Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 08/11/2008 00:26 (GMT+7)

Xung đột xã hội: giải pháp ngăn ngừa và xử lý

Trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây nói chung, ở nước ta nói riêng, khái niệm xung đột xã hội hầu như không xuất hiện một cách chính thức. Thậm chí có quan niệm về tính phi xung đột trong xã hội xã hội chủ nghĩa, nên đương nhiên xung đột xã hội đã không được thừa nhận. Mọi vấn đề có liên quan thường được xem xét dưới các khái niệm “mâu thuẫn”, “đấu tranh”. Chính cách tiếp cận giản đơn này đã làm cho việc nhìn nhận và giải quyết tranh chấp, xung đột dẫn đến các điểm nóng về an ninh xã hội của thời kỳ đầu đổi mới không mấy hiệu quả. Không những không dứt điểm mà ngược lại tình hình ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Thực tiễn đòi hỏi phải có một hướng tiếp cận khách quan hơn, khoa học hơn thì mới nhận diện, lý giải đúng bản chất và tìm ra giải pháp xử lý tình hình tranh chấp xung đột và điểm nóng một cách thích hợp.

Công trình “Xung đột xã hội phát sinh trong quá trình đổi mới ở Nghệ An, giải pháp ngăn ngừa và xử lý nhằm đảm bảo an ninh quốc gia” , của tác giả Phạm Xuân Cần là công trình đầu tiên ở Việt Nam vận dụng lý luận về xung đột xã hội của xã hội học hiện đại, để tiếp cận thực tiễn tranh chấp xung đột, làm phát sinh các “điểm nóng” về an ninh xã hội ở nước ta, mà Nghệ An là một địa phương cụ thể. Công trình đã tập trung nghiên cứu và giải quyết những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Hệ thống hoá và trình bày một cách tổng quát những vấn đề lý luận chung về xung đột xã hội. Tiếp cận hiện tượng xung đột dưới góc độ của thuyết xung đột, tác giả đã chỉ ra những vấn đề có tính bản chất của xung đột xã hội. Bên cạnh đó, với tinh thần tiếp thu có phê phán, tác giả cũng đã so sánh thuyết xung đột với các lý thuyết xã hội học khác và với chủ nghĩa duy vật lịch sử. Qua đó tích hợp các hạt nhân hợp lý, để có một cái nhìn khách quan, khoa học về vấn đề nghiên cứu.

2. Trên cơ sở lý luận chung về xung đột xã hội, tác giả đã vận dụng để khảo sát, nghiên cứu thực trạng mâu thuẫn, tranh chấp, dẫn đến xung đột, hình thành các điểm nóng về an ninh xã hội phát sinh trong quá trình đổi mới ở Nghệ An. Không chỉ cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về thực trạng này, mà với cách tiếp cận mới về lý luận, công trình đã phân tích sâu sắc thực tiễn, khái quát thành những vấn đề có tính quy luật của xung đột xã hội phát sinh trong quá trình đổi mới ở Nghệ An. Căn cứ vào nguyên nhân trực tiếp, tác giả đã phân chia xung đột xã hội ở Nghệ An thành năm loại. Mô tả đặc điểm và mô hình hoá thành công thức diễn biến của từng loại. Sau đó, khái quát những vấn đề có tính quy luật, hay là đặc điểm của xung đột xã hội phát sinh ở Nghệ An. Những khái quát này vừa sát thực tiễn, vừa có giá trị lý luận sâu sắc. Cũng từ tiếp cận xã hội học xung đột, tác giả đã chỉ ra nguyên nhân của tình hình, trong đó khẳng định nguyên nhân sâu xa của xung đột chính là sự phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội. Trong sự chuyển đổi rộng lớn, sâu sắc của thời kỳ đổi mới, nhất là giai đoạn đầu, xung đột bùng phát và diễn biến phức tạp cũng là điều dễ hiểu. Trên cơ sở chủ nghĩa duy vật lịch sử, tiếp thu những hạt nhân hợp lý của thuyết xung đột và một số lý thuyết xã hội học khác, tác giả cũng đưa ra cách đánh giá mới mẻ về vai trò của xung đột, trong đó không chỉ đơn thuần nhấn mạnh đến yếu tố tiêu cực. Về khía cạnh an ninh xã hội, tác giả kết luận rằng xung đột là một vấn đề an ninh rất đặc biệt, nó phát sinh không phải từ các yếu tố ngoại lai, mà phát sinh bởi chính các yếu tố nội sinh của xã hội. Chính vì vậy, cơ chế ngăn ngừa và chữa trị căn bệnh “nội thương xã hội” này cũng rất khác.

