Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 10/06/2013 22:18 (GMT+7)

Vai trò của thương nhân Trung Quốc trong mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với Việt Nam 1635 - 1786

Giai đoạn 1635-1700

Đối với Đàng Trong

Người Trung Quốc đến buôn bán với nước ta từ rất sớm, đối với Đàng Trong cơ sở buôn bán ấy được thiết lập trong mối quan hệ giữa người Hoa và Chămpa trước đây. Mối quan hệ ấy ngày càng trở nên khăng khít và quan trọng dưới thời các chúa Nguyễn. Việc buôn bán của người Hoa với Đàng Trong chỉ trở thành chính thức khi Minh Mục Tông bãi bỏ lệnh cấm buôn bán với các nước Đông Nam Á vào năm 1567. Người Trung Hoa đến Hội An vào năm 1577. Đó là những bước đi chính thức đầu tiên giữa người Trung Hoa với Đàng Trong. Quá trình này phát triển liên tục, người Trung Quốc ngày càng trở thành bạn hàng quan trọng của Đàng Trong. Ngoài Trung Quốc đại lục tham gia vào việc buôn bán ở Đàng Trong còn có Đài Loan. Theo nguồn tư liệu của người Hà Lan thì “vào năm 1665, nhà cầm quyền Đài Loan cử 24 thương thuyền tới Đông Nam Á, bốn trong số thuyền này đã đến Quảng Nam. Ken Hen Tai cũng nói là vào năm 1683 có 3 thuyền từ Đài Loan tới mua gạo ở Đàng Trong để bán lại ở Đài Loan” (1).

Đàng Trong trở thành bạn hàng lớn, quan trọng đôi với giới thương nhân Trung Quốc, điều đó được biểu hiện qua số ghe của Trung Quốc từ các nước Đông Nam Á tới Nhật Bản (1647-1700). Có nhiều lý do giải thích vì sao đất Đàng Trong lại cuốn hút các thương gia Trung Quốc đến vậy, lý do đầu tiên phải nhắc đến đó chính là sự phong phú, đa dạng các mặt hàng, cụ thể là Hội An, và vị trí thuận lợi của nó: “Lý do khiến có nhiều thương nhân hàng năm từ Trung Hoa đến Quảng Nam là vì có thể tìm ở đây một trung tâm buôn bán với các nước và các vùng lân cận. Hồ tiêu được chở tới đây từ Palembang, Pahang và các vùng lân cận, long não từ Borneo, gỗ, vàng, ngà voi... đồ sứ thô và các loại mặt hàng khác. Với những gì còn lại, họ có thể mua thêm hồ tiêu, ngà voi, bột gia vị, bạch đậu khấu của Quảng Nam... Do đó, thuyền của họ trở về Trung Hoa thường là đầy hàng” (2).

Một yếu tố cũng hết sức quan trọng đó là chính sách của chúa Nguyễn đối với thương nhân Trung Hoa có phần cởi mở. Ở Đàng Trong, chúa Nguyễn đã dùng người Hoa vào lợi ích của họ, không chỉ để người Hoa sinh sống và buôn bán, mà còn dùng họ trong việc lôi kéo thương gia các nước khác đến Đàng Trong, cũng như chuyển những bức thư của các chúa Nguyễn sang Nhật Bản và một sốnước khác. Cả tàu Nhật lẫn tàu người Hoa thường đem hàng và thư của các chúa Nguyễn cho Nhật Bản hoặc Batavia (3). Năm 1673, hoàng tử Diễn còn cho Wei Jushi, một thương gia người Hoa đã từng ở Đàng Trong trước khi tới định cư tại Nhật Bản, vay 5.000 lạng bạc. Người ta còn ghi nhận là vào năm 1688, một chiếc thuyền của người Hoa đã chở một chuyến hàng cho chúa vào Quảng Nam, và một chiếc thuyền của người Hoa khác mang lá thư của chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Trăn 1687-1691) yêu cầu chính phủ Nhật Bản đúc tiền cho Đàng Trong. Đường lối này đã đem lại kết quả: “Nhà chúa thu được một số lợi tức lớn từ việc buôn bán này (giữa người Hoa và người Nhật), qua việc đánh thuế. Đất nước này được lời không thể tả được” (4).

Với nhiều điều kiện thuận lợi trên đây, người Hoa đã buôn bán rất nhiều mặt hàng. Hàng hóa do thương nhân Trung Hoa chở đến là: gấm vóc, đoạn, giấy bút, các loại đồ đồng, đồ sứ, bạc nén, chì, kẽm trắng, diêm sinh, khí giới, tiền đồng Tống - Minh... Khi ra đi, thương nhân Trung Quốc chở theo hồ tiêu, đường, gỗ, các loại hương liệu, quế, yến sào, sừng tê, ngà voi, vàng, tơ. Trong đó đường, hồ tiêu là những mặt hàng yêu thích của họ.

Mặt hàng được sản xuất tại chỗ quan trọng nhất và nổi bật nhất trong thị trường Đàng Trong trong thời kỳ này là đường. Đường được sản xuất nhiều nhất ở các phủ Thăng, Điện, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, có nhiều chủng loại: đường phèn, đường cát, đường phổi... Trong bốn phủ kể trên thì Quảng Ngãi là nhiều đường nhất và tốt nhất. “Chỉ mới gần đây thôi, người Đàng Trong mới cố gắng tăng lượng đường, trước đó họ mới chỉ làm đủ dùng trong xứ, nhưng vì các lái Trung Quốc đã đem lại cho họ nguồn tiêu thụ” (5).

Tơ lụa cũng là một mặt hàng người Hoa tìm kiếm, với số lượng tương đối nhiều và chất lượng tốt, người Trung Quốc mua rất nhiều và kiếm lãi từ 10-15% (6). Về trọng tải hàng hóa, vào năm 1637 có 4 chiếc thuyền từ Quảng Nam đến Nagasaki với số hàng hóa tối thiểu là 350 tấn, giá trị khoảng 75.000 lạng bạc mỗi năm. Khối lượng hàng hóa được chuyên chở đi và đến Đàng Trong sau ngày chính sách đóng cửa của Nhật Bản có hiệu lực có thay đổi rõ rệt. Từ năm 1641-1680, trung bình có 4 thuyền từ Đàng Trong đến Nhật Bản mỗi năm, như thế khối lượng hàng hóa người Hoa vận chuyển trên tuyến đường Trung Hoa - Đàng Trong - Nhật Bản là 240 tấn, trị giá khoảng 60.000 lạng bạc. Một số ghe có quy mô nhỏ hơn, có thể là trên 100 ghe mỗi năm, cũng đã qua lại giữa Đàng Trong và Trung Hoa, với khối lượng hàng hóa từ 120 đến 200 tấn, giá trị 100.000 lạng bạc (7). Ngoài ra còn phải kể đến khối lượng hàng hóa do thuyền của họ chính tại Đài Loan. Số thuyền này có thể là từ hai đến bốn thuyền mỗi năm vào các thập niên 1660-1680, trọng lượng mỗi thuyền là 235 tấn, trị giá 90.000 lạng bạc (8).

Có thể thấy được khối lượng hàng, tiền mà người Hoa trao đổi ở Đàng Trong là rất lớn, qua đó nó góp phần làm cho mối quan hệ thương mại giữa Nhật Bản với Việt Nam sau 1635 ở Đàng Trong không bị gián đoạn.

Đối với Đàng Ngoài

Người Trung Quốc là người ngoại quốc đến buôn bán với Đàng Ngoài sớm nhất. Hàng năm, thuyền buôn của họ từ Quảng Châu dong buồm xuống các cảng Vân Đồn, Vạn Ninh (thuộc Quảng Ninh) rồi vào Phố Hiến (Hưng Yên) hay Vị Hoàng (Nam Định). Việc buôn bán của họ ngày càng phát triển, nhất là từ khi nhà Thanh tạm thời đóng cửa các cảng khẩu Trung Quốc.

