Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 27/02/2007 00:01 (GMT+7)

Hương trà & trà hương

Hương trà

Trà tươi: Trong đời sống của mình, cây trà đã tổng hợp được một số chất dễ bay hơi, có mùi tạo nên hương tự nhiên của Trà (hương trà). Được chưng cất kéo theo hơi nước, các lá trà tươi cho được khoảng 0.17% tinh dầu vào mùa hè và khoảng 0.014% vào mùa thu. Tinh dầu này có thành phần là các β-γ-hexenol, β-γ-hexenal, cinnamic aldehyd. Các cấu tử này có mùi hăng, ngoài ra có các paraispbutylic và isovalerianic alhedyd, các rượu geraniol, linalol và octylic, tham gia vào làm thơm hương trà, ngoài các axit bậc thấp (aetylic, propipnic, valerianic, capronic), còn có axit bậc cao (palmitic...).

Trà chế biến: Từ những búp trà tươi (1 tôm và 1 – 2 lá non), người ta có thể chế biến ra trà xanh hoặc trà đen. Qua các giai đoạn công nghệ, nhỏ tác dụng của nhiệt hay enzym, các thành phần có mùi thiên nhiên đã “tổ hợp” nên các cấu tử thơm mới. Ở Trà xanh, phần lớn các axit bậc thấp bị mất đi, đồng thời các thành phần mới như benzaldehyd, valerianic aldehyd được thành lập. Ở trà đen, khi được làm héo và lên men, hexylenic aldehyd trở thành nguyên liệu tạo nên cấu tử mới. Ngoài ra theo các nhà sinh hoá thực phẩm, trong quá trình chế biến đó có sự tương tác giữa các amino axit tự do ( tức protein hoà tan từ protein không hoà tan) với các đường đơn hoặc giữa amino axit và tamin trà (thành phần quan trọng nhất là catechin) do đó các aldehyd có mùi được thành lập rồi chúng tiếp tục chuyển hoá để tạo nên các cấu tử thơm. Trà Thái Nguyên và trà Bảo Lộc giàu hàm lượng protein và catechin nên thơm, rất được ưa chuộng.

Trà hương

Trà đen thơm hơn trà xanh, nhưng trà xanh lại giữ được các sinh chất quý của trà tươi trong đó, các sắc tố như caroten, chlorophyl, các tanin trà như các thành phần của catechin, nhất là epigallo catechin gallat, chất chống oxy hoá mạnh gần như được bảo toàn trên 80%. Do đó, người Việt Nam cũng như các dân tộc Đông Nam Á thích uống trà xanh. Đồng thời, đại bộ phận nhân dân cũng có truyền thống thưởng thức “hương vị hỗn hợp của thảo mộc khác hoà tan vào nước trà”. Với một số loài hoa có hương thơm thích hợp với trà, bằng cách ướp người ta có được những loại trà có hương hoa.

Trà cúc : Trà xanh được ướp hoặc trộn với hoa cúc trắng hoặc hoa cúc vàng. Ngoài adenin, cholin, stachydrin, vitamin A và sắc tố ... chrysanthemin (khi thuỷ phân sẽ cho glucoz và cyanidin), hoa Cúc có chứa tinh dầu nên thơm. Người ta nói uống trà bông cúc bổ và ngừa được ung thư.

Trà ngâu : Cây Ngâu mọc ở sườn núi hoặc được trồng thành vườn cho hoa tròn, nhỏ màu vàng đậm và rất thơm. Dùng tươi hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 - 60 C để ướp, trộn với trà.

Trà lài : Hoa Lài thường nở về đêm nên thường được hái vào buổi chiều, và trà đã chế biến (độ ẩm khoảng 8%) được phun sương và ướp vào ban đêm. Sau đó, trà được sấy khô lại.

Trà sen : Ở một vài địa phương khi xưa người ta có thú tao nhã ướp và thưởng thức trà sen. Khi nắng chiều đã hết, người ta bơi thuyền ra hồ đầm Sen, bỏ vào từng búp Sen một nhúm trà. Buổi tối, búp Sen sẽ cụp lại, và với sương ẩm, hương Sen ở đầu các nhị sẽ hấp vào Trà. Sáng ra, họ đi gom trà về. Ngày nay, vì nhiều lý do, cái thú đó khó được thực hiện. Tuy nhiên, trên thương trường, trà Sen vẫn có nhiều, đó là trà ướp hương sen tổng hợp. Trà này rất thơm nhưng ta nên dè chừng vì tổ hợp thơm này có tính độc.

Trà thảo dược : Để vừa tăng hương cho trà vừa có tính thuốc và tăng sức khoẻ của thức uống này, nhiều chế phẩm với cây cỏ (thảo) được sản xuất: trà Quế, Hồi, Bạc hà, Gừng, Khổ qua, Ích mẫu, Kinh giới, Phá cổ chỉ, Mã đề, Sâm đại hành,... Người sử dụng có thể đọc kỹ chỉ dẫn trước khi dùng.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới