Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 24/02/2012 21:58 (GMT+7)

Nhận thức về quyền tư pháp ở Việt Nam

1. Sử dụng thuật ngữ quyền tư pháp trong ngôn ngữ phổ thông

Trong thuật ngữ quyền tư pháp, trọng tâm được đặt vào “tư pháp” nên quyền tư pháp có lẽ cần được giải thích từ khái niệm tư pháp.

Về khái niệm tư pháp, trong khoa học pháp lý cũng như thực tiễn đời sống chính trị-pháp luật ở Việt Nam đang tồn tại khá nhiều cách hiểu khác nhau. Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam , thuật ngữ tư pháp được giải thích ở nghĩa rất rộng. Theo đó, tư pháp là “khái niệm dùng để chỉ các cơ quan tòa án, việc xét xử các hành vi vi phạm pháp luật và các vụ kiện tụng trong nhân dân, hoạt động của các cơ quan điều tra, kiểm sát, truy tố, xét xử và thi hành án”. Khái niệm tư pháp như vậy chưa thật chuẩn xác, bởi nó vừa chỉ chủ thể (các cơ quan tòa án), vừa chỉ hoạt động xét xử của cơ quan đó và hoạt động của các cơ quan khác như cơ quan điều tra, kiểm sát, truy tố, xét xử và thi hành án.

Hẹp hơn nhận thức trên, thuật ngữ “tư pháp” trong cuốn Từ điển Luật học được định nghĩa là công việc tổ chức giữ gìn, bảo vệ pháp luật.

Trong ngôn ngữ hàng ngày, quyền tư pháp thường được sử dụng đồng nghĩa với quyền lực tư pháp. Thuật ngữ quyền tư pháp được dùng như là cách nói ngắn gọn của quyền lực tư pháp.

Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam , quyền tư pháp được giải nghĩa là một trong ba bộ phận của quyền lực nhà nước: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Quyền tư pháp thuộc về tòa án. Ở Việt Nam , quyền tư pháp thuộc tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân.

2. Quyền tư pháp trong khoa học pháp lý

Trong khoa học pháp lý, tư pháp cũng được hiểu và trình bày khác nhau. Có người hiểu tư pháp theo nghĩa hẹp chỉ là việc xét xử về các hành vi phạm pháp và các vụ kiện tung tranh chấp của các chủ thể và công dân theo pháp luật. Cùng với nhận thức đó, cơ quan tư pháp được xem là các cơ quan có thẩm quyền xét xử, tức là tòa án. Trong khi đó có ý kiến khác lại cho rằng, quan niệm như vậy về tư pháp là hẹp, chưa đầy đủ và cần phải mở rộng.

Tương tự như trong nhận thức về tư pháp, quyền tư pháp cũng được hiểu và trình bày rất khác nhau. Về định nghĩa quyền tư pháp, tựu chung lại ở nước ta có các cách tiếp cận và nhóm quan điểm, nhận thức sau đây:

2.1. Nhóm quan điểm tiếp cận quyền tư pháp từ phương diện chủ thể thực thi quyền tư pháp

Ở cách tiếp cận này, có năm mức độ đề cập khác nhau về quyền tư pháp.

Ở cấp độ thứ nhất(quyền tư pháp theo nghĩa rộng nhất), có nhà khoa học cho rằng, quyền tư pháp được thực hiện bởi hệ thống các cơ quan tư pháp và cơ quan tư pháp được hiểu rất rộng, ngoài cơ quan xét xử (tòa án nhân dân), cơ quan điều tra, cơ quan công tố và cơ quan hay tổ chức hỗ trợ tư pháp còn có Bộ Tư pháp, Thanh tra nhà nước v.v…

Ở cấp độ thứ hai(quyền tư pháp nghĩa rộng), quyền tư pháp được hiểu là hoạt động xét xử của tòa án và những hoạt động của các cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức khác trực tiếp liên quan đến hoạt động xét xử của tòa án, nhằm bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, pháp chế, trật tự pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước và xã hội. Trong quan niệm này, quyền tư pháp được thực hiện không chỉ bởi cơ quan xét xử (tòa án) mà cả cơ quan, tổ chức khác. Các cơ quan, tổ chức này có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, bảo đảm cho phán quyết của tòa án được chính xác, khách quan. Phù hợp với nhận thức như vậy, cơ quan tư pháp cũng được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm: Tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan điều tra và các cơ quan, tổ chức trợ giúp tư pháp như: luật sư, công chứng, giám định, tư vấn pháp luật … Tuy nhiên, trong định nghĩa về quyền tư pháp và cơ quan tư pháp ở trên không thấy các tác giả nói đến hoạt động và cơ quan thi hành án.

