Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 23/02/2012 21:04 (GMT+7)

Khai thác không gian ven biển cần sự hài hòa lợi ích cộng đồng

Không gian dải đất ven biển hiện đang được khai thác sử dụng thế nào?

KTS. Trần Ngọc ChínhChủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam :

Theo tôi thì việc khai thác không gian ven biển thuộc vấn đề kinh tế của đất nước. Việc xây dựng phát triển các khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển là điều tất yếu, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và tạo dựng cảnh quan đô thị. Dọc bờ biển nước ta, đặc biệt là khu vực ven biển miền Trung, chỗ nào đẹp nhất đều đã được khai thác, không để làm khu du lịch thì làm đô thị, không làm đô thị thì làm khu kinh tế, điều đó mang lại sự tăng trưởng và phát triển kinh tế cho các địa phương này. Tuy nhiên, thời gian qua, một số khu đô thị, khu nghỉ mát ven biển chưa được quản lý tốt, dẫn tới việc manh mún trong tổ chức không gian và sử dụng đất chưa thực sự hiệu quả.

Nguyên nhân là do công tác quy hoạch trước đây chưa kịp theo sự phát triển quá nóng và nhanh, thêm vào đó là sự quản lý chưa thật chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở. Các nhà đầu tư luôn muốn “xông” vào những vị trí đẹp, họ tìm mọi cách để đạt được mong muốn, nhưng nhiều khi chưa chắc họ đã đủ tầm và năng lực tài chính để thực hiện tốt dự án. Chính những bất cập đó đã tạo nên bức tranh quy hoạch xây dựng ở vùng ven biển manh mún, chắp vá.

Khu Resort ven biển TP. Phan Thiết

TS. KTS. Đỗ Tú LanPhó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng:

Trước hết phải khẳng định dải bờ biển miền Trung nước ta dài và đẹp, những bờ cát trắng, cát vàng mịn màng, những vùng vịnh non xanh, nước biếc rất hấp dẫn, đầy tiềm năng để phát triển đô thị biển và những khu du lịch, nghỉ dưỡng. Hệ thống đô thị biển miền Trung đã và đang phát triển mạnh, trong đó có những đô thị có lịch sử phát triển lâu đời như Đà Nẵng, Nha Trang,…

Hiện nay, do nhu cầu cạnh tranh phát triển lành mạnh, các địa phương có bờ biển đều đẩy mạnh khai thác, với nhiều phương thức, cố gắng tạo sức hút để hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư nhất. Một số tỉnh làm quy hoạch cẩn thận, có ý tưởng, rồi trên cơ sở quy hoạch mới giao đất. Nhưng cũng có địa phương chỉ làm quy hoạch sơ sơ rồi gần như chia lô cho các chủ đầu tư, thậm chí những lô ấy sát biển luôn. Mũi Né là một ví dụ. Dải bờ biển Mũi Né rất đẹp, nhưng quy hoạch phát triển như vậy đã biến bờ biển thành những khu vực sở hữu của các cá nhân, làm mất đi không gian công cộng, không gian giao lưu cho cộng đồng.

Bờ biển dù dài, nhưng chỉ có giới hạn. Các nhà đầu tư luôn thích những khu đất trực tiếp giáp biển. Nhưng nếu bây giờ chúng ta giao hết đất cho các nhà đầu tư thì tương lai sẽ không còn đất sử dụng nữa và như vậy là mất tài nguyên của cộng đồng. Do đó, phương thức phát triển này cần phải xem lại, chỉ nên giao một tỷ lệ nhất định, không nên giao tràn lan.

Thứ hai, hiện nay đang có xu thế lấp biển. Có thể do lấp biển có rẻ hơn và chủ động hơn đền bù giải phóng mặt bằng, cho nên một số nhà đầu tư tranh thủ lấn biển. Lấn biển sẽ tạo ra những khu xung quanh là biển rất đẹp. Nhưng nếu không có đánh giá tác động môi trường đầy đủ nó sẽ có nguy cơ mất cân bằng sinh thái khu vực. Vì vậy, cần phải có bước đi rất thận trọng, các tỉnh không thể cứ thấy lợi là làm.

