Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Chủ nhật, 26/02/2012 01:31 (GMT+7)

Mười tác phẩm quan trọng nhất của xã hội học trong thế kỷ xx

Vào kỳ Đại hội của Hiệp hội Xã hội học thế giới (ISA World Congress of Sociology) diễn ra tại thành phố Montreal (Canada) vào năm 1998, một trong những công việc trọng tâm của đại hội là tiến hành bầu chọn những quyển sách xã hội học có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX. Trong cuộc bầu chọn này có tổng cộng 455/2785 thành viên (27,7% nữ và 72,3% nam) của hiệp hội đã tham gia bầu chọn, trong đó mỗi người được yêu cầu liệt kê năm quyển sách xã hội học có ảnh hưởng nhất đến công việc nghiên cứu xã hội học của mình. Mười quyển sách có số bầu chọn cao nhất trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1. Mười tác phẩm có tỷ lệ bầu chọn cao nhất trong Đại hội Xã hội học thế giới 1998

Thứ hạng

Tác giả

Tên sách

Tỷ lệ bầu chọn (%)

1

Weber, Max

Economy and Society (Kinh tế và Xã hội)

20,9

2

Mills, Charles Wright

The Sociological Imagination (Trí tưởng tượng xã hội học)

13,0

3

Merton, Robert K.

Social Theory and Social Structure (Lý thuyết xã hội và cơ cấu xã hội)

11,4

4

Weber, Max

The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản)

10,3

5

Berger, P.L. and Luckmann, T.

The Social Construction of Reality (Kiến tạo xã hội của hiện thực)

9,9

6

Bourdieu, pierre

La Distinction: Critique sociale du jugement (Sự phân biệt: Một phê bình xã hội về việc đánh giá thị hiếu nghệ thuật)

9,5

7

Elias, Norbert

The Civilizing Process (Tiến trình văn minh hóa)

6,6

8

Habermas, Jurgen

The Theory of Communicative Action (Lý thuyết về hành động truyền thông)

6,4

9

Parsons, Talcott

The Structure of social Action (Cấu trúc của hành động xã hội)

6,2

10

Goffman, Erving

The Presentation of Self in Everyday Life (Sự thể hiện của cái Tôi trong đời sống thường nhật)

5,5

Nguồn:http:/www.isa-sociology.org/books/books10.htm.

Kết quả bầu chọn trên cho thấy tầm quan trọng của các nhà xã hội học Đức và Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội học. Pháp chỉ có một tác phẩm của Piere Bourdieu trong khi Anh và các quốc gia khác không có tác giả nào nằm trong tốp mười. Dưới đây là một giới thiệu tóm tắt mười công trình này, tất nhiên những dòng tóm tắt sau đây là không đầy đủ và do vậy việc đọc văn bản gốc là điều cần thiết cho mọi người làm nghiên cứu hay giảng dạy xã hội học.

