Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 10/04/2008 16:43 (GMT+7)

Thú chơi chữ và bút danh nhà văn

Từ lâu, chơi chữlà một cái thú của những người được coi là nhiều chữ nghĩa. Thi hào Nguyễn Du, bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ chẳng đã từng chơi chữ khi viết:

Chữ tàiliền với chữ taimột vần.

Cái tên của “Bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương đã từng bị Chiêu Hổ (tương truyền là Phạm Đình Hổ, tác giả của Vũ trung tuỳ bút, Tam thương ngẫu lục…) dùng phép chiết tự, phép chơi chữđể châm chọc, trêu ghẹo:

Người Cổlại còn đeo thói Nguyệt

Buồng Xuânchi để lạnh mùi Hương.

(Trong tiếng Hán, chữ Cổ ghép với Nguyệt tạo thành chữ Hồ).

Bài viết này không bàn tới nghệ thuật chơi chữ trong văn thơ mà chủ yếu bàn luận xung quanh việc các nhà văn, nhà thơ đã sử dụng cách chơi chữ để tạo bút danh, bút hiệu cho mình.

Đặt bút danh cho mình cũng là một cái thú, đặt bút danh bằng cách chơi chữ thì càng thú vị hơn. Trước hết, hãy bắt đầu từ hiện tượng các nhà văn, nhà thơ tạo bút danh bằng cách nói lái(1). Nói láitrong tiếng Việt là cách hoán vị các bộ phận phụ âm đầuvầngiữa các âm tiết để tạo nên những từ ngữ khác có nội dung mới, bất ngờ, thú vị. Một số nhà văn đã sử dụng cách nói lái để tạo bút danh. Trước hết phải lể tới vị chủ soái của phong trào Thơ mới thời kì 1932 - 1945, tác giả của bài thơ “ Nhớ rừng” đầy hào khí, đồng thời là người đạt nền móng cho sân khấu cách mạng Việt Nam - đó là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Thế Lữ (1907 - 1989). Tên thật của Thế Lữ là Nguyễn Đình Lễ, sau đổi thành Nguyễn Thứ Lễ. Bút danh Thế Lữđược tạo ra từ cách nói lái tên thật Thứ Lễ. Trong bút danh Thế Lữ, có thể hiểu thếthế gian, là cuộc đời, cõi đời; lữlữ khách,người đi đường xa. Hoá ra bút danh Thế Lữkhông đơn thuần là chỉ nghệ thuật nói lái mà bao hàm thật nhiều ý nghĩa. Nhà thơ tự coi mình là một lữ khách trên đường đời vạn dặm:

Ta là khách bộ hành phiêu lãng

Đường trần gian xuoi ngược để vui chơi.

(Thế Lữ - Cây đàn muôn điệu)

Bút danh Thế Lữin đậm màu sắc thoát li, phiêu lãng. Như vậy, bên ngoài là hình thức nói lái, bên trong là cả chiều sâu nghệ thuật, là quan điểm, là khuynh hướng, là tất cả những gì thuộc về con người và thơ văn ông.

Nhà văn Trần Bạch Đằng (1926 - 2007), tên thật là Trương Gia Triều, còn có các bút danh Nguyễn Trường Thiên Lý, Nguyễn Hiểu Trường. Bút danh Nguyễn Trường Thiên Lýgắn với bộ tiểu thuyết đồ sộ Ván bài lật ngửa(sau được chuyển thể thành kịch bản phim nhiều tập). Còn bút danh Nguyễn Hiểu Trườnglại là cơ sở để hình thành một bút danh khác, theo cách nói lái: đó là Hưởng Triều. Bút danh Hưởng Triềuxuất hiện trong tập thơ Bài ca khởi nghĩa. Tập thơ này ra đời giữa lúc khí thế cách mạng đang sục sôi ở cả hai miền Nam , Bắc.

Bút danh của nhà văn Trần Đăng (1921 - 1949) được tạo ra từ cách nói lái tên thật Đặng Trần Thi. Bút danh của nhà thơ Lữ Huy Nguyên (1939 - 1998) chỉ đơn thuần là hình thức nói lái từ tên thật Nguyễn Huy Lư. Nhưng thật thú vị, có người lại hiểu trong bút danh Lữ Huy Nguyên, Lữlà họ ( Lữhoặc là một trong những họ của người Việt hoặc người Hoa sống trên đất Việt Nam). Nhà thơ Lữ Huy Nguyên còn có các bút danh khác: Hoàng Xuân, Kinh Bắc, Tân Thi. Quê quán của nhà thơ ở xã Tân Thi, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Bút danh Tân Thiđược hình thành từ tên xã, còn bút danh Kinh Bắcgắn với hàm nghĩa: quê hương nhà thơ thuộc vùng Kinh Bắc xưa…