Thứ ba là vấn đề đua nhau làm các khu kinh tế cảng biển. Việc đầu tư này rất tốn kém, nếu tỉnh nào cũng đua nhau làm, dàn trải khắp nơi không có chiến lược tốt, cung quá thừa sẽ gây lãng phí.

Điều thứ tư liên quan đến việc thiếu sự phối hợp trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc sử dụng dải ven biển có nhiều ngành, nhiều cấp chi phối, nhưng lại thiếu sự phối hợp, cùng với đó là thiếu sự phối hợp giữa các vùng miền nên gây mất cân bằng sinh thái.

Vấn đề thứ năm là lộ trình cho phát triển phải có quy định cụ thể. Đáng lẽ phải làm hạ tầng mới cho khai thác du lịch, nhưng nhiều nơi lại cho khai thác trước, rồi mới làm hạ tầng sau.

Vấn đề cuối cùng, là phải có kiểm soát phát triển. Dải đất ven biển có những khu vực xói lở, khu vực bồi, ngoài nguyên nhân do tác động tự nhiên và biến đổi khí hậu, còn do việc quy hoạch và đánh giá tác động môi trường chưa thỏa đáng, cho nên cần phải có sự kiểm soát phát triển. Kiểm soát phát triển còn liên quan đến quỹ đất, xói lở là mất quỹ đất, nhưng bồi là thêm quỹ đất. Những diện tích tăng thêm này phải quy định cụ thể nếu không sẽ dẫn đến việc chiếm lĩnh đất để phát triển một cách tự phát.

Bờ biển TP. Đà Nẵng

KTS. Hoàng Quang HuyPhó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam , Chủ tịch Hội Quy hoạch Đà Nẵng:

Trong khoảng thập niên gần đây, các dải đất ven biển, các tỉnh duyên hải miền Trung được ồ ạt ưu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài, những doanh nhân có “vai vế” trong nước. Những nhà đầu tư này đã chiếm lĩnh hầu hết “mặt tiền” và “trải thảm” dọc các bờ biển đẹp, các khu vực “đắc địa” có tiềm năng khai thác. Các dự án resort với mật độ xây dựng dày đặc lên tới 50-70%, thiên về chia lô manh mún, hình thức kiến trúc nặng nề, ví dụ như bãi biển Hòa Hải, Non Nước (Đà Nẵng) hoặc vụn vặt như Mũi Né (Ninh Thuận). Không gian kiến trúc vươn trải quá gần mặt nước. Thêm vào đó là tình trạng đào bới đồi núi, san lấp sông biển, chặt phá cây cối đã và đang phá vỡ hệ sinh thái biển, núi và làm ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng.

Tình trạng đó, phần lớn là do chưa có quy hoạch chiến lược phát triển tổng thể hệ thống các đô thị ven biển nói chung, cũng như chi tiết cho từng khu vực nói riêng, nên việc tổ chức khai thác dải bờ biển tại các tỉnh duyên hải miền Trung có thể nói là còn tự phát, mạnh ai nấy làm, thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu vốn, thiếu sự hợp tác, liên kết vùng và thiếu quan hệ tương hỗ… Việc đầu tư khai thác phần lớn còn phân tá, nhỏ lẻ, manh mún. Hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ, kiến trúc và cảnh quan đô thị chưa hài hòa và thiếu thân thiện với môi trường, chưa tạo được dấu ấn xứng tầm với tiềm năng cảnh quan thiên nhiên.

Các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý chức năng của địa phương sau khi giao đất, không kiểm soát được các chủ đầu tư, lực lượng tư vấn còn chưa đủ năng lực, thiếu kinh nghiệm, nên việc đầu tư, khai thác phần lớn còn tùy tiện, thiếu không gian công cộng, thiếu mảng xanh và không gian mở hướng biển.

