Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 08/06/2013 00:08 (GMT+7)

Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải, bèo và rơm rạ: Giải pháp hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp

Hữu ích từ rác thải, bèo và rơm rạ

Hiện nay, ở các địa phương, tình trạng bèo sinh trưởng, phát triển ngày càng nhiều ở các con sông, hồ, mương... làm cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp đang là nỗi lo của chính quyền, người dân. Hàng năm, nhiều địa phương phải chi hàng trăm triệu đồng để trục vớt, thu gom bèo, khơi thông dòng chảy, làm sạch môi trường. Bên cạnh lượng lớn bèo phát sinh, ở các vùng nông thôn, đến mùa thu hoạch lúa, lượng rơm, rạ không được bà con xử lý cũng tương đối lớn. Chính vì thế, thời gian qua Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế (gọi tắt là Trung tâm) đã nghiên cứu phối hợp với thị xã Hương Thủy triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để sản xuất phân bón hữu cơ từ bèo, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác. Năm 2009, mô hình này được ứng dụng thí điểm tại 4 xã, phường của thị xã Hương Thủy: Thủy Thanh, Thủy Vân, Thủy Lương, Thủy Châu-các địa phương có lượng bèo trên các sông, hói tương đối lớn. Ngay khi vào cuộc, Trung tâm tiến hành tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ các dụng cụ và chế phẩm sinh học cho 20 hộ gia đình ở địa bàn tham gia. Kiểm nghiệm quá trình chế biến phân hữu cơ vi sinh tại hộ ông Trương Hinh, một trong những hộ gia đình ở thôn Vân Dương (Thủy Vân) cho thấy, sau gần 2 tháng trộn ủ theo đúng quy trình kỹ thuật của Trung tâm đã cho ra sản phẩm phân hữu cơ sinh học đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng. Với thành phẩm này, ông Hinh đã sử dụng bón cho cây hoa cúc trên diện tích thử nghiệm 1.000m 2. Kết quả, cây sinh trưởng và phát triển tốt, hoa thu hoạch có chất lượng cao, mức độ nhiễm bệnh nhẹ hơn, màu sắc lá và hoa tươi, sáng hơn so với diện tích cây hoa đối chứng không được bón phân hữu cơ vi sinh. Sau khi nhiều nông dân ở thị xã Hương Thủy ứng dụng thành công mô hình này thì ở nhiều địa phương khác điển hình là xã Hương Chữ, huyện Hương Trà đã nhanh chóng áp dụng triển khai dự án “Xử lý rác thải bằng công nghệ vi sinh để làm phân bón hữu cơ” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội tỉnh hỗ trợ. Ứng dụng phương pháp này tại xã Hương Chữ, từ lãnh đạo địa phương đến người dân ai cũng “mê” bởi hiệu quả mà nó đã mang lại. Gia đình anh Lê Đình Mừng (thôn La Chữ) đã qua vụ đầu trồng vườn rau cải bón thử nghiệm phân vi sinh đã thu lại kết quả tốt; những luống rau cải khi bước vào 1 tháng tuổi đã phát triển tốt, lá xanh mơn chẳng thua kém gì trước đây gia đình bón các loại phân khác. Anh thừa nhận với đặc tính dễ làm, nhanh có kết quả, ít tốn kém, có thể áp dụng rộng rãi đối với nhiều loại cây trồng, nên được nhiều hộ dân ở thôn La Chữ hưởng ứng rất cao.

Ông Hà Xuân Quốc, phó chủ tịch Hội Nôngdân huyện Hương Trà, qua theo dõi quá trình sản xuất và việc ứng dụng thành phẩm phân hữu cơ vi sinh ở các hộ dân xã Hương Chữ, cho thấy mô hình đem lại cho người nông dân 2 cái lợi, đó là giải quyết được vấn đề rác thải và tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp để giảm chi phí sản xuất. Từ những thứ bỏ đi, nhưng nhiều hộ dân đã ứng dụng kỹ thuật để chuyển hóa thành phân hữu cơ vi sinh cung cấp cho các gia đình bón cho cây hoa màu. Nhờ thế, nhiều diện tích rau màu phát triển nhanh, phòng trừ được sâu bệnh. Cũng thông qua hoạt động của dự án “Xử lý rác thải bằng công nghệ vi sinh để làm phân bón hữu cơ”, khu chợ thuộc xã Hương Chữ nguyên trước đây rác thải, đồ xú uế vứt bừa bãi, hôi hám làm ô nhiễm môi trường trong khu vực nhưng nay đã được bà con thu gom, phân loại hàng ngày để tập trung làm phân vi sinh chăm bón cho ruộng vườn, mang lại hiệu quả đáng kể.

Cần triển khai nhân rộng

Ông Ngô Văn Cử, cán bộ xã Thủy Vân (Hương Thủy) cho biết, qua theo dõi quá trình sản xuất và việc ứng dụng thành phẩm phân hữu cơ vi sinh của một số hộ dân ở đây đã cho thấy hiệu quả rõ rệt; đặc biệt làm sạch môi trường. Tuy nhiên thực tế, nhiều người dân vẫn chưa mặn mà với việc áp dụng mô hình này vào sản xuất nông nghiệp. Theo lời ông Cử, nếu áp dụng thành phẩm phân này để bón cho cây hoa xem ra khả thi, còn đối với việc ứng dụng đại trà cho các đồng ruộng sẽ rất khó thực hiện. Bởi người nông dân vẫn còn giữ thói quen sử dụng phân hóa học để bón ruộng. Hơn nữa, để làm ra sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh đòi hỏi công cán nhiều, khâu vận chuyển từ nhà đến đồng ruộng phức tạp. Tuy vậy, để đảm bảo phát triển bền vững, việc vận động, khuyến khích người nông dân tham gia nhân rộng mô hình này là rất cần thiết. Bởi, hiện nay, thực trạng môi trường ở khu vực nông thôn đang ở mức báo động. Bên cạnh nguyên nhân ô nhiễm từ nguồn rác thải sinh hoạt phải kể đến việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để bón cho cây trồng và việc xử lý thiếu khoa học các nguồn phế thải trong chăn nuôi của người dân đã làm cho nguồn tài nguyên đất, nước ngày càng bị nhiễm bẩn trầm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân mà còn làm giảm năng suất trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Tuấn, giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ cho hay: “Việc ứng dụng công nghệ chế phẩm vi sinh để xử lý bèo, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ vi sinh, thay thế phân bón hóa học là phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp hiện nay. Mô hình này không chỉ giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường, làm mất cảnh quan ở các sông, hồ, tiết kiệm nguồn chi ngân sách cho việc vớt bèo, xử lý nguồn thải trong sản xuất của địa phương mà còn giúp bà con thay thế phân hóa học, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, hạn chế tình trạng suy thoái chất dinh dưỡng trong đất. Theo ông Trần Tuấn, việc ứng dụng công nghệ này không khó, chỉ cần bỏ công để thu gom rơm bèo, rác thải... còn chế phẩm sinh học để xử lý lại dễ mua, phổ biến trên thị trường. Vấn đề còn lại là các cấp chính quyền, cùng ban, ngành đoàn thể xã hội tuyên truyền vận động và có cơ chế chính sách hỗ trợ để người dân hưởng ứng, triển khai nhân rộng trong sản xuất trồng trọt, góp phần giải quyết môi trường sạch đẹp ở nông thôn.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).
Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.

Tin mới