Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 11/06/2013 22:48 (GMT+7)

Nhà máy đóng tàu Bạch Thái đầu thế kỷ XX

Ông đã được nhiều doanh nhân Việt Nam sau này coi là một tấm gương sáng. Những tôn chỉ nghiêm túc trên thương trường của ông như thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hóa được thương nhân sau này đánh giá là đã lấp đầy 10 khiếm khuyết cơ bản của doanh nghiệp Việt Nam mà cụ Lương Văn Can đã từng chỉ ra. Khi nhận định về ông, Hội Khai trí tiến đức cho rằng: “Ông là một bậc vĩ nhân đất Bắc, một bậc trượng phu nơi thương trường mà cuộc đời của ông đáng phô bày cho quốc dân, sự nghiệp của ông đáng làm gương cho các nhà buôn bán noi theo”. Cụ Ứng Hóe Nguyễn Văn Tố của Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ viết về Bạch Thái Bưởi trong tạp chí Đông Thanh:“Bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”.

Trên tạp chí Nam Phongsố 33 xuất bản năm 1919 có dịch đăng bài viết của một người Trung Quốc tên là Quan Dục Nhân. Ông này đã đi dự một Hội chợ được tổ chức trước đó không lâu ở Hà Nội và nhà máy đóng tàu Bạch Thái của ông Bạch Thái Bưởi ở Hải Phòng. Khi về nước, ông viết bài ghi nhận, bài viết của ông đã được đăng trên các báo Quảng Đông như Nhân Quyền báo, Tổng thương hội báo, Chấn Dân báo, Nam Việt báo, Đại Công báo…và khoảng hơn 10 tờ báo nữa.

Nội dung chính của bài viết đề cập đến việc đóng tàu thủy của người Việt do nhà máy của ông Bạch Thái Bưởi thực hiện. Những hoạt động về hàng hải của Bạch Thái Bưởi lúc bấy giờ khiến tác giả rất khâm phục.

Xin được trích một số đoạn trong bản dịch bài viết của ông Quan Dục Nhân:

“Có một điều ta nên chú ý là ngày nay người An Nam chuyên cần về sự làm máy móc, có hiệu quả đặc biệt, như các thứ bày ở Hội chợ đã kể trên đó thì có các kiểu mẫu tàu thủy của công ty Bạch Thái, tự tay người An Nam lập xưởng chế tạo ra mà dùng. Công ty ấy chỉ có một người An Nam đứng chủ mà làm nên sự nghiệp tàu bè chạy khắp các mặt sông ở trong nước.

Lúc bỉ nhân mới đến nước An Nam, trông thấy các tàu bè của công ty Bạch Thái, trong ý đã ngờ là công ty của người Pháp, về sau hỏi ra mới biết là của người An Nam thuần chủng, mà công ty ấy mấy năm trước đã từng cạnh tranh về sự tàu bè chuyên chở với người Hoa kiều ta khắp các mặt sông Bắc kỳ.

Vả chăng xưa nay người Trung Hoa ta thường bảo: người An Nam không có cái năng lực doanh thương, đến bây giờ trông thấy doanh nghiệp họ to tát như thế thì người Hoa kiều ta cũng nên mãnh tỉnh lại, mà bảo tồn lấy cái thương nghiệp đã có thế lực xưa nay ở xứ ấy.

Bỉ nhân nghe nói công ty Bạch Thái đã có 25 chiếc tàu chạy khắp các mặt sông ở Bắc kỳ, thuyền kèm và sà lan không kể, bây giờ lại còn đang kinh doanh sự chế tạo tàu chạy biển nữa. Ngày Hội chợ thấy công ty ấy có ấn hành một quyển sách văn rất dài có một đoạn kể tình trạng về mấy năm trước cạnh tranh với các nhà buôn Trung Hoa ta, lại có kết luận một câu rằng: “Trước ta cạnh tranh với Hoa thương trong các mặt sông, từ đây trở đi ta lại cạnh tranh với các tàu bè ra ngoài mặt biển”. Ôi! Lời ấy chẳng hóa ra lời khoa trương lắm ru, nhưng cái chí tiến thủ của người An Nam cũng đáng phục vậy.

Người Trung Hoa ta cũng phải biết rằng, ngày nay xã hội An Nam đã tiến bộ lắm, thuở xưa họ bế quan tự thủ không kể làm gì, song ngày nay được sự bảo hộ của Pháp, đường kinh tế của họ trông ra có cơ phát đạt.

Chúng ta muốn chấn hưng thương nghiệp ở đất An Nam, không nên coi thường họ nữa.