1. ECONOMY AND SOCIETY (KINH TẾ VÀ XÃ HỘI HỌC, 1922)

Đây là một trong trong những tác phẩm được đánh giá là quan trọng nhất của nhà xã hội học Đức Max Weber (1864-1920) nói riêng và của cả ngành xã hội học nói chung. Công trình có gần 1.500 trang này bao gồm hai quyển có thể được xem như một công trình nghiên cứu liên ngành hay một tổng hợp quan niệm của Max Weber về xã hội bởi trong đó ông bàn đến rất nhiều chủ đề thuộc các lĩnh vực khác nhau từ tôn giáo, chính trị, kinh tế, luật cho đến vấn đề tộc người. Trong tác phẩm này chúng ta sẽ tìm thấy những chủ đề rất quen thuộc trong xã hội học như hành động xã hội, nền hành chính hiện đại, sự phân công lao động, các loại hình luật pháp như luật Trung Hoa, luật Ấn Độ, luật Hồi giáo và những hình thức thống trị khác nhau trong xã hội… vốn là những vấn đề căn bản của mọi người học và nghiên cứu xã hội học. Bên cạnh những chủ đề đó, chúng ta còn thấy Weber đề cấp đến lĩnh vực gia đình khi ông bàn đến việc kiểm soát các mối quan hệ tình dục trong gia đình, mối quan hệ họ hàng và những ảnh hưởng xét về mặt kinh tế của mối quan hệ ấy đối với hộ gia đình. Những vấn đề liên quan đến đô thị cũng được Weber dành một chương trong quyển II để bàn đến từ việc định nghĩa thế nào là đô thị, phân loại đô thị, kinh tế đô thị… được ông phân tích hết sức sâu sắc, chẳng hạn như chúng ta sẽ cảm thấy rất thú vị khi đọc phần Weber phân biệt ba kiểu đô thị gồm đô thị sản xuất, đô thị tiêu dùng và đô thị thương mại một cách rất chi tiết chứ không phải là bàn đến đô thị chung chung. Có thể nói đây là một quyển sách nền tảng của nhiều chuyên ngành của xã hội học như xã hội học tôn giáo, xã hội học chính trị, xã hội học kinh tế, xã hội học pháp quyền, xã hội học đô thị, xã hội học lao động… Chính vì vậy quyển sách này rất xứng đáng được xếp đầu tiên trong số những công trình quan trọng nhất của xã hội học trong thế kỷ XX.

2. THE SOCIOLOGICAL IMAGINATION (TRÍ TƯỞNG TƯỢNG XÃ HỘI HỌC, 1959)

Charles Wright Mills (1916-1962) là một trong những nhà xã hội học tài năng nhất của Mỹ và trong cuộc đời tuy rất ngắn ngủi của mình, ông đã kịp cho ra đời nhiều tác phẩm rất quan trọng bên cạnh Trí tưởng tượng xã hội học. Tiểu thuyết gia lừng danh người Mexico là Carlos Fuentes đã gọi Mills là “tiếng nói chân thật của Bắc Mỹ, người bạn và là người đồng hành với những cuộc đấu tranh của Mỹ La Tin”. Tác phẩm Trí tưởng tượng xã hội họcquan trọng là bởi nó gần như là một cẩm nang về phương pháp làm việc và phương pháp tư duy mà mọi nhà xã hội học cần phải nắm vững. Chẳng hạn ngay trong những trang đầu tiên của tác phẩm, Mills đã hướng dẫn chúng ta cách suy nghĩ và đặt ra các câu hỏi nghiên cứu sao cho thích đáng nhất mà theo đó, chúng ta cần phải phân biệt giữa những sự kiện mang tính chất tập thể của cấu trúc xã hội, và chúng ta chỉ đặt câu hỏi những sự kiện mang tính chất tập thể thôi. Chẳng hạn khi nói về thất nghiệp, nếu trong một thành phố 100.000 dân mà có 1 người thất nghiệp thì đó là một sự kiện cá nhân và để an ủi người này chúng ta có thể tìm hiểu các phẩm chất của anh ta, giới thiệu cho anh ta những cơ hội. Nhưng nếu một quốc gia có 50 triệu dân mà có đến 15 triệu người thất nghiệp thì thất nghiệp không còn là chuyện cá nhân nữa mà là vấn đề của cấu trúc và muốn giải quyết được tình trạng này thì buộc ta phải nghiên cứu những vấn đề của thiết chế kinh tế-xã hội chứ không phải là tìm hiểu những phẩm chất cá nhân nữa. Bên cạnh đó, Mills cũng bàn đến vai trò của sử học trong nghiên cứu xã hội học. Theo Mills, các khoa học xã hội nghiên cứu, khảo sát những vấn đề tiểu sử, lịch sử và những sự đan chéo của chúng trong lòng các cấu trúc xã hội. Mặt khác thì tiểu sử, lịch sử, xã hội tạo thành những điểm cần được phối hợp trong một nghiên cứu nghiêm túc về con người. Do đó chúng ta sẽ không thể đặt vấn đề một cách chính đáng khi nghiên cứu các vấn đề của thời đại chúng ta và nhất là khi nghiên cứu về bản chất của con người nếu chúng ta thiếu tri thức về sử học hay nhãn quan sử học, bởi sử học chính là dây thần kinh của các khoa học xã hội. Một quyển sách rất cần phải đọc để làm xã hội học.