Ở Đàng Ngoài, người Hoa tập trung chủ yếu ở Phô Hiến, Vân Đồn, Đông Triều, vừa buôn bán, vừa làm thuốc. Năm 1650, chúa Trịnh quy định, người Hoa lên buôn bán ở Thăng Long chỉ được trú ngụ ở làng Khuyên Lương, Thanh Trì (Hà Nội hiện nay). Ít lâu sau, chúa Trịnh lại bắt những Hoa kiều sống lâu dài trên đất nước ta phải ăn mặc, nói năng theo phong tục Việt, khi sứ thần Trung Quốc sang, họ không được phép gặp gỡ, trao đổi. Khoảng thời gian từ năm 1635-1700, hoạt động thương mại của người Trung Quốc đặc biệt sôi động. Ngoài các thuyền buôn xuất phát từ các cảng phía Nam Trung Quốc còn có một số lượng đáng kể thuyền của các thương nhân Hoa kiều đã bỏ Trung Quốc xuống định cư ở các nước Đông Nam Á sau khi nhà Minh bị ngươi Mãn Thanh đánh bại (1644). Lúc này, các thuyền buôn Trung Quốc không chỉ giữ quan hệ hai chiều giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á mà còn là cầu nối giữa các cảng thịvùng Đông Á và Đông Nam Á, trong đó tiêu biểu nhất là giữa Nhật Bản với Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, trong khoảng thời gian từ năm 1651 đến năm 1724, số lượt chuyến các tàu buôn lớn (loại tàu có tải trọng từ 150-200 tấn) của Trung Quốc chở hàng từ các cảng của Đại Việt đến Nagasaki của Nhật Bản là 251 chuyến, trong đó 52 chuyến từ các cảng Đàng Ngoài. Hàng hóa do thương nhân Trung Quốc chở đến bán thường là cáclà các loại lụa cao cấp, giấy bút, các loại đồ đồng, gốm sứ, bạc, kẽm, diêm sinh, khí giới... và mua đi hồ tiêu, đường, gỗ quý, các loại hương liệu, yến sào, sừng tê, ngà voi, tơ tằm... Vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, nhiều người Hoa đã định cưcác cảng thị của Đại Việt, mà ở Đàng Ngoài tiêu biểu nhất là ở Phố Hiến (Hưng Yên ngày nay).

Phố Hiến có một lịch sử khá sớm và lâu dài, nhưng thời kỳ hưng đạt nhất cúa nó là vào khoảng nửa sau thế kỷ XVII. Bên cạnh cộng đồng người Việt, đông đảo người Hoa đã đến cư trú và sinh sống tại Phố Hiến. Trước đây Phố Hiến còn được gọi là Phố Khách, điều đó nói lên tính trội của yếu tố Hoa trong đô thị này. Người Hoa đến cư trú từ nhiều địa phương, trong đó có hai nguồn chính. Thứ nhất là những người Hoa vượt biển từ Trang Quốc sang Việt Nam. Một số là những Hoa kiều di tản - tị nạn, những người trung thành với nhà Tống và sau là nhà Minh. Một số là những chủ tàu thương nhân buôn bán đường dài xuyên Đại Dương. Nguồn thứ hai là những Hoa kiều từ Trung Hoa từ lâu đời đã di cư bằng đường bộ sang Việt Nam, sau đó lại tiếp tục di chuyển đến Phố Hiến. Tuyệt đại đa số người HoaPhố Hiến làm nghề buôn bán. Một số có cửa hiệu ở Bắc Hòa, Nam Hòa, bán các mặt hàng nhập từ Trung Quốc như vải vóc, đồ sứ, tạp hóa và thuốc bắc.Đại Nam nhất thống chícó ghi ở hai phố đó có làm và bán bông, vải, mật, đường cát. Một số phú thương Hoa kiều buôn bán đường dài vượt biển, buôn bán giữa Phố Hiến với vùng Hoa Nam, các đảo Hải Nam, Đài Loan. Đặc biệt, từ khi Nhật Bản có lệnh tỏa quốc (sakoku) vào năm 1635 cấm người Nhật xuấtdương, thì các thương nhân Hoa kiều đã thay chân người Nhật độc quyền buôn bán tuyến Nhật Bản (Hirado, Nagasaki) - Phố Hiến, hoặc trực tiếp, hoặc chở thuê hàng hóa cho người phương Tây, nhất là người Hà Lan. Một số Hoa Kiều khác cũng chở các chuyến hàng buôn bán giữa Phố Hiến và các nước Đông Nam Á ở phía Nam, trong đó có thành phố Batavia (In­donesia). Nhật ký lưu trữ của công ty Đông Ấn Anh có ghi lại trong khoảng 8 năm (từ 1672-1680) các thuyền Hoa thương đã 16 lần qua lại giữa Phố Hiến và Nhật Bản, 6 lần qua lại giữa Phố Hiến và Nam Dương. Các mặt hàng buôn bán thường là: các loại tơ (xuất sang Nhật Bản); bạc, đồng, hồ tiêu, đường, lưu huỳnh, diêm tiêu (nhập từ phía Nam); tơ, lụa, đồ gốm, đồ sơn (xuất đi Batavia). Những Hoa kiều buôn bán vượt đại dương nổi tiếng ở Phố Hiến được ghi lại là thuyền trưởng Nithoe (theo nhật ký Công ty Đông Ấn Anh) và thương nhân Trần Kế Đào (9). Rõ ràng các thương nhân Trung Hoacó vai trò rất quan trọng nối kếttuyến buôn bán giữa Việt Nam với Nhật Bản.