Trong các bút danh được tạo từ cách nói lái, có thể nói độc đáo hơn cả, tếu táo hơn cả phải kể tới bút danh của nhà văn quân đội Phù Thăng, tác giả của tiểu thuyyết Phá vây(xuất bản năm 1963) - một tác phẩm từng gây cho tác giả bao điều phiền toái .Phù Thăng tên thật là Nguyễn Trọng Phu, sinh năm 1928, quê gốc ở Tứ Kì, Hải Dương, vốn là một người lính trinh sát trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tên khai sinh của tác giả là Phu, chỉ cần nói lái bút danh Phù Thăng,độc giả có thể hiểu được sự tếu táo, hồn nhiên có phần tinh nghịch của anh lính trinh sát viết văn.

Gắn liền với hình thức nói lái là những hình thức tạo bút danh bằng cách tách ghép chữ, hoán vị các chữ trong tên thật. Nhà văn Khái Hưng (1896 - 1947), cây bút tiểu thuyết chủ lực của nhóm Tự lực văn đoàn, một trong những cây bút tiêu biểu của trào lưu văn học lãng mạn tư sản Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945, tác giả của các tiểu thuyết quen thuộc: Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đời mưa gió…có tên thật là Trần Khánh Giư. Bút danh Khái Hưngxuất phát từ hai chữ Khánh Giưtrong tên thật, sắp xếp lại mà thành. Nhà văn Nguyễn Tuân (1910 - 1987) ngoài văn nghiệp rạng rỡ, còn được đánh giá là bậc thầy về ngôn từ, là người mở ra những khả năng mới cho tiếng Việt. Sinh thời, Nguyễn Tuân cũng đặt nhiều bút danh như Ngột Lôi Quất, Thanh Hà, Nhất Lang, Tuântrong đó có những bút danh được hình thành theo lối tách ghép chữ hoặc thêm bớt dấu ghi thanh điệu, như: Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc.Bút danh Ân Ngũ Tuyênlà sự sắp xếp lại các chữ cái trong tên thật Nguyễn Tuân ( ânlà phần cuối của chữ Tuân, Ngũlà phần đầu của chữ Nguyễn, Tuyênlà sự ghép nối của phần đầu và phần cuối của hai chữ Tuân, Nguyễn). Bút danh Tuấn Thừa Sắccó phần đơn giản hơn: chữ Tuấnbỏ dấu sắc thì thành chữ Tuân.Do đó, Tuấn Thừa Sắccính là Tuân, Nguyễn Tuân.Còn về bút danh Ngột Lôi Quất thì chính là nhà văn Nguyễn Tuân đã có lần nói với GS. Nguyễn Đăng Mạnh, đại ý: Cái tên này nghe có vẻ Nhật, vì thích mà đặt cho vui. Bút danh Nhất Lang(anh chàng đứng đầu) dùng chỉ chính bản thân mình, vì Nguyễn Tuân là con cả trong gia đình... Nhìn chung, các bút danh khác của Nguyễn Tuân, trong đó có các bút danh được hình thành theo cách làm ảo thuật ngôn từ như đã kể trên, đều không gây được tiếng vang, ít người biết đến. Chỉ có tên thật đồng thời là bút danh Nguyễn Tuânmới nổi tiếng, nổi tiếng đến mức giáo sư Mai Quốc Liên từng nhận định: “Nguyễn Tuân là một trong những đại thụ rừng đầu nguồn văn chương Việt Nam thế kỉ XX”.

Trong các bút danh được hình thành theo lối tách ghép chữ, có một số bút danh độc đáo tới mức lập dị, gần như “đánh đổ” độc giả. Đó là các bút danh TCHYA của Đái Đức Tuấn (1912 - 1969) và J. LEIBA của Lê Văn Bái (1912 - 1942). TCHYA - Đái Đức Tuấn là nhà văn chuyên viết truyện truyền kì ma quái như những truyện trong “Liêu trai”, trong “Truyền kì mạn lục”, trong đó có tác phẩm Ai hát giữa rừng khuya. Bút danh TCHYA được độc giả giải thích, phỏng đoán là “ Tôi chẳng yêu ai”. Còn hàm ý, hàm nghĩa trong bút danh này là gì, gốc tích của bút danh này thế nào thì ít người biết. Còn bút danh J.LEIBA của nhà thơ Lê Văn Bái thì chỉ đơn thuần là sự tách ghép hai chữ Lê Bái trong tên thật (Ghép chữ cái I trong chữ Báivào cuối chữ ). Thoạt nhìn bút danh này, hầu hết độc giả đều nghĩ rằng đó là tên Tây, nhưng kì thực đó chỉ là sản phẩm của cách tạo bút danh có phần lập dị của tác giả thuần Việt. Lê Văn Bái sinh năm 1912 ở Yên Bái, quê gốc ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Khi đánh giá về thơ của Leiba, Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Namđã viết: “Thơ đăng báo với một tên kí chẳng Việt Nam tí nào, thế mà vừa rồi, Leiba liền được người ta thích”.

