Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Chủ nhật, 26/02/2012 01:12 (GMT+7)

Quản lý tổng hợp tài nguyên nước nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu

Tài nguyên nước

Nước cũng như không khí là thứ không thể thiếu trong đời sống thường nhật. Khởi thủy, con người đã sử dụng nước và biết cách ứng phó với biến động của TNN. Trải qua lịch sử, loài người đã từng bước hành xử và nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về TNN. Khi TNN còn dồi dào so với mức sử dụng thì các dòng sông còn tự điều chỉnh được trước tác động tiêu cực của con người. Nhưng sự mất cân bằng tự nhiên xảy ra và tăng dần, con người cũng từng bước nhận thức ra nhiều vấn đề về tài nguyên nước, nó được thể hiện trong các chính sách, chiến lược nhằm thích ứng với sự mất cân bằng đó. Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế trở thành yêu cầu của hầu hết các quốc gia trên thế giới làm cho sự cân bằng tự nhiên bị phá vỡ thì nhận thức toàn diện về TNN thực sự nổi lên trong thời đại ngày nay.

Thực trạng bất ổn trong sử dụng nước ngày càng bộc lộ nhiều thách thức đối với nhân loại, hiện đã có 1/3 số quốc gia trên thế giới thiếu nước, đến năm 2025, tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 2/3. Nông nghiệp vẫn là ngành sử dụng nhiều nước nhất với hiệu suất thấp. Hiện tại nhân loại đã có hơn 6 tỷ người sử dụng tới 70-80% lượng nước cho sản xuất lương thực, đến giữa thế kỷ XXI, dân số thế giới được dự báo sẽ là 9 tỷ người, liệu khi đó có đủ nước để sản xuất đủ lương thực cần thiết không ?

Mặt khác, các bệnh lây nhiễm theo đường nước dường như ngày càng trầm trọng hơn, mặc dù đã có những tiến bộ lớn trong y tế dự phòng. Liên hợp quốc cảnh báo, có tới 5 triệu người chết hàng năm do các bệnh lây theo đường nước và thói quen thiếu vệ sinh gây ra, mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Châu Á có 1/3 số dân không có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt, một nửa số dân châu Á không có phương tiện nhà vệ sinh đạt yêu cầu. Trong khi đó, các siêu đô thị bùng phát về số lượng với kết cấu hạ tầng nước và công trình vệ sinh phát triển kém bền vững hơn các châu lục khác.

Nhiều diễn đàn quốc tế đưa ra cảnh báo: “thế giới đã bước vào thời kỳ khủng hoảng về nước”. Trong đó, thế giới thống nhất với nhận định rằng tình trạng khủng hoảng nước không phải do thiếu nước, mà do quản lý yếu kém. Vì vậy, đòi hỏi ngành nước trên thế giới phải tiếp cận một cách tổng quát nhằm quản lý TNN hiệu quả hơn, theo hướng hiện đại, đó là “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước”.

Quản lý tổng hợp tài nguyên nước

Theo Tổ chức quốc tế “Công tác vì nước toàn cầu” (GWP), “Quản lý THTNN là một quá trình đẩy mạnh phối hợp phát triển và quản lý TNN, đất và các tài nguyên liên quan, sao cho tối đa hóa các lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội một cách công bằng mà không phương hại đến tính bền vững của các hệ sinh thái cần thiết”. Khái quát định nghĩa trên bao hàm những ý chính sau:

- Cân bằng giữa 3 vế trong phát triển bền vững: Kinh tế hiệu quả; xã hội công bằng và môi trường lành mạnh.

- Thực hiện 4 nguyên tắc Dublin(do Hội nghị quốc tế Dublin thông qua).

- Tổng hợp trong hệ thống tự nhiên.

- Tổng hợp trong hệ thống con người tại cấp xã hội và lưu vực sông.

Khi nói đến quản lý THTNN, nên tránh hiểu một cách đơn giản rằng, quản lý THTNN chỉ là quản lý nhà nước về TNN hoặc là sử dụng THTNN.

