Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 09/08/2013 21:24 (GMT+7)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về Cách mạng tháng Tám

* Năm 1930-1940, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ không kéo dài những hiện tượng đột biến ở Đông Dương. Một nhà quan sát hời hợt, đến Hà Nội hay Sài Gòn giữ năm 1940 và 1945, có thể nghĩ rằng không có thay đổi gì lớn. Nhưng kẻ chủ trương thực dân cũng không ngớt nhấn mạnh rằng lúc đó thuộc địa vẫn sống “trong hoà bình và trật tự của Pháp”, giữa lòng một châu Á đang bùng cháy.

- Đúng, ông có lý khi nói rằng: một nhà quan sát “hời hợt”! Vì có nhiều điều đang diễn ra trong “chiều sâu”!

* Nền thống trị Pháp như vậy vẫn tiếp tục, từ năm 1940, lại gắn liền với sự có mặt của Nhật. Vào lúc đó, ông có nhận thấy những khả năng mới xuất hiện, rằng những sự kiện quan trọng đang được chuẩn bị không?

- Chúng tôi hiểu rằng bên ngoài những biểu hiện yên tĩnh của Đông Dương, một cơ hội quốc tế mới đang được hình thành và chúng tôi từ nay phải suy nghĩ và hành động cho phù hợp. Chúng tôi nhận thấy thế giới đang bước vào một chu kỳ mới của chiến tranh và cách mạng. Cho nên ngay từ năm 1939, chúng tôi đã đưa vào chương trình nghị sự chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang chống Pháp và Nhật. Ngay từ giai đoạn đầu của chiến tranh, chúng tôi đã quan tâm đặt sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh mới đó của thế giới. Nhưng sự chuẩn bị cụ thể đó và mọi thành công của chúng tôi về sau chỉ có thể hiểu được trên cơ sở sự đoàn kết và tập luyện đã thực hiện trong những thập niên trước, đặc biệt trong 15 năm diễn ra từ khi thành lập Đảng tới khởi nghĩa năm 1945. Trong giai đoạn lịch sử rất ngắn ngủi đó, chúng tôi đã có một kinh nghiệm phi thường đa dạng và về cường độ: đấu tranh bí mật hàng ngày, khởi nghĩa từng phần, hoạt động bán hợp pháp… Tôi đã từng nói với ông rằng, chúng tôi luôn luôn đánh giá cao, ngay từ khi thành lập Đảng, rằng cuộc giải phóng phải diễn ra bằng đấu tranh trực diện với chủ nghĩa thực dân. Giai đoạn từ năm 1939 đến mùa xuân 1941 là thời điểm mấu chốt của phong trào chung đó. Mùa xuân năm 1941: thành lập Mặt trận giải phóng “Việt Nam Độc lập Đồng minh”, sẽ đi vào lịch sử dưới tên gọi Việt Minh. Chính trong thời kỳ đó dần dần chín muồi ý tưởng thành lập một Mặt trận dân tộc rộng lớn để giành lại độc lập. Ý tưởng đó lần đầu tiên đã được chính Bác Hồ diễn đạt rõ ràng. Mãi một thời gian sau, nó mới được đưa ra cho Ban chấp hành trung ương Đảng xác nhận.

* Cuộc đàn áp mỗi ngày một nặng nề. Từ khi ông tham gia, một cách công khai, vào phong trào Đông Dương đại hội, ông đã ký tên dưới nhiều bài báo của Đảng, mật thám Pháp đã để mắt tới ông. Sự tự do của ông đang gặp nguy hiểm. ông buộc phải rời khỏi đất nước.