Từ hai cấp độ quan niệm nói trên về quyền tư pháp, chúng ta có thể thấy:

- Quyền tư pháp theo cách hiểu trên được thực hiện không chỉ thông qua hoạt động xét xử mà cả các hoạt động khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động xét xử hoặc phục vụ cho hoạt động xét xử như hoạt động điều tra, truy tố, bổ trợ tư pháp. Trong các hoạt động trên của quyền tư pháp, quyền xét xử đóng vai trò trung tâm.

- Nhận thức về quyền tư pháp như trên rộng về phương diện chủ thể, nhưng hẹp về phương diện chức năng. Trong nhận thức đó mới chỉ nói tới chức năng và thẩm quyền xét xử của tòa án, chưa thừa nhận thẩm quyền nhiều mặt của cơ quan này. Ở nhiều quốc gia, ngoài hoạt động xét xử, tòa án còn thực hiện nhiều hoạt động khác như kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cử của các quyết định và hoạt động của các cơ quan nhà nước và của những người có chức vụ, quyền hạn; giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật…

- Nhận thức về quyền tư pháp theo phương diện chủ thể thực thi quyền tư pháp dựa trên và phù hợp với tư tưởng của các nhà kinh điển Macxit về phân công thực hiện quyền lực nhà nước. Nhưng nếu xếp các cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, Bộ Tư pháp và thanh tra vào cơ quan tư pháp thì sẽ không phân biệt được rõ ràng chức năng hành pháp và chức năng tư pháp. Các cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, Bộ Tư pháp, thanh tra về bản chất là cơ quan hành pháp.

- Trong quan niệm nói trên về quyền tư pháp, không chỉ các cơ quan nhà nước mà cả các tổ chức không phải cơ quan nhà nước, chẳng hạn như các tổ chức bổ trợ tư pháp hoạt động theo pháp luật, cũng tham gia vào việc thực hiện quyền tư pháp. Nếu thế thì quyền tư pháp không còn được hiểu như là một loại quyền lực nguyên nghĩa trong quyền lực nhà nước, bởi trong quan niệm đang được đề cập ở đây có sự xã hội hóa trong thực hiện quyền lực nhà nước.

- Trong nhận thức nói trên về quyền tư pháp, mục tiêu và mục đích hoạt động của chủ thể được xem như là tiêu chí chủ yếu để phân nhóm cơ quan tư pháp. Theo đó, các cơ quan, tổ chức nào thông qua hoạt động của nó trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm pháp chế, trật tự pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của nhà nước và xã hội được xem là cơ quan tư pháp.

Ở cấp độ thứ ba, (quyền tư pháp nghĩa chung), những người đại diện coi quyền tư pháp là tập hợp những việc làm cụ thể do cơ quan tư pháp thực hiện trong tố tụng tư pháp, liên quan trực tiếp đến việc giải quyết các vụ án, các tranh chấp pháp luật và hướng tới mục đích giải quyết các vụ án, tranh chấp một cách đúng đắn, khách quan. Phù hợp với quan niệm này, hoạt động tư pháp bao gồm hoạt động điều tra của cơ quan điều tra, hoạt động công tố của viện kiểm sát và hoạt động xét xử của tòa án. Tuy các cơ quan bổ trợ tư pháp như cơ quan công chứng, giám định, bào chữa v.v… tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp hoặc giải quyết vụ án, nhưng hoạt động của các cơ quan này không mang tính tư pháp mà chỉ góp phần giúp cho việc giải quyết vụ án, giải quyết các tranh chấp pháp luật được đúng đắn, khách quan khi có yêu cầu từ phía cơ quan tiến hành tố tụng hoặc từ phía người tham gia tố tụng.

Cũng theo hướng không coi bổ trợ tư pháp thuộc phạm vi của quyền tư pháp, nhưng mở rộng hơn đối với hoạt động thi hành án, PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn định nghĩa quyền tư pháp là quyền lực nhà nước trao cho các cơ quan tư pháp để tiến hành các hoạt động: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm duy trì và bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân.