Tổng hợp ở định nghĩa này có nghĩa là:

- Tổng hợp trong hệ thống tự nhiên, đó là tổng hợp giữa nước ngọt và nước ven bờ; giữa đất và nước; giữa nước tự nhiên và nước công trình; giữa nước mặt và nước ngầm; giữa số lượng và chất lượng nước; giữa thượng lưu và hạ lưu.

- Tổng hợp trong hệ thống con người tại các xã hội và lưu vực sông nên nó đòi hỏi một cách nhìn TNN với các lợi ích liên ngành cùng các yếu tố cạnh tranh của nó để thấy cần có vai trò quản lý nhà nước một cách khách quan và thống nhất về TNN. Do công trình nước thường tác động đến kinh tế vĩ mô (vốn lớn xây dựng lâu, di dân phức tạp…) nên phát triển TNN cần được lồng ghép vào các chính sách kinh tế, xã hội và môi trường quốc gia. Hơn mọi ngành khác, cộng đồng xã hội cần được tham gia quản lý vì nước là cuộc sống của mỗi con người.

- Tổ chức quốc tế GWP đã xây dựng khung nội dung về quản lý THTNN gồm 3 yếu tố: Tạo dựng môi trường thuận lợi; xây dựng thể chế thích hợp và tăng cường công cụ quản lý; đồng thời, GWP cụ thể hóa từng yếu tố như sau:

- Tạo môi trường thuận lợi gồm 3 lĩnh vực: Chính sách, cần xây dựng mục tiêu sử dụng, bảo vệ và bảo tồn nước, trong đó xây dựng chính sách quốc gia về TNN và các chính sách liên quan đến TNN; Khung pháp chếlà hệ thống pháp quy để thực hiện chính sách và mục tiêu chủ yếu là quy định quyền sử dụng nước, pháp chế về chất lượng nước và cải cách pháp chế hiện hành; Tài chính và cơ cấu khuyến khích, trong đó chủ yếu là phân bổ tài chính. Cần xác lập chính sách đầu tư, lựa chọn phương án huy động vốn, như: thông qua viện trợ huy động nguồn nội địa hoặc vay vốn từ các tổ chức, ngân hàng quốc tế và huy động vốn qua cổ phiếu…

- Vai trò thể chế gồm hai lĩnh vực: Tạo dựng khung tổ chứclà xây dựng các tổ chức và xác lập các chức năng thực hiện cải cách thể chế ngành nước, lập các tổ chức sông quốc tế, xây dựng hệ thống quản lý nhà nước trung ương, địa phương, lập các tổ chức lưu vực sông, tăng cường các tổ chức dịch vụ nước. Trong thể chế mới, coi trọng vai trò của các tổ chức cộng đồng, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, và tăng cường năng lực, đào tạo giới chuyên nghiệp quản lý nhà nước, chuyên môn kỹ thuật và cộng đồng sử dụng nước.

- Công cụ quản lý gồm 8 lĩnh vực: Đánh giá TNN,cần hiểu rõ ràng về TNN và hệ sinh thái nước, xây dựng các chỉ tiêu quản lý nước, sử dụng mô hình trong quản lý; Quy hoạch TNN và lưu vực sông, kể cả nước ngầm và nước ven bờ. Trong quy hoạch quan tâm đánh giá về môi trường, xã hội và quản lý rủi ro: Quản lý yêu cầuđể sử dụng nước hiệu quả hơn, chú trọng nâng cao hiệu suất sử dụng nước; Công cụ xã hội, thông tin và công khai thông tin để nâng cao nhận thức: đào tạo, tiếp xúc và trao đổi; Xử lý tranh chấp, xây dựng tầm nhìn chung, xây dựng đồng thuận, bảo đảm chia sẻ nguồn nước công bằng, hợp lý; Vận dụng công cụ pháp lý,về số lượng chất lượng nước, dịch vụ nước, kế hoạch sử dụng đất và bảo vệ tự nhiên nhằm phân phối nước và giới hạn sử dụng nước trong phạm vi quy hoạch; Công cụ kinh tế, được sử dụng để khuyến khích sử dụng nước hiệu quả và công bằng, gồm các công cụ như định giá nước và và giá dịch vụ nước, các loại phí, giấy phép chuyển nhượng…; Quản lý và trao đổi thông tin,xây dựng hệ thống thông tin, chia sẻ thông tin.

