Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Chủ nhật, 26/02/2012 01:44 (GMT+7)

Nghiên cứu thử nghiệm tạo Trầm Hương từ cây Dó Bầu tại Sơn La

Trầm hương được hình thành trên cây gió trầm, do hàng loạt tế bào thái hóa, trong vách đá và các mạch tế bào tích tụ bởi các hợp chất hữu cơ, chúng liên kết với nhau tạo ra khối trầm với hình dạng và kích thước khác nhau. Trầm hương thường có màu đen bóng và màu vàng cánh dán, khi đốt lên lửa keo nhựa chảy ra và hương thơm tỏa ngào ngạt.

Trầm hương và tinh dầu chiết xuất từ trầm hương có nhiều công dụng được con người biết tới từ xa xưa, dùng làm thuốc chữa trị các chứng bệnh như: đau ngực, hen suyễn, khó thở, cảm hàn, đau bụng, lợi tiểu, trợ tim, thấp khớp, dùng làm chất định hương, chế biến các loại dầu thơm, nước hoa cao cấp trong công nghiệp mỹ phẩm và là loại cây có giá trị xuất khẩu cao. Trong tín ngưỡng dùng làm hương nhang và nến đốt trong các dịp lễ tết, dùng khi hỏa táng hoặc ướp xác người quá cố… Đặc biệt, trong tinh dầu trầm có chứa các Secquiterpenoid – một loại hợp chất có hoạt tính sinh học được dùng trong y học hiện đại để làm thuốc kháng khuẩn, kháng nấm, phòng và hạn chế chứng bệnh ung thư, điều hòa miễn dịch, kích thích hoặc ức chế hoạt động của các mô và tế bào.

Trong những năm gần đây, giá trị kinh tế của cây trầm hương càng được nâng cao. Trầm hương và kỳ nam là sản phẩm đặc biệt có giá trị kinh tế, có giá dao động trên dưới 10.000 USD/kg, trong đó trầm hương xuất xứ từ Việt Nam được xem là thượng hạng trên thị trường quốc tế. Hiện nay, tình trạng khai thác bừa bãi các loài cây Dó trở nên cấp thiết ở nước ta cũng như các nước láng giềng. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 18/HĐBT, ngày 17/01/1992 Quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng và chế độ quản lý đã xếp cây Dó bầu vào nhóm thực vật 1A – là những thực vật đặc hữu, có giá trị đặc biệt về khoa học và kinh tế, có số lượng, trữ lượng rất ít hoặc đang có nguy cơ bị tuyệt chủng và nghiêm cấm khai thác, sử dụng.

Sơn La có nhiều quần thể Dó bầu mọc tự nhiên và hiện nay được trồng đến hàng trăm ha, với định hướng là cây đa mục tiêu. Đến nay, cây phát triển rất tốt. Trên thế giới và trong nước có nhiều thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, báo chí về kích thích tạo trầm nhân tạo trên cây Dó bầu. Tuy nhiên, chưa có một công nghệ ổn định được công bố một cách chính thống và khó được áp dụng, vì đây là vấn đề độc quyền về bí quyết nghề nghiệp của mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt, việc kích thích tạo trầm có rất nhiều thông tin khác nhau về phương pháp, mức độ ảnh hưởng cũng như chất lượng vẫn còn nhiều vấn đề phải làm sáng tỏ. Vì vậy, việc “Nghiên cứu thử nghiệm tạo trầm hương từ cây Dó bầu tại Sơn La”, với định hướng nâng cao giá trị cây Dó bầu và nghiên cứu sử dụng các sản phẩm từ cây Dó bầu (Aquilaria sp.) ở Sơn La là cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Thực hiện Quyết định số 337/QĐ-UBND ngày 10/02/2009 của UBND tỉnh Sơn La, Viện Hóa học (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm tạo trầm hương từ cây Dó bầu tại Sơn La” từ tháng 1/2009 đến tháng 1/2020. Đề tài do PGS.TS Trịnh Thị Thủy làm chủ nhiệm.

- Mục tiêu của đề tài: Thăm dò khả năng tạo trầm bằng các phương pháp kích thích nhân tạo trên cây Dó bầu Sơn La, nhằm hướng tới việc rút ngắn thời gian tạo trầm so với tự nhiên. Cụ thể: Xác định chính xác tên loài (tên khoa học) của cây Dó bầu có ở hai địa diểm của Sơn La (Bản Hìn, phường Chiềng An, thành phố Sơn La và bản Cả Nam, xã Chiềng Sung, huyện Mai sơn, tỉnh Sơn La); Dựa vào các kết quả đã công bố trong và ngoài nước, bước đầu thử nghiệm khả năng kích thích tạo trầm bằng các phương pháp kích thích nhân tạo: Vật lý, hóa học, sinh học. Từ đó lựa chọn phương pháp để thăm dò xây dựng quy trình kích thích tạo trầm nhân tạo; Bước đầu thử nghiệm khả năng tạo trầm của cây Dó bầu (Aquilaria sp.) có ở Sơn La; Tìm hiểu ảnh hưởng của vùng sinh thái đối với sự phát triển cây Dó bầu làm cơ sở khoa học tư vấn định hướng cho việc phát triển cây Dó bầu tại Sơn La.