- Đảng yêu cầu tôi bí mật rời khỏi Việt Nam để đến Hoa Nam gặp các đồng chí và chuẩn bị cho sự phát triển sắp tới của phong trào dân tộc. Đồng chí Hoàng Văn Thụ (1)cho tôi biết quyết định và tổ chức cuộc ra đi của tôi. Tháng 5-1940, tôi rời Hà Nội, lòng bùi ngùi, vì tôi để lại đây cô Thái với đứa con của chúng tôi (2). Tôi không biết đây là lần cuối cùng tôi gặp cô ấy. Tôi vượt biên giới trong một chuyến đi vất vả, cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng, mà tôi rất thân từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

* Trong chuyến đi đó, lần đầu tiên ông dùng bí danh mà đến nay, 40 năm sau, nhiều người bạn của ông vẫn còn dùng một cách thân mật: anh Văn.

- Vâng. Ngày nay nhiều người vẫn còn gọi tôi là “đồng chí Văn”.

* Và rồi, một thời điểm lớn đối với ông, mà cả dưới con mắt của lịch sử đất nước ông (tôi có bị coi là quá đáng nếu tôi nói: đối với lịch sử thế giới?): cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông với một người tên là Nguyễn Ái Quốc.

- Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã rỉ tai tôi: “Bên đó, có lẽ đồng chí sẽ gặp Nguyễn Ái Quốc”. Cuộc hẹn đã được định, tất nhiên tên người sẽ được gọi dưới bí danh. Chúng tôi được hẹn gặp một đồng chí Vương nào đấy. Đấy là ở Côn Minh năm 1940. Tôi vẫn đi cùng Phạm Văn Đồng. Chúng tôi biết rằng Bác đang ở Hoa Nam. Cuộc gặp diễn ra tại một chiếc thuyền trên hồ Sui. Đột nhiên, chúng tôi thấy xuất hiện một người trạc 50 tuổi, nhanh nhẹn lạ lùng, hoạt bát. Ông đã có một chòm râu nhỏ. Ở ông không có vẻ gì là một người lãnh đạo cao cấp. Ông cực kỳ giản dị. Tuy lần đầu gặp gỡ, tôi có cảm giác như gặp một người bạn từ lâu, biết rõ tiếng nói, giọng nói của ông (ông vẫn giữ giọng nói miền Trung dù đã rời khỏi đất nước từ 30 năm rồi). Ông nói với anh Đồng, mà ông đã biết từ trước (3), một câu thân mật: “Anh Đồng của chúng ta không già đi chút nào!”. Còn với tôi thì ông bảo tôi tươi trẻ như con gái! Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi ngắn ngủi. Không nên thu hút sự chú ý của người khác. Mục đích cuộc gặp chủ yếu là bắt mối liên lạc. Sau đó, vẫn ở Côn Minh, chúng tôi thường gặp nhau, ở những nơi khác nhau và không ngờ đến. Một thời gian sau, anh Đồng và tôi chuẩn bị đi Diên An. Một lệnh mới của Đảng được đưa đến. Ở châu Âu, tình hình đã dồn dập và phải trở về nước để bắt đầu tổ chức cuộc đấu tranh. Đồng chí Vũ Anh, trở về nước trước chúng tôi, đã tìm được ở sát biên giới một nơi lý tưởng, gần làng Pắc Bó. Đấy là nơi chúng tôi trở về cùng với Bác Hồ vào đầu năm 1941.

* Như vậy là ông trở về Việt Nam, nhưng tất nhiên, từ lúc đó ông sẽ sống một cuộc đời hoàn toàn bí mật. Ông có thể nói cho tôi biết những năm ở chiến khu đó không, giữa năm 1941 và năm 1945?

