Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 08/04/2009 16:19 (GMT+7)

Bước đầu đánh giá tác động của các hoạt động khai thác hải sản tới cấu trúc quần xã và nguồn lợi cá rạn hô vùng biển đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa

Mở đầu

Khai thác quá mức (over fishing) được xem là một tác nhân trực tiếp dẫn tới sự suy giảm về đa dạng sinh học và phá vỡ cân bằng sinh thái của các rạn san hô, hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao nhất hình tinh.

Ở Việt Nam , trong những năm qua có chủ trương đẩy mạnh khai thác xa bờ để giảm sức ép khai thác gần bờ, nhằm bảo vệ nguồn lợi tự nhiên. Cùng với việc nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề khai thác hải sản, sẽ góp phần giữ vững an ninh quốc phòng trên biển.


Bài này dựa trên kết quả bước đầu nghiên cứu về hiện trạng cá rạn san hô do hoạt động khai thác hải sản trong vùng biển đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa do Viện Tài nguyên và Môi trường Biển tiến hành trong 2 năm 2006 - 2007.

Tài liệu và phương pháp nghiên cứu

Tài liệu: Tài liệu sử dụng trong báo cáo dựa trên kết quả hai chuyến khảo sát đảo Nam Yết tháng 4 - 2006 và tháng 4 - 2007 (thuộc đề tài Xây dựng luận chứng khoa học kỹ thuật thiết lập khu bảo tồn biển quần đảo Trường Sa, cấp Nhà nước và đánh giá trữ lượng cá rạn san hô biển Việt Nam, cấp Bộ). Tổng số mặt cắt được khảo sát quanh đảo là 12, đảm bảo tính chất đại diện cho vùng rạn (Hình1). Độ sâu của các mặt cắt khảo sát dao động trong khoảng từ 5 - 27m thuộc mặt bằng chân rạn và sườn dốc rạn.

Phương pháp nghiên cứu: Các mặt cắt khảo sát được định vị bằng thiết bị GPS để đảm bảo cho việc quan trắc lặp lại trong các năm. Để tiến hành thu thập tư liệu, cán bộ khoa học sử dụng phương pháp lặn sâu có bình khí (SCUBA diving) và quan sát cá trực tiếp (English et al, 1997) dọc theo dây mặt cắt có chiều dài 50cm, bề rộng đai mặt cắt là 2,5m mỗi bên và chiều cao cột nước 5m. Tổng diện tích ước đoán cho mỗi mặt cắt là 250 m2. Công việc khảo sát được tiến hành trong khoảng thời gian từ 8 giờ 30 phút đến 15 giờ 30 phút nhằm đảm bảo độ chiếu sáng của mặt trời là tốt nhất. Tất cả các nhóm cá xuất hiện trong mặt cắt đều được thống kê theo đơn vị phân loại thấp nhất (loài) nếu có thể và số lượng cá thể của từng loài đều được ghi lại.

Ngoài ra máy quay phim và chụp ảnh dưới nước cũng được sử dụng để ghi lại các loài cá đã gặp phục vụ cho công tác nhân loại và các nghiên cứu về sinh thái tập tính khác.

Số liệu hiện trường được lưu trữ dưới dạng cơ sở dữ liệu Excel phục vụ cho công việc phân tích và xử lý trong phòng thí nghiệm. Mối tương quan giữa cá - san hô được phân tích dựa trên phương pháp phân tích tương quan trực tiếp CCA (Canonical Correspondent Analysis) trong bộ phần mềm PC - ORD 3.24. Việc tính toán trữ lượng cá rạn được trợ giúp bởi chương trình Reef Sum phát triển bởi Uychiaoco, Đại học Tổng hợp Philippine, 2000 đã được sử dụng rộng rãi trong việc đánh giá nguồn lợi cá rạn.

Kết quả nghiên cứu

Thành phần loài cá san hô đảo Nam Yết

Dựa trên dữ liệu ghi nhận tại hiện trường bằng phương pháp lặn SCUBA, ảnh chụp ngầm và băng video cùng với mẫu tiêu bản thu được bằng lưới bén thả quanh chân rạn đã xác định được khu hệ cá rạn san hô đảo Nam Yết có 166 loài, 83 giống trong 33 họ. Danh sách này đã bổ sung 23 loài mới cho danh sách cá quần đảo Trường Sa, 2004 do Nguyễn Nhật Thi và Nguyễn Văn Quân tập hợp và công bố.