Trong nhận thức trên, quyền tư pháp được xác định là một loại quyền lực nhà nước. Do vậy việc tổ chức thực thi loại quyền lực này phải được thực hiện bởi những cơ quan nhà nước. Trong thực hiện quyền tư pháp là các cơ quan được giao thẩm quyền xác định tính đúng pháp luật của một sự kiện pháp lý xảy ra. Quyền tư pháp luôn phải gắn và được thể hiện thông qua việc giải quyết vụ án, giải quyết các tranh chấp pháp luật. Quá trình thực thi quyền tư pháp là quá trình tìm kiếm và xác định xem sự kiện xảy ra có đúng pháp luật hay không. Khi phát hiện được hành vi không đúng pháp luật thì xác định trách nhiệm pháp lý áp dụng với chủ thể vi phạm

Tòa án được coi và trở thành biểu tượng cho người dân vào công lý của nhà nước. Xét xử là khâu trung tâm của quá trình thực thi quyền tư pháp. Cùng với đó, tòa án là cơ quan đại diện trung tâm và đầy đủ nhất của quyền tư pháp. Không có cơ quan nào trong hệ thống quyền lực nhà nước có thể đảm nhiệm đầy đủ nhiệm vụ bảo vệ pháp luật và khôi phục các quyền đã bị xâm phạm như tòa án. Xét xử là khâu trung tâm của quyền tư pháp bởi lẽ, dù áp dụng mô hình tố tụng là thẩm vấn hay tranh tụng thì đều thừa nhận nguyên tắc chỉ có các chứng cứ được thẩm tra công khai tại phiên tòa mới có giá trị chứng minh và cũng chỉ thông qua việc xét xử tại phiên tòa, tòa án mới ra phán quyết kết luận về bản chất pháp lý của vụ việc là đúng hay sai, là tội phạm hay không phải tội phạm, quyết định các biện pháp chế tài áp dụng. Song, xuất phát từ nguyên tắc, từ yêu cầu đảm bảo tính khách quan, bảo đảm sự độc lập của tòa án nên dù là tư pháp hình sự hay tư pháp dân sự, tòa án cũng không thể tự mình làm phát sinh chức năng tố tụng của mình-chức năng xét xử. Để chức năng xét xử của tòa án vận hành được và thủ tục tố tụng tư pháp tại tòa án được tiến hành thì phải có các hoạt động tố tụng tư pháp được tiến hành trước đó (đó là hoạt động điều tra của cơ quan điều tra,hoạt động truy tố của viện kiếm sát). Trong các vụ án hình sự, các hoạt động điều tra, truy tố là tiền đề dẫn đến tố tụng tòa án. Không có các hoạt động điều tra, hoạt động truy tố thì tố tụng tòa án đối với các vụ án hình sự không được mở ra.

Tuy nhiên, trong quan niệm về quyền tư pháp theo nghĩa ở trên có vấn đề cần trao đổi là, sự tham gia của cơ quan điều tra và cơ quan công tố vào việc giải quyết vụ án chỉ cần thiết đối với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong các vụ án phi hình sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự nên cơ quan điều tra và cơ quan công tố dường như không có vai trò.

Ở cấp độ thứ tư(quyền tư pháp theo nghĩa hẹp), quyền tư pháp được giới hạn trong hoạt động của tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân.

Ở cấp độ thứ năm(quyền tư pháp theo nghĩa hẹp nhất). Ở nghĩa hẹp nhất, một số nhà khoa học hiểu tư pháp là một lĩnh vực quyền lực nhà nước, được thực hiện thông qua hoạt động xét xử. Những người hiểu quyền tư pháp theo nghĩa hẹp nhất lập luận rằng, quyền tư pháp là lĩnh vực quyền lực nhà nước được thực hiện thông qua hoạt động phân xử và phán xét tính đúng đắn, tính hợp pháp của các hành vi, các quyết định pháp luật khi có sự tranh chấp về các quyền và lợi ích giữa các chủ thể pháp luật. Với cách hiểu này, chủ thể thực hiện quyền tư pháp chỉ là tòa án và hoạt động tư pháp chỉ là hoạt động xét xử. Nói đến tư pháp là nói đến hoạt động xét xử và được thực hiện chỉ bởi tòa án. Trong không ít trường hợp, người ta còn hiểu quyền tư pháp là xét xử và ngược lại. GS.TS. Võ Khánh Vinh định nghĩa, quyền tư pháp là khả năng và năng lực riêng có của các cơ quan tòa án chiếm vị trí đặc biệt trong bộ máy nhà nước thực hiện để tác động đến hành vi của con người, đến các quá trình xã hội. Nhận thức như vậy về quyền tư pháp và giới hạn của nó trong hoạt động xét xử của tòa án gần với quan niệm phổ biến về quyền tư pháp ở nhiều nước phương Tây.