3. SOCIAL THEORY AND SOCIAL STRUCTURE (LÝ THUYẾT XÃ HỘI VÀ CẤU TRÚC XÃ HỘI, 1949)

Quyển sách này của nhà xã hội học Mỹ Robert K. Merton (1910-2003) đã được dịch sang 20 thứ tiếng, đồng thời cũng là một trong những tác phẩm được trích dẫn nhiều nhất trong khoa học xã hội. Chẳng hạn theo thống kê của hệ thống Chỉ báo trích dẫn khoa học xã hội (Social Science Citation Index) thì trong giai đoạn từ 1969-1989 quyển sách này đã được trích dẫn 6.400 lần, một con số mà gần như chưa có tác phẩm nào vượt qua. Trong quyển sách này, người đọc sẽ bắt gặp rất nhiều khái niệm rất quan trọng trong xã hội học như chức năng công khai, chức năng tiềm ẩn, phản chức năng (dysfunction), nhóm quy chiếu, lời tiên tri tự trở thành sự thật, vai trò xã hội, căng thẳng vai trò, lý thuyết hạng trung và nhiều khái niệm khác nữa. Merton nhận ra có hai khuynh hướng trong nghiên cứu xã hội học mà ông không thể chấp nhận được. Khuynh hướng thứ nhất đó là nghiên cứu xã hội học thực nghiệm cực đoan hay còn gọi là thực nghiệm hẹp hòi (narrow empiricism) khi chỉ quan tâm duy nhất đến việc thu thập dữ liệu mà không hề quan tâm gì đến lý thuyết. Khuynh hướng ngược lại là có những học giả lại chú tâm xây dựng những lý thuyết mang tính chất toàn thể muốn giải thích mọi khía cạnh của đời sống xã hội (như Talcott Parsons chẳng hạn). Cả hai khuynh hướng trên đều bị Merton phê phán và ông đề xuất một hướng nghiên cứu khác đó là xây dựng những lý thuyết xã hội học tầm trung (sociological theories of the middle range) như là giải pháp cho hai thái cực đó.

Theo Merton, lý thuyết hạng trung bắt đầu với tiến trình lý thuyết hóa một vài khía cạnh của hiện tượng xã hội mà thôi chứ không tư duy về xã hội tổng thể hay hệ thống xã hội. Mặc dù lý thuyết hạng trung cũng hàm chứa trong nó một số khái niệm trừu tượng nhưng những khái niệm trừu tượng này được dùng để kiểm chứng các dữ kiện thực tế chứ không trừu tượng để mà… trừu tượng. Những lý thuyết xã hội học hạng trung có thể kể như lý thuyết về nhóm qui chiếu, lý thuyết về di động xã hội, lý thuyết về xung đột vai trò…

4. THE PROTESTANT ETHIC AND THE SPIRIT OF CAPITALISM (NỀN ĐẠO ĐỨC TIN LÀNH VÀ TINH THẦN CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN, 1904/1905)

Đây là quyển sách thứ hai của Max Weber được liệt kê trong danh sách mười quyển quan trọng nhất của thế kỷ XX, điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của Max Weber trong xã hội học là rất to lớn. Mục tiêu của tác phẩm này là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao chủ nghĩa tư bản lại phát triển ở Tây phương mặc dù ở tất cả các nền văn hóa khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Babylon, Ai Cập và vùng Địa Trung Hải cổ đại đều đã từng có “chủ nghĩa tư bản” hoặc những yếu tố cần có của chủ nghĩa tư bản. Và để trả lời cho câu hỏi này, Max Weber đã tìm cách chứng minh cho giả thuyết mà theo đó một trong các yếu tố cầu thành của tinh thần tư bản hiện đại nói riêng và cả nền văn hóa hiện đại nói chung đã được phát sinh từ tinh thần khổ hạnh của Kito giáo. Cụ thể là trong tác phẩm này, Weber đã chứng minh giả thuyết cho rằng nền đạo đức của Tin Lành có mối liên hệ “tương hợp chọn lọc” với “tinh thần” của chủ nghĩa tư bản, và do vậy đã tạo ra một số động lực tinh thần cần thiết và thuận lợi cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu.