TS. KTS. Lê Đinh TriPhó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch, Bộ Xây dựng:

Không gian cảnh quan các đô thị biển đóng góp rất nhiều cho phát triển kinh tế, đặc biệt là văn hóa du lịch. Nhưng việc khai thác nó hiện nay còn khá tùy tiện, đặc biệt việc quản lý không gian chưa được quan tâm đúng mức. Từ góc độ cảnh quan ta có thể thấy, cảnh quan đẹp là sản phẩm của tự nhiên, mọi người đều được quyền hưởng thụ như nhau. Nhưng rất tiếc, nhiều chủ đầu tư đã lấn mặt tiền của biển, vì đặc quyền đặc lợi của một nhóm người mà quên đi quyền lợi chung của cộng đồng. Không gian cảnh quan ở các vùng bờ biển, hay cửa sông chỉ có hữu hạn. Nếu một ai khai thác tối đa không gian này thì người đi sau sẽ không còn cơ hội, do đó, quan điểm của những người làm quản lý kiến trúc quy hoạch là: cần phải có 1 khoảng không gian từ mép bờ biển tối thiểu là 50-100m dành cho không gian công cộng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đơn vị đã khai thác sát mép nước, điều đó không đúng với quy định. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có thiếu sót, đặc biệt là các địa phương chưa quan tâm đến vấn đề này.

TS. KTS. Nguyễn Quốc ThôngTổng biên tập Tạp chí Xây dựng:

Trước tiên, phải dánh giá tài nguyên chính của các đô thị ven biển vùng duyên hải miền Trung là biển. Vì vậy, nó phải được hiểu như là sở hữu công cộng. Từ nhận thức ấy, ta có thể tổ chức không gian công cộng ven biển, mà ưu tiên đầu tiên là cho mọi người. Nhu cầu của mọi người dân, cả dân địa phương, lẫn khách vãng lai, sẽ phải xuất hiện trong không gian công cộng. Không gian công cộng sẽ phải có dưới dạng một hệ thống để đáp ứng nhu cầu đó. Chính cái hệ thống ấy hỗ trợ cho nhau, tăng cường hiệu quả sử dụng. Nếu không gian công cộng mà lại dành cho một nhóm nào đó, thì nó lại không đúng lắm.

Vấn đề thứ hai là quyền được tiếp xúc với biển, đi từ thành phố ra biển.

Vấn đề thứ ba, không gian công cộng sát biển đòi hỏi ứng xử khéo léo, tinh tế một cách khoa học và có cơ sở. Không gian ven biển là một tài nguyên, nhưng là một tài nguyên rất mong manh. Nếu khai thác không khéo có thể làm hỏng nó và hại môi trường. Trên thế giới đã nói rất nhiều đến việc khai thác quá mức dòng người đến, nhất là du lịch.

Vấn đề thứ ta, là bản sắc. Miền Trung là một danh từ chung, nhưng trong dải miền Trung đó, từng địa phương nên có nét riêng, dể tạo sức hấp dẫn cho mình. Nét riêng đó có thể là cảnh quan, bãi cát, gió, địa hình,… mang lại và không thể quên được văn hóa địa phương.

KTS. Nguyễn Luận:

Đối với các đô thị ven biển, khong gian công cộng thường tập trung ở đường ven biển. Đó là điều tất yếu. Ở các đô thị lớn trên thế giới cũng vậy, tại các mặt đối diện với biển, người ta luôn khai thác không gian công cộng. Tuy nhiên, không gian ấy chỉ được khai thác hiệu quả khi có nền kinh tế tương đối tốt.

Ở các tỉnh duyên hải miền Trung của ta cũng vậy. Ví dụ, Đà Nẵng có đường Bạch Đằng và đường Phạm Văn Đồng. Đường Bạch Đằng mới chỉ ở mức có tận dụng như là đường đi bộ thôi, chưa tạo thành một không gian để người ta nghỉ ngơi. Nha Trang có đường Trần Phú ven biển, rất dài với những khách sạn, công viên có từ lâu đời. Quy Nhơn có mặt biển đẹp, nhưng việc khai thác không gian công cộng là chưa có mấy bởi từ trước đến giờ Quy Nhơn là đô thị mang tính sản xuất nhiều hơn (trước là cảng biển lớn của miền Trung). Tuy nhiên, trong tương lai, khi mà bán đảo Phương Mai, Nhơn Hội và tuyến đường Quy Nhơn – Tuy Hòa đi vào khai thác, thì đây sẽ là không gian ven biển rất đẹp.

Vào đến Phan Thiết, hình ảnh dải đất ven biển ở đây cũng như ở đoạn Đà Nẵng đi Hội An. Bãi biển được khai thác rất mạnh, nhưng chủ yếu là theo kiểu chia lô cho các nhà đầu tư du lịch, còn không gian công cộng thì chưa có, thậm chí người ta chưa có ý tưởng về không gian này, mới chỉ có một số bãi trống dành cho người dân đến tắm. Tôi cho rằng, trong giai đoạn này mà dám nghĩ ra ý tưởng dành khoảng 10 đến 20ha cho không gian công cộng thì quả là hơi liều với các nhà quản lý.

Nhìn chung, tại các đô thị duyên hải miền Trung, cái mà nhiều tỉnh tạo được, đó là con đường ven biển. Những con đường ấy, ngoài việc tạo sự lưu thông nó còn là một cảnh quan rất hấp dẫn. Người ta du hành trên đó được thụ hưởng cảnh quan ấy, mới thấy đất nước đẹp biết bao. Nó không đơn thuần là một không gian công cộng như chúng ta nói, nhưng đó cũng là một cách khai thác.

Hồ Huy DiệmPhó Chủ tịch Hội Quy hoạch Đà Nẵng:

Chúng ta quá thừa những khách sạn, resort, sân golf mà lại thiếu hoặc không có các công trình phục vụ công cộng khác. Ven biển từ Đà Nẵng đến Mũi Né, Phan Thiết nơi nào cũng phân lô chia mảnh, và mỗi lô như vậy, chủ đầu tư cát cứ một vùng biển, vùng lãnh địa riêng nhốt trong 3 bức tường rào. Đã vào những khách sạn, resort này thì như một thế giới riêng, thậm chí không được bơi qua phần biển thuộc quản lý của khách sạn láng giếng… Những nơi người dân đô thị sở tại, khách du lịch vãng lai không được hưởng những phúc lợi ở quê mình nếu không có nhiều tiền, kể cả việc tắm biển và ngắm cảnh.

Các con đường ven biển, nhiều nơi làm việc rất rộng và sát mặt nước. Những con đường 4 làn xe chạy này, không phải là con đường du lịch, không tạo không gian công cộng mà là con đường ngăn cách và phá vỡ cảnh quan, phá vỡ không gian

Quan điểm về sự công bằng và hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – nhà đầu tư – cộng đồng dân cư trong việc khai thác không gian ven biển

KTS. Nguyễn Luận:

Ở đây, chúng ta phải xác định được, xuất phát từ vấn đề gì để nói lên sự công bằng. Công bằng không phải là mọi người bằng nhau, chúng ta phải có nghiên cứu đánh giá. Phải có khái niệm về sự công bằng, rồi ta mới nói đến chuyện đã công bằng chưa. Ví dụ, để có nguồn vốn 10 tỷ USD dành cho phát triển đô thị ấy, thì người dân đô thị ấy đương nhiên phải hy sinh một cái gì đấy, ví dụ như mất đi 10 phần hay 20 phần, còn lại 80 phần như thế gọi là công bằng. Mất đi phần nào đó quyền hưởng thụ không gian biển, để đổi lại những quyền lợi khác trong đô thị cũng là hợp lý.

