Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 08/04/2009 00:17 (GMT+7)

Tính trung thực của lịch sử

Vì thế, “môn lịch sử giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc” như sự khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự của Hội khoa học lịch sử Việt Nam trong thư gửi “Hội thảo bàn về thực trạng dạy và học sử” cách đây hai năm khi xã hội rung chuông báo động về việc học sinh đang chán học môn sử, điểm thi môn sử quá kém. Năm 2006, trong 4622 thí sinh thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội, 655 thí sinh bị điểm 0 môn sử (chiếm 15%) và chỉ có 6 thí sinh được điểm 8 trở lên, so với năm 2005 là 103/5399, nếu tính gộp cả bốn trường Đại học, trong đó ba là Sư phạm, nghĩa là trường đào tạo ra những người thầy dạy lịch sử, thì 58,5% thí sinh có điểm lịch sử từ 1 trở xuống. Thế rồi, năm 2007, có 150.234 thí sinh bị điểm 0 đến 4,5 điểm, chiếm tỷ lệ tới 95,74% tổng số thí sinh khối C, số bị điểm 0 gần 6000.

Đã có nhiều phân tích sâu sắc, trong đó, sự phê phán tập trung vào Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT). Chuyện ấy không oan tí nào. Song, nếu chỉ đổ hoàn toàn cho Bộ GD&ĐT thì liệu có thể giải quyết tận gốc vấn đề học sinh không thích học môn lịch sử không? Sách giáo khoa lịch sử có nhiều vấn đề, điều ấy Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm, thế còn những công trình nghiên cứu lịch sử chất lượng kém thì do ai chịu trách nhiệm? Chất lượng của công trình nghiên cứu lịch sử đã được xuất bản là điểm tựa để bảo đảm tính chính xác khoa học lịch sử, là sức hấp dẫn người soạn sách giáo khoa lịch sử. Khi chất lượng ấy có vấn đề thì trách nhiệm thuộc về ai?

Ai chỉ đạo xây dựng những công trình đó, trình độ khoa học và bản lĩnh của nhà sử học có ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình lịch sử nước nhà hay không? Không thể đặt bộ môn lịch sử riêng rẽ trong hệ thống kiến thức khoa học mà thế hệ trẻ em cần được giáo dục, khi mà một quan điểm chính thống đã được áp đặt vào việc nghiên cứu và xuấtn bản các công trình nghiên cứu lịch sử và biên soạn các sách giáo khoa lịch sử thì cho dù có không ít những ý kiến không đồng tình cũng không thể xoay chuyển được tình thế chung. Ấy thế mà vấn đề viết sách giáo khoa lịch sử không chỉ nhận được sự quan tâm tán hành hay phản đối về nội dung, sự kiện và quan điểm của công chúng trong nước, mà có khi lại là một cuộc đấu tranh ngoại giao phức tạp giữa các quốc gia từng có những mối quan hệ lịch sử. Chuyện Hàn Quốc phản đối một số nội dung được đưa vào sách giáo khoa lịch sử của Nhật Bản là một ví dụ. Và cũng đừng quên rằng, hiện nay vẫn còn đang diễn ra tình trạng in và lưu hành công khai những xuyên tạc lịch sử nhằm vào những mưu đồ đen tối mà chúng ta không thể không cảnh giác phát hiện và đấu tranh. Chỉ có thể hiểu sâu những điều này khi đặt những công trình nghiên cứu lịch sử và sách giáo khoa lịch sử trong hệ thống các khoa học xã hội và nhân văn, và hệ thống ấy nằm trong nền văn hoá dân tộc. Chỉ khi chúng ta suy ngẫm và hiểu ra được về những gì đã hun đúc nên văn hoá Việt Nam, hình thành cốt cách của con người Việt Nam, chúng ta mới hiểu rõ bộ môn khoa học lịch sử giữ một vị trí quyết định như thế nào trong nền văn hoá ấy.