Giai đoạn 1700-1786

Đối với Đàng Trong

Xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn ban đầu là một phần đất của Đại Việt, các chúa vẫn dùng niên hiệu vua Lê. Chúa Hiển Tông xưng là quốc chúa, năm Mậu Tý (1708), chúa Thế Tông lên ngôivương,nhưng chỉ xưng vương với các thuộc quốc mà thôi, còn văn thư thì dùng niên hiệu vua Lê. Các chúa Nguyễn đối xử hậu tình với các quan lớn Trung Quốc, rộng lượng với người Trung Quốc, để được lòng nước ấy. Người Trung Quốc đi thuyền bị bão dạt vào hải phận Đàng Trong được đối đãi tử tế, rồi giúp cho về. “Năm Đinh mão (1747) người Hoa kiều Phúc Kiến, ngụ ở bãi Đại Phố (Biên Hòa) mưu đánh úp dinh Trấn Biên, giết cai bộ Nguyễn Cư Cẩn, thất bại, bị bắt cùng 57 đồng đảng nhưng chúa Thế Tông chỉ bắt giam, không giết” (10).

Đối với Đàng Trong thì vai trò của người Trung Hoa được thể hiện một cách rõ rệt nhất ở Hội An. Trước thế kỷ XVIII, người Nhật đã từng là cư dân chủ yếu ở khu phố này và là chủ nhân của phần lớn các hoạt động thông thươngbến cảng Hội An. “Bấy giờ, vai trò thương nghiệp chính đã chuyển sang cho người Hoa. So với thời kỳ trước thì không được sầm uất, nhưng hàng năm ít nhất cũng có từ 10 đến 12 tàu của các nước Nhật Bản, Quảng Đông (Trung Quốc), Xiêm, Campuchia, Manila và có cả tàu của Indonesia cũng đến cảng thị này” (11). Năm 1695, nhà sư Thích Đại Sán người Trung Quốc từ Huế về cố hương ở Quảng Đông đã phải qua Hội An, ông đã ghi chép lại cảnh tượng ở đây nhưng không đề cập tới người Nhật Bản: “Từ bờ biển ngắm nhìn ra xa các cột buồm trông giống như một rừng cây. Đó chính là những chiếc thuyền buồm chở thực phẩm đến Hội An” (12). Hội An là nơi tập trung nhiều nhất hàng hóa ngoại quốc. Khu phố cạnh bờ sông có chiều dài theo đường chim bay khoảng 3,4 dặm được gọi là khu phố Đại Đường. Các cửa hàng nằm hai bên đường không lúc nào rảnh rỗi, dân chúng ở đây hầu hết là người Phúc Kiến, ăn mặc theo trang phục của nhà Minh, ở cửa ngõ ra vào của cảng lúc nào cũng chật ních những hàng cá, tôm, rau quả... bán, mua tấp nập từ sáng đến tối. Đối với mặt hàng thuốc bắc thì lúc nào cũng sẵn có, ngay cả khi giá cả tăng cao không mua được ở Thuận Hóa.

Đến nửa sau thế kỷ XVIII, do đất nước rối ren, các cuộc khởinghĩa nông dân nổ ra liên tụcvà tiêu biểu là phong trào nông dân Tây Sơn khiến Hội An bắt đầu suy yếu, kéo theo đó vai trò trung gian của người Trung Hoa trong mối quan hệ Việt - Nhật bị giảm sút. Trước đó năm 1773, ở Hội An đã xây dựng hội quán, năm 1776: theo Lê Quý Đôn thi “các xã Minh Hương, Hội An, Cù lao Chàm, Cẩm Tú, Làng Câu... thì giữ việc thám báo, hễ đâu đến xứ Quảng Nam, vào cửa Đại Chiêm, phố Hội An, của Đà Nẵng, Vũng Lâm để buôn bán thì phải nộp hàng thổ vật, còn thuế đến, thuế về thì đặt lễ theo thứ bậc” (13).

Đến năm 1778, Champaman, người Anh đã nhìn thấy cảnh hoang tàn của khu phố Hội An sau thời Tây Sơn, ông viết: “Khi đến Hội An thành phố lớn này chẳng còn lại là bao những khu phố được quy hoạch quy củ với những ngôi nhà xây bằng gạch, đường lát đá mà chỉ thấy một cảnh hoang tàn làm cho ta cảm thấy xót xa” (14).