Cũng có một số đô thị quan tâm đến vấn đề này, ví dụ như dành con đường rất rộng cho người dân xuống biển tắm hay dành những bãi tắm riêng cho cộng đồng. Nhưng về cơ bản, tại các tỉnh duyên hải miền Trung, chưa đáp ứng được công bằng về không gian cho người dân. Ta nhìn thấy ngay thôi, nhu cầu của người dân phải đặt bên cạnh nhu cầu đầu tư. Nhưng ở đây, nhu cầu đầu tư nhiều khi hơi quá và không thật. Vấn đề chiếm đất, mua đi bán lại thì nhiều, các dự án khai thác hiệu quả thì ít. Nếu đầu tư khai thác hiệu quả thì nhà nước đã có nguồn thuế rất lớn, nguồn thuế ấy sẽ quay ngược lại phục vụ cho người dân. Tôi nghỉ sẽ đến một lúc nào đó, nhưng chưa phải bây giờ, khi mà nguồn vốn nhà nước đã mạnh, người ta sẽ đặt vấn đề công bằng về không gian. Vấn đề này gần như nước nào cũng gặp phải trong thời kỳ quá độ, ví dụ như Hàn Quốc. Đó là câu chuyện hết sức bình thường, nhưng sẽ đến lúc có sự thu hồi đất và không phải nhà đầu tư nào phất lên cũng có những người lui.

KTS. Trần Ngọc Chính:

Về cơ bản, theo tôi, các vùng bờ biển của Việt Nam và miền Trung nói riêng đã đảm bảo được sự công bằng về không gian. Hiện nay, chưa có trường hợp người dân không được sử dụng biển. Biển là của cộng đồng, chứ không phải của riêng ai. Vấn đề là sử dụng sao cho công bằng và hợp lý, ví dụ như những khách sạn 5 sao thì cần phải có mặt hướng ra biển và có khu vực bãi biển được quản lý riêng. Chia ra như vậy để quản lý và kinh doanh, chứ không phải không cho mọi người tiếp cận với biển. Doanh nghiệp bỏ tiền ra khai thác làm sạch đẹp bãi biển thì người dân phải bỏ tiền để vào tắm. Những khách sạn này có sử dụng bãi biển riêng, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến mặt văn hóa, xã hội.

KTS. Hoàng Quang Huy:

Dọc biển và bờ biển các tỉnh duyên hải miền Trung đang thiếu không gian công cộng cho cộng đồng dân cư, thiếu không gian xanh, thiếu đầu tư phát triển các không gian thể thao, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, cũng như các công trình dịch vụ cộng đồng. Người dân có thu nhập thấp không có điều kiện hưởng thụ không gian biển, chỉ người giàu, người có tiền mới được vào tận hưởng các khu du lịch và và các resort… Tường rào của các khu vực này vây kín hướng biển và che khuất tầm nhìn ra cảnh quan đẹp của biển.

TS. KTS. Lê Đình Tri:

Đà Nẵng là nơi có bãi biển dài và rất đẹp nhưng hiện nay việc sử dụng không gian này hơi tùy tiện, thậm chí các nhà đầu tư cũ. Nguyên nhân do chính quyền địa phương tùy tiện trong việc giới thiệu, xác định địa điểm cho họ.

Đô thị Cửa Lò là một đô thị rất đẹp, nhưng rất tiếc là cho tư nhân khai thác quá nhiều trên mặt biển. Nếu không ngăn chặn và không có quy chế tốt, tương lai sẽ không còn bãi biển đẹp cho cộng đồng cho mọi người, hưởng thụ vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng. Vấn đề thứ hai ở Cửa Lò là đô thị này gắn kết với cảng biển. Giữa cảnh quan du lịch và cảng biển là 2 mặt đối lập. Một bên thì rất muốn luôn duy trì cảnh đẹp thuần túy tự nhiên, môi trường ổn định, một bên thì càng phát triển mạnh thì càng ô nhiễm trầm trọng hơn. Vì vậy, chỉ có thể lựa chọn một trong hai chứ không thể hai trong một được.

