03/02/2020 18:24 (GMT+7)

Các tổ chức KH&CN đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học

Ông Lê Duy Tiến – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường, LHHVN

Theo ông Lê Duy Tiến – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) cho biết, tính đến hết 30/11/2019, Liên hiệp Hội Việt Nam

quản lý 492tổ chức KH&CN được thành lập theo Luật KH&CN, trong đó có 58 tổ chức có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh, ngoài ra, một số tổ chức KH&CN nằm rải rác ở các tỉnh như: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Huế, Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Giang, Ninh Bình, Gia Lai, Đăk Lăk, Cần Thơ, Đăk Nông, Gia Lai,

Thái Nguyên, Sơn La.

Theo số liệu của Văn phòng Đăng ký hoạt động KH&CN thì số lượng tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA chiếm khoảng 1/4 tổng số tổ chức KH&CN ngoài công lập đã được đăng ký trên phạm vi cả nước. Trong đó đăng ký tại Bộ KH&CN chiếm 1/2 tổng số.

Về loại hình tổ chức, các tổ chức KH&CN trực thuộc được thành lập và hoạt động với các hình thức tên gọi khác nhau, chủ yếu là Trung tâm (khoảng 60%) và Viện (khoảng 30%) còn lại là các hình thức khác như liên hiệp, văn phòng.

Ông Tiến cũng cho biết thêm, trong thời gian gần đây, xu hướng thành lập các tổ chức KH&CN với hình thức Viện tăng lên nhanh vì Thông tư 03/2014 đã giảm bớt các tiêu chí thành lập tổ chức với hình thức Viện.

Căn cứ vào tên gọi, chức năng nhiệm vụ có thể phân loại thế mạnh hoạt động của các tổ chức KH&CN như sau: 118 tổ chức có thế mạnh hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; 70 tổ chức có thế mạnh hoạt động trong lĩnh vực phát triển cộng đồng; 20 tổ chức có thế mạnh hoạt động trong lĩnh vực năng lượng; 75 tổ chức có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ; 50 tổ chức có thế mạnh hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ năng lực doanh nghiệp, nghiên cứu chính sách, pháp luật, quản lý, hỗ trợ pháp lý...; 5 tổ chức có thế mạnh hoạt động trong lĩnh vực văn thư-lưu trữ, số hóa tài liệu; 34 tổ chức có thế mạnh trong lĩnh vực sinh học, kỹ thuật nông nghiệp; 30 tổ chức có thế mạnh trong lĩnh vực y học, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; 10 tổ chức có thế mạnh trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng; 50 tổ chức có thế mạnh trong lĩnh vực xã hội, tâm lý giáo dục, hỗ trợ người khuyết tật, trẻ em...; 30 tổ chức ở các lĩnh vực khác.

Về trụ sở, đa số các tổ chức đóng trụ sở tại Hà Nội và Tp. HCM, trong đó chủ yếu là thuê trụ sở, số rất ít, thống kê từ 202 tổ chức đã gửi báo cáo trước 30/11/2019, chỉ có khoảng 15% là có trụ sở do tự đầu tư mua hoặc xây dựng.

Khoảng 40% số tổ chức báo cáo không thuê, mượn hoặc tự đầu tư thêm mặt bằng, cơ sở phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thực nghiệm...25% số tổ chức báo cáo có đủ tiềm lực để tự bỏ kinh phí đầu tư xây dựng, mua thêm mặt bằng, nhà xưởng phục vụ cho hoạt động của đơn vị.

Để phục vụ thêm cho các hoạt động của đơn vị, nhiều tổ chức KH&CN cũng có mong muốn thành lập thêm tạp chí, đến nay có 23 tổ chức KH&CN đã thành lập được các tạp chí. Tuy nhiên, khác với những tạp chí có hàm lượng khoa học rất cao của các Hội KH&KT chuyên ngành toàn quốc, những tạp chí này của các tổ chức KH&CN trực thuộc lại chủ yếu tập trung vào các vấn đề chung về môi trường, xã hội, kinh doanh mà chưa thực sự chú trọng đến các nội dung về khoa học, ít các bài đăng liên quan đến công trình nghiên cứu và chưa có tạp chí nào nằm trong danh sách các tạp chí được tính điểm khi làm luận án hoặc hồ sơ phong học hàm.

Nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam cũng lập website và tương tác trên Facebook để hỗ trợ cho hoạt động truyền thông cho các hoạt động của đơn vị. Qua theo dõi có trên 155 tổ chức có website riêng và có 45 tổ chức tương tác trên Facebook.