- Về phần mình, từ năm 1941 đến năm 1942, tôi lần lượt sống tuỳ theo hoàn cảnh, ở Hoa Nam và ở vùng Pắc Bó, nhiều lần bí mật vượt qua biên giới. Đấy là giai đoạn sôi nổi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc chúng tôi, bắt đầu từ lúc đó. Trong 4 năm liền, chúng tôi đã thận trọng lập một hệ thống kháng chiến rộng rãi và vững chắc, chúng tôi đã khẩn trương tiến hành công tác chính trị để mọi người thông suốt ý tưởng đấu tranh vũ trang. Chính trong giai đoạn đó đã đạt đến sự chín muồi của một quá trình, cuối cùng đã dẫn đến cuộc Cách mạng Tháng Tám. Vào giữa tháng 5-1941, ban lãnh đạo Đảng hợp ở Pắc Bó, quyết định mở đầu một giai đoạn đấu tranh mới, mà đặc trưng là thành lập một phong trào dân tộc rộng lớn, tập hợp tất cả mọi lực lượng quyết tâm đấu tranh giải phóng tổ quốc. Từ đấy đã ra đời tổ chức Việt Minh. Từ lúc đó, người ta thảo luận về sự chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang. Tuy nhiên, trên thực tế chúng tôi không có vũ khí! Nhưng chúng tôi tin rằng suy cho cùng, vấn đề liên hệ với quần chúng là tiên quyết. Khi quần chúng chống lại mình hay khi quần chúng không tham gia, thì sẽ thất bại. Đó là điều đơn giản. Trước hết là tổ chức quần chúng. Chúng tôi đứng chân trên vùng cao. Hồ Chủ tịch đã nhiều lần nhắc nhở tầm quan trọng của các dân tộc thiểu số trong cuộc đấu tranh chống bọn đô hộ. Chúng tôi bắt đầu bằng tổ chức các dân tộc thiểu số đó. Đôi khi người dân không nói tiếng Việt, chúng tôi phải học tiếng của họ. Những căn cứ đầu tiên của Cách mạng tháng Tám ra đời ở đó, ở Việt Bắc. Chúng tôi mở những lớp huấn luyện chính trị ở mọi cấp. Tất cả các cán bộ - và Bác Hồ đã làm gương - đều trở thành người huấn luyện. Chúng tôi di chuyển, chúng tôi đào tạo cấp tốc những cán bộ, mà bản thân họ, cũng có thể nhanh chóng dạy lại cho người khác những điều cơ bản. Giáo dục chính trị là cơ sở của mọi thành công lâu dài. Chính nhờ vận dụng nguyên tắc đó mà dần dần chúng tôi mở rộng được căn cứ. Nội dung huấn luyện thật đơn giản. Bác Hồ quan tâm theo dõi, người nhấn mạnh mỗi một ý tưởng phải có thể hiểu được. Chúng tôi bắt đầu bằng trình bày ngắn gọn tình hình thế giới, nhấn mạnh đến sự thất bại không tránh khỏi của chủ nghĩa phát xít, về thắng lợi của Hồng quân. Rồi chúng tôi nói đến tình hình Việt Nam, những biện pháp đấu tranh, việc chuẩn bị khởi nghĩa, tổ chức của Việt Minh. Có những lớp thực hành: Nói chuyện như thế nào? Làm thế nào để trình bày rõ ràng tình hình? Chủ trì một hội nghị như thế nào? Những điều cơ bản để bảo vệ an ninh như thế nào? Chúng tôi không phải lúc nào cũng đảm đương được nhiệm vụ. Một hôm, một “học viên” của tôi muốn rút lui. Sau khi tìm hiểu, tôi thấy rằng mình trình bày chưa rõ ràng và anh ta không hiểu. Tôi đã lúng túng, tìm cách trình bày một cách trừu tượng “các mâu thuẫn của tình hình thế giới…”

* Vả lại phải thử hình dung khung cảnh: đứng trước những người nông dân, mà một số vừa mới biết đọc biết viết, bị cách ly khỏi thế giới, đôi khi qua hàng đời người, mà các nhà hoạt động lại đang giải thích về “những mâu thuẫn của tình hình thế giới”, ngay giưa chiến khu, vào năm 1942 hay 1943!