Làm thế nào để hài hòa lợi ích ven biển?

KTS. Nguyễn Luận:

Chúng ta phải nghĩ đến giải pháp xã hội chứ không phải giải pháp theo nghĩa chuyên môn. Giải pháp xã hội là đề ra chủ trương, chúng ta có muốn và có đủ tiềm lực làm như vậy hay không. Các nhà quy hoạch luôn nghĩ rằng không gian công cộng luôn là một nơi hấp dẫn, mang lại vẻ đẹp cho đô thị. Nhưng vấn đề này không đơn thuần như vậy, nó là một hành trình văn hóa rất phức tạp. Ta không thể trách lãnh đạo được, vì mức độ cũng chỉ đến thế, có phải là người siêu phàm đâu để mà nhận thức vượt qua được. Bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế.

KTS. Lê Đình Tri:

Để bảo vệ những không gian này, Bộ Xây dựng cũng đưa ra giải pháp chung trong Nghị định 38/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý quy hoạch kiến trúc và cảnh quan đô thị và trong Thông tư số 1920/2010/TT-BXD hướng dẫn lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Những khu vực cảnh quan được đưa ra quy chế bảo tồn gìn giữ và đưa ra nguyên tắc khai thác. Tuy nhiên, các địa phương cũng chưa thực hiện một cách đầy đủ vì nhiều lý do khác nhau, do chưa quen và chưa có chi phí. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn quy chế và chi phí lập quy hoạch, kiến trúc đô thị. Nó là nền tảng, đòn bẩy cho các đô thị có thể đưa ra các quy chế quản lý các không gian nói chung và đặc biệt các không gian ven biển.

Vấn đề thứ hai cần phải nhắc đến ở đây là 29 đô thị ven biển, đô thị nào cũng đang phải đối mặt với nguy cơ nước biển dâng, khi thay đổi khí hậu toàn cầu. Chính vì vậy, giải pháp mà kiến trúc, quy hoạch cần phải nhắc đến để ứng phó với biến đổi khí hậu là lựa chọn không gian xây dựng các công trình công cộng, đồng thời, có giải pháp bảo tồn những giá trị về thiên nhiên cảnh quan hiện có, để khi nước biển dâng không bị xâm hại và không quá bị động trước tình hình của thiên nhiên.

TS. KTS. Nguyễn Quốc Thông:

Có nhiều cách giúp nhà quản lý, nhà thiết kế, nhà đầu tư thỏa hiệp với nhau để tất cả đều có quyền lợi nhất định. Chẳng hạn, thay vì đường thẳng thì làm đường cong, gấp khúc, thay vì áp mặt biển thì lùi ra từng khoảng để tăng độ dày tạo ra nhiều khoảng không gian cho hoạt động công cộng. Khi lùi vào không có nghĩa là đánh mất biển mà chính là tạo thêm nhiều khả năng tiếp cận với biển,… Nói chung là phải có nghiên cứu tổng thể.

TS. KTS. Đỗ Tú Lan:

Hiện đang tồn tại 2 mô hình tạo sự công bằng. Mô hình ở Đà Nẵng, Nha Trang, Sầm Sơn là làm con đường ven biển, sau đó mới là các khách sạn. Như vậy, bãi biển vẫn được dùng chung, nhưng lại có hạn chế là bị con đường giao thông ngăn cách biển với khách sạn, nên mô hình này cũng không phải là hay. Một mô hình khác, như Mũi Né chẳng hạn, chia lô hết bãi biển, con đường ở phía sau, người ta không còn nhìn thấy biển nữa, bãi biển không còn là của chung. Vì vậy, chúng ta phải dung hòa cả hai mô hình ấy.

