Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 10/11/2009 18:09 (GMT+7)

Hành trình để có "bàn tay sạch"

Qua nghiên cứu cho thấy, rửa tay bằng xà phòng với nước trong 15 giây có thể loại bỏ được 90% vi khuẩn, tránh được nhiều bệnh tật. Lợi ích lớn lao từ động tác đơn giản, vậy mà thực hiện được cũng phải trải qua một quá trình lận đận ngay từ những người thầy thuốc giỏi chuyên môn.

Tai họa từ đôi bàn tay vàng của bác sĩ

Vào đầu thế kỷ 19, ở châu Âu, khi bước vào phòng điều trị, áo blouse càng bẩn, người bác sĩ càng tự hào vì điều đó chứng tỏ mình là thầy thuốc giàu kinh nghiệm, được tín nhiệm cao. Có những bác sĩ từ bên ngoài, đi thẳng vào phòng mổ, không làm các thao tác sát trùng tay cần thiết mà cứ để đôi bàn tay "đầy bụi trường chinh" đó làm phẫu thuật hoặc đỡ đẻ.

Do đó, tỷ lệ tử vong của người bệnh, sản phụ khá cao. Tại một bệnh viện lớn ở châu Âu, Bệnh viện Vienne (Áo), năm 1821 có tới 821 sản phụ chết trên 5.139 người đẻ. Tại Bệnh viện Maternite (Paris -Pháp), trong ngày 1/8/1858 có tới 31 sản phụ chết trên tổng số 32 người, hầu hết đều do sốt hậu sản. Qua theo dõi, GS. Ignaz Philipp Semmewels (1818-1865) người Hungari, Trưởng khoa sản của Bệnh viện Vienne nhận thấy, ở hai bộ phận đỡ đẻ: một do các sinh viên năm cuối phụ trách và một do các nữ hộ sinh đảm nhiệm, tuy trình độ tay nghề hai bên tương đương nhưng số sản phụ bị nhiễm khuẩn chết do số sinh viên đỡ đẻ cao hơn hẳn các nữ hộ sinh thực hiện. Truy tìm nguyên nhân ông thấy, các sinh viên thường tham gia mổ tử thi sau đó vẫn để nguyên đôi bàn tay đó đỡ đẻ ngay nên gây cho nhiều sản phụ bị nhiễm trùng máu và tử vong.

Từ đó, ông đề ra quy tắc "Bác sĩ trước khi khám hoặc đỡ đẻ phải sát khuẩn tay bằng xà phòng rồi ngâm tay qua dung dịch clo". Và chỉ với việc áp dụng thao tác này, tỷ lệ sản phụ tử vong đang từ 18% giảm xuống còn 1% và sau này chỉ còn 0,8%. khi việc khử khuẩn được thực hiện nghiêm túc trong các khâu: dụng cụ, quần áo, bông băng, gạc... Kết quả tuyệt vời trên tưởng đủ sức thuyết phục mọi người cùng hưởng ứng nhưng thật ngạc nhiên, phần lớn các thầy thuốc không chỉ giễu cợt thậm chí còn chống đối, trong đó có những vị được coi là quyền cao, chức trọng như GS. Johann Klein. Do tư tưởng bảo thủ và cao ngạo, giới y học không thể chấp nhận quan niệm: Bàn tay thầy thuốc lại là nguyên nhân gây nên cái chết cho bệnh nhân, theo họ, những bàn tay vàng chỉ "cứu nhân độ thế", làm phúc cho đời. Họ quên mất đôi bàn tay quý báu đó nếu bẩn lại là công cụ đắc lực giúp tử thần tác oai tác quái. Thất thế, GS. Sammelwels không còn được trọng dụng, buộc phải chuyển đi công tác nơi bệnh viện khác và oái oăm thay, ông mất vào năm 47 tuổi bởi tai nạn nghề nghiệp: bị nhiễm trùng máu do sơ ý đứt tay trong khi mổ tử thi.

Nhờ kính hiển vi, ra đời quy tắc vô khuẩn, cứu sống hàng triệu người

Vào năm 1861, khi nhà bác học Louis Pasteur (1822-1895), người Pháp, công bố công trình khoa học: "Ghi nhớ về những vật thể có cấu trúc đơn giản và nhỏ bé luôn hiện diện trong không khí", mở đầu cho sự ra đời mô vi trùng học, thì việc tiệt khuẩn vẫn chưa được đa số giới y học chấp nhận. Thậm chí, BS. George Johnston còn viết trong báo cáo khoa học: "Nguyên nhân sốt của sản phụ sau khi sinh là do lo lắng, sợ hãi hoặc do một ma lực nào đó". Đức tính của những người hành nghề y là thận trọng, vì công việc của họ liên quan tới tính mạng con người, điều này rất đáng quý, nhưng đôi khi nó lại trở thành cố chấp, cản trở việc công nhận cái mới. Mãi đến năm 1879, nhờ có kính hiển vi, GS. Pasteur tìm ra vi khuẩn Streptococcus, tác nhân gây tình trạng sốt hậu sản làm chết biết bao sản phụ và những người bị mổ. Nhờ đó, kết hợp với nhiều năm theo dõi, nhà phẫu thuật Joseph Lister (năm 1827-1912), người Anh đã đưa ra nhận xét và được nhiều thầy thuốc chấp nhận: "Các vết mổ bị biến chứng, phù nề, viêm tấy, hoại thư, nhiễm độc máu... đều do sự tăng trưởng của vi khuẩn" và để phòng tránh, cần "tiêu diệt vi khuẩn trước khi mổ". Ông đề ra nguyên lý khử khuẩn trong ngành phẫu thuật như tiệt khuẩn các dụng cụ mổ bằng cách nhúng vào dung dịch phenol, thầy thuốc phải rửa tay sạch và sau đó sát khuẩn, mặc quần áo thao tác đã được giặt, hấp sạch sẽ, vô khuẩn. Hiệu quả thật bất ngờ, hầu hết những người bệnh được ông trực tiếp mổ đều bình phục, ra viện sớm. Thành công của Lister không chỉ bó hẹp trong đơn vị ông phụ trách mà còn trở thành "quy tắc vô khuẩn" được áp dụng tại tất cả các cơ sở điều trị, góp phần cứu sống hàng triệu người khỏi tai họa của đôi bàn tay không sạch.

Xem Thêm

Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.
Hà Tĩnh: Hội thảo khoa học về Hoàng giáp Lê Tuấn
Sáng 16/3, Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh (Thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh) và UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với dòng họ Lê ở Kỳ Anh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Hơn 100 nhà khoa học cùng giải bài toán ô nhiễm tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau tìm ra lời giải đáp phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và triển khai cam kết “Giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050”.

Tin mới

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.