- Đấy là một bài học bổ ích cho tôi. Bản thân Chủ tịch cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khía cạnh này: sự đơn giản, sáng sủa của các ý tưởng khi trình bày. Nó hoàn toàn khác một nhà lý luận trong phòng khách, không có liên hệ với thực tế cụ thể. Người thường xuyên liên hệ lý luận với thực hành. Người luôn quan tâm vận dụng cụ thể các sự việc, trong từng chi tiết, đôi khi đến cả những chi tiết rất nhỏ. Ví dụ, chúng tôi phát hành tờ báo Việt Nam Độc lập, gọi tắt là Việt Lập. Bác quan tâm đến cả con chữ dùng trong nhà in bí mật của chúng tôi. Chính người đã thuyết phục chúng tôi dùng con chữ càng to càng tốt, dù cho bài báo có thể bị dài thêm. Tại sao? Người không ngừng nói: “Chúng ta phải làm mọi cách để cho người ta hiểu được ngay, dù là một người nông dân ít học nhất”. Trong những trường hợp khác, chúng tôi phải dùng đến hình vẽ, để cho các sự việc dễ hiểu hơn. Chúng tôi thực sự có cảm giác rằng người không muốn bỏ qua những việc gọi là “thứ yếu”. Bác Hồ luôn nhắc đi nhắc lại rằng tổ chức phong trào là mục tiêu mà chúng tôi phải hết sức chăm lo. Và thực tế là chúng tôi đã có một tổ chức vững chắc. Trước hết là những phần tử được thử thách nhiều nhất trong đấu tranh. Những người đó là đảng viên. Các chi bộ thực sự là trugn tâm lan toả của mọi phong trào. Nhưng Đảng không là gì nếu không có sự liên hệ muôn màu muôn vẻ với quần chúng. Như vậy chúng tôi có một hệ thống đông đảo những người cảm tình, những tổ chức phụ nữ, thanh niên… Sự tuyên truyền tích cực của chúng tôi đã đem lại kết quả đầu tiên. Theo chân chúng tôi đi qua các làng, chúng tôi tổ chức những cán bộ cách mạng, những người đó về sau sẽ mở rộng mạng lưới. Chúng tôi đã thuyết phục được cả làng mà chúng tội gọi là “làng hoàn toàn”, nghĩa là tất cả đều đi theo sự nghiệp cứu nước. Đã có một thứ chính quyền hai mang. Ngay cả những nhân viên Việt Nam của chế độ thuộc địa cũng theo chúng tôi. Những làng “hoàn toàn” đó, rồi những vùng “hoàn toàn” là những đảm bảo cho an ninh của các chiến sĩ chúng tôi. Nếu bọn thực dân có ý định càn quét, chúng tôi được báo trước rất lâu và có thể lẩn tránh trong rừng. Cuối cùng, chớ quên rằng, trong những vùng chính thức còn bị thực dân Pháp hay quân phiệt Nhật chiếm đóng, chúng tôi cũng vẫn tổ chức kháng chiến. Chúng tôi có những hạt nhân bí mật, do những đồng chí rất tin tưởng hợp thành, đến tận cả thành phố. Nhưng các đồng chí đó buộc phải hết sức thận trọng để không rơi vào tay kẻ thù. Than ôi! Một số đã bị bắt. Bọn Pháp rất tàn bạo đối với họ. Thường các chiến sĩ sa lưới đều bị bắn tại chỗ.

* Về mặt vật chất và tâm lý, các ông đã sống trong thời kỳ đó như thế nào?

- Về mặt tâm lý, thật là phấn khởi. Một kỷ niệm khắc sâu vào trí óc tôi một cách chính xác lạ kỳ. Lúc đó ở Pắc Bó, một buổi tối, chúng tôi ngồi quanh đống lửa. Bác Hồ nói: “Phát xít nhất định sẽ thất bại. Trong 4 năm, 5 năm, Hitler và Nhật sẽ bị đánh bại. Giờ giải phóng dân tộc và tổ quốc thân yêu của chúng ta sẽ đến”. Nói đến câu đó, mắt người sáng lên. Tất cả chúng tôi đều rất cảm động. Ngay cả trong những giây phút khó khăn nhất của cuộc đấu tranh ở chiến khu, chúng tôi không bao giờ nghi ngờ thắng lợi của mình, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa dân tộc.