3. Từ những lý luận chung về giải quyết xung đột, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, công trình đề xuất một hệ thống các quan điểm và giải pháp ngăn ngừa và xử lý xung đột. Thừa nhận sự tồn tại và đánh giá đúng vai trò của mâu thuẫn và xung đột, nhưng chúng ta cũng phải đảm bảo sự ổn định để phát triển. Vì vậy, đảm bảo ổn định chính trị xã hội chính là định hướng xuyên suốt của việc ngăn ngừa và xử lý xung đột xã hội. Cần quán triệt phương châm coi trọng ngăn ngừa không để phát sinh xung đột, khi xung đột xảy ra thì phải tìm cách thu nhỏ, không để kéo dài, lây lan. Tuy nhiên, đây không phải là một sự thoả hiệp xã hội vô nguyên tắc, mà là cố gắng giải quyết sớm, hợp tình hợp lý các mâu thuẫn bằng con đường phi xung đột. Trong đó kiên trì vận động, thương lượng và quản lý là phương thức chủ yếu để xử lý mâu thuẫn và xung đột.

Nguyên nhân sâu xa của xung đột xã hội là sự bất bình đẳng xã hội, chính vì vậy giải pháp ngăn ngừa xung đột xã hội quan trọng nhất cố nhiên cũng chính là tìm cách quản lý sự phân tầng xã hội, mà trước hết là sự phân hoá giàu nghèo. Phân hoá giàu nghèo là một tất yếu của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, để giữ ổn định xã hội cần phải quản lý sự phân hoá này về mức độ phân hoá (không để phân cực thái quá), về tốc độ phân hoá (không để diễn ra nhanh quá), về nguyên nhân phân hoá, nhất là chống tham nhũng, hạn chế sự giàu lên bất chính bằng tham nhũng.

Bên cạnh đó, phải xây dựng và hoàn thiện dần một hệ thống tiếp nhận, đánh giá, phản hồi và xử lý ý kiến của nhân dân và dư luận xã hội , không để tích tụ sự căng thẳng xã hội một cách không cần thiết. Đồng thời xây dựng các thiết chế dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở cũng là một bí quyết để ngăn ngừa xung đột.

Theo hướng thể chế hoá xung đột, tác giả cũng đề xuất cần phải xây dựng, hoàn thiện và đưa vào cuộc sống pháp luật về xung đột xã hội. Thực tiễn đang đòi hỏi phải có các quy định pháp luật về lập hội, biểu tình, về bãi công, về tình trạng khẩn cấp… để từng bước quản lý các hoạt động này theo pháp luật. Đó là giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất sự vô chính phủ và những hành động vô thức nhưng hết sức nguy hiểm thường phát sinh trong xung đột. Theo đó, chính quyền và các cơ quan chức năng cũng phải xây dựng các phương án, rèn tập các kỹ năng để chủ động ngăn ngừa cũng như xử lý kịp thời, chính xác các vụ tranh chấp xung đột. Đề tài cũng đã xây dựng một quy trình nghiệp vụ cho việc xử lý xung đột.
Đánh giá cao những đóng góp về lý luận và thực tiễn, đặc biệt là tính mới mẻ trong phương pháp tiếp cận và nghiên cứu vấn đề, đề tài đã được Hội đồng Khoa học của Bộ Công An xếp loại xuất sắc. Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an, Nhà xuất bản CAND đã xuất bản công trình này làm tài liệu nghiên cứu và ứng dụng trong toàn quốc. Từ chỗ là một vấn đề lý luận “nhạy cảm”, hiện nay một số khái niệm, thuật ngữ mới mà công trình đề xuất đã trở nên thông dụng. Công trình cũng đã và đang được ứng dụng khá rộng rãi trong thực tiễn./.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.