Đối với Đàng Ngoài

Trong thế kỷ XVIII, để tiếp tục củng cố mối quan hệ với Trung Quốc, triều đình nhà Lê đã cử chánh sứ Trần Huy Mật và Lê Quý Đôn làm phó sứ sang Bắc Kinh triều cống. “Tuy mới bước sang tuổi 34 nhưng Lê Quý Đôn (1726-1784) đã nổi tiếng là một sứ giả tài năng. Trong chuyến đi sứ năm 1760, ông đã cung cấp thêm cho chúng ta một số bằng chứng khác nữa về quan hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam trong thế kỷ XVII” (15). Tại Bắc Kinh, ông đã có nhiều dịp giao tiếp với các sứ thần lân quốc. Là một học giả, Lê Quý Đôn luôn ghi chép rất thận trọng và chi tiết những điều mà ông đãnhìnthấy được. Tuy nhiên, trongKiến văn tiểu lụccũng không thấy có ghi chép cụ thể về Ryukyu (tức nước Lưu Cầu, nay thuộc Nhật Bản), trong đó những quốc gia khác như Trung Quốc, Chiêm Thành, Siam... thì lại ghi chép một cách cụ thể, qua đó cũng đã giúp người đọc thấy được mối giao hảo trực tiếp giữa Nhật Bản với các nước nói chung và giữa Việt Nam với Nhật Bản nói riêng trong thế kỷ XVIII là rất hạn chế và phải thông qua vai trò trung gian của một nước thứ ba mà cụ thể là người Hoa.

Bước sang thế kỷ XVIII, ngoại thương Việt Nam nói chung và Phố Hiến nói riêng đã giảm thiểu đáng kể. Các thương điếm phương Tây ở Phố Hiến và Kẻ Chợ lần lượt đóng cửa, các tàu buôn Phương Tây còn lại rất ít ở Đàng Ngoài. Phố Hiến vắng hẳn các khách buôn nước ngoài, trừ người Trung Quốc là còn ở lại buôn bán. Tuy nhiên các hoạt động kinh tế của những Hoa kiều ở Phô Hiến lúc này cũng đã khác trước. Việc buôn bán trực tiếp giữa Việt Nam và Trung Quốc một phần lớn đã chuyển qua đường Cửa Cấm vớibến Ninh Hải, một số khác theo đường sông và đường bộ. Ở Phố Hiến, các Hoa thương đã chuyển sang hình thức mở cửa hiệu buôn bán tại chỗ và kinh doanh dịch vụ. Ở Hội An, từ thập niên thứ 7 của thế kỷ XVIII, hoạt động thươngmại bắt đầu giảm sút. Theo ghi chép của người phương Tây từ năm 1778 Hội An không còn cảnh buôn bán tấp nập, đời sống phồn hoa, những khu phố được quy hoạch xây bằng nhà gạch và đường lát đã bị hư hỏng nhiều, chỉ thấy cảnh hoang tàn sa sút. Vai trò người Hoa với tư cách là trung gian trong buôn bán giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng dần dần giảm hẳn, ngoại thương Việt Nam bịđình trệ cho đến tận thế kỷ XIX.

Chú thích:

1. Li Tana,Xứ Đàng Trong - Lịch sửkinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII,Nxb Trẻ, 1999, tr.102.

2. Nhiều tác giả,Lịch sử kinh tế xãhội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII,NxbTrẻ, 1999, tr.103.

3. Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam- Viện Đông Nam Á,Thư tịch cổ ViệtNam viết về Đông Nam Á (phần ViệtNam),Hà Nội, 1997, tr. 105.

4. Li Tana, Sđd, tr. 105.

5. Thành Thế Vỹ,NgoạithươngViệt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII đầuthế kỷ XIX,Nxb Sử học, Hà Nội, 1961,tr. 236-239.

6. Thành Thế Vỹ, Sđd, tr.236-239.

7. Nhiều tác giả, Sđd, tr.131.

8. Nhiều tác giả, Sđd, tr.131.

9. Tài liệu trên các trang web: www.ncnb.org.vn.Tác giả biên tập.

10. Phan Khoang, Sđd, tr. 409.

11. Viện NghiêncứuVănhóaQuốctế- TrườngĐại học Nữ ChiêuHòa,Kiến trúc phố cổ Hội An,Nxb Thế giới,1996, tr. 27.

12. Viện Nghiên cứu Văn hóa Quốctế, Sđd, tr.27.

13. Viện Nghiên cứu Văn hóa Quốctế, Sđd, tr.28.

14. Viện Nghiên cứu Văn hóa Quốctế, Sđd, tr.29.

15. Nguyễn Văn Kim, "Quan hệ của vương quốc Ryukyu với Đại Việt thế kỷXVI, XVII qua một sô tư liệu", tạp chíNghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á,số 5 (53), 10- 2004, tr.69.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.