Sự biến đổi trong cấu trúc quần xã cá rạn san hô

Mật độ:Sự giảm sút về mật độ được phát hiện ở vùng mặt bằng rạn (độ sâu 5 - 15m) ở hầu hết các mặt cắt khảo sát trong 2 năm 2006 - 2007 (Bảng 1). Đặc điểm thể hiện rõ nét nhất ở các mặt cắt MC5, MC6 và MC7 (giảm 29,8 - 60%) nơi từng được đánh giá có mật độ cá thể cao nhất trong toàn vùng đảo năm 2006.

Phân bố và tập tính của nhóm cá chỉ thị:Thông thường ở độ sâu 5 - 10m nhóm cá có kích cỡ < 10cm chiếm tới 60% tổng mật độ cá thể trên các mặt cắt khảo sát tập trung vào họ cá thia Pomacentridae và họ cá bàng chài Labridae ở độ sâo 15 - 30cm. Nhóm cá kinh tế có kích thước >15cm chiếm khoảng 30% tổng mật độ cá thể với đại diện là họ cá hồng Lutjanidae, cá Mú Serranidae, cá hè Lethrinidae và cá phèn Mullidae. Tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu của năm 2007 cho thấy, ở độ sâo 11 - 15m có cá bướm và cá thia ở các mặt cắt 5, 6 và 7 có xu thế phân bố với mật độ cao hàng trăm con và đi theo đàn, tần suất xuất hiện lớn hơn ở các tập đoàn san hô tạo rạn. Nhóm cá kinh tế cũng có chiều hướng phân bố tương tự: mật độ thấp hơn và phân bố ở các rạn sâu hơn năm 2006, có biểu hiện sợ thợ lặn, bơi tránh xa, hốt hoảng khi thợ lặn tiếp cận.

Suy giảm về trữ lượng cá rạn san hô:

Song song với việc giảm sút về mật độ cá thể của quần xã cá rạn san hô là sự suy giảm một cách nhanh chóng trữ lượng cá rạn san hô ở các mặt cắt khảo sát qua các năm 2006 - 2007. Kết quả tính toán trữ lượng cá rạn san hô từ nguồn số liệu lặn, với sự hỗ trợ của phần mềm Reef Sum phiên bản 2.0 cho kết quả như sau (bảng 2).

Từ bảng 2 cho thấy trữ lượng tức thời vào thời gian khảo sát cá trên các rạn san hô ở phí bắc và tây bắc đảo Nam Yết thể hiện xu thế suy giảm mạnh, dao động trong khoảng 31,1 - 43,1% so với năm 2006. Đây chính là thông tin cảnh báo đáng lo ngại về nguồn lợi tự nhiên của nhóm cá rạn san hô vùng biển đảo này.

Những tác động của khai thác hải sản

Hoạt động khai thác hải sản trên rạn san hô vùng đảo Nam Yết chủ yếu từ 2 nguồn: (1) nguồn tại chỗ: do bộ đội trên đảo khai thác để bổ sung thực phẩm tươi hàng ngày, (2) nguồn từ đất liền do ngư dân sử dụng các tàu thuyền có công suất lớn làm nghề lặn có trang thiết bị là máy nổ, máy nén khí. Thời gian lặn của các tàu lặn khoảng 8 giờ/ ngày với đội ngũ thợ lặn luân phiên nhau là 11 người, tần suất khai thác 1 đảo/ tuần (trong thời gian chúng tôi tiến hành khảo sát đã phát hiện 2 tàu lặn của ngư dân Quảng Ngãi hoạt động ở quanh đảo Nam Yết).

Tác động trực tiếp:Như trên đã trình bày về hoạt động khai thác hải sản trên rạn san hô thì nhóm thứ 1 ít gây hại nguồn lợi hơn vì bộ đội chủ yếu sửdụng lưới bén và câu tay ở các khu vực rạn ven bờ. Tác động gây hại nhiều nhất là từ các tàu lặn do ngư dân từ trong đất liền ra khai thác ngoài đảo. Có thể dễ thấy nhất là việc khai thác không chọnlọc của thợ lặn: vơ vét tất cả những gì thấy được trên nền đáy và sử dụng tất cả các dụng cụ đánh bắt có được: xiên móc và thuốc độc… là nguyên nhân chính dẫn tới suy giảm nguồn lợi cá ở khu vực đảonày.

Tác động gián tiếp:Việc đánh bắt các địch hại của sao biển gai như ốc, tù và, cua sống trên san hô đã làm bùng nổ sự xuất hiện của sao biển gai ăn san hô ở các rạn san hô phía Bắc đảo. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Đăng Ngải (2006) thì độ phủ của san hô sống cao ở mặt cắt phía bắc đảo là 58% và nam 36%, đặc biệt ở các mặt cắt 5, 6 và 7 hiện trạng san hô còn tương đối tốt. Tuy nhiên, theo kết quả quan trắc lặp lại năm 2007 thì cũng chính trên các mặt cắt này có số lượng sao biển gai cao nhất, lên tới 30 con/ 100m2. Sự phát triển bùng phát của sao biển gai là nguyên nhân gây chết trắng hàng loạt nhóm san hô tạo rạn ở khu vực này, từ đó làm mất đi habitat của cá và các sinh vật sống trên cạn.

Đề xuất giải pháp bảo vệ nguồn lợi cá san hô ở đảo Nam Yết

Cần có những biện pháp cấm khai thác cá rạn san hô bằng hình thức lặn trên các rạn san hô vùng biển đảo NamYết nói riêng và vùng biển quần đảo Trường Sa nói chung. Tăng cường công tác tuyên truyền về nguồn lợi sinh vật biển trên rạn san hô và những tác động có hại của những hình thức đánh bắt huỷ diệt tới đời sống sinh vật trên cạn. Cần có những nghiên cứu sâu hơn về nguồn lợi cá rạn san hô làm cơ sở cho việc quản lý và phát triển bền vững nguồn lợi.

Kết luận

Các hoạt động khai thác hải sản trên rạn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự thay đổi trong cấu trúc quần xã cá rạn san hô: giảm sút về mật độ, thay đổi về phân bố và tập tính của loài và trữ lượng cá rạn san hô của toàn vùng biển quanh đảo.

Hoạt động khai thác hải sản với 02 cơ chế tác động: (1) trực tiếp - làm giảm sút nhanh trữ lượng cá có trong vùng rạn, (2) gián tiếp - thông qua việc làm mất các habitat tự nhiên của cá và các sinh vật sống kèm theo khác.

Vì vậy, cần phải có những biện pháp quản lý việc khai thác hải sản trên rạn của ngư dân trong chủ trương đánh bắt hải sản xa bờ nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững nguồn lợi sinh vật biển nước ta.

Tài liệu tham khảo

1. Allen G, 2000. Marine Fishes of South - East Asia. Western Australian Museum : 292 pp.

2. English S, Wilkinson C, Baker V (eds), 1997. survey Manual for tropical Marine Resources, ASEAN - Australian marine science project, Australian Institute of Marine Science, Twonsville: 450pp.

3. Eschmeyer W N, 1998. Catalog of Fsihes. Special publication No. 1 of the Centre for Biodiversity Research and Information. California Academy of Science. Vols. 1 - 3: 2905 pp.

4. Froese R, Pauly (eds), 2000. Fishe Base 2000, CD-ROM. ICLARM, LosBanos, Laguna.

5. Meyers RF, 1991. Micronesian Reef Fishes. Published by Coral Graphics, Guam.

6. Lieske E and Meyers R., 1996. Coral Reef Fsiches (Caribbean, Indian Ocean and Pacific Ocean including the Red Sea). Princeton University Press, America.

7. Nguyễn Nhật Thi, 1991. Cá biển Việt Nam . Cá xương vịnh Bắc bộ. Nxb KHKT, Hà Nội.

8. Nguyễn Nhật Thi, Nguyễn Văn Quân, 2004. Đa dạng sinh học và tiềm năng nguồn lợi cá san hô vùng biển quần đảo Trường Sa. Tạp chí khoa học và công nghệ biển, số 4 (tập 4): 47 - 64.

9. Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Nhật Thi, 2006. Đa dạng sinh học và giá trị nguồn lợi cá rạn san hô biển Việt Nam . Nxb KHKT, Hà Nội.

10. Nguyễn Văn Quân (2006) báo cáo chuyên đề Hiện trạng nguồn lợi cá rạn san hô đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa Bộ Thuỷ sản, Viện NCHS chủ trì, 1 trang.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.