Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 09/04/2011 18:19 (GMT+7)

Sử dụng, khai thác môi trường biển phải đi cùng gìn giữ và tái tạo

Con người: vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm

Hiện nay, ở rất nhiều vùng biển nước ta đã và đang bị tổn thương do các hiện tượng tự nhiên cực đoan và hoạt động của con người gây nên như giao thông vận tải biển, khai thác khoáng sản dưới đáy biển, nuôi trồng thủy hải sản ven biển, trên biển, ô nhiễm từ đất liền, vùng công nghiệp, đo thị ven biển…đã gây ra các sự cố môi trường biển như tràn dầu, tràn hóa chất, tảo độc và thủy triều đỏ, bão và lũ lụt… Tất cả những hiện tượng này đều gây ra tác động tiêu cực đến môi trường, làm suy thoái hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng ven biển, đến sức khỏe và đe dọa tính mạng con người. Hơn nữa, do đa số người dân sống ở vùng ven biển làm nghề nông nghiệp, đánh cá và nuôi trồng thủy sản (58% tại các tỉnh ven biển), là những người sống chủ yếu nhờ vào nguồn lợi biển, tỷ lệ nghèo cao, đời sống thiếu ổn định, nên họ là người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả của những hiện tượng này và khả năng phục hồi của họ sau khi bị tổn thương là rất thấp.

Theo thống kê, nước ta đã có gần chục con sông bị ô nhiễm nặng như sông Thị Vải, Sông Đồng Nai, sông Đáy, sông Cầu, sông Nhuệ… Các nguồn ô nhiễm từ lục địa theo sông mang ra biển như dầu thải, nước thải chưa xử lý, hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón, chất thải công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, thuốc súng, chất phóng xạ, các chất thải rắn như đất cát, rác, phế thải vật liệu xây dựng… Tất cả đổ ra biển, chất thì chìm xuống đáy biển, chất thì hòa tan vào nước biển. Bên cạnh đó, rất nhiều công trình được xây dựng ngoài biển nhằm để khai khoáng, đóng tàu, khai thác dầu khí… những hoạt động này tuy đã đem lại hiệu quả về kinh tế cao, nhưng lại có tác động không nhỏ đến môi trường. Việc gia công xây lắp các công trình giàn khoan, các phương tiện vận chuyển, vật liệu thải loại khi xây lắp công trình… tất cả tác động mạnh đến hệ sinh thái biển, chất lượng nước biển, trầm tích biển. Những công trình cảng biển ngày một nhiều thêm đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống tự nhiên của các hệ sinh thái, du lịch biển…

Lĩnh vực giao thông vận tải biển cũng là một trong số ngành góp phần làm gia tăng nạn ô nhiễm môi trường biển. Từ việc xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông, nạo vét luồng lạch, dẫn đến phá hoại sinh thái vùng cửa sông, ven biển ngập mặn, vùng đất chua phèn tạo nên mọi sự đảo lộn, cùng với việc đổ phế thải dầu, mỡ. Hệ thống đường thủy phát triển, phương tiện vận tải ngày càng nhiều, lượng dầu mỡ gây ô nhiễm tới 50% nguồn gây ô nhiễm.

Ngoài ra, cũng phải kể đến nghề nuôi trồng thủy sản cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường biển ở rất nhiều vùng biển trong cả nước tại Vịnh Bến Bèo, đảo Cát Bà, Hải Phòng có hàng nghìn bè nuôi cá, mỗi ngày người ta đưa xuống vịnh Bến Bào một lượng thức ăn nuôi cá gồm hàng chục tấn các loại. Cá ăn không hết, thức ăn hoặc lọt qua lưới xuống đáy biển, hoặc trôi khắp khu vực biển gần đó. Đã vậy, mỗi bè lại có một kiểu cho cá ăn riêng. Nghĩa là, các loại cá sống, cá chết được băm nhỏ dùng làm thức ăn, rồi tinh bột, rau tươi… Tất cả vô tư… tống xuống hàng chục nghìn ô lồng, bất biết hậu họa. Khi được hỏi, rất nhiều người dân cho rằng, nước biển là vô tận, nước có thể làm sạch được tất cả. Với cách nghĩ như vậy, nên chính con người đã biến biển thành thùng rác. Con người đổ xuống biển tất cả rác thải, bất kể những công ước của cộng đồng Quốc tế đã ngăn cấm như chất thải phóng xạ của các quốc gia đổ ra biển, chôn xuống biển. Nước có thể làm sạch được nhiều chất ô nhiễm do người đổ vào, nhưng nếu con người không ngừng đổ ra biển tất cả chất thải chưa qua xử lý, số lượng ngày càng lớn thì biển sẽ quá tải. Con người coi biển là thùng rác, đến lúc nào đó sự ô nhiễm quá mức sẽ quay lại gây tác hại cho con người.

Bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển là vấn đề sống còn và cấp bách vì môi trường ảnh hưởng lâu dài, sâu sắc đến đời sống, sản xuất, sự phát triển tồn tại của từng quốc gia, dân tộc. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, xem kinh tế biển là mũi nhọn, cần coi trọng công tác bảo vệ môi trường biển ở một tầm nhìn mới, vì đầu tư cho môi trường chính là đầu tư cho tương lai.

Cần điều chỉnh các nghị định, xử phạt đủ sức răn đe

Hệ thống văn bản pháp lý bảo vệ môi trường biển đã có những thay đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trước mắt, cần điều chỉnh mâu thuẫn trong Nghị định 57 và Nghị định 04/2007/NĐ-CP về xây dựng định mức phát thải chất gây ô nhiễm nước. Đồng thời, xử lý nghiêm minh và kịp thời những cơ sở, cá nhân vi phạm đến môi trường làm tấm gương tạo ra sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận xã hội. Tăng cường nguồn nhân lực, ngân sách, quỹ thường xuyên cho công tác bảo vệ môi trường hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, chi phí xử lý ô nhiễm môi trường của Việt Nam dự tính khoảng 2,5 tỷ USD/năm, trong khi phân bổ ngân sách của chính phủ theo quy định khoảng 1% GDP. Định mức này chỉ đạt 1/5 so với yêu cầu thực tế.

Chấn chỉnh công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, cấp phép. Các dự án quy hoạch, đầu tư xây dựng, nhất thiết phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo luật định và có ý kiến thẩm định của hội đồng thẩm định, của các cơ quan chuyên môn về môi trường; Kiên quyết từ chối những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Đối với những nhà máy mới xây dựng buộc phải nghiêm túc thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường. Những nhà máy, xí nghiệp đã cam kết với Bộ TNMT trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cần xử lý nước thải, rác thải, cần có một cuộc kiểm tra, đánh giá lại, xem doanh nghiệp nào thực hiện đúng cam kết, doanh nghiệp nào không. Với những doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết bắt buộc phải xây dựng một lộ trình để thực hiện đúng cam kết. Mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện nay mới chỉ là 70 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm. Do đó, chưa đủ mạnh để có tính chất răn đe. Bởi vậy, các doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt và tiếp tục tái phạm.

Để bảo vệ nguồn môi trường biển trong bối cảnh tự do hóa thương mại hiện nay cần phải có các giải quyết toàn diện. Đó là giải quyết mối quan hệ hài hòa, thực hiện đồng bộ giữa chính sách thương mại và chính sách môi trường. Phát triển sản xuất kinh doanh phải gắn với đầu tư lựa chọn công nghệ mới và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, quan niệm về sản xuất sạch và bảo vệ môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn quy định ngặt nghèo của thị trường và người tiêu dùng. Trong phạm vi liên quan đến thương mại-môi trường, các hoạt động chính sách cũng như các doanh nghiệp cần có một cách tiếp cận chủ động: Phải hội nhập về các chuẩn mực hành xử trong quy tắc kinh doanh, trong đó có điều kiện tiên quyết là phát triển bền vững, trách nhiệm đối với môi trường.

Một kinh nghiệm của nhiều nước là tiến hành đánh thuế môi trường. Chẳng hạn, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt về năng lượng để hạn chế sử dụng thái quá các nguồn năng lượng, đồng thời có nguồn thu để thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường. Nguồn thu từ thuế môi trường sẽ không nhỏ nếu biết tận thu và đây chính là một nguồn lực để giải quyết từng bước vấn đề môi trường ở nước ta.

Triển khai rộng rãi các chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường biển để huy động các nguồn lực cho nhiệm vụ này. Nghiên cứu chính sách thuế môi trường, về chế độ đãi ngộ cho từng đối tượng, từng công việc cụ thể. Tăng cường hợp tác quốc tế để giám sát các nguồn thải ra biển từ những quốc gia khá. Tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế cho hoạt động nghiên cứu giám sát quản lý về ô nhiễm biển, cũng bảo vệ môi trường biển.

Xem Thêm

Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.
Hà Tĩnh: Hội thảo khoa học về Hoàng giáp Lê Tuấn
Sáng 16/3, Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh (Thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh) và UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với dòng họ Lê ở Kỳ Anh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Hơn 100 nhà khoa học cùng giải bài toán ô nhiễm tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau tìm ra lời giải đáp phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và triển khai cam kết “Giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050”.

Tin mới

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.