Bên cạnh đó, các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam cũng chủ động tham gia các mạng lưới, liên minh để tăng cường liên kết, hợp tác trong quá trình thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ và tìm kiếm thêm các nguồn lực về tài chính, nhân lực cho hoạt động.

Theo số liệu tổng hợp, chỉ có khoảng 20% số tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia các mạng lưới/liên minh nhằm tìm kiếm sự chia sẻ và hỗ trợ trong hoạt động của đơn vị, các tổ chức này tham gia từ 1-2 mạng lưới/liên minh khác nhau, có rất ít số tổ chức trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia từ 3-5 mạng lưới/liên minh cùng một lúc.

Cũng theo ông Tiến,việc đánh giá chính xác kết quả hoạt động của tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam là rất khó khăn, một phần là do chưa đủ số liệu thống kê ở nhiều khía cạnh, một phần là do sự đa dạng, phong phú về lĩnh vực hoạt động, phương thức hoạt động, đội ngũ nhân sự, những tác động, đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội trực tiếp hoặc gián tiếp khác…của các tổ chức này nên khó có thể có tiêu chí chung để đánh giá. Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam chỉ đánh giá một cách khái quát nhất một phần kết quả hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc trong thời gian qua để có những kiến nghị chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ các tổ chức này phát triển hơn nữa trong lĩnh vực KH&CN nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung.

Với đặc điểm là các tổ chức tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự trang trải kinh phí hoạt động vì vậy huy động kinh phí để duy trì hoạt động của đơn vị là yếu tố rất quan trọng. Các tổ chức KH&CN huy động kinh phí từ rất nhiều nguồn khác nhau: từ hợp tác quốc tế thông qua các khoản viện trợ phi chính phủ, viện trợ ODA, từ ngân sách nhà nước thông qua các đề tài, dự án đấu thầu được, các hợp đồng từ doanh nghiệp, bán các sản phẩm, kinh phí ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân…

Theo số liệu tổng hợp của 202 tổ chức đã kịp gửi báo cáo trước 30/11/2019, trong giai đoạn 11 tháng đầu năm 2019, các tổ chức này đã huy động được khoảng 520 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động chuyên môn của đơn vị, tính trung bình mỗi tổ chức huy động được khoảng 2,5 tỷ đồng/năm để hoạt động, tuy nhiên số kinh phí này tập trung ở một số tổ chức có kinh nghiệm và uy tín với các đối tác quốc tế và dễ dàng huy động được viện trợ với kinh phí khá lớn so với quy mô một tổ chức ngoài công lập. Theo số liệu Ban Hợp tác Quốc tế , Liên hiệp Hội Việt Nam cung cấp thì tính đến thời điểm hết tháng 10 năm 2019, Liên hiệp Hội Việt Nam đã phê duyệt 50 dự án khoản viện trợ dự án và phi dự án do các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc tiếp nhận (đơn vị trực thuộc), với tổng giá trị viện trợ dự án đạt xấp xỉ 9.505.827 USD. So với cùng kỳ năm 2018, số lượng dự án giảm tương đối (Năm 2018: 89 dự án), tuy nhiên tổng giá trị viện trợ lại tăng nhẹ so với năm 2018 trên 8 triệu USD. Số lượng các tổ chức khoa học và công nghệ tiếp nhận và sử dụng nguồn viện trợ năm 2019 là 26 tổ chức, giảm tương đối so với năm 2018 là gần 40 tổ chức. Trung tâm SCDI vẫn là đơn vị tiếp nhận số lượng dự án và viện trợ nhiều nhất trong năm 2019, cụ thể đã tiếp nhận 7 dự án, mặc dù giảm gần một nửa so với 13 dự án trong năm 2018.

Tuy nhiên,bên cạnh những kết quả đã đạt được trong các lĩnh vực khác nhau, các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam bộc lộ không ít tồn tại và hạn chế như một số tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam không nắm rõ đơn vị mình được thành lập và vận hành theo các quy định của Luật KH&CN cũng như các văn bản dưới luật hướng dẫn, nhiều tổ chức tự giới thiệu, tự nhận đơn vị của mình là tổ chức phi chính phủ, trong khi đó các tổ chức này được thành lập bởi Liên hiệp Hội Việt Nam -là một tổ chức chính trị-xã hội và được Bộ KH&CN cấp giấy phép đăng ký hoạt động. Ngoài ra thực tế pháp luật Việt Nam chưa có các quy định phân loại rõ ràng về tổ chức phi chính phủ.