Quá trình hình thành chức năng quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam

Ngay từ năm 1976, Bộ Thủy lợi đã bắt đầu nghiên cứu quản lý nước, thành lập Viện Quy hoạch và quản lý nước. 1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định xác lập chức năng quản lý TNN thuộc Bộ Thủy lợi và quyết định thành lập Cục quản lý nước và công trình thủy lợi. Năm 1995, Bộ Thủy lợi sát nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên đã phân tán về nhận thức trong hành động về quản lý TNN.

Sau 25 năm đổi mới nền kinh tế đất nước đã đạt được những thành công, nhưng nó cũng bộc lộ nhiều thách thức, trong đó có thể gọi là “vấn nạn về vấn đề nước”.Với quá trình hội nhập, những kiến thức về quản lý THTNN mà quốc tế chuyển giao vào Việt Nam đã hình thành nhận thức ngày một đầy đủ hơn về vấn đề nước nên chúng ta đã từng bước xây dựng chức năng quản lý TNN một cách bài bản hơn. Năm 1998, Luật TNN được ban hành, đã pháp chế hóa chức năng quản lý TNN và giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện. Tuy nhiên, với chức năng lớn được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng lại không thành lập Cục Quản lý TNN tách khỏi Cục quản lý các công trình thủy lợi. Năm 2002, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập và chức năng quản lý TNN được chuyển sang Bộ Tài nguyên và Môi trường. Năm 2003, Chính phủ cụ thể hóa chức năng quản lý TNN cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng lại giao chức năng quản lý lưu vực sông cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến năm 2008, Chính phủ mới giao chức năng quản lý lưu vực sông cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, như vậy đã tách chức năng quản lý TNN ra khỏi chức năng khai thác sử dụng nước và thực hiện quản lý nhà nước thống nhất về TNN.

Với việc tách chức năng nói trên, đã hình thành ngành nước ở Việt Nam là một liên ngành với các thành phần kinh tế và xã hội đặc thù, bao gồm:

+ Quản lý nhà nước: Một bộ/ngành quản lý thống nhất TNN quốc gia; nhiều bộ/ngành khai thác và sử dụng nước.

+ Tổ chức tư vấn và hỗ trợ quản lý nhà nước: Hội đồng quốc gia TNN và các tổ chức lưu vực sông.

+ Các cơ quan và tổ chức sự nghiệp về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, xã hội, tài chính.

+ Tổ chức dịch vụ nước/doanh nghiệp đầu tư trong ngành nước.

+ Tổ chức cộng đồng người dùng nước.

+ Tổ chức Phi Chính phủ, các đoàn thể quần chúng, giới truyền thông.

Sự chuyển giao và tiếp nhận quản lý THTNN đã diễn ra với tất cả các thành phần trong ngành nước, đánh dấu bằng cuộc hội thảo quốc gia vào năm 1998.

Năm 1998, Luật Tài nguyên nước được ban hành đánh dấu một sự kiện quan trọng của ngành nước Việt Nam , nội dung Luật đã phản ánh rõ nhận thức và tình hình ngành nước ở nước ta. Song, Luật Tài nguyên nước chưa có định nghĩa chính thức về về Quản lý THTNN nhưng do nhu cầu của bản thân ngành nước, Luật Tài nguyên nước đã có một số quy định phù hợp với quản lý THTNN. Sau hơn 10 năm thực thi Luật, do nhận thức được nâng cao, nên sự vận dụng quản lý THTNN đã được phản ánh từng bước trong các văn bản dưới luật về TNN, cũng như trong Chiến lược quốc gia về TNN.

