Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 28/05/2020 20:58 (GMT+7)

TSKH Nghiêm Vũ Khải:Nhà nước phải là “bà đỡ vĩ đại” cho các sáng kiến khoa học!

Mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần về chủ đề chính sách đầu tư cho khoa học, công nghệ (KHCN), khuyến khích trọng dụng nhân tài, Tiến sĩ khoa học (TSKH) Nghiêm Vũ Khải, đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật (KHKT) Việt Nam đã nhắc đến câu nói của Bác Hồ cách đây 75 năm. 

Phóng viên (PV):Ông có bình luận gì về chủ trương của Đảng phát triển đất nước dựa vào KHCN và đổi mới sáng tạo?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Từ khi thành lập Đảng cho đến khi đất nước giành được độc lập năm 1945, cũng như suốt chặng đường đấu tranh, xây dựng và phát triển 90 năm, Đảng ta và đặc biệt là Bác Hồ luôn rất coi trọng và phát huy vai trò của KHKT, của giới trí thức, chăm lo nâng cao dân trí, trọng dụng nhân tài. Ngày 3-9-1945, trong bài “ Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”,Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.Trong “Thư gửi các học sinh” nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác viết: “ Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em’’.

Hồi đó, quan niệm “ dốt”trước tiên được hiểu là mù chữ, không biết đọc, không biết viết. Ngày nay, nạn mù chữ hầu như đã không còn. Do vậy, giờ đây nói đến dốt là dốt về KHKT, là lạc hậu, tụt hậu. Một đất nước với nền KHCN thấp kém thì cũng có thể bị coi là “ dốt” không, có thể nào trở thành một đất nước hùng cường và phát triển bền vững được không?

TSKH Nghiêm Vũ Khải. Ảnh: LIÊN VIỆT

Tôi nhớ, lúc đất nước đang đứng trước hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, trong vô vàn khó khăn, thách thức thì Đại hội III của Đảng (năm 1960) đã đề ra chủ trương tiến hành 3 cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng văn hóa-tư tưởng và cách mạng KHKT, trong đó lấy cách mạng KHKT làm then chốt.

Nhờ những chính sách đó mà cho dù chiến tranh rất ác liệt nhưng Đảng, Chính phủ vẫn triển khai một số biện pháp phát triển KHKT và giáo dục một cách nhất quán, mạnh mẽ, thể hiện rất rõ tinh thần “giáo dục, đào tạo và KHKT là quốc sách hàng đầu”.Ví dụ, hàng nghìn học sinh ưu tú đã được gửi sang học và nghiên cứu tại các nước XHCN; một số trường đại học, viện nghiên cứu, ngành học then chốt đã được thành lập và hoạt động. Nguồn nhân lực KHKT được đào tạo thế hệ đó đã đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng sức mạnh Quân đội nhân dân cũng như xây dựng thế và lực của cách mạng, góp phần đưa công cuộc đấu tranh giành thống nhất đất nước đến thắng lợi hoàn toàn. Hơn thế nữa, nguồn nhân lực KHKT cũng có nhiều cống hiến to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội từ sau khi đất nước thống nhất cho đến ngày nay.

Có thể nói, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng và Nhà nước rất coi trọng phát triển lực lượng trí thức, đội ngũ cán bộ KHKT nòng cốt trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng-an ninh.

Thời kỳ đổi mới, từ Cương lĩnh của Đảng, nghị quyết các đại hội Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị... đến Hiến pháp và các đạo luật do Quốc hội ban hành đều đặt KHCN vào vị trí quốc sách hàng đầu. Rất nhiều chính sách, biện pháp có tính đột phá đã được đề ra nhằm mục tiêu đưa KHCN thực sự trở thành “một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước”.

PV:Theo ông, vì sao một số chính sách về KHCN mới dừng lại ở chính sách mà chưa thực sự đi vào cuộc sống?

TSKH Nghiêm Vũ Khải:Chính sách đã đề ra là rất toàn diện và mạnh mẽ, phản ánh đúng đắn nhu cầu khách quan của quá trình phát triển đất nước và thời đại, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo trí thức KHCN cả nước và trí thức Việt Nam ở nước ngoài.

Rất đáng tiếc là nhiều chính sách đúng đắn chưa được triển khai thành công trên thực tế. Đây không phải ý kiến cá nhân tôi. Một số văn kiện của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, tồn tại như: Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức phát triển KHCN chưa thật đầy đủ, chưa coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm; đầu tư nguồn lực cho KHCN chưa tương xứng; việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về KHCN còn thiếu chủ động, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và giữa Trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ; nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ; thiếu quy định về dân chủ trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; chưa hình thành nhu cầu tự thân đủ mạnh của các doanh nghiệp trong việc phát huy vai trò của KHCN...

Ví dụ, đầu tư cho KHCN rất thấp mà lại chủ yếu dựa vào đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó ở nước ngoài, ngân sách nhà nước đầu tư 1 phần thì doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đầu tư tới 3-4 lần ngân sách nhà nước. Ở ta thì đầu tư của doanh nghiệp chưa bằng ½ đầu tư từ ngân sách nhà nước. Rồi cơ chế quản lý, cơ chế sử dụng nhân tài KHCN cũng bất cập, gây lãng phí tài nguyên con người, tài nguyên nhân lực KHCN.

PV: Theo ông, về mặt chính sách, làm thế nào để tạo nên cú đột phá trong việc huy động vốn đầu tư cho KHCN?

