Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 09/01/2008 23:13 (GMT+7)

Người buôn bán dưới cái nhìn của tác giả sáng tác dân gian

I. Những hình ảnh chưa đẹp về người buôn xưa

Trong truyện Cái cân thuỷ ngân, tác giả dân gian kể rằng, có cặp vợ chồng nhà buôn nọ không bao lâu trở nên giàu có. Chẳng ai biết họ làm ăn thế nào, đành cho là người ta có hồng phúc. Thực ra họ là phường buôn gian bán lận. Họ chế ra một cái cân, cán rỗng, trong đổ mấy giọt thuỷ ngân, hai đầu bịt đồng, trông bề ngoài giống như trăm nghìn cái cân khác. Thành ra họ muốn cân già cũng được, muốn cân non cũng được; cân già thì dốc cán cân về đằng quả cân, mấy giọt thuỷ ngân chạy về phía ấy, cân non thì dốc cán cân về đằng đĩa cân, mấy giọt thuỷ ngân chạy về phía này. Cũng cái cân này khi bán hàng thì khác, mà khi mua hàng thì khác, bao giờ phần lợi cũng thuộc về họ. Ai kêu ca, họ nói trơn như nước chảy: “Thì các ông các bà cứ xem mặt cân. Nó có thiên vị ai đâu! Chúng tôi buôn ngay bán thật chỉ lấy công làm lãi, chứ hay gì cái thói lừa đảo buôn năm bán mười. Tội để cho ai? Giàu như thế có bền đâu!” (1).

Truyện Con mụ Lườngkhắc hoạ hình ảnh một người đàn bà gian xảo. Bằng vẻ sang trọng, tốt bụng bề ngoài, mụ đã lừa gạt không biết bao người, làm cho họ mất hết hàng hoá, tài sản, trở thành nông nô cho mụ, phải làm việc quần quật nhiều năm trời, bặt tin người thân (2).

Một thói xấu khác của những nhà buôn lớn là thói háo sắc. Trong truyện Sự tích con muỗi, một khách thương sang trọng, thấy nhan sắc vợ người diễm lệ thì nảy tà tâm, dùng tiền của và lời lẽ đường mật để quyến rũ, làm cho người đàn bà này bỏ chồng đi theo hắn ta (3). Trong truyện Người đàn bà bị vu oan, một lái buôn tơ lụa tên là Lí đã coi thường sự đoan chính, tiết hạnh của phụ nữ, dùng xảo thuật để cướp tất cả tài sản của người bạn buôn (4).

Một thói xấu nữa của những người buôn bán là thói hợm của. Dân gian kể rằng, Thạch Sùng vốn chỉ là một kẻ ăn mày nhưng có chí kinh doanh lớn, lại có nhiều thủ đoạn (đầu cơ tích trữ, bắt chẹt khách hàng), nhờ thế mà trở nên một tay cự phú, tiền của châu báu như nước như non, không ai địch nổi. Vì hợm của, chủ quan, hắn đã khoe khoang: “Bọn nô tỳ nhà tôi phải có lúa gạo của cả một huyện mới đủ cho chúng ăn”. Hắn thách đố với một phú gia cự phách khác (họ Vương) rằng: “Nhà ta không thiếu một đồ vật gì cả. Nếu nhà ngươi chỉ ra được một vật mà ta thiếu, ta sẽ mất với nhà ngươi không phải mười thúng vàng mà còn tất cả gia sản nữa” (5).