Bởi lẽ, văn hoá không phải là một hệ thống đóng kín những giá trị loại biệt mà là một tổng hợp đang phát triển của các thành tựu vật chất và tinh thần của một dân tộc. Văn hoá là một cấu trúc có bề sâu. Cuộc sống xã hội được phản chiếu ở bề mặt, dưới bề mặt đó, văn hoá được phân chia theo những tầng khác nhau, tiềm ẩn và vô thức. Ở độ sâu này, ta thấy có một sự sắp xếp của các quy tắc văn hoá điều chỉnh bề mặt ở bên trên. Nói đến “sức mạnh văn hoá”, “bản lĩnh văn hoá”, “bản sắc văn hoá”, chính là nói đến sự tiềm ẩn và vô thức này nằm chìm trong đời sống của dân tộc. Chính cái đó làm nên ý thức dân tộc, tạo ra sức mạnh Việt Nam , ý thức và sức mạnh làm cho đất nước này, dân tộc này tồn tại và phát triển. Đúng là: lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được.Không có ý thức đó thì không thể có một nền văn hoá dân tộc và cũng chẳng thể nào xây dựng được một xã hội Việt Nam hiện đại và văn minh.

Dòng chảy lịch sử là bất tận, nó tạo nên sức mạnh bất diệt của một dân tộc. Thế hệ trẻ Việt Nam phải được hiểu kỹ về dòng chảy bất tận dó, phải được đắm mình vào trong dòng chảy bất tận đó để tự hào về ông cha mình đã bao đời kiên cường, bất khuất dựng nước, mở nước và giữa nước để trao lại cho thế hệ hôm nay gìn giữ và phát triển. Không có niềm tự hào về dân tộc, tự hào về nền văn hoá dân tộc sẽ không thể vững tin mà đến với thế giới. Ở thời đoạn quá trình phát triển và hội nhập đi vào chiều sâu, càng phải nâng cao sự hiểu biết của thế hệ trẻ về lịch sử, hiểu rõ về ông cha mình, thấy ra được chỗ mạnh và chỗ yếu của dân tộc mình. Trên ý nghĩa đó, việc dạy và học lịch sử, những công trình khoa học lịch sử chất lượng cao có tác động lớn đến việc đào luyện con người, con người Việt Nam hôm nay đang phải đối diện với những thách đố chưa từng có.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất, cũng có thể nói đó là điều kiện tiêng quyết để đảm bảo chất lượng công trình nghiên cứu lịch sử, điểm tựa để đảm bảo tính chính xác khoa học của sách giáo khoa lịch sử, tiền đề hết sức quyết định của việc cuốn hút, hấp dẫn và có tác động mạnh liệt đến tình cảm tư tưởng của thế hệ trẻ, giúp vào việc xây dựng nhân cách và bản lĩnh cho thế hệ trẻ, đó là tính trung thực lịch sử. Một khi mà tính trung thực lịch sử của một số công trình đã đến với đông đảo công chúng chưa cao, điều mà phần lớn những nhà sử học có nhân cách đều biết, song cho đến nay, dường như vấn đề này vẫn chưa được đặt ra một cách sòng phẳng, nghiêm túc và minh bạch.

Đương nhiên trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, tính chân lý lịch sử sẽ phải được công bố như thế nào còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, song dù chưa công bố thì rồi tính chính xác khoa học của lịch sử sớm muộn cũng phải thể hiện ra. Vì vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng sách giáo khoa lịch sử, nâng cao trình độ dạy sử của người thầy và ý thức đối với việc học sử của học trò nhằm bồi dưỡng tình cảm yêu nước và tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ, phải đặt ra vấn đề chất lượng khoa học của các công trình nghiên cứu lịch sử mà ở đó, tính trung thực của tác giả công trình nhằm làm sáng tỏ chân lý lịch sử là điều có ý nghĩa rất quyết định.