* Các ông đã tin vào thắng lợi cuối cùng, ngay cả những lúc mà các ông còn sống trong hang, ở vùng cực bắc đất nước, hầu như tác biệt khỏi thế giới?

- Vâng, một niềm tin hoàn toàn.

* Ông sử dụng tiếng Pháp đủ để hiểu rằng chữ “niềm tin” có nghĩa là “tin tưởng hoàn toàn” chứ không phải là “tin tưởng mù quáng”, với một ý nghĩa tôn giáo. Niềm tin của ông lúc đó được gắn với loại nào?

- Đấy là một niềm tin… duy vật! Đấy là lòng tin dựa vững chắc trên sự phân tích tình hình chính trị Việt Nam và thế giới. Không có lập luận nào rõ ràng hơn niềm tin đó.

* Hãy quay lại câu hỏi ban đầu. Vậy đời sống vật chất của các ông như thế nào?

- À, đó lại là một chuyện khác! Cuộc sống vật chất của chúng tôi cực kỳ khó khăn. Chúng tôi sống ở những nơi không thể tưởng tượng nổi, ban đêm run lên vì rét, nằm giữa rắn rết và côn trùng, đủ mọi thứ động vật nguy hại. Chúng tôi ăn bất cứ thứ gì, cho đến cả rễ cây rễ cỏ. Thậm chí, khi sự kiểm soát của thực dân mạnh nhất, dân chúng không thể tiếp tế cho chúng tôi. Chúng tôi phải ăn cháo nấu bằng hoa chuối dại. Nó đắng đến nỗi chúng tôi bị bào dạ dày hàng giờ sau mỗi bữa ăn. Thịt thì rất hiếm. Khi nào có, thì thật là ngày lễ. Chúng tôi đã nghĩ ra một món “đặc sản”: đó là “thịt Việt Minh” (sự thật đấy là muối hạt với một ít thịt). Bác Hồ, lúc đó còn trẻ nhưng là người nhiều tuổi nhất trong chúng tôi, đã có một sức chịu đựng phi thường. Người có một khả năng thích nghi lớn. Người định ra những quy tắc sống đơn giản nhưng chặt chẽ. Dậy sớm (chính người đã thúc chúng tôi dậy), tập thể dục, đi bộ, rồi làm việc. Người làm việc rất nhiều, dù không có đủ ánh sáng. Người không ngừng đặt câu hỏi. Một lần người ốm, đến nỗi phải nằm liệt hết ngày này sang ngày khác. Tôi đến bên giường. Người bị sốt cao và thường nói sảng. Nhưng trong những phút tỉnh táo, người nói rất nhiều với tôi về tương lai Cách mạng, về những biện pháp để đi đến giải phóng mà ngừơi cảm thấy sắp đến gần. Lúc đó, chúng tôi rất lo sợ cho cuộc sống của người. Cuối cùng, có một ông già, một ông lang rất già đã sắc thuốc cho người bằng lá và rễ cây mà ông ta tự tìm trong rừng. Vài ngày sau, Bác Hồ bình phục. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ khám phá được bí mật làm thuốc của ông lang già.

Chú thích:

1. Hoàng Văn Thụ khi đó là Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ. Cuộc gặp với ông Giáp xảy ra tháng 4-1940.

2. Năm 1936, ông Giáp quen một người con gái tên là Thái, em của Nguyễn Thị Minh Khai, một trong những người lãnh đạo ĐCS. Hai người có một con gái tên là Hồng Anh. Cuộc gặp này xảy ra ngày 3-5-1940. Cô Thái sau đó bị mật thám PHáp bắt và đã chết trong tù.

3. Phạm Văn Đồng đã từng tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc thành lập. Ông từng là học sinh của Hội ở Quảng Châu và đã gặp Nguyễn Ái Quốc.


Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).
Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.

Tin mới