Chiến lược quốc gia về TNN quốc gia ra đời năm 2006 là chiến lược đầu tiên về TNN ở nước ta. Trước đó, chỉ có kế hoạch phát triển dài hạn của ngành khai thác, sử dụng nước. Chiến lược TNN đã đưa vào nhiều nội dung phù hợp với quản lý THTNN. Tuy nhiên, Chiến lược TNN được phê duyệt trong bối cảnh quản lý nhà nước về TNN còn phân tán như đã phân tích ở trên. Do vậy, Chiến lược này cũng còn một số thiếu sót, điển hình như chưa đề cập đến quản lý lưu vực sông; chương trình ưu tiên của chiến lược vẫn thực hiện riêng rẽ; sự liên kết trong ngành nước còn yếu. Tuy nhiên, Chiến lược TNN sẽ được xem xét điều chỉnh định kỳ. Theo đó, các yếu tố mới được nảy sinh sẽ được kiến nghị điều chỉnh bổ sung như TNN với vệ sinh (thể hiện sự quan tâm của quản lý TNN với sức khỏe con người) và TNN thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc cải cách ngành nước theo hướng quản lý THTNN.

Việt Nam đã qua hơn 10 năm tiếp cận với quản lý THTNN, cũng phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức, đã nhận thức và tiếp nhận để từng bước vận dụng trong quá trình thực hành. Quá trình đó bắt đầu từ giới kỹ thuật và xã hội, dần dần mở rộng sang giới kinh tế, chính trị và các nhà hoạch định chính sách. Đến nay, đã có nhiều văn bản pháp luật về TNN thể hiện được một số nội dung và nguyên tắc phù hợp với quản lý THTNN, nhưng trong thực thi còn nhiều yếu kém, chưa đạt hiệu quả mong muốn. Vì vậy, đẩy mạnh đổi mới về thể chế, cơ chế, chính sách đang được thực hiện trong cải cách ngành nước mà triển vọng ứng dụng quản lý THTNN sẽ được thể hiện trong sự nghiệp quản lý lưu vực sông đang được tiến hành sao cho có hiệu quả, mamg tính quyết định tiến trình đổi mới ngành nước ở nước ta.

Gợi ý một số giải pháp

Để tiến hành đồng bộ đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với quản lý THTNN, cần những giải pháp đồng bộ và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam .

Thứ nhất, cần bổ sung, sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 1998.Trước tiên phải đưa định nghĩa chính thức về “Quản lý THTNN” vào Luật, tiếp đến cần bổ sung về đối tượng điều chỉnh của Luật, đó là:

- Luật hiện hành nói không rõ về “Dòng sông và vật thể nước tự nhiên”nên dòng sông hiện đang chịu sự điều chỉnh của các luật/pháp lệnh về đất đai, khoáng sản, giao thông thủy, đê điều và phòng, chống lũ lụt, nhưng chưa có văn bản pháp luật nào đưa ra điều chỉnh đầy đủ, thống nhất về dòng sông ở nước ta.

- Luật hiện hành nói về “nước ven bờ và biển”, nhưng chủ yếu nói về “nước ngọt nội địa”,cần bổ sung các loại nước, như nước lợ, nước mặn…

- Luật hiện hành nói về “lưu vực sông, hồ chứa, dịch vụ nước”nhưng không coi là đối tượng điều chỉnh của Luật (như hồ chứa mới chỉ liên quan đến phòng, chống lũ lụt, dịch vụ nước chỉ điều chỉnh ở văn bản dưới luật trong lĩnh vực khai thác sử dụng nước).

- Luật hiện hành mới chỉ quan tâm đến nhân dân và đại diện là các đoàn thể quàn chúng, cần nói rõ người dùng nước và họ là người chịu sự điều chỉnh của Luật.

- Cần bổ sung các chế tài để nâng cao hiệu lực pháp chế trong quản lý TNN.

Thứ hai, đổi mới chính sách về TNN và nước. Trong những năm qua, chính sách TNN và nước được từng bước đổi mới, thể hiện trong văn bản Chiến lược quốc gia về TNN và các chính sách về: cấp phép sử dụng nước, thải nước; quản lý và trao đổi thông tin TNN; quản lý hồ chứa và dòng chảy tối thiểu… Tuy nhiên, thực thi sự đổi mới này chưa đạt kết quả mong đợi.