Liệu có cần nhắc lại ở đây một khuyến cáo của ông Mitterrand “Thái độ của giới trẻ với lịch sử là thước đo sự tín nhiệm chính trị với chế độ”. Vị Tổng thống đương nhiệm của nước Pháp vàonhững năm 80 của thế kỷ XX ấy, khi sang thăm Việt Nam , đã đến xem xét tận nơi chiến trường Điện Biên Phủ trước đây, biểu thị một ứng xử văn hoá sâu sắc thể hiện thái độ sòng phẳng với lịch sử. Aicũng có thể hiểu được rằng Điện Biên Phủ đã trở thành một sự kiện lịch sử đánh dấu sự thảm bại của một đế chế thực dân, kéo theo sự sụp đổ hệ thống thuộc địa trên thế giới. Sự kiện lịch sử ấy đã đểlại một dấu ấn như thế nào trong lịch sử quân đội Pháp nói riêng và nước Pháp nói chung. Liệu có thể hiểu ứng xử văn hoá ấy của vị Tổng thống Pháp cũng là biểu thị của tính trung thực lịch sử không?Tính trung thực lịch sử ấy lại càng phải đậm nét trong các công trình nghiên cứu lịch sử mà ở đó, thể hiện tập trung trình độ chuyên sâu và bản lĩnh của nhà sử học. Gợi lên hình ảnh trên để khỏi phảinhắc lại chuyện mà hầu như nhà sử học nào cũng biết cả ba anh em người viết sử nước Tề dù rơi đầu dưới lưỡi gươm của Thôi Trữ vẫn không chịu sửa một chữ của sự thật lịch sử là “Thôi Trữ giết vua củamình là Trang Công”. Bản lĩnh ấy của người viết sử, của người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử là điều xã hội đang trông chờ.

Phải chăng để đáp ứng sự trông chờ đó mà có Hội thảo khoa học về “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn” ngày 18 và 19 tháng 10 năm 2008 tại Thanh Hoá - nơi phát tích của nhà Nguyễn - nhân kỷ niệm 450 năm Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá và sau đó là Quảng Nam, mở đầu một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của dân tộc. Đúng như giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: “việc nhìn nhận, đánh giá lại chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn ngày càng trở thành một nhu cầu, đòi hỏi bức thiết, đầu tiên là của giới sử học, sau đó là của tất cả những nhà khoa học xã hội, và trở thành đòi hỏi của xã hội”. Vì rằng, mặc dầu “triều Nguyễn đã để lại một di sản khổng lồ, vĩ đại mà không triều đại nào trong lịch sử có thể sánh được” nhưng ngót một thế kỷ qua, sự thật lịch sử đó đã bị vùi lấp. Đó là một bi kịch lịch sử lớn.

Nguyên nhân của bi kịch ấy có nhiều, song đúng như phân tích của Giáo sư Phan Huy Lê “về sử học thuần tuý, đó là thời kỳ mà nền sử học Macxít đang hình thành, nên sự ấu trĩ, giáo điều, công thức buổi đầu là không tránh khỏi. Cùng với vấn đề phương pháp luận sử học của các nhà nghiên cứu, cần phải nói thêm là thói độc quyền tư tưởng, áp đặt tư duy, tuỳ tiện quy kết của một số người có quyền, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá đã là nguyên nhân trực tiếp và kéo dài khiến cho nhiều sự thật lịch sử đã không được trình bày một cách khách quan, trung thực. Theo cách nói của Phạm Văn Đồng thì đó là “lấy lòng mong muốn thay cho thực tế. Trong cách nghĩ và cách làm sai lầm này, điều nguy hiểm nhất là bất chấp quy luật của lịch sử”. Với sự nghiệp Đổi Mới, từ sự đổi mới tư duy về kinh tế mà đổi mới về tư duy nói chung để thấy ra sự phi lý của những quan điểm chính thống “quay lưng lại với bao sự thật hằng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với những giá đắt phải trả.. Rõ ràng đây là một sự thiếu sáng suốt trong nhận thức và hành động, trong lý luận và thực tiễn” (nt). Những quan điểm gọi là chính thống ấy khi áp đặt vào việc biên soạn sách giáo khoa sử học cũng như từng áp đặt cho các công trình nghiên cứu lịch sử thì “những giá đắt phải trả” là khó có thể đo đếm được.