Có lẽ trong truyện dân gian, người lái buôn tham lam, gian xảo, độc ác nhất, đáng căm ghét nhất là tên Lí Thông. Truyện dân gian Thạch Sanhcũng như truyện Nôm cùng tên đều khắc hoạ hình ảnh xấu xa về mẹ con họ Lí, một nhà chuyên nghề cất rượu. Đối với Thạch Sanh, sự tham lam và độc ác của Lí Thông càng ngày càng tăng theo cấp số nhân. Đầu tiên là việc hắn lân la gạ gẫm kết nghĩa anh em để lợi dụng sức khoẻ của chàng tiều phu họ Thạch. Đến khi phải đi nộp mình cho Chằn tinh, Lí Thông đã lừa dối, để Thạch Sanh đi thay. Sau khi Thạch Sanh diệt được Chằn tinh, đúng ra Lí Thông phải tâu lên vua để người em kết nghĩa của mình được trọng thưởng, nhưng hắn đã không làm thế. Hắn nghĩ kế đẩy chàng đi nơi khác rồi cướp công của chàng. Đến lúc phải đi tìm quái vật và cứu công chúa, Lí Thông lại đành tìm đến Thạch Sanh. Nhờ có Thạch Sanh, sau khi công chúa được kéo lên khỏi hang sâu, Lí Thông bèn cho quân lấp kín cửa hang, và lại một lần nữa hắn cướp công của chàng. Không những thế, hắn còn đẩy chàng vào cái chết mười mươi: không chết vì Đại bàng, thì cũng chết ngạt. Hắn không ngờ chàng không chết. Đến khi Lí Thông gặp lại Thạch Sanh trong cảnh chàng bị bắt oan, hắn lại quyết khép chàng vào tội chết, bởi vì hắn nghĩ: “Nếu để nó sống, nó sẽ tranh mất công ta và tố cáo ta” (6).

Tóm lại, trong nhiều truyện dân gian, từ những nhà buôn lớn cho đến người buôn bán thường hầu hết là những nhân vật phản diện, với các tính xấu như tham lam, gian xảo, háo sắc, hợm của, phản bội bè bạn, thậm chí độc ác đến mức muốn lấy đi cả sinh mạng của người khác.

Trong tục ngữ, ca dao, số tác phẩm nói về nghề buôn và người buôn không nhiều. Khảo sát tập 1 của bộ Tổng tập văn học dân gian người Việt(7)và tìm hiểu Kho tàng ca dao người Việt(8), chúng tôi thấy trong 10.494 (một vạn không nghìn bốn trăm chín mươi tư) câu tục ngữ, có 214 câu (2,039%) nói về chợ búa, buôn bán; trong 12.487 (một vạn hai nghìn bốn trăm tám mươi bảy) lời ca dao, có 148 lời (1,18%) nói về chợ búa, buôn bán.

Trong tục ngữ, người buôn gia súc bị thành kiến:

+ “Thật thà cũng thể lái trâu, yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”

+ “Lái trâu lái lợn lái bò, trong ba anh ấy chớ nghe anh nào”.

Tác giả ca dao có lúc dè bỉu người buôn bán:

   Em ơi đừng lấy quân buôn

Khi vui nó ở khi buồn nó đi.

Trong truyện dân gian, những hành vi lừa gạt, gian ác của phú thương đều bị trừng trị đích đáng và nghiêm khắc. Trong truyện Cái cân thuỷ ngân, vợ chồng nhà buôn gian xảo có hai đứa con trai, mặt mũi kháu khỉnh. Giàu có mà lại có con trai nối dõi thì còn gì bằng? (Đây là một trong những tiêu chí thuở xưa về sự sung sướng, thành đạt). Nhưng một hôm, đám trẻ đau bụng rồi lăn đùng ra chết. Hai vợ chồng rầu rĩ, than vắn thở dài, nghĩ bụng chắc mình ăn ở thất đức nên trời quả báo. Một hôm, họ cùng nằm mơ, thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ, mặt mũi phương phi đến mắng: “Chúng mày buôn bán lừa lọc, quen thói gian tham. Chúng mày chỉ che được mắt người trần chứ không che được mắt Thần Phật. Chúng mày sớm biết mà sám hối, ăn ở thật thà, lo làm điều hay điều tốt thì trời sẽ ngoảnh mặt lại, cho chúng mày hai đứa con khác mà nối dõi”.

Tỉnh dậy, hai vợ chồng ngồi bàn đi bàn lại, chần chừ hồi lâu, rồi quyết bỏ cái cân thuỷ ngân tai ác ấy, đem chẻ ra. Khi chẻ, họ thấy trong cái cân có một cục máu đỏ tươi (9).

Gian tham như con mụ Lường thì cuối cùng mụ phải nhảy xuống biển tự tử. Đức Phật cho mụ hoá thành cá he. Người ta kể rằng, vì mụ xót của cho nên lúc nào cũng cứ ngoi lên lặn xuống mãi, nòi giống cá he sau này vẫn mang thói quen đó (10).