2.2. Nhóm quan điểm tiếp cận quyền tư pháp từ phương diện chức năng và giới hạn quyền tư pháp chỉ trong hoạt động của tòa án

Một số nhà khoa học trong lĩnh vực tư pháp hiểu quyền tư pháp là một trong những phạm vi, lĩnh vực của quyền lực nhà nước, được thực hiện chỉ bởi một cơ quan là tòa án, nhưng có mức độ nhận thức khác nhau về thẩm quyền của cơ quan này.

Ở cấp độ thứ nhất: Có người xem quyền tư pháp như một nhánh quyền lực độc lập tương đối so với quyền lập pháp và quyền hành pháp. Trong nhóm quan điểm này cho thấy, nhận thức về quyền tư pháp có những hạt nhân của lý thuyết phân quyền. Theo đó, quyền tư pháp được xem như là một nhánh quyền độc lập với hai nhánh quyền lực còn lại (quyền lập pháp và quyền hành pháp) và độc lập với chính trị. Đồng thời, quyền tư pháp kiểm soát và giới hạn hai nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp trên cơ sở hiến pháp và pháp luật. Ở đây quyền lực tư pháp phải được xem như biểu tượng của công lý. Để đảm bảo yêu cầu này, cần thiết lập quyền giám sát tư pháp đối với nhánh lập pháp và hành pháp. Trong quan niệm này tòa án có thẩm quyền giải quyết tất cả các loại tranh chấp, chứ không chỉ giới hạn trong trong thẩm quyền như quy định trong Bộ Luật Tố tụng Dân sự.

Cũng trong hướng thừa nhận thẩm quyền rộng của tòa án, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, mặc dù về nội dung quyền tư pháp gần giống với xét xử, nhưng quyền tư pháp không thể đồng nhất với xét xử và không nên quy quyền tư pháp về một loại hoạt động xét xử nào đó của tòa án. Xét xử là thẩm quyền riêng của tòa án, nhưng không phải là thẩm quyền duy nhất của tòa án. Ngoài xét xử, tòa án còn có thẩm quyền kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của các quyết định và hoạt động của các cơ quan nhà nước và của những người có chức vụ, quyền hạn; bảo đảm việc thi hành và chấp hành các bản án, các quyết định khác; giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật hiện hành về những vấn đề về thực tiễn xét xử; tham gia vào quá trình hình thành đội ngũ thẩm phán. Các thẩm quyền nói trên không thuộc phạm trù xét xử hoặc là các yếu tố bổ trợ của thẩm quyền xét xử.

Ở cấp độ thứ hai: Khác với quan niệm nói trên, nhiều nhà khoa học giới hạn quyền tư pháp chỉ trong và thông qua hoạt động xét xử của tòa án. Quyền tư pháp do các tòa án thực hiện. Nói đến quyền tư pháp là liên tưởng đến hoạt động hay quyền xét xử của tòa án. Quan niệm rộng về các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp sẽ dẫn đến sự thiếu chuẩn xác trong việc đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ đối với việc thực hiện các chức năng trong quá trình tố tụng cũng như bảo đảm vị trí pháp lý đầy đủ cho các cơ quan khác nhau.

Khái quát các nhận thức nêu trên về quyền tư pháp để thấy rằng, ở nước ta cho đến nay không có một khái niệm hay định nghĩa thống nhất về quyền tư pháp. Sự khác nhau trong nhận thức về quyền tư pháp là do sự khác nhau trong góc độ và mức độ tiếp cận nghiên cứu về quyền này. Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc chưa quan tâm nghiên cứu một cách đúng mức lý luận về quyền tư pháp và cùng với đó là chưa có nhận thức đầy đủ về quyền tư pháp là do trong hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có các quy định mang tính hiến pháp thừa nhận hoặc coi quyền tư pháp như là một loại quyền tự chủ, độc lập của quyền lực nhà nước.