Khi một cái giả biến thành cái thật, được đem rao giảng cho thế hệ trẻ thì khác nào chất axit gặm nhấm tâm hồn lớp trẻ, làm sao đo đếm được cái chất axit gặm nhấm tâm hồn ấy? Sự thật lịch sử bị vùi lấp, tệ hơn, bị xuyên tạc do nhiều động cơ và nguyên nhân khác nhau, nhưng cho dù bởi bất kỳ lí do gì, thì cũng làm giảm sút hay làm nao núng lòng tin của lớp trẻ vào những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, hun đúc nên lòng tự hào dân tộc, chất xi măng kết dính những tâm hồn Việt Nam, tạo nên sức mạnh Việt Nam để phấn đấu bứt lên thoát khỏi nổi nhục nghèo nàn và lạc hậu để sánh vai cùng thế giới. Vả chăng, “văn hoá là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, lịch sử dân tộc với những khúc tráng ca và bi ca có sức lay động mãnh liệt tinh thần và tình cảm của con người Việt Nam mọi thời đại có ý nghĩa quyết định đến nền tảng tinh thần ấy. Đặc biệt khi mà tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước đi vào chiều sâu thì việc nâng cao bản lĩnh văn hoá có ý nghĩa hết sức quyết định. Bởi lẽ, với tiến trình ấy cần phải nhận thức được rằng “trước hết không phải là chuyện văn hoá và tư tưởng có khi sâu sắc nhất xưa nay, một thay đổi trong tâm lý dân tộc… đây là sự lựa chọn văn hoá” (Nguyên Ngọc). Sự lựa chọn đó không phải bao giờ mới có. Trong lịch sử đã từng có, ít nhất có thể kể đến hai lần khá tiêu biểu.

Lần thứ nhất là cuối thiên niên kỷ thứ nhất, đầu thiên niên kỷ thứ hai với việc từ bỏ cái gốc Đông Nam Á để tiếp nhận nền văn hoá “Hán hoá”, văn hoá Trung Hoa, nhằm tạo ra một nhà nước mạnh đủ sức chống chọi với hoạ xâm lược đến từ phương Bắc để đến thế kỷ XI, Lý Thường Kiệt có thể dõng dạc tuyên bố “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, khẳng định ý chí độc lập tự cường của dân tộc ta. Lời khẳng định đó được xem như “Tuyên ngôn độc lập” lần thứ nhất, để dẫn đến “Tuyên ngôn độc lập” lần thứ hai với “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi. Cuộc chọn lựa khôn ngoan lần thứ hai của Nguyễn Hoàng, đưa đến một đất nước mở rộng với tư duy “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, phi Hán hoá không chỉ về mặt văn hoá, tư tưởng mà còn với sự lùi xa “cương vực” về phía Nam, từ đèo Hải Vân đến Hà Tiên, hình thành một quốc gia lớn mạnh đủ sức cho Quang Trung đại phá quân xâm lược đến từ mọi phía.

Nhân kỷ niệm 450 năm Nguyễn Hoàng mở đầu một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của dân tộc, hy vọng rằng “Hội thảo khoa học về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn” sẽ là một dấu ấn đậm nét về một thời kỳ phát triển mới của ngành khoa học lịch sử, một tín hiệu “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”, góp phần nâng cao bản lĩnh văn hoá dân tộc nhằm củng cố “nền tảng tinh thần của đời sống xã hội”.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).
Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.

Tin mới

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).
Lễ ký kết giảm phát 1 tỷ tấn carbon/năm
Ngày 9/4 tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp (Trung tâm QCC - trực thuộc Vusta) và Tập đoàn Tín Thành đã tiến hành Lễ ký kết giảm phát 1 tỷ tấn carbon/năm và công bố sàn giao dịch NFT thương mại tín chỉ carbon toàn cầu.