Bên cạnh hình thức ghép chữ nói trên là hình thức hoán vị hoặc tỉnh lược các chữ trong tên thật (có thể thay đổi đôi chút). Bằng Việt, Phác Văn là hai bút danh được hình thành bằng cách hoán vị một số chữ trong tên thật: Nguyễn Việt Bằng và Nguyễn Văn Pháp. Bút danh của lão thi sĩ Huyền Kiều được hình thành từ một cái tên cũng thật già lão: Bùi Lão Kiều. Có không ít tác giả tạo bút danh bằng cách rút gọn tên thật của mình. Phổ biến nhất là cách lược bỏ họ như: Tế Hanh (Trần Tế Hanh), Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu), Huy Cận (Cù Huy Cận), Hằng Phương (Lê Hằng Phương), Hữu Loan (Nguyễn Hữu Loan), Duy Khánh (Nguyễn Duy Khán), Hữu Mai (Trần Hữu Mai), Xuân Quỳnh (Nguyễn Thị Xuân Quỳnh), Hữu Thỉnh (Nguyễn Hữu Thỉnh); hoặc lược bỏ phần đệm trong tên thật, như: Nguyễn Bính (Nguyễn Trọng Bính), Vũ Bằng (Vũ Đăng Bằng), Chu Lai (Chu Văn Lai), Vương Trọng (Vương Đình Trọng)... Cạnh đó, cũng có cách lược bỏ tên, như: bút danh nhà thơ Nguyễn Duy được tạo thành từ tên thật Nguyễn Duy Nhuệ; bút danh nhà văn Phạm Thị Hoài (tác giả tiểu thuyết Thiên sứ) được tạo thnàh từ tên thật Phạm Thị Hoài Nam.

Có một loại bút danh mà các yếu tố tạo thành bút danh đều có một ý nghĩa nào đó và toàn bộ bút danh gắn với một hàm ý, hàm nghĩa nhất định. Nhà văn Đào Vũ (1927 - 2006) có tên khai sinh là Đào Văn Đạt, còn tên cha mẹ đặt cho là Đào Ngọc Thư ( Ngọc Thưsách ngọc; Đào Ngọc Thư làcuốn sách ngọc” của gia đình họ Đào). Như vậy, cái tên Đào Ngọc Thư gắn với ý nguyện của cha mẹ là mong muốn con cái sau này học cao biết rộng. Còn bút danh Đào Vũlà do nhà văn tự đặt, bằng cách ghép họ của Bố (Đài Văn Tái) với họ của mẹ (Vũ Thị Tảo). Nhà thơ Dư Thị Hoàn, tác giả tập thơ Lối nhỏ(xuất bản 1998) từng gây xôn xao dư luận một thời, có bút danh gắn với những hàm nghĩa thật thú vị. Tên khai sinh của tác giả là Vương Oanh Nhi; quê gốc: Quảng Tây, Trung Quốc; dân tộc Hoa; hiện sống ở thành phố Hải Phòng. Theo tác giả, trong bút danh Dư Thị Hoàn, chữ Hoànlà sự sắp xếp lại vị trí của các chữ cái trong chữ Oanhcủa tên thật Vương Oanh Nhi (chuyển chữ hlên trước vần oan). Còn việc thêm dấu huyền để thành chữ Hoàn, vẫn theo lời tác giả, “lại là một câu chuyện truyền kì hẳn hoi, chưa có thời điểm để công bố”. Theo cách chiết tự, trong bút danh Dư Thị Hoàn, có nghĩa là thừa, Thịcái, HoànOanh(đã nói ở trên). Và Dư Thị Hoànlà “ cái Oanh thừa”. Bình luận về bút danh Dư Thị Hoàncủa chính mình, nhà thơ bộc lộ có phần chua chát: “Chẳng qua tôi gọi cái tên tôi (Vương Oanh Nhi) như gọi một người thừa”. Sự thực thì nhà thơ nữ này không hề là “một người thừa” mà qua thời gian, chị đã làm được khá nhiều việc: từ một thợ may, thợ tiện, nhà buôn đến một giám đốc công ty kinh doanh, lại còn tham gia hoạt động dịch thuật (bút danh Nữ Lang Trung) và không thể không kể đến hai tập thơ đã đưa chị tới một vị trí nhất định trên thi đàn (Tập “ Lối nhỏ” và tập “ Bài mẫu giáo sáng thế”). Cách nói ở trên của tác giả được hiểu là cách nói đùa, là cách tự giễu mình.