Chúng tôi cho rằng, trong nghiên cứu và đề cập về quyền tư pháp cần xem quyền tư pháp là một bộ phận, một nội dung của quyền lực nhà nước và đặt nó trong phạm vi và phạm trù quyền lực nhà nước. Lý thuyết về quyền tư pháp phải được xây dựng trên nền tảng lý luận về quyền lực nhà nước, về tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước là thống nhất và gắn với chủ quyền quốc gia. Dó đó, việc tổ chức và thực hiện quyền tư pháp không thể thoát ly và phá vỡ sự thống nhất này của quyền lực nhà nước.

Quyền lực nhà nước được cấu thành và tổ chức theo ba phương diện và ba chức năng: đặt ra thể chế (xây dựng pháp luật để cai trị hay lập pháp), tổ chức thực hiện pháp luật đó (hành pháp) và duy trì, bảo vệ trật tự pháp luật đó (tư pháp). Pháp luật là hình thức phản ánh và ghi nhận ý chí của nhà nước (cụ thể là của giai cấp thống trị) là phương tiện để Nhà nước quản lý xã hội và cũng là khung giới hạn quyền lực và hành động của Nhà nước. Pháp luật trên thực tế không phải lúc nào cũng và luôn luôn được các chủ thể mà nó điều chỉnh tôn trọng và thực hiện, do đó cần phải có một cơ quan/hệ thống cơ quan có đủ thẩm quyền (quyền lực) duy trì hiệu lực của pháp luật. Như vậy, quyền tư pháp là một loại quyền không thể thiếu được trong bất cứ nhà nước nào. Quyền tư pháp giám sát việc tuân thủ pháp luật. Quyền tư pháp gắn với chức năng duy trì, bảo vệ trật tự nhà nước, trật tự pháp luật và tất nhiên nó cũng phải được tổ chức trên cơ sở của pháp luật và vận hành trong khuôn khổ pháp luật. Nói đến quyền tư pháp là nói đến chức năng và nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh hoặc hình thành từ pháp luật (chẳng hạn từ các nguyên tắc của pháp luật). Tuy nhiên, quyền tư pháp không chỉ phán xét tính hợp pháp của hành vi của những người tham gia các quan hệ xã hội, mà còn phán xét cả tính hợp pháp của chính các đạo luật, của các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Quyền tư pháp có trọng tâm là hoạt động xét xử, nhưng nó không đồng nhất với khái niệm quyền tài phán. Quyền tài phán có nghĩa là tổng thể những quyền hạn của tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước về việc đánh giá khía cạnh pháp lý của những sự kiện cụ thể, trong đó có việc giải quyết những tranh chấp và áp dụng những chế tài theo luật định. Với cách hiểu như vậy không chỉ các tòa án mà các cơ quan hành chính nhà nước cũng có quyền tài phán.

Quyền tư pháp mang tính giai cấp, bởi nó bảo vệ pháp luật, tức là bảo vệ ý chí của giai cấp thống trị. Trong các Nhà nước bóc lột, giai cấp thống trị là giai cấp có tiềm lực kinh tế, nắm giữ các phương tiện lao động chủ yếu và là giai cấp thống trị về kinh tế. Quyền tư pháp bảo vệ lợi ích của nhóm người đó. Trong Nhà nước xã hội chủ nghĩa, người chủ xã hội là những người lao động, chiếm số đông trong xã hội. Nhà nước đó do giai cấp công nhân và lực lượng lao động hình thành, tổ chức và cai trị. Quyền tư pháp phục vụ cho lợi ích của số đông đó. Trong Nhà nước đó, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Như vậy suy cho cùng quyền tư pháp trong nhà nước xã hội chủ nghĩa bảo vệ quyền lực của nhân dân, phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Bảo vệ lợi ích của nhân dân là tiêu chí đánh giá hiệu quả tổ chức và hoạt động của bộ máy thực hiện quyền tư pháp. Quyền lập pháp, quyền hành pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân cũng có mục đích tự thân là phục vụ và bảo vệ lợi ích nhân dân, nhưng với phương thức và cách thức khác với cách mà quyền tư pháp thể hiện. Quyền lập pháp ghi nhận lợi ích nhân dân, trong đó có quyền con người, quyền công dân; quyền hành pháp tổ chức thực hiện các quy định đó và hiện thực hóa nó. Quyền tư pháp bảo vệ lợi ích nhân dân bằng cách phán xét hành vi của cá nhân (công dân, nhóm công dân, công chức, viên chức) hay tổ chức (trong đó có cả cơ quan nhà nước) có hợp pháp hay vi phạm pháp luật. Khi có đủ căn cứ (theo pháp luật) xác định có vi phạm pháp luật thì áp dụng các chế tài và biện pháp trừng phạt. Với hoạt động đặc thù và vai trò nổi trội đó của quyền tư pháp mà không ít người cho rằng, chỉ có cơ quan tư pháp (chủ thể thực hiện quyền tư pháp) mới là người bảo vệ quyền lợi của họ. Trong việc duy trì và bảo vệ pháp luật, đôi khi các cơ quan hay cán bộ tư pháp phải đối mặt với sự vi phạm từ chính các công chức nhà nước, của cơ quan hay người thi hành công vụ đại diện cho quyền lập pháp, quyền hành pháp và thậm chí của quyền tư pháp. Như vậy, để thực hiện được chức năng và nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp và người làm công tác tư pháp phải có đủ thẩm quyền và được bảo đảm sự độc lập trong thực thi nhiệm vụ của mình.

Quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân có chức năng và nhiệm vụ chính là bảo vệ lợi ích nhân dân nên quyền tư pháp phải được tổ chức thành bộ máy với những cơ quan, con người và thủ tục sao cho người dân dễ sử dụng bộ máy đó để bảo vệ quyền lợi của họ. Ở đây có hàng loạt yêu cầu và đòi hỏi đặt ra như quyền tiếp cận công lý của người dân cần được chú ý; thủ tục tư pháp đơn giản, thuận tiện, ít tốn kém; cán bộ tư pháp chuyên nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp. Khả năng đáp ứng các yêu cầu này của nền tư pháp cũng chính là những tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả và vai trò của quyền tư pháp.

Pháp luật được bảo vệ bởi nhiều cơ quan và bằng nhiều phương thức khác nhau, trong đó có việc cơ quan bảo vệ pháp luật xác định hành vi vi phạm pháp luật và áp dụng chế tài đối với người vi phạm. Trong hoạt động bảo vệ pháp luật có một chuỗi các hành vi, hành động do các cơ quan bảo vệ pháp luật, người thi hành công vụ và người tham gia quan hệ tố tụng tư pháp tiến hành. Quyền tư pháp được thực hiện bởi cơ quan tư pháp. Hoạt động tư pháp là hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc duy trì và bảo vệ công lý và trật tự pháp luật. Trên thực tế, quyền tư pháp thường chỉ được thực thi khi trật tự pháp luật bị đe dọa hoặc quyền lợi theo pháp luật của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm. Tuy nhiên, mức độ tham gia của các cơ quan tư pháp vào các quan hệ tố tụng tùy thuộc vào tính chất vụ việc. Trong các vụ án phi hình sự, sự tham gia của cơ quan điều tra và cơ quan công tố thường rất hạn chế. Quan hệ tố tụng trong các vụ án phi hình sự thường phát sinh trên cơ sở hành vi khởi kiện hoặc yêu cầu của đương sự (tổ chức, cá nhân) giả thiết có quyền, lợi ích bị xâm phạm. Trong trường hợp này tòa án thụ lý đơn kiện (khi có đủ điều kiện thụ lý) và là cơ quan duy nhất nhân danh Nhà nước và đại diện cho quyền lực Nhà nước thực thi quyền tư pháp. Việc công an tư pháp tham gia bảo vệ phên tòa không phản ánh và có nghĩa là có sự tham gia của cơ quan công an trong thực thi quyền tư pháp. Trong quá trình giải quyết vụ án, khi cần đến sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác như giám định, phiên dịch thì tòa án sẽ yêu cầu các chủ thể này tham gia. Trong các vụ án hình sự, ngoài tòa án còn có và cần có sự tham gia của các cơ quan nhà nước khác như cơ quan điều tra (của lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân), cơ quan công tố. Các hoạt động điều tra, truy tố là những hoạt động phục vụ hoặc liên quan trực tiếp tới hoạt động xét xử. Sự tham gia của các cơ quan điều tra và công tố trong việc thực thi quyền tư pháp là cần thiết, bởi một mình tòa án không thể tiến hành toàn bộ các hoạt động từ tìm chứng cứ, xác minh, đánh giá chứng cứ đến xét xử. Trên thế giới cũng không có nước nào tổ chức hệ thống tòa án với tất cả chức năng và nhiệm vụ đó. Trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, các cơ quan điều tra, cơ quan công tố chỉ tham gia ở các mức độ nhất định vào quá trình giải quyết và bảo vệ công lý. Trong khi đó, tòa án với chức năng xét xử của mình luôn luôn là chủ thể bắt buộc của quan hệ tố tụng. Với vị trí đó, tòa án là cơ quan đóng vai trò trung tâm trong hệ thống cơ quan thực thi quyền tư pháp. Sự dẫn giải ở trên biện luận cho nhận thức rằng, quyền tư pháp là một bộ phận không thể thiếu được của quyền lực nhà nước. Quyền tư pháp theo nghĩa hẹp chỉ giới hạn thông qua hoạt động của tòa án với chức năng xét xử, nhân danh Nhà nước đưa ra phán quyết đối với các hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quyền, lợi ích của công dân, tổ chức; áp dụng pháp luật; phán xét hành vi hợp pháp của các cơ quan, công chức nhà nước.