5. THE SOCIAL CONSTRUCTION OF REALITY (KIẾN TẠO XÃ HỘI CỦA HIỆN THỰC, 1996)

Tác phẩm này là công trình thuộc lĩnh vực xã hội học tri thức (sociology of knowledge) của hai nhà xã hội học Mỹ là Peter Ludwig Berger (1929-) người gốc Áo và Thomas Luckmann (1927-) người gốc Slovenia-Áo. Trong tác phẩm này hai tác giả cho rằng hiện thực hay tri thức là một thể chế được kiến tạo về mặt xã hội, trật tự xã hội là sản phẩm của con người hay nói cách khác nó là sản phẩm của quá trình sản xuất liên tục của con người. Do đó nhiệm vụ của xã hội học tri thức là phải phân tích các tiến trình mà qua đó hiện thực/tri thức được hình thành, xã hội học tri thức phải quan tâm phân tích tất cả mọi thứ được gọi là “tri thức” trong một xã hội cụ thể nào đó. Nói cách khác, xã hội học tri thức là một bộ phận của xã hội học theo kiểu thực nghiệm quan tâm đến lịch sử của các tư tưởng trong xã hội. Theo hai tác giả này thì có tồn tại hai loại hiện thực/tri thức thông quan việc phân tích các tiến trình mà qua đó các cá nhân trong xã hội tạo lập nên quan điểm riêng của mình về hiện thực theo như cách họ được xã hội hóa trong xã hội (cái nhìn chủ quan về hiện thực, tri thức chủ quan) và các cách thức làm cho các quan điểm của cá nhân được khách quan hóa thành các thiết chế (institutions) được xem như là những tác tố được củng cố bởi các chủ thể hành động trong mọi xã hội (cái nhìn khách quan về hiện thực, tri thức khách quan). Thế giới khách quan được gắn cho các ý nghĩa thông qua ngôn ngữ (khi gọi tên một sự vật tức là đã hợp thức hóa sự tồn tại của sự vật ấy), qua các câu châm ngôn (chẳng hạn câu thời giờ là tiền bạc) và “thế giới các biểu trưng” cung cấp một sự giải thích chung về thế giới. Đây là tác phẩm chịu ảnh hưởng lớn từ hiện tượng luận (phenomenology) của Alfred Schutz.

6. LA DISTRICTION: CRITIQUE SOCIALE DU JUGEMENT (SỰ PHÂN BIỆT: MỘT PHÊ BÌNH XÃ HỘI VỀ VIỆC ĐÁNH GIÁ THỊ HIẾU NGHỆ THUẬT, 1979)

Đây là tác phẩm duy nhất của xã hội học Pháp hiện diện trong tốp mười và lại là tác phẩm của một tác giả ít quen biết đối với giới xã hội học Việt Nam là Pierre Bourdieu (1930-2002). Trong công trình này, thông qua việc thu thập tỷ mỷ và đa dạng, Bourdieu đã đảo ngược quan niệm thông thường mà theo đó, các sở thích thẩm mỹ hay nghệ thuật là một món quà của tự nhiên, bởi theo ông các quan sát khoa học cho thấy các sở thích ấy bị quy định và được tổ chức vị trí của cá nhân trong xã hội. Chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng những người thường xuyên thưởng thức rượu Champagne là những người có nhiều cơ hội sở hữu những căn hộ cổ, chơi golf, thường xuyên lui tới bảo tàng, nhà hát hơn là những người uống rượu vang bình dân (gros rouge). Bourdieu lưu ý rằng sự khác biệt đó không đơn giản là do vấn đề thu nhập và toàn bộ những thực hành đó mở ra cả một hệ thống biểu trưng của từng nhóm xã hội, vị trí tương đối và ý muốn tự đặt mình ở vị trí nào đó trong thang bậc quyền lực của xã hội. Do đó tác phẩm này được xem như là một công trình tháo dỡ cái ý tưởng mà theo đó “gu và màu da là điều đương nhiên, không có gì phải tranh cãi”.