Nhà thơ Tố Hữu (1920 - 2002) có tên thật là Nguyễn Kim Thành. Còn bút danh Tố Hữu, theo nữ thi sĩ Pháp Mirây Găngsen: Tốcó nghĩa là thuần nhã, mộc mạc; Hữubạn. Tố Hữu“người bạn mộc mạc, bình dị” của giai cấp cần lao. Ta nhớ tới những dòng thơ trong bài Từ ấy- một trong những sáng tác đầu tay của Tố Hữu:

Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ...

Trong bút danh của nhà văn, nhà báo Thép Mới (1925 - 1991), có thể hiểu: ThépThép, là tính chiến đấucần phải có trong văn thơ, báo chí cách mạng; Mớimới mẻ, hiện đại. Thép Mớithép của thời đại mới. Phải chăng bút danh này được hình thành từ ý thơ “ Nay ở trong thơ nên có thép” của Hồ Chủ tịch? Đọc những bài bút kí đầy tính chiến đấu và chất trữ tình cách mạng của Thép Mới như: Đâu có giặc là ta cứ đil Hiên ngang Cu Ba; Điện Biên Phủ - một danh từ Việt Nam ; Trường Sơn hùng tráng...ta càng hiểu rõ điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà có người nói tới “ Ngọn lửa trong ngòi bút Thép Mới”. Thép Mới còn có một số bút danh khác: Phượng Kim, Hồng Châu, Ánh Hồng...Tên thật của ông là Hà Văn Lộc. Nhà thơ trào phúng và cách mạng Xích Điểu có tên thật là Trần Minh Tước. Bút danh Xích Điểu(con chim đỏ) thể hiện phần nào chí khí cách mạng của ông.

Còn không ít bút danh nhà văn, nhà thơ mà tính “có lí do” của những bút danh ấy bị mờ đi theo thời gian hoặc đang còn là điều bí ẩn chưa được khám phá. Cái tên Quang Dũng(tên thật nhà thơ là Bùi Đình Diệm) dường như gợi ở người đọc hình ảnh một chàng lãng tử hào hoa khoáng đạt, rất mạnh mẽ nhưng cũng rất mộng mơ, như con người và thơ văn ông vậy. Còn bút danh Thanh Tịnh(tên thật nhà thơ là Trần Văn Ninh) thì gợi ở người đọc một cuộc đời, một tâm hồn luôn thanh bạch, thanh tịnh và một tấm lòng luôn đằm sâu tình cảm (“ Có người bảo Huế xa, xa lắm. Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng”). Không hiểu vì lẽ gì, tác giả của bài thơ nổi tiếng Tống biệt hành, Chiều mưa đường số 5...lại đặt cho mình bút danh Thâm Tâm?(tên thật nhà thơ là Nguyễn Tuấn Trình). Thâm Tâmhay một tấm lòng thẳm sâu tình yêu đất nước, con người? Thơ của ông cũng sâu thẳm tình cảm, da diết nhớ thương như con người, như cái tên của ông vậy. Lại nữa, có phải vì yêu thích mùa xuân, cảnh xuân mà nhà thơ cách mạng Nguyễn Trọng Nhâm (tên thật) đặt cho mình cái tên Xuân Thuỷ?Một trong hai tập thơ của ông để lại cũng có tên gọi “Đường xuân”. Nhiều bài thơ chữ Hán của Hồ Chủ tịch mà ông chọn dịch cũng là những bài đầy ắp khí xuân, sức xuân, lai láng tình xuân. Một bút danh khác cũng gây liên tưởng thú vị: Thanh Thảo(tên thật nhà thơ là Hồ Thành Công). Thật ngẫu nhiên, nhà thơ Thanh Thảo lại là người viết rất hay về cỏ.

Người ta cũng thường nhắc tới bút danh của văn hào Gorki. Cái tên này có liên quan đến đời sống, tình cảm của ông lúc thiếu thời. Gorki có một cuộc sống khổ cực từ nhỏ; phải chăng điều đó được phản ánh vào trong cái tên của ông. Trong tiếng Nga, Gorki có nghĩa là cay đắng. Có nhà thơ đã trân trọng ngợi ca Gorki như sau:

Người tự đặt tên cho mình làcay đắng

Và truyền cho ta vị ngọt của đời.

Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 1 + 2, 2008, tr 47

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.