Trong truyện Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho..., vì hợm của, khoe giàu, Thạch Sùng không ngờ mình bị thua một vố đau như thế, hắn cay đắng nhìn thấy tất cả tài sản cho đến vợ con, nàng hầu, nô tỳ, v.v... đều chạy sang tay họ Vương. Còn lại một mình ngồi trong túp lều, hắn tắc lưỡi tiếc cho cơ nghiệp tự tay mình gây dựng trong bao năm đến nay tay trắng lại hoàn tay trắng. Rồi hắn chết, hoá thành con thạch sùng (11).

Trong truyện Người đàn bà bị vu oan,tên lái buôn gian xảo, coi thường phẩm hạnh của vợ bạn đã bị mất sạch tài sản (12).

Có lẽ sự trừng phạt mạnh mẽ nhất, đích đáng nhất của công lí dân gian là sự trừng phạt đối với hai mẹ con Lí Thông. Sau khi bộ mặt thật của mẹ con họ Lí bị vạch trần, vua sai bắt giam chúng, giao cho Thạch Sanh xét xử. Chàng rộng lượng tha cho chúng về quê nhà làm ăn. Nhưng đi về được nửa đường thì chúng bị sét đánh chết (13). Có nơi dân ta kể rằng, chúng hoá thành những con bọ hung, chuyên chui rúc ở những nơi nhơ bẩn.

II. Những hình ảnh đẹp về người buôn xưa


Trong truyện dân gian, thấp thoáng đây đó chúng ta cũng bắt gặp người lái buôn thật thà, trung hậu. Trong truyện Con mụ Lường, có hai vợ chồng người phú thương trẻ tuổi. Chàng thường dong buồm chạy khắp trong Nam ngoài Bắc và các nước xa xôi, chuyên bán hàng đi và cất hàng về. Một lần đến Hạ Châu, chàng bị lừa gạt, bị mất sạch cả thuyền hàng, các tùy tùng, thuỷ thủ, thậm chí cả chàng cũng bị sung làm nông nô. Tin tưởng vào tính nết tốt của những người tuỳ tùng, tin tưởng vào sự thông minh, can đảm và chung thuỷ của vợ, chàng đã nghĩ cách để bản thân mình và những kẻ tuỳ tùng được trả tự do, vợ chồng lại được đoàn tụ và có ngờ đâu của cải lại giàu lên gấp bội.

Trong truyện Người đàn bà bị vu oan, nếu người lái buôn tên là Lí không tin vào sự chính chuyên của phụ nữ, thì người lái buôn tên là Tình lại khẳng định sự đoan chính, tiết hạnh của người phụ nữ, nhất là người vợ của chàng, một người đã đẹp người lại tốt nết.

Trong kho tàng truyện dân gian, có câu chuyện về vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Chử Đồng Tử là người con chí hiếu, sau khi gặp gỡ công chúa Tiên Dung, hai người đã kết thành vợ chồng, cùng nhau mở bến chợ, lập phố xá, cùng dân buôn bán. Vợ chồng Chử Đồng Tử không chỉ kinh doanh ở Hưng Yên mà còn ra hải ngoại buôn bán. Vợ chồng Chử Đồng Tử đã được phú thương ngoại quốc thờ làm chúa. Sau này Chử Đồng Tử và Tiên Dung bỏ nghề buôn, theo đạo tu tiên. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, Chử Đồng Tử đã cưỡi rồng hiện về giúp Triệu Quang Phục đánh thắng giặc Lương. Câu chuyện này được ghi lại trong sách Lĩnh Nam chích quáicủa Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Theo nhiều tài liệu, sách này được biên soạn từ thế kỷ XV. Trải qua nhiều cơn binh lửa, lại có sự huỷ hoại của thời gian và không loại trừ sự đốt phá của giặc Minh đối với thi thư nước Việt, đáng tiếc thay những bản sách thời đó đã không hiện tồn. Văn bản thuộc loại sớm nhất ghi chép truyện Chử Đồng Tử còn lại đến nay là văn bản được chép vào năm Chính Hoà 16 tức là năm 1695 đời vua Lê Hy Tông (14).

Chử Đồng Tử là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử trong tâm thức dân gian nước Việt. Những người buôn bán đã suy tôn Chử Đồng Tử là ông tổ của nghề nghiệp mình.