TSKH Nghiêm Vũ Khải:Thực ra, Luật KHCN 2013 đã quy định một số chính sách, cơ chế khuyến khích tổ chức cá nhân đầu tư, lập quỹ phát triển KHCN... nhưng công tác triển khai vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, trắc trở.

Chúng ta biết rằng, đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng là loại đầu tư mạo hiểm, chứa đựng nhiều rủi ro, tỷ lệ thất bại khá cao. Do đó, Nhà nước phải thực sự phải là “bà đỡ vĩ đại” cho các sáng kiến, ý tưởng KHCN, phải nuôi dưỡng và tạo điều kiện tối đa để đưa các sáng kiến, ý tưởng đó trở thành giá trị.

Điều 46 của Luật KHCN 2013 quy định: “Dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế-xã hội sử dụng ngân sách nhà nước phải lập hạng mục chi cho ứng dụng, nghiên cứu và phát triển phục vụ xây dựng căn cứ khoa học trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và giải quyết vấn đề KHCN phát sinh trong quá trình thực hiện”.Đây là một cơ chế tạo điều kiện tăng đáng kể nguồn kinh phí cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN. Rất đáng tiếc là quy định này đến nay vẫn chưa triển khai trên thực tế.

Chính phủ đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, cứu trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ một số ngành kinh tế trong một số thời kỳ khó khăn nhất định. Điều đó là cần thiết. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một chương trình quốc gia nào mang tính đột phá về quy mô tài chính và giải pháp toàn diện để phát triển KHCN đúng với vị thế “ quốc sách hàng đầu”.Cho đến nay, hoạt động KHCN chủ yếu dựa vào 2% ngân sách nhà nước. Thậm chí, nhiều năm gần đây khi quyết toán chỉ còn 1,4% - 1,5% ngân sách nhà nước, quy ra chưa được 0,5% GDP của nước ta. Trong khi các quốc gia tiên tiến (các nước G7, Trung Quốc, Hàn Quốc) họ đầu tư khoảng 3-4% GDP. 

PV:Theo quan sát của ông thì hiện nay những tập đoàn lớn nào của nước ta đang hướng ưu tiên cho phát triển KHCN?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Ví dụ điển hình là một số tập đoàn kinh tế như: Viettel, VinaPhone, Vingroup, Trường Hải... Họ đã hình thành một số tổ chức KHCN tập hợp nhân lực KHCN ưu tú, trẻ tuổi được đào tạo tại Việt Nam và các quốc gia tiên tiến. Các tập đoàn kinh tế đã đầu tư mạnh, triển khai chế độ đãi ngộ và tạo môi trường nghiên cứu hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế. Một số nghiên cứu đã và đang đi vào ứng dụng.

Gần  đây, Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động khá hiệu quả để đầu tư, hỗ trợ, tài trợ cho những chương trình đổi mới sáng tạo, lập nghiệp. Người Việt Nam, nhất là trí thức trẻ Việt Nam rất cầu thị, sáng tạo và rất yêu nước. Ngày nay, mô hình tăng trưởng kiểu cũ dựa vào tài nguyên, vốn, lao động giá rẻ... không còn dư địa để tồn tại và phát triển nữa. Nếu được tuyên truyền, giáo dục tốt thì sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà sáng tạo và cộng đồng sẽ ngày càng trở nên mật thiết, gắn bó và thực chất hơn.

Tôi tin tưởng các doanh nghiệp lớn sẽ ngày càng đầu tư nhiều hơn cho công cuộc chấn hưng nền khoa học nước nhà, ngày càng đóng vai trò tích cực hơn cho định hướng chiến lược phát triển bền vững của đất nước.

PV:Để hiện thực hóa quan điểm ưu tiên sử dụng nhân tài của ta, theo ông cần phải chú ý nhất điều gì?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Tôi cũng đã nghiên cứu một số chính sách thu hút và sử dụng trí thức, đặc biệt là trí thức xuất sắc của một số quốc gia. Người ta đưa ra 3 nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách thu hút trí thức KHCN, đó là: Được đãi ngộ, được tôn vinh và được thực hiện hoài bão sáng tạo. Các nghiên cứu cho thấy: Đối với nhà khoa học chân chính thì việc được hoạt động sáng tạo là khát vọng mạnh mẽ nhất. Thứ đến là được đồng nghiệp và xã hội tôn vinh, công nhận thành tựu khoa học của nhà khoa học đó. Cuối cùng mới là sự đãi ngộ vật chất để đủ sống và lao động sáng tạo. Cách lý giải này giúp chúng ta hiểu phần nào một thực tế: Vì sao ngay sau khi giành độc lập năm 1945, Bác Hồ lại thuyết phục, thu hút được các nhà khoa học lớn chấp nhận gian khổ, hy sinh phục vụ kháng chiến thay vì ở lại Pháp và một số quốc gia khác để hưởng những đãi ngộ đặc biệt.

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay thì cuộc giành giật nhân tài tinh hoa diễn ra ngày càng quyết liệt. Có nhân tài KHCN là một lợi thế đặc biệt trong cạnh tranh quốc tế.

Nhân Ngày KHCN Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các độc giả và các đồng nghiệp-đội ngũ trí thức KHCN!

PV:Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN HỒNG - VIỆT MINH(thực hiện)

nguồn: https://ct.qdnd.vn/

Xem Thêm

Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.
Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.

Tin mới

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.