Đại đa số các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam có các hoạt động nghiên cứu hoặc sử dụng kết quả nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật để thực hiện hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của tổ chức. Tuy nhiên, do không tập trung, chú trọng vào việc viết các báo cáo khoa học, tư liệu hóa để công bố, xuất bản, đưa lên website hoặc báo cáo của chính các tổ chức với Bộ KH&CN, Liên hiệp Hội Việt Nam và các bộ/ngành khác nên rất dễ gây hiểu lầm là các tổ chức này không phải là các tổ chức KH&CN mà chỉ thuần túy là các tổ chức xã hội, nhất là các tổ chức thuộc các lĩnh vực BVMT, phát triển cộng đồng, hỗ trợ người yếu thế, lĩnh vực bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Do khó khăn về tài chính để duy trì bộ máy nên nhiều tổ chức đã có những hoạt động vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn tới việc bị các cơ quan quản lý nhà nước phản ánh về cơ quan chủ quản, nhất là các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực.

Theo quy định, hàng năm các tổ chức KH&CN cần phải nộp báo cáo cho đồng thời cho cả Bộ KH&CN và Liên hiệp Hội Việt Nam, tuy nhiên có tới ½ số tổ chức KH&CN không nộp hoặc không nộp báo cáo đúng hạn.

Vẫn còn một số ít tổ chức không nộp báo cáo thuế đúng hạn, không quyết toán thuế hoặc chưa mở mã số thuế và bị cơ quan thuế nhắc nhở, gửi công văn phản ánh về Liên hiệp Hội Việt Nam.

 Có khoảng 50 tổ chức trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam có hoạt động hợp tác quốc tế, nhận được viện trợ nước ngoài (cả viện trợ chính thức và viện trợ phi chính phủ), tuy nhiên không ít tổ chức trong nhóm này đã không làm thủ tục xác nhận viện trợ với Bộ Tài chính và chưa làm thủ tục quyết toán với Liên hiệp Hội Việt Nam theo quy định dẫn tới số tiền Liên hiệp Hội Việt Nam nợ chưa quyết toán với Bộ Tài chính lên tới cả trăm tỷ đồng, điều này gây áp lực rất lớn lên Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc phê duyệt các dự án viện trợ cũng như phải giải trình với các cơ quan cấp trên.

Qua kiểm tra, đánh giá, còn một số tổ chức không tuân thủ các quy định cơ bản của Liên hiệp Hội Việt Nam và của Bộ KH&CN như: Không treo biển tên trụ sở hoặc treo nhưng không đúng theo quy định; Không họp hội đồng quản lý theo điều lệ; không làm thủ tục thay đổi trên Giấy đăng ký hoạt động KH&CN theo yêu cầu Thông tư 03/2014/TT-BKHCN…

Tổ chức bộ máy của nhiều đơn vị không ổn định, số liệu 10 tháng đầu năm 2018 cho thấy Liên hiệp Hội Việt Nam đã phải ban hành trên 200 quyết định để kiện toàn tổ chức bộ máy, hầu hết đều xuất phát từ đề nghị của các tổ chức này, số còn lại là do cơ quan chủ quản yêu cầu. Bên cạnh đó còn tình trạng nội bộ mất đoàn kết gây ra khiếu nại, có những đơn vị khiếu nại kéo dài đến cả năm.

Khi PV hỏi: Vậy theo ông cần có kiến nghị gì đối với Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan? Ông Tiến trả lời: “Do quá trình thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư số 90/2017/TT-BTC quy định việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập đang còn thực hiện, việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập thành tự chủ còn là cả một quá trình lâu dài.

Vì vậy trước mắt, đề nghị Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính cần ban hành các văn bản để đảm bảo mức độ công bằng tương đối khi các tổ chức KH&CN ngoài công lập tham gia đấu thầu các đề tài, dự án từ sự nghiệp KH&CN vì xét cho đến cùng thì các tổ chức KH&CN công lập luôn có những lợi thế nhất định kể cả trong quá trình chuẩn bị lên tự chủ hoàn toàn”.

Ngoài ra, theo tôi, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét cấp thêm phụ lục kèm theo Giấy đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho các tổ chức KH&CN có đủ tiềm lực cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ để mở rộng các hoạt động nghiên cứu, triển khai.

Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ để có cái nhìn thông thoáng hơn về tổ chức KH&CN ngoài công lập, không nên chỉ coi các tổ chức này phải tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mà phải coi đây là các pháp nhân để tập hợp trí thức KH&CN thực hiện cả các nhiệm vụ khác có liên quan đến KH&CN như tư vấn chính sách, phổ biến kiến thức, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cộng đồng...

Bài, ảnh: HT

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.