Trong ca dao, tục ngữ, cũng có nhiều lúc người dân xưa thông cảm với nỗi vất vả của người buôn bán:

+ “Đi buôn bữa lỗ bữa lời, ra câu giữa vời bữa có bữa không”

+ “Làm bạn với sông giang mất cả quang lẫn gánh”.

Đi buôn bán phải qua thuyền bè có khi gặp nguy hiểm sông nước, mất cả vốn.

+ “Nằm đất hàng hương hơn nằm giường hàng cá”

+ “Thứ nhất thì mồ côi cha, thứ nhì gánh vã, thứ ba buôn thuyền”.

Xã Sơn Đông (thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) có nghề ép dầu dọc, vừa sản xuất vừa bán, có chợ Gốm trên bến dưới thuyền, xã lại có nghề hàng xay hàng xáo nên phụ nữ ở đây rất vất vả, tất bật:

       Làm thân con gái Sơn Đông

Cơm ăn nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm.

Dường như người bình dân chủ yếu hướng sự chê bai, bày tỏ thái độ thiếu thiện cảm với lái buôn gia súc, với những người buôn bán lớn, những người buôn bán ở đô thị sau này. Còn đối với những người làm nghề buôn bán nhỏ, đặc biệt là đối với những người phụ nữ buôn bán nhỏ thì tình cảm, sự nhìn nhận, đánh giá của người bình dân lại khác.

Người phụ nữ buôn bán đâu phải vì mình, mà vì những người khác, vì để nuôi con nên người, vì mẹ già:

+         Bấy lâu buôn bán nuôi ai

Cái áo em rách cái vai em mòn!

- Bấy lâu buôn bán nuôi con

Áo rách mặc áo, vai mòn mặc vai.

+         Bậu buôn bán nuôi ai

Bậu dầm sương nhẫn nại

Bậu buôn bán nuôi mẹ già, nào nại tấc công.

Ở một bộ phận dân chúng, buôn bán là một nghề chính đáng, cần thiết, cần phải học:

    Con gái lớn ơi mẹ bảo đây này

Học buôn học bán cho tày người ta

    Con đừng học thói chua ngoa

Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười

    Dù no dù đói cho tươi

Khoan ăn bớt ngủ là người lo toan

    Phòng khi đóng góp việc làng

Đồng tiền bát gạo lo toan cho chồng

    Trước là đẹp mặt cho chồng

Sau là họ mạc cũng không chê cười

    Con hãy nhớ bấy nhiêu lời!

Lời ca dao sau cho thấy người đi buôn phải biết “mùa nào thức ấy”:

    Em là con gái Phú Khê

Lấy chồng kẻ Xá lành nghề đi buôn

    Đầu sông cho chí ngọn nguồn

Cùng năm chí tối đi buôn cả đời

    Tháng tám quảy gánh buôn rươi

Tháng chín buôn mít tháng mười buôn cau

    Tháng một quảy gánh buôn trầu

Tháng chạp buôn bấc buôn dầu buôn hương

    Tháng giêng vào Nghệ buôn đường

Tháng hai tiện mía, tháng ba sang nạo dừa

    Tháng tư quảy gánh buôn dưa

Tháng năm cấy hái cày bừa lấy công

    Tháng sáu quảy bị buôn bông(15)

Tháng bảy buôn mít, buôn cùng cả năm.

Trong xã hội cổ truyền, người vợ tần tảo buôn bán nuôi chồng ăn học là một hình mẫu đẹp:

    Em ơi, em ở cho ngoan

Một hai năm nữa lo toan cửa nhà

    Em ơi đừng phụ mẹ già

Một vài năm nữa lo nhà cho anh

    Em thời buôn bán cho lanh

Để anh chăm chỉ học hành cho thông

    Mai sau anh đậu quận công

Em làm chính thất xem trông cửa nhà

    Trước thời nên thất nên gia

Sau thời trả nghĩa mẹ cha sinh thành.

Ở thôn Phú Nhiêu xưa, nay thuộc xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, còn lưu truyền lời ca dao:

    Em là con gái Phú Nhiêu

Tuy chẳng mỹ miều, nhưng đảm bán buôn

    Đòn gánh tre em vót cánh chuồn

Mùa nào thức ấy em buôn kịp thời...