Thật vậy việc tiếp cận với một số hoạt động nghệ thuật (nhà hát, bảo tàng, các phòng tranh) là không bình đẳng giữa các giai cấp xã hội khác nhau. Có một sự đối lập giữa thẩm mỹ bình dân dựa trên tính tiếp nối giữa nghệ thuật và cuộc sống (trong lĩnh vực điện ảnh, công chúng bình dân thích sự tương tự và cái kết có hậu) và thẩm mỹ của các giai cấp trên trong xã hội. Trong cùng một lĩnh vực nghệ thuật người ta có thể tìm thấy nhiều mức độ phân biệt khác nhau. Chẳng hạn trong lĩnh vực nhạc cổ điển, ta có thể phân định được ba mức độ: thẩm mỹ bình dân (bản nhạc Dòng Danube xanh), thẩm mỹ trung bình (bản Rhapsody in Blue)và thị hiếu đẳng cấp cao (bản le Clavecin bien tempere, tức cây đàn Clavier được lên dây theo luật âm giai ôn hòa).

Một hiện tượng khác cũng có thể quan sát thấy đó là các giai cấp trung bình luôn tìm cách tạo khác biệt với các giai cấp thấp và luôn bắt chước các thực hành thẩm mỹ của các giai cấp trên nhưng do không sở hữu đủ các “mã” (codes) thẩm mỹ của các tầng lớp trên nên họ sẽ “nhái” theo các hành vi quý tộc hoặc chấp nhận những hành vi đánh tráo. Tóm lại vị thế của cá nhân trong xã hội quyết định toàn bộ những thực hành, các giá trị và thị hiếu thẩm mỹ của họ.

7. THE CIVILIZING PROCESS (TIẾN TRÌNH VĂN MINH HÓA, 1939)

Tác phẩm được đánh giá là quan trọng nhất của nhà xã hội học Đức Norbert Elias (1897-1990). Quyển sách này xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức (Urber den prozeb der Zivilisation) vào năm 1939 nhưng do cuộc Thế chiến thứ hai nên nó bị rơi vào quên lãng. Đến những năm 1960 người ta mới khám phá ra tầm quan trọng của nó khi được dịch sang tiếng Anh vào năm 1969. Quyển sách này rất đồ sộ vì khảo cứu cả một tiến trình lịch sử châu Âu từ năm 800-1900 sau Công nguyên và là phân tích chính thức đầu tiên của Elias và của lý thuyết về tiến trình văn minh hóa (theory of civilization). Mục tiêu chính của cuốn sách này là luận giải nguồn gốc ra đời của quốc gia-nhà nước hiện đại và tiến trình hình thành quốc gia-nhà nước hiện đại đã tác động như thế nào đến tinh thần cũng như lối ứng xử thường ngày của các công dân hiện đại. Trước đó nhiều luận giải về sự hình thành của quốc gia-nhà nước hiện đại đều dựa trên yếu tố kinh tế trong khi với Elias thì cần phải dựa vào các lề thói, các phong tục tập quán của xã hội chứ không phải là kinh tế. Những khám phá đó của Elias đã giúp giải thích được vì sao khi áp dụng các thiết chế của phương Tây vào một môi trường xa lạ, các nước thuộc thế giới thứ ba thì luôn gặp nhiều thất bại hơn là thành công (vì phong tục, tập quán ở những nước này là khác với phương Tây).

Tác phẩm này cũng được xem như là nền tảng của xã hội học cấu hình (figurational sociology). Nét riêng có của xã hội học cấu hình không chấp nhận những khái niệm chung như “hành động-cấu trúc”, “cá nhân” và “xã hội” bởi tất cả những khái niệm đó đều ngụ ý cá nhân là một cái gì đó khác và tách biệt với xã hội. Thay vào đó, các khái niệm như cấu hình (figuration) hay các mạng phức hợp (Complex Webs) mới thích hợp để diễn tả các mối quan hệ liên phụ thuộc giữa con người với con người trong xã hội (open people). Các mạng phức hợp của quan hệ liên phụ thuộc luôn ở trong tình trạng thay đổi liên tục do đó xã hội học cấu hình còn có một tên gọi khác đó là xã hội học tiến trình (process sociology). Hiện nay mạng lưới các nhà xã hội học theo khuynh hướng này đã hiện diện tại hai mươi ba nước, trong đó có Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) thuộc châu Á.