Quyền tư pháp theo nghĩa rộng được thực hiện thông qua hoạt động của hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật như cơ quan điều tra, cơ quan công tố và tòa án. Trong hệ thống các cơ quan đó, tòa án với chức năng xét xử có vai trò trung tâm và thể hiện rõ nhất tính tư pháp của quyền tư pháp. Hoạt động điều tra có thể được thực hiện bởi các cơ quan hành pháp nhưng thực hiện chức năng tư pháp hoặc do cơ quan công tố hoặc cơ quan tòa án đảm niệm. Thi hành án xét về bản chất không phải là hoạt động tư pháp thuần túy mà mang tính chất hành chính-tư pháp. Thi hành án là giai đoạn sau của xét xử, không có sứ mệnh xác định sự thật của vụ án mà chỉ thực thi phán quyết của tòa án. Vì vậy, không nên coi hoạt động thi hành án thuộc phạm vi của quyền tư pháp và cơ quan thi hành án không phải là cơ quan tư pháp. Ngoài ra, các hoạt động có tính chất bổ trợ như bào chữa, giám định, giám sát, tư vấn pháp luật, công chứng v.v… tuy là cần thiết, giúp cho hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật được chính xác, khách quan, đúng pháp luật và góp phần bảo vệ công lý, nhưng do các hoạt động này được tiến hành bởi các tổ chức, cá nhân không được giao hoặc ủy quyền thực hiện quyền lực nhà nước nên có lẽ không nên coi là hoạt động thực thi quyền tư pháp. Cùng nhận xét như chúng tôi về bản chất của hoạt động bổ trợ tư pháp nên có người cho rằng, phạm vi kiểm sát hoạt động tư pháp không nên mở rộng cả đối với hoạt động tư pháp bổ trợ.

Nhận thức như trên về quyền tư pháp gần với quan niệm về quyền tư pháp theo cấp độ thứ ba (quyền tư pháp nghĩa trung) của nhóm quan điểm thứ nhất đã dẫn ra ở trên. Quan niệm như vậy có thể bị phê phán bởi quan điểm, rằng cơ quan điều tra và cơ quan công tố về bản chất là cơ quan hành pháp nên việc sắp xếp các cơ quan này vào hệ thống các cơ quan tư pháp có lẽ không hợp lý. Về vấn đề này chúng tôi cho rằng, một cơ quan hay nhiều cơ quan và cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp không phải là điều bất biến. Quan trọng là trong một Nhà nước, quyền tư pháp nhất thiết phải được tổ chức và thực hiện với mục tiêu và nhiệm vụ duy trì, bảo vệ trật tự nhà nước, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân. Việc cơ quan điều tra và cơ quan công tố tham gia thực thi quyền tư pháp là phù hợp với nguyên tắc phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta. Ngay ở những nước thực hiện quyền lực nhà nước theo nguyên tắc phân quyền, chẳng hạn như Cộng hòa liên bang Đức, thì các lĩnh vực thẩm quyền của các cơ quan hiến pháp cũng không phủ hết các chức năng tương ứng của Nhà nước, chẳng hạn như việc tòa án phát triển các học thuyết pháp lý, việc xây dựng văn bản pháp quy của cơ quan hành pháp, mối quan hệ giữa tài phán hiến pháp và nhà soạn thảo luật./.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).
Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.

Tin mới