Xem như nghề tàu bè của công ty Bạch Thái ngày nay đã lấn lướt Hoa thương, Pháp thương mà thu lấy lợi, quyền được rồi. Ta muốn cạnh tranh với họ thì ta phải biết ta mới được.

Ta xét xã hội An Nam ngày nay chẳng qua chỉ còn một số bọn quan trường hãy còn giữ phần hủ lậu mà thôi, chứ các phương diện khác thì đều có cái cảnh tượng tiến hóa cả. Ta thấy dư luận các báo An Nam hình như phàn nàn cho nhà buôn ta là nắm giữ tất cả lợi quyền của họ. Thế là họ chưa xét đến nơi đó thôi, bọn ta bỏ công của ra mà doanh thương xứ họ không phải là cố ý cạnh tranh với họ”.

“… Bởi ta đối với người An Nam có cái cảm tình nên ta mới điều tra các việc công thương của họ để nghiệm xem cái năng lực của họ tiến hóa đến thế nào.

Ngày 18, ta cùng đi với bạn ta xuống Hải Phòng, nhân cơ hội ấy ta có đi xem các xưởng chế tạo của người An Nam. Lúc ở Hà Nội ta có thấy qua các kiểu mẫu tàu của công ty Bạch Thái nên ta mới định đi đến tận nơi để xem xét thử sự nghiệp của công ty ấy ra sao.

Người bạn đưa ta đến công ty Bạch Thái. Trong công ty ấy có vài người Trung Hoa ta làm công. Lúc vào đến nơi, thấy một người trong số người Hoa làm công làm thông ngôn, chủ khách mừng rỡ gặp mặt, ta bày tỏ ý định, chủ nhân đồng ý rồi cho người đưa ta đi xem công xưởng. Lúc đến nơi, thấy có một người Giám đốc đứng sẵn đón ta ở cửa, chắc hẳn chủ đã dùng điện thoại mà thông báo trước.

Giám đốc ấy là người An Nam tên là Nguyễn Văn Phúc, không hề đi du học nước ngoài, cũng không có bằng cấp tốt nghiệp ở trường công nghệ nào cả, mà trong tay tinh nghề thợ, làm giám đốc được một xưởng máy.

Ông Nguyễn đưa ta đi xem khắp trong xưởng, khi ấy vừa đúng 9 giờ rưỡi, nhân công đang làm việc, thợ thuyền ước chừng 500 người, máy móc ước được ba, bốn chục bộ. Máy bào, máy tiện, lò nấu… không thiếu thức gì. Trong xưởng xếp đặt thật là chỉnh đốn.

Ta đi xem khắp các bộ phận ở trong xưởng, rồi thì ông Nguyễn lại đưa ta ra ở đằng trước xưởng xem các tàu và xem các cừ đóng tàu với cái đà chữa tàu.

Năm nay trong xưởng ấy mới đóng được một chiếc tàu toàn bằng sắt để chạy trên biển, đặt tên là Bình Chuẩn, đã làm lễ hạ thủy rồi mà bộ phận trong vẫn còn chế tạo ở trong xưởng và đang trục hai chiếc tàu lên trên đà để chữa lại: chiếc Hùng An là tàu chạy trên biển mua ở Hồng Kông đem về dùng; chiếc Đinh Tiên Hoàng là tàu của công ty để chạy trên sông.

Công nghiệp như thế kể cũng đã to tát lắm mà duy chỉ có một tay An Nam kinh lý nổi, vả lại chỉ dùng người bản xứ đứng giám đốc được việc chế tạo, thời đủ biết cái trình độ của người An Nam hiện nay đã lên cao đến mấy bậc rồi.

Ta còn nghe nói công ty Bạch Thái mới mua thêm một chiếc tàu 3.000 tấn ở bên Mỹ để chạy sang Âu, Mỹ, Nhật và các nước khác. Xem bấy nhiêu cũng đủ biết nền thương nghiệp của họ đã có cảnh tượng tiến hóa hẳn rồi…”

Cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh của Bạch Thái Bưởi tiêu biểu cho ý chí làm giàu và tinh thần tự cường của giới tư sản Việt Nam, trong bối cảnh đất nước đang bị ách nô lệ của thực dân Pháp. Dẫu điều kiện kinh tế xã hội thời đó có nhiều đặc biệt, song những chiến lược kinh doanh của Bạch Thái Bưởi thời đó đã làm cho các nước láng giềng phải nể phục. Dù đã gần một thế kỷ trôi qua, nhưng những bài học thương trường của Bạch Thái Bưởi vẫn không phải là cũ và thiết nghĩ, hiện nay vẫn có giá trị trong xu hướng hội nhập của đất nước.§

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).
Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.

Tin mới