Về giải pháp, tôi có nghiên cứu và đề xuất trong luận án tiến sỹ của mình. Cân bằng nhu cầu giữa nhà đầu tư, khách nghỉ với nhu cầu của cộng đồng. Lựa chọn những khu vực nào nên xây khách sạn bám biển, khu vực nào dành cho cộng đồng. Những khu vực đó phải có tọa độ và không gian hợp lý, hài hòa tạo thành những con đường lượn ra lượn vào, như vậy còn tạo ra không gian phong phú.

KTS. Hoàng Quang Huy:

Thế kỷ 21 là thế kỷ của mọi tiềm năng khai thác đại dương. Vì thế, chúng ta phải biết giữ gìn, chắt chiu, dè sẻn và quản lý nghiêm ngặt mọi sự khai thác biển, bờ biển,…

Cần sớm được ưu tiên cho một chiến lược quốc gia về quy hoạch khai thác biển, bờ biển và núi rừng của các tỉnh duyên hải miền Trung; trong đó, có việc ưu tiên nghiên cứu quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan môi trường và hạ tầng kỹ thuật của các đô thị biển.

Cần có thể chế cho việc lựa chọn khai thác tài nguyên biển, sớm thống nhất các tiêu chí, quy chuẩn cho việc quản lý khai thác đất đai biển, sông, núi rừng và quản lý xây dựng phát triển các đô thị biển cũng như các khu chức năng của đô thị biển.

Phải được sự quan tâm xác đáng của các cấp chính quyền trong quản lý, chính sách đầu tư và phải được phát huy cao sự giám sát, tham gia của cộng đồng, sớm chấm dứt các dự án lãng phí đất đai, tài nguyên, các dự án chia lô, “ăn sổi” manh mún. Cần điều chỉnh các dự án có mật độ xây dựng cao (nên chỉ ở mức 25-30%), có diện mạo kiến trúc thiếu thân thiện với cảnh quan thiên nhiên, hay chưa hợp lý về tầm nhìn, chiều cao để mở hướng biển, hướng cảnh quan đẹp. Chính quyền cần sớm xem xét, điều chỉnh và quản lý nghiêm việc tính toán lấn biển, đào xới đồi núi, chặt phá rừng…

Các đô thị biển ở các tỉnh duyên hải miền Trung phải là của người Việt Nam , được quản lý, được ưu tiên khai thác và được bình đẳng trong hưởng thụ. Có như vậy, các đô thị biển mới là những đô thị sinh thái phát triển hiệu quả và bền vững.

Quan điểm của các nhà quản lý đô thị về việc khai thác không gian ven biển.

KTS. Nguyễn Ngọc TuấnGiám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng:

Việc khai thác không gian cảnh quan ven biển được thành phố đặc biệt quan tâm. Theo đó, thành phố Đà Nẵng định hướng “đô thị hướng ra biển, kéo dài bờ sông và bờ biển”, thành phố Đà Nẵng đã chú trọng đầu tư các tuyến ven biển như đường Nguyễn Tất Thành từ hầm Hải Vân – qua cầu Thuận Phước – nối đường Hoàng Sa, Trường Sa đi Hội An. Song song với việc sử dụng lợi thế không gian biển trong phát triển ngành du lịch của thành phố, không gian ven biển được sử dụng chủ yếu cho sinh hoạt cộng đồng. Bãi biển công cộng kéo dài hơn 15km, trải dài qua các khu đô thị quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Đây là không gian lý tưởng cho việc hưởng thụ và sinh hoạt cộng đồng.