Cùng với những đổi mới và thúc đẩy những chính sách trên thực thi có hiệu quả, cần đổi mới chính sách quan trọng hàng đầu trong ngành nước, đó là chính sách tài chính, liên quan đến luật về sở hữu nước. Chính sách hiện hành quy định TNN thuộc sở hữu toàn dân, nhưng không phân biệt rõ TNN tự nhiên và nước công trình là hàng hóa thuộc sở hữu người khai thác và sử dụng.

Trong Chiến lược TNN quốc gia đã đề xuất xã hội hóa dịch vụ nước như một chính sách tài chính về nước, cần cụ thể hóa về việc Nhà nước trợ cấp cho nông dân mức thủy lợi phí bao nhiêu, còn các doanh nghiệp quản lý thủy nông vẫn phải tiến tới tự chủ về tài chính, trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả của chính sách miễn giảm thủy lợi phí trong nông nghiệp.

Khái niệm dịch vụ công (khác với bao cấp và khác với kinh doanh) trong ngành nước chưa được vận dụng. Tuy nhiên, ngành cấp nước đô thị đã vận dụng “nước là hàng hóa kinh tế”thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ về giá nước cấp, phí nước thải/môi trường và tổ chức dịch vụ nước được người sử dụng chấp nhận.

Một chính sách quan trọng khác cũng cần đổi mới, đó là chính sách đầu tư cho ngành nước. Thực tế, mức đầu tư cho ngành nước là khá lớn nhưng mức đầu tư cho xử lý ô nhiễm nước lại quá thấp. Nguồn vốn huy động cho đầu tư chủ yếu từ ngân sách và ODA, chưa huy động được các nguồn vốn khác và tiếp cận với thị trường. Mặt khác, tiếp cận với công cụ kinh tế và các yếu tố thị trường trong quản lý nước (vận dụng công cụ kinh tế trong quản lý môi trường) là những yếu tố mới chưa được sử dụng để nâng cao hiệu quả quản lý TNN.

Thứ ba, cải cách thể chế trong quản lý TNN.Chức năng và tổ chức quản lý TNN đã được xác lập tách khỏi chức năng quản lý và khai thác sử dụng nước, thể hiện các tổ chức đặc thù của ngành nước như Hội đồng quốc gia TNN, Ủy ban sông Mê Kông quốc gia đều đang vận hành có kết quả. Điều quan trọng hiện nay là tăng cường hiệu lực các thể chế đã được ban hành và tiếp tục tăng cường năng lực cho ngành nước.

Thể chế mới là Tổ chức quản lý lưu vực sông thay cho quy định trong luật hiện hành là Tổ chức quản lý quy hoạch lưu vực sông (Nghị định số 120/2008/ND-CP) đã và đang được cụ thể hóa thành cơ chế, cần được quan tâm để tổ chức quản lý và vận hành có hiệu quả, bởi chỉ có quản lý ở cấp lưu vực sông mới thể hiện được quản lý THTNN một cách đồng bộ và hài hòa giữa TNN và môi trường, giữa các dạng sử dụng nước với thải nước và có điều kiện cân bằng lợi ích và trách nhiệm giữa các bên. Điều này đòi hỏi cần thực hiện đầy đủ nội dung quy hoạch lưu vực sông để phục vụ quản lý lưu vực sông nhằm đạt được các mục tiêu: Phân phối tài nguyên nước về số lượng, bảo vệ TNN về chất lượng; phòng chống tác hại do nước gây ra và cân bằng lợi ích trên cả ba mặt kinh tế - xã hội - môi trường./.

Xem Thêm

Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.
Hà Tĩnh: Hội thảo khoa học về Hoàng giáp Lê Tuấn
Sáng 16/3, Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh (Thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh) và UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với dòng họ Lê ở Kỳ Anh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Hơn 100 nhà khoa học cùng giải bài toán ô nhiễm tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau tìm ra lời giải đáp phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và triển khai cam kết “Giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050”.

Tin mới

Góp ý dự thảo các đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Chiều ngày 28/3 tại Hà Nội, Đảng đoàn phối hợp với Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025), Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.