- Kết quả nghiên cứu:

+ Kết quả điều tra thực trạng cây Dó bầu Sơn La: Xác định được tên khoa học 2 loài: Aquilaria crassna cây được trồng và Dó tàu Aquilaria sinensis cây mọc tự nhiên là loài Dó lần đầu tiên được xác định có ở Việt Nam .

+ Bước đầu đã phân lập, tuyển chọn được 5 chủng nấm từ các cây Dó bầu có nguồn gốc Việt Nam . Đã sản xuất thử một số chế phẩm trên quy mô phòng thí nghiệm, đáp ứng đủ cho nghiên cứu thử nghiệm.

+ Đã tiến hành thử nghiệm 4 đợt. Kết quả theo dõi thử nghiệm kích thích tạo trầm ở Sơn La cho thấy: Nấm đã xâm nhiễm vào thân cây Dó bầu (thời gian theo dõi từ 3 đến 18 tháng), sự chuyển hóa từ biểu bì lan sâu dọc theo phần thân gỗ cây Dó bầu. Màu sắc từ màu trắng→ trắng ngà →vàng →nâu →nâu thẫm. Thử nghiệm cảm quan bằng cách đốt mẫu gỗ nhiễm đã có mùi thơm dịu.

+ Trên cơ sở thử nghiệm, đã đề xuất quy trình thử nghiệm kích thích tạo trầm nhân tạo từ cây Dó bầu Sơn La.

+ Bằng phương pháp GC/MS đã xác định được thành phần hóa học của 2 mẫu tinh dầu thu được bằng cách cất lôi cuốn hơi nước của thân gỗ tươi Dó bầu (Aquilaria sinensis Sprengel) được thu vào 2 thời điểm trước và sau khi có tác động, Kết quả cho thấy, thành phần chính của 2 mẫu tinh dầu tương đối khác biệt. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu về thành phần tinh dầu của loài Dó bầu ở các nước láng giềng đã công bố.

+ Qua so sánh thành phần hóa học 2 mẫu tinh dầu cho thấy trong mẫu tinh dầu thu vào tháng 5/2010 xuất hiện các secquitecpen như: á-becgamoten, á-humulen, curdion cùng với hàm lượng đáng kể một số este: etyl pentadeceanoat, metyl glicol phtalat, etyl lenoleat, mrtyl octadeca-9, 12-dienoat. Đây là những thành phần tạo nên mùi thơm đặc trưng của tinh dầu Dó bầu, trong khi các thành phần này không có mặt trong tinh dầu thân gỗ tươi thu vào tháng 1.

+ Kết quả thăm dò hoạt tính sinh học của các dịch chiết và các chất phân lập được từ thân gỗ Dó bầu cho thấy: dịch chiết trong EtOAc, n-hexan và các chất: ASB2DD4.2, ASB2DD6.2 đều cho hoạt tính gây độc trên cả dòng tế bào ung thư ở người: KB (mô biểu bì), HepG2 (gan), MCf7 (vú), Lu (phổi). Trong đó, hoạt tính tốt hơn cả là cặn dịch chiết EtOAC và chất ASB2Đ6.2, chất ASB2Đ10 có thể hiện hoạt tính độc tế bào với 3 dòng KB, MCF7 và Lu trong khi dịch chiết trong butanol có thể hiện hoạt tính gây độc tế bào với 2 dòng MCF7 và Lu.

+ Bằng các phương pháp sắc ký cột trên các chất hấp phụ khác nhau và dung môi thích hợp đã phân lập và xác định được cấu trúc của 6 chất là: Syringaresinol (1-ASB2Đ4.2), (E)-N-feruloyltyramin (2-ASB2Đ6.1); (E)-N-[2-hiđroxi-2-(4-hiđroxiphenyl)etyl]ferulamit (3-ASB2Đ10); (Z)-N-2-hiđroxi-2-(4-hiđroxiphenyl)etyl]ferulamit (4-ASB2Đ10); Ancol đehiđroconiferyl (5-ASB2Đ6.2); 5,4-đimetoxiflavon-7-O-â-D-xilopiranozyl-(1#6)-â-D-glucopiranozit (6-ASB2Đ15). Chất ký hiệu là ASB2Đ13.1 (7) là một iriflophenon-2-O-rhamnozit gắn với nhánh có chứa mạch tetrao là một chất có khả năng mới, cấu trúc đầy đủ đang được tiếp tục nghiên cứu.

Cây Dó bầu A. sinensis và Dó bầu A. crassna là cây có rất nhiều triển vọng phát triển bền vững trong tương lai ở Sơn La, các ngành chức năng cần tiếp tục theo dõi quá trình nhiễm trầm và nghiên cứu phát triển các sản phẩm khác từ cây Dó tại Sơn La.

Hội đồng Khoa học Công nghệ tỉnh đã nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài và đánh giá, xếp loại Khá.

Xem Thêm

Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.
Hà Tĩnh: Hội thảo khoa học về Hoàng giáp Lê Tuấn
Sáng 16/3, Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh (Thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh) và UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với dòng họ Lê ở Kỳ Anh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Hơn 100 nhà khoa học cùng giải bài toán ô nhiễm tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau tìm ra lời giải đáp phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và triển khai cam kết “Giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050”.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Theo chương trình hành động số 287-CTr/ĐĐLHHVN, ngày 28/03/2024; thực hiện nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII "Về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới".
Góp ý dự thảo các đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Chiều ngày 28/3 tại Hà Nội, Đảng đoàn phối hợp với Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025), Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.