Ông Trần Anh TuấnGiám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận:

Tỉnh Bình Thuận hiện có 192km bờ biển, trừ khu vực trung tâm các đô thị và khu dân cư hiện hữu, đa số phần còn lại của bờ biển được quy hoạch phát triển dịch vụ du lịch. Hiện nay, tại các khu vực trung tâm tỉnh như thành phố Phan Thiết và một phần các huyện lân cận, các dự án du lịch đã và đang đầu tư phát triển khá mạnh, đa số đầu tư theo loại hình resort và khu đô thị sinh thái. Các khu vực khác, ngoài những khu vực dành cho các công trình hạ tầng kỹ thuật như cảng biển, khu neo đậu tàu thuyền, nhà máy nhiệt điện,… phần còn lại chủ yếu cũng được quy hoạch để phát triển dịch vụ du lịch và các khu đô thị sinh thái.

Để quản lý không gian kiến trúc đối với các dự án dịch vụ du lịch, tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 11/3/2008 về việc Quy định các vấn đề liên quan đến quản lý xây dựng các dự án đầu tư khu du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó, tỉnh khống chế tầng cao và mật độ xây dựng các công trình dọc tuyến ven biển, tăng mật độ cây xanh trong từng dự án. Ngoài ra, tỉnh còn cho quy hoạch các khu sinh hoạt công cộng dọc ven biển, nhằm phát triển các dịch vụ vui chơi, giải trí cho cộng đồng và du khách. Do đa phần các khu du lịch (resort) đều gắn liền với bãi biển, nên giao thông ven biển không thể xuyên qua các khu du lịch, nhằm tạo không gian yên tĩnh cho du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng.

Hành động cụ thể của các đô thị trong việc đảm bảo công bằng về không gian, hài hòa lợi ích ven biển.

KTS. Nguyễn Ngọc TuấnGiám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng:

Để đáp ứng cụ thể nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng, UBND thành phố đã phê duyệt gần 10 bãi tắm công cộng, trong đó các bãi tắm công cộng đã được Thành phố đầu tư đã phát huy hiệu quả sử dụng như bãi tắm Phạm Văn Đồng, Thanh Khê, Sao Biển… Công viên Biển Đông được Thành phố đầu tư đồng bộ để phục vụ sinh hoạt, vui chơi giải trí, lễ hội cho nhân dân địa phương và khu vực.

Để nâng cao hiệu quả cảm thụ cảnh quan và gây bất ngờ cho người cảm thụ, về mặt tổ chức không gian, sẽ phải có lúc mở lúc đóng, lúc ẩn lúc hiện là hợp lý. Trên tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa, đoạn từ bán đảo Sơn Trà đến đường Hồ Xuân Hương, việc quy hoạch một vài đoạn có công trình ven biển làm phong phú thêm cho hiệu quả cảm thụ, xét về mật độ xây dựng trên toàn tuyến là không ảnh hưởng đến hiệu quả cảm quan của tuyến ven biển này. Và thực tế, việc đóng, mở không gian tạo nên những điểm nhìn rất thú vị trên tuyến đường ven biển.

Việc quản lý và khai thác biển nhằm đảm bảo công bằng về không gian, hài hòa lợi ích, được lãnh đạo thành phố, Sở Xây dựng đặc biệt quan tâm, nhằm đảm bảo thuận lợi cho môi trường phát triển du lịch và lợi ích cộng đồng.

Ông Trần Anh TuấnGiám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận:

Nhằm đảm bảo công bằng về không gian, hài hòa lợi ích ven biển cho các đối tượng, giải pháp chủ yếu là công tác quy hoạch; trong đó cần xác định khu vực dành để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực phát triển dịch vụ du lịch và khu đô thị… Mỗi khu vực đã được xác định chức năng thì cần phải đảm bảo cho nhà đầu tư thực hiện và khai thác hiệu quả cao nhất về kinh tế và xã hội, theo từng dự án. Phải dành quỹ đất ven biển thích đáng để phục vụ cho việc sinh hoạt cộng đồng nói chung. Thêm vào đó, vến đề quản lý và bảo vệ môi trường trong tất cả các công trình và dự án cũng được chú trọng.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).
Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.

Tin mới