Có lúc hình ảnh những người buôn bán thật là thơ mộng, lãng mạn:

Cơm chiên ăn với cá ve

Thiếp đây chàng đấy buôn bè ra khơi.

Ca dao Nam Bộ có lời:

    Đạo nào vui bằng đạo đi buôn

Xuống bể lên nguồn gạo chợ nước sông.

Đúng là những người buôn bán chân chính có đạo lí của họ, có những quy ước bất thành văn. Họ cho rằng, việc làm ăn thật thà, thái độ đàng hoàng là việc làm có lợi, là thái độ cần thiết trong nghề buôn:

+ “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà, lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy”;

+ “Cao thành nở ngọn mọi bọn mọi đến”;

+ “Khách nhớ nhà hàng, nhà hàng không nhớ khách”;

+ “Buôn cửa tiền cửa hậu, chẳng thèm buôn bờ giậu chó chui”.

Những người buôn bán hiểu rằng: “Buôn có bạn, bán có phường”; “Đi buôn nhớ phường, đi đường nhớ lối”.

Theo tài liệu của tác giả Lương Đức Nghi, ở thôn Phú Nhiêu (Hà Tây), từ những thế kỷ trước đã hình thành phường cả, một tổ chức của những người buôn bán kinh doanh. Từ những người buôn bán nhỏ, bán hàng rong cho đến những người có cửa hàng, cửa hiệu ở những thành thị lớn, nhỏ trong cả nước đều có thể tham gia phường này. Họ có ý thức về cội nguồn, về quê hương, hễ cửa hàng, cửa hiệu nào có chữ Phú thì hầu hết là cửa hàng của người Phú Nhiêu: Phú Hải, Phú Nam Hưng, Phú Hiển (Nam Định); Phú Thịnh, Phú Phong (Ninh Bình); Phú Thương (Hà Nội); Phú Bảo (Hải Phòng); Phú Gia (Hưng Yên); Phú Nguyên (Thái Nguyên); Phú Thượng (Quy Nhơn). Những người trường vốn, có cửa hàng, cửa hiệu, có kinh nghiệm trên thương trường đều có thể là thầy buôn và nhận đầy tớ, tức là những học trò từ buổi ban đầu “đòn ống đôi bồ” cho đến khi có thể mở cửa hàng, cửa hiệu buôn bán riêng. Thầy giúp vốn liếng, kinh nghiệm. Thầy đã cấp vốn thì không bao giờ đòi nợ, còn đầy tớ thì cũng ghi công ơn thầy đến mấy đời, suốt đời coi bố mẹ buôn như bố mẹ đẻ, sống tết, chết giỗ. Họ kính trọng cha mẹ buôn hơn cả cha mẹ đẻ. Có câu: Mẹ chồng mẹ vợ không sợ bằng mẹ buôn. Có một người đi theo thầy buôn là cụ Phó Đệ, sau trở thành nhà buôn Phong Phú giàu nhất nhì làng. Ông Kiếm theo thầy buôn là cụ Lơn đã thờ hai cụ Lơn suốt đời, đến đời con vẫn còn theo giỗ, tết. Cụ Liền có ba người trò buôn là ông Hội, ông Xảo, ông Mang. Anh Phần là con ông Mang đã theo giỗ, tết đến đời cháu. Trong khi đó, ông Bản là con cụ Liền thì lại được cụ cho theo cụ Nhắc làm đầy tớ học nghề buôn bán, cụ muốn con mình được người khác dạy bảo để được thành tài hơn (16).

III. Từ bảng xếp loại tứ dân thời quân chủ và cái nhìn phân cực của người dân xưa đến cái nhìn cách mạng trong thời đại Hồ chí Minh về doanh nhân Việt Nam

1. Dưới thời quân chủ, nhìn chung nghề buôn được đánh giá thấp hơn nghề nông. Trong bảng xếp hạng về bốn loại dân thì người buôn bán đứng cuối cùng sĩ, nông, công, thương. Trong lịch sử vương triều Mạc. một vương triều không “ức thương”, có lúc nghề buôn được đề cao theo thứ tự: sĩ, thương, công, nôngnhư văn bia cầu Đạm Giang (Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) đã ghi. Văn bia này được soạn năm 1574 (17). Đây là hiện tượng hiếm hoi. Nhìn chung, nhà nho không thích nói chuyện giàu sang. Còn nếu cần tìm đến sự giàu sang thì họ chọn con đường khoa cử. Sách thánh hiền dạy rằng: trong sách có nhà vàng; trong sách có người đẹp. Đã có không ít sĩ tử sau khi đại đăng khoa (thi đỗ) liền tiểu đăng khoa (cưới vợ) (18).

2. Người xưa ít thấy tác dụng to lớn của nghề buôn, “chưa biết đầu tư vốn nhằm mở rộng sản xuất để sinh lợi” (19). Thời nhà Mạc được đánh giá là “thời kỳ mở cửa kinh tế mà ở đó sản xuất thủ công và buôn bán khá sôi động” (20). Thời này có nhà sản xuất gốm nổi tiếng Đặng Huyền Thông. Vợ chồng ông rất giàu có. ấy vậy mà khi về già, ông không mở rộng sản xuất mà lại “bỏ ra khá nhiều tiền bạc để dựng nên một ngôi chùa (chùa An Định cho làng) và mua ruộng làm hương hoả” (21).

Như trên đã nói, bản kể Truyện Nhất dạ trạch(tức truyện về Chử Đồng Tử - Tiên Dung) thuộc loại sớm nhất còn lạiđến nay là bản chép năm 1695. ở đây ta thấy tác giả Lĩnh Nam chích quáixây dựng hình tượng Chử Đồng Tử - Tiên Dung theo quan điểm nho gia. Sau khi buôn bán giàu có ở hải ngoại, học được đạo Tiên, đạo Phật, cả hai vợ chồng Chử Đồng Tử đều đã bỏ nghề buôn bán, tiếp tục đi tìm thầy học đạo. Đến bản kể của Nguyễn Đổng Chi ở nửa sau của thế kỷ XX, một bản kể được nhào nặn từ Lĩnh Nam chích quái,soạn giả họ Nguyễn hơn ai hết đã thể hiện một cách sinh động, cụ thể (điều này không đúng lắm, không hợp lắm với ngôn ngữ của truyện cổ tích dân gian đích thực) cái quan niệm không thích giàu sang, tiền bạc của nho gia:

“Bước xuống thuyền, Đồng Tử không ngờ số vốn của mình hồi trước giờ đây người ta đã làm nảy nở gấp mười. Nhưng nhìn những thoi vàng sáng choé, anh không thấy thích thú như xưa. Những câu chào hỏi, những lời bàn bạc tính toán nhao nhao của các bạn buôn bấy giờ đối với anh đều nhạt nhẽo” (22).

3. Từ những điều trên, chúng ta thấy, một mặt tác giả dân gian cũng hiểu rằng “phi thương bất phú”; mặt khác họ lại nghĩ rằng, sự giàu có do nghề buôn bán đem lại không đáng kể:

+ “Buôn Ngô buôn Tàu không giàu bằng hà tiện”

+ “Buôn thuỷ buôn vã chẳng đã hà tiện”

+ “Buôn trâu bán bè không bằng ăn dè lỗ miệng”.

Họ cho rằng nghề nông (làm ruộng) cần thiết hơn và đáng trọng hơn nghề buôn:

+ “Dĩ nông vi bản”;

+ “Đi buôn nói ngay không bằng đi cày nói dối”;

+ “Mười anh buôn bán không bằng một anh làm ruộng”.

4. Tóm lại, qua truyện cổ dân gian, qua ca dao, tục ngữ và qua một phong tục cụ thể ở một làng quê vùng chiêm trũng Bắc Bộ, chúng ta thấy dưới con mắt của người dân xưa, hình ảnh các nhà buôn lớn và những người buôn bán nhỏ là một bức tranh có hai phần sáng tối, trong đó phần tối có phần gây ấn tượng hơn. Bài học rút ra từ các sáng tác dân gian là: Từ nhà buôn lớn cho đến người buôn bán nhỏ, nếu muốn ăn nên làm ra, hưởng phúc lâu dài thì phải sống có đạo đức.

5. Dưới chế độ mới, đã có cái nhìn cách mạng về các doanh nhân.

Ngày 13 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương nhân sự kiện giới công thương Việt Nam thành lập Công thương cứu quốc, gia nhập Mặt trận Việt Minh.

Ngày 13 tháng 10 năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Tại buổi lễ công bố Ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng “đánh giá cao tinh thần yêu nước của doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng, đưa đất nước ta thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thủ tướng cho rằng, có được sự đánh giá đúng và sự tôn vinh xứng đáng đó chính là bắt nguồn từ thành công của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện. Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam nâng cao trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế, góp sức xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện cho được mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp”. (23)

6. Trên con đường tiên lên phía trước của doanh nhân Việt Nam, thiết nghĩ, bài học về đạo lí của người buôn bán đã được khắc hoạ trong sáng tác dân gian cổ xưa vẫn luôn luôn có ý nghĩa thời sự./.

Chú thích:

(1) Nguyễn Văn Ngọc (1990), Truyện cổ nước Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 19 - 20 (Sách này in lần đầu tại Hà Nội, 1932 - 1934).

(2) Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 2, Viện Văn học xuất bản, Hà Nội, tr. 906 - 915 (Tập này xuất bản lần đầu tại Hà Nội, 1958).

(3) Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 1, Viện Văn học xuất bản, Hà Nội, tr. 203 - 207 (Tập này xuất bản lần đầu tại Hà Nội, 1958).

(4) Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 3, Viện Văn học xuất bản, Hà Nội, tr. 1175 - 1179 (Tập này xuất bản lần đầu tại Hà Nội, 1960).

(5) Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 1, Viện Văn học xuất bản, Hà Nội, tr. 437 - 443 (Tập này xuất bản lần đầu tại Hà Nội, 1958).

(6) Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 2, Viện Văn học xuất bản, Hà Nội, tr. 783 - 790 (Tập này xuất bản lần đầu tại Hà Nội, 1958).

(7) Nguyễn Xuân Kính chủ biên (2002), Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

(8) Nguyễn Xuân Kính và Phan Đăng Nhật chủ biên (2001), Kho tàng ca dao người Việt, Nxb Văn hoá - Thông tin tái bản, Hà Nội.

(9) Nguyễn Văn Ngọc (1990), Truyện cổ nước Nam ,sđd.

(10) Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam , tập 2, sđd, tr. 915.

(11) Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam , tập 1, sđd, tr. 442. ở đây, theo chúng tôi, thạch sùng(loài bò sát, cùng họ với tắc kè, nhỏ bằng ngón tay, thân nhẵn, thường bò trên tường nhà, bắt muỗi, sâu họ nhỏ); khác với thằn lằn, tức rắn mối (động vật thuộc nhóm bò sát, thân và đuôi dài phủ vảy, bốn chi khoẻ, sống ở bờ bụi, ăn sâu bọ).

(12) Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam , tập 3, sđd, tr. 1179.

(13) Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam , tập 2, sđd, tr. 790.

(14) Vũ Quỳnh, Kiều Phú (thế kỷ XV), Lĩnh Nam chích quái, (Đinh Gia Khánh chủ biên, Nguyễn Ngọc San biên khảo, giới thiệu), in lần thứ hai có sửa chữa, bổ sung, Nxb Văn học, Hà Nội, 1990, tr. 11.

(15) Bông ở đây là bông trồng ngoài ruộng mới thu hoạch về, chứ không phải áo bông, mền bông.

(16) Lương Đức Nghi (2005), Phường cả, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, Hà Nội, số 1, tr. 82 - 83.

(17) Đinh Khắc Thuân (2001), Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 215 - 219.

(18) Theo PGS. Phan Ngọc.

(19) Đinh Khắc Thuân (2001), sđd, tr. 229.

(20) Đinh Khắc Thuân (2001), sđd, tr. 229.

(21) Đinh Khắc Thuân (2001), sđd, tr. 229.

(22) Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam ,tập 1, sđd, tr. 378.

(23) Xuân Thuỳ và PV (2004),Khai mạc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nhân năm 2004. Lễ công bố Ngày Doanh nhân Việt Nam, Báo Nhân Dân, số 17971, thứ năm ngày 14 tháng 10, tr. 1, 3.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.