Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 21/09/2007 00:10 (GMT+7)

Cải tạo vườn tạp

I. Hiện trạng sản xuất cây ăn quả ở Việt Nam

1. Diện tích - sản lượng quả:

Việt Namcó điều kiện đất đai, khí hậu đa dạng trải dài từ cận nhiệt đới ở miền Bắc đến nhiệt đới ở miền Nam . Nhiều giống quả có thể sinh trưởng được trong đó phải kể đến: mận, mơ, hồng, cam, quýt, bưởi, xoài, nhãn, vải, măng cụt, chôm, chôm, chuối, dứa v.v..

Diện tích năm 1997: 390.000 ha sản lượng 3,8 triệu tấn, năm 1998 khoảng 425.000 ha sản lượng ước đạt 4 triệu tấn quả. Loại quả chính là chuối, dứa, xoài, nhãn, vải, cây có múi. Sự phát triển cây ăn quả với thị trường trong nước và xuất khẩu đã mang lại thu nhập cao cho người nông dân, phải kể đến nhãn, vải, xoài, cây có múi.

Diện tích cây ăn quả tăng chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, trung du và miền núi phía Bắc: Ước tính diện tích ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long 50%, trung du và miền núi phía Bắc chiếm 15% diện tích cả nước, còn lại 25% là các vùng khác. Về sản lượng các tỉnh ĐBSCL chiếm 60%, trung du và miền núi phía Bắc chiếm 5%.

2. Giống cây ăn quả:

Việt Nam có nhiều giống cây ăn quả bản địa phong phú. Tuy nhiên sự phong phú ấy không được khai thác mang tính thương mại, ví dụ: giống dứa queen chất lượng tốt thơm ngon nhưng quả nhỏ sản xuất công nghiệp hiệu quả thấp, chủ yếu dùng ăn tươi. Vải thiều cũng chỉ để ăn tươi nhưng khi chế biến đóng hộp thì sau 2 - 3 tháng cùi và nước vải bị đổi màu do vải thiều của ta bị đỏ đuôi và nâu cùi. Với nhãn, hầu hết các giống đang trồng ở cả Nam , Bắc chất lượng đều thấp so với các nước trồng nhãn trong khu vực. Nhìn chung nhãn quả nhỏ, hạt to, cùi nhão, quá nhiều nước và năng suất thấp. Với xoài nhiều giống tồn tại ở Việt Nam, đặc biệt là miền Nam , cần được tiêu chuẩn hoá để xuất khẩu vì các giống khác nhau có kích thước, mùi vị, màu sắc cũng khác nhau. Nhiều giống luân phiên nhau ra hoa kết quả dễ bị nhiễm bệnh, chất lượng, năng suất thấp. Các giống xoài ở miền Bắc chất lượng thấp, năng suất thấp không có khả năng xuất khẩu.

3. Sâu bệnh:

Nhiều cây ăn quả ở Việt Nam như nhãn, vải, xoài v.v.. ít bị nhiễm bệnh, nhưng một số loại cây ăn quả có múi lại nhạy cảm với bệnh virus (greening), làm giảm năng suất sau đó làm cho cây chết dần chết mòn. Virus ủ trong cây kéo dài 5 - 15 năm.

Về côn trùng gây hại : có loài không gây nhiều tổn thất, nhưng cũng có loài gây hại nghiêm trọng. Loài gây hại nhiều cho nhãn, vải là bọ xít, nhện. Loại ruồi đẻ trứng vào quả cho xoài, đào v.v.. Khắc phục tổn thất cần phải phun thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, đúng thời gian, đảm bảo an toàn thực phẩm, môi sinh môi trường.

4. Hệ thống vườn:

Hầu hết cây ăn quả được trồng ở ruộng cao, vườn với quy mô từ vài cây đến vài ha, (0,5 - 2,0 ha). Phần lớn trang trại ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc trồng cây ăn quả.

Có 3 mô hình trồng trọt được áp dụng:

- Trồng luống (líp) tại vùng thấp.

- Trồng phẳng ở vùng đất bằng phẳng.

- Trồng trên đất bậc thang tại vùng núi.

5. Lao động:

- Lao động gia đình đối với vườn nhỏ.