8. THE THEORY OF COMMUNICATIVE ACTION (LÝ THUYẾT VỀ HÀNH ĐỘNG TRUYỀN THÔNG, 1981)

Đây là một trong hững công trình quan trọng của nhà xã hội học và cũng là triết gia Đức thuộc trường phái Frankfurtlà Jurgen Habermas (1929-). Công trình này bao gồm hai quyển, trong đó quyển một có nhan đề Lý tính và quá trình lý tính hóa của xã hội(Reason and the Rationalization of Society) được dịch sang tiếng Anh năm 1984 và quyển hai là Thế giới sống và hệ thống: Một phê bình lý luận duy chức năng(Lifeworld and System: A Critique of fuctionalist Reason) được dịch năm 1987. Đây là một trong những công trình lý thuyết được đánh giá là quan trọng nhất trong thế kỷ XX. Ở đây, Habermas phân biệt bốn loại hành động của con người: hành động mang tính mục đích (teleological action), hành động được điều tiết bởi chuẩn mực (normatively regulated action), hành động mang tính diễn kịch (dramaturgical action) và hành động truyền thông (communicative action). Trong quan niệm của Habermas, hành vi truyền thông là nhằm chuyển tải và làm mới tri thức văn hóa và nó là tiến trình giúp mang lại sự thông hiểu lẫn nhau giữa các cá nhân trong xã hội và nhờ đó nó góp phần làm nên sự hội nhập và đoàn kết xã hội bởi sự thấu hiểu lẫn nhau sẽ dẫn đến sự hợp tác chứ không phải là sự mâu thuẫn. Cuối cùng hành vi truyền thông cũng là một tiến trình mà qua đó các cá nhân xác lập nên căn tính (identity) của bản thân mình. Cũng theo ông, những bệnh lý của xã hội (social pathologies) có thể được hiểu như là biểu hiện của việc truyền thông bị bóp méo một cách có hệ thống.

9. THE STRUCTURE OF SOCIAL ACTION (CẤU TRÚC CỦA HÀNH ĐỘNG XÃ HỘI, 1937)

Tác phẩm của nhà xã hội học Mỹ Talcott Parsons (1902-1979). Đây là quyển sách quan trọng cho bất cứ người nào muốn tìm hiểu cách Parsons lý giải sự vận hành của của các hệ thống xã hội dựa trên việc phân tích tư tưởng của các nhà xã hội học tiền bối như Max Weber, Emile Dukhein, Wifredo Pareto và kinh tế gia tân cố điển Alfred Marschall. Để giải thích sự vận hành của xã hội, Parsons đã xây dựng một lý thuyết tổng quát mà ông gọi là lý thuyết hành động (theory action) dựa trên các nguyên tắc phương pháp luận của “ý chí luận” (the voluntaristic theory of action) và các nguyên tắc khoa học luận của chủ nghĩa duy thực phân tích (analytical realism). Khi xây dựng lý thuyết này, mục tiêu của Parsons là nhằm cân bằng hai truyền thống phương pháp luận chủ yếu đó là truyền thống duy lợi-thực chứng (utilitarian-positivist tradition) và truyền thống chú giải-duy tâm (hermeneutic-idealistic tradiotion) và ý chí luận được xem như là lựa chọn khác cho hai truyền thống đó. Parsons cho rằng cần phải dựa vào các nguyên tắc khoa học luận của chủ nghĩa duy thực phân tích thì mới có thể nắm bắt được các tri thức khoa học, bởi vì tri thức khoa học là tri thức có tính phân tích. Chính vì vậy mà trong tác phẩm này, Parsons đã phê phán kịch liệt hai dòng tư tưởng thuộc thế kỷ XIX đã khiến cho tri thức xã hội bị chậm tiến đó là chủ nghĩa duy sử học (historicism) và chủ nghĩa duy hành (behaviorism).

10. THE PRESENTATION OF SELF IN EVERYDAY LIFE (SỰ THỂ HIỆN CỦA CÁI TÔI TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT, 1959)

Đây chính là công trình đầu tiên nổi tiếng nhất của nhà xã hội học, vị chủ tịch thứ 73 của Hội Xã hội học Mỹ Erving Goffman (1922-1982) và cũng nhờ tác phẩm này mà Goffman đã nhận được giải thưởng Maclver của Hội Xã hội học Mỹ vào năm 1961. Tác phẩm này sử dụng lối phân tích diễn kịch (dramaturgical analysis) để lý giải các hành động trong thường ngày của các chủ thể hành động (actor). Vì sử dụng lối phân tích diễn kịch nên trong tác phẩm này, Goffman đã sử dụng rất nhiều khái niệm trong nghệ thuật diễn kịch để phân tích như tiền cảnh, hậu trường, cảnh, màn (lớp diễn). Ngay từ những dòng đầu tiên, Goffman đã so sánh cuộc sống như một vở diễn trên sân khấu mà ở đó, các cá nhân chính là những “diễn viên” thực hiện cái vai diễn và các mối quan hệ xã hội trong các “vở diễn” tuân theo những quy tắc cụ thể và rõ ràng. Theo Goffman, cái “Tôi” hay tiền cảnh (front stage) trong một vở diễn là một tác phẩm diễn kịch, chính những nguyên tắc diễn kịch của mối quan hệ tương tác là yếu tố làm xuất hiện cái Tôi. Như vậy cái Tôi được hình thành trong tương tác và do đó cái Tôi hoàn toàn không có tính chất bản thể tiên nghiệm. Cũng vì vậy mà chủ thể hành động mang tính sinh học (biological actior) không có ý nghĩa gì đối với nhà xã hội học bởi nó chỉ là cái nền chuyển tiếp trong quá trình xây dựng tình huống mà thôi.

Khi so sánh đời sống như sân khấu Goffman còn phân vùng cho sân khấu và trong mỗi vùng thì các diễn viên có những lối diễn khác nhau do mỗi vùng có những chuẩn mực hành vi khác nhau. Vùng phía sau tức là hậu trường của sân khấu là nơi mà diễn viên (tức các cá nhân) có thể “là chính mình” mà không e ngại bị phát hiện hay chê cười; vùng bên ngoài tức là vùng nằm giữa hậu trường và sàn diễn là vùng rất thuận lợi để phát hiện bản chất thật của diễn viên; vùng tiền cảnh tức là nơi diễn viên phải diễn theo mong đợi của công chúng (khản giả). Ngoài ra, Goffman còn phân tích các nguyên tắc nền tảng của các mối tương tác trong đời thường, làm thế nào để mô tả những nguyên tắc và nghi thức ấy, đâu là lý do tồn tại của chúng, chuyện gì sẽ xẩy ra nếu các nguyên tắc ấy không được tôn trọng... Chẳng hạn, theo ông một nguyên tắc căn bản mà mọi cá nhân phải tôn trọng để có sự tương tác tốt đó là phải giữ thể diện của mình và thể diện của người khác. Như vậy tôn trọng thể diện là điều kiện cần cho mọi mối tương tác. Mặt khác trong tương tác, các cá nhân còn phải tuân thủ nguyên tắc tạo sự dễ hiểu trong hành vi của mình cho người khác để thể hiện tính không gây hấn với người khác. Nếu có trục trặc xảy ra thì những người có lỗi phải xin lỗi và công chúng tha thứ để tất cả trở lại trạng thái cân bằng. Như vậy trong tất cả các nguyên tắc của tương tác đều thể hiện một trật tự xã hội buộc các thành viên phải tuân theo. Tức là việc tôn trọng trật tự xã hội tương ứng với việc tôn trọng các quy tắc và lề thói giúp giữ gìn thể diện của cá nhân.

Tóm lại đây là một trong những tác phẩm xuất sắc mà qua đó chúng ta sẽ hiểu được thế nào là lối phân tích tương tác biểu tượng trong nghiên cứu xã hội học./.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).
Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.

Tin mới