- Ở cac vườn lớn, người ta thuê nhân công thuê để thực hiện công việc nặng nhọc như đào hố, bón phân, phun thuốc BVTV v.v..

6. Tiêu thụ sản phẩm:

- Nội tiêu là chủ yếu: Theo đánh giá của PAO mức tiêu thụ quả của Việt Nam hiện nay là 48 kg/người trong khi đó châu Á 62 kg/người, châu Phi 77 kg/người, Mỹ La Tinh 169 kg/người. Với mức tăng trưởng kinh tế 5 - 10%, dân số tăng 2%/năm, mức tiêu thụ bình quân tăng 10% ở những năm tiếp theo, như vậy nhu cầu nội tiêu còn rất lớn.

- Xuất khẩu: Ước tính khoảng 50.000 tấn quả tươi năm 1998 chủ yếu chuối, vải, xoài cho thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Singapore. Riêng vải thiều năm 1998 ước xuất tươi được 40% sản lượng. Năm 1999 thị trường xuất quả tươi không có nên một khối lượng lớn được sấy khô chờ thị trường xuất khẩu.

7. Chế biến:

Hiện nay Việt Nam mới chế biến được từ 12 - 13% tổng sản lượng quả tươi (khoảng 500.000 tấn) chủ yếu dưới dạng đóng hộp, nước quả cô đặc, sấy khô phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu chủ yếu là dứa, xoài, mơ, chuối.

Đánh giá chung:

Hiện trạng phát triển cây ăn quả ở Việt Nam đang ở mức độ thấp so với các nước trong khu vực. Sản lượng quả còn ít, chất lượng quả thấp, sản xuất mang tính chất tự cung tự cấp, sản phẩm chủ yếu nội tiêu. Một số lượng nhỏ quả được chế biến xuất khẩu giá trị chưa cao, chưa có mặt hàng chiến lược. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên là sản xuất cây ăn quả còn manh mún chủ yếu là vườn tạp, vườn cây ăn quả kinh tế, trang trại, cây ăn quả  kinh tế còn ít, chất lượng giống quả chưa được cải thiện. Để cải thiện dinh dưỡng cho nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người làm vườn góp phần từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn cần phải cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế.

  II. Cải tạo vườn tạp:

1. Khái niệm vườn tạp:

Vườn tạp là vườn cây gồm nhiều loại cây: cây ăn quả, cây công nghiệp, cây làm thuốc v.v.. cùng sinh sống, phát triển trên một diện tích đất nhất định. Sản phẩm thu được rải rác qua nhiều tháng không xác định được sản phẩm chính, thu nhập giá trị không cao.

2. Mục đích cải tạo vườn tạp:

Cải tạo vườn cây gồm nhiều loại cây, hiệu quả kinh tế thấp thành vườn cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhằm nâng cao thu nhập, mức sống cho người làm vườn.

3. Phương hướng cải tạo:

-Cần xác định những cây có giá trị hiện có trong vườn, phù hợp với quy hoạch phát triển của vùng đặc biệt phục vụ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thì giữ lại (không nên xoá trắng).

Ví dụ: trong vườn có vải thiều, nhãn, mít, hồng, dứa của nông dân Vĩnh Phúc cần xác định cây chính là vải thiều, dứa, ngoài mục đích ăn tươi còn phục vụ nguyên liệu cho nhà máy chế biến thực phẩm Vĩnh Phúc (Tam Dương).

4. Biện pháp cải tạo vườn tạp:

4.1. Hiện nay phát triển cây ăn quả đang tăng do giá quả tăng, thu nhập hấp dẫn, tương lai người nông dân sẽ bỏ vốn và công sức vào trồng cây ăn quả. Các cơ quan quản lý Nhà nước, viện nghiên cứu, nhà vườn được phép nhân giống cần có cây giống và kỹ thuật thâm canh tốt phục vụ người làm vườn.

4.2. Trồng cây ăn quả ngoài phục vụ ăn tươi còn phục vụ chế biến, xuất khẩu, muốn vậy phải gắn liền với đổi mới công nghệ và công tác tiếp thị của các doanh nghiệp nhằm nâng cao giá mua cho người làm vườn.

4.3. Trồng các loại cây ăn quả cùng chủng loại cây của vùng chuyên canh gần đó. Mỗi hộ nên trồng 2 loại cây ăn quả đặc trưng làm chủ đạo.

4.4. Người làm vườn chỉ trồng những giống cây ăn quả đã được cải tiến về chất lượng như: vải thiều không đỏ ở đuôi, cùi và nâu cùi. Giống nhãn lồng quả to, cùi dày, khô cùi, dễ bóc, trọng lượng 70 - 80 quả/1 kg. Đối với dứa ở gần nhà máy chế biến dứa khoanh, nước dứa cô đặc nên trồng dứa cayene.

4.5. Nâng cao chất lượng vườn cây bằng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, trồng dày hợp lý, xén tỉa, tưới tiêu.

4.6. Hướng dẫn để người làm vườn nắm được kỹ thuật thu hái và bảo quản trong quá trình vận chuyển: thu hái nhẹ nhàng, loại bỏ những quả dập nát để tránh lây lan mầm bệnh cho những quả lành. Quả được đựng trong thùng, sọt cứng có lót giấy khi vận chuyển.

4.7. Tín dụng nâng cao chất lượng cây ăn quả: Nông dân nghèo thiếu vốn không có khả năng chịu được rủi ro, nhà nước cần tăng các khoản tín dụng dài hạn cho việc phát triển cây ăn quả chất lượng, đủ tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu. Hơn nữa, nông dân nghèo không có đủ đất để trồng cây ăn quả theo diện tích kinh tế. Nhà nước phải động viên nông dân tham gia vào việc phát triển cây ăn quả bằng cách giao đất cho hộ nông dân hỗ trợ các vùng trọng điểm để thúc đẩy việc hình thành các nhóm nông dân sản xuất hàng hoá.

4.8. Các giải pháp kỹ thuật cho các loại cây ăn quả chính. Mục đích chính của việc tác động kỹ thuật cho các loại cây ăn quả chủ yếu được nêu trong bảng dưới đây, ví dụ: Cây vải thiều.

Các hoạt động

Những khó khăn (tồn tại)

Các giải pháp

- Vườn ươm cây con

- Hầu hết giống cây lấy từ cây mẹ không rõ xuất xứ, kết quả năng suất, chất lượng không chắc chắn.

- Vườn ươm không đủ tiêu chuẩn, không có chứng chỉ chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

- Hầu hết các giống vải được sản xuất bằng phương pháp chiết cành, không có đốn tỉa, tạo hình.

- Xác định cây mẹ đạt tiêu chuẩn phẩm chất, năng suất.

- Xây dựng vườn ươm có đủ tiêu chuẩn, cây giống được cấp chứng chỉ chất lượng của cơ quan có thẩm quyền trước khi xuất vườn.

- Chuyển từ phương pháp nhân giống bằng chiết sang ghép, đốn tỉa tạo hình.

- Quản lý vườn cây ăn quả

- Không có tỉa cành, không có thụ phấn bổ sung, hiếm khi có tưới, ít bón phân.

- Cần tỉa cành tạo tán cho cây thoáng, hình dáng đẹp, tận dụng được ánh sáng.

- Tưới nước bổ sung khi hạn.

- Bón phân đủ lượng cân đối.

- Sau thu hoạch

- Thu quả khi còn sương hoặc sau khi mưa quả chưa ráo nước.

- Quả thu xong không vận chuyển ngay về nhà thường bị nắng, nóng.

- Không thu hoạch quá sớm, sau mưa khi quả còn ướt.

- Không phơi quả dưới nắng, không để quả quá nhiều trong một dụng cụ khi thu hoạch.

- Loại bỏ quả thối dập nát.

   

Xem Thêm

Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.
Hà Tĩnh: Hội thảo khoa học về Hoàng giáp Lê Tuấn
Sáng 16/3, Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh (Thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh) và UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với dòng họ Lê ở Kỳ Anh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Hơn 100 nhà khoa học cùng giải bài toán ô nhiễm tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau tìm ra lời giải đáp phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và triển khai cam kết “